[Bất ngờ] Với công dụng của hồng bì – Hướng dẫn cách dùng và lưu ý
Hồng bì hay quất hồng bì là một trong những dược liệu quen thuộc. Cùng tìm hiểu về công dụng của hồng bì, cách dùng và lưu ý khi sử dụng.
Tên gọi khác: Hoàng bì, nhâm, quất hồng bì, quất bì
Tên khoa học: Clausena lansium
Họ: Cam Chanh (Rutaceae)
Mô tả về dược liệu hồng bì
1. Đặc điểm thực vật
Hồng bì là cây mọc hoang, thường được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta để lấy quả ăn và dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Cây hồng bì có những đặc điểm sau đây:
- Là cây cho trái lâu năm, cao 3 – 5m, cành sần sùi nhiều hạch, có cây cao đến 8m
- Lá kép dìa lẻ mọc so le hình trái xoan, chiều dài khoảng 35cm, lá chét hình trứng, phần cuống lá hơi tròn và nhẵn
- Hoa màu trắng, mọc thành từng chùy thưa ở ngọn cành, chùy hoa thường có độ dài khoảng 25 – 50cm, bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 3, đến tháng 4 – 5 thì nở rộ
- Quả hình cầu, kết quả vào khoảng từ tháng 6 – 8, khi chín có màu vàng nâu, có 1 – 2 ngăn, dài khoảng 2 – 3 cm. Lớp vỏ quả hồng bì có lông tơ, bên trong mỗi quả có 1 hạt to, thịt quả có mùi thơm dễ chịu, vị chua ngọt.
2. Phân bố
Hồng bì là cây mọc dại, tuy nhiên hiện nay, nó được trồng ở nhiều nơi để tiện thu hái. Khu vực phân bố chủ yếu của loại cây này là ở vùng Hoa Nam Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Ở nước ta, hồng bì đa phần mọc hoang dại, ngoài ra nó còn được trồng chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nhiều nhất là ở các tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình.
3/ Bộ phận dùng
Tất cả các bộ phận của cây hồng bì bao gồm rễ, lá, quả và hạt đều được dùng để làm thuốc.
4. Thu hái – sơ chế
Các bộ phận như rễ, lá của cây hồng bì có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, thông thường, để dược liệu phát huy dược tính tốt nhất, người ta thường chọn mùa thu để thu hái dược liệu.
Quả hồng bì đa phần chỉ được hái khi đã chín, thời gian quả chín rơi vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Thu cả vỏ khi quả chín hoặc nếu lấy hạt thì chỉ dùng hạt phơi khô.
Cách sơ chế các bộ phận của cây hồng bì để dùng làm thuốc như sau:
- Đối với lá và rễ, chỉ cần rửa sạch rồi làm khô sau khi thu hái rồi bảo quản nơi khô ráo thoáng mát để dùng dần
- Phần quả thì có thể đem làm mứt hoặc ngâm với nước đường để sử dụng.
5. Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu.
Vị thuốc hồng bì
1. Tính vị
Theo y học cổ truyền, tính vị của hồng bì như sau:
- Lá hồng bì vị đắng và cay, có tính bình
- Hạt vị đắng và cay, tính hơi ấm
- Quả hồng bì vị chua và ngọt thanh, tính hơi ấm
- Rễ vị đắng và cay nhẹ, tính hơi ấm
2. Tác dụng
Tùy vào từng bộ phận của cây hồng bì mà sẽ có những tác dụng khác nhau như:
- Lá có tác dụng hạ nhiệt, long đờm, hạ sốt, giải cảm, bảo vệ gan và lipid huyết, hạ đường huyết
- Hạt có tác dụng giảm đau, lợi tiêu hóa, tiêu phù
- Quả có tác dụng chữa ho, long đờm
- Rễ có tác dụng chữa cảm mạo, thấp khớp
3. Công dụng chữa bệnh
Hồng bì thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh sau:
- Chữa đau dạ dày
- Đau vùng thượng vị
- Đau bụng co thắt
- Trị ho, đặc biệt là ở trẻ em
- Chữa cảm mạo, thấp khớp
- Phòng bệnh hậu sản
- Bệnh đường ruột
- Cảm mạo, sốt, sốt rét
- Đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt
- Tiêu hóa kém
Ngoài ra, dân gian còn sử dụng lá hồng bì để gội đầu nhằm trị gàu, làm trơn tóc.
4. Cách dùng – liều lượng
Tùy vào mục đích sử dụng mà dùng hồng bì với liều lượng khác nhau. Đa phần người ta thương dùng quả hồng bì để ăn, làm mứt hoặc ủ lên men để uống như rượu. Đối với trường hợp dùng các bộ phận của hồng bì để làm thuốc thì có thể dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô điều được. Liều dùng còn tùy thuộc vào từng bài thuốc cụ thể, tuyệt đối không nên lạm dụng để tránh tình trạng phản tác dung.
Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu quất hồng bì
Hồng bì là vị thuốc quen thuộc, có mặt trong rất nhiều bài thuốc, có thể kể đến như:
1. Trị ho
Chữa ho ở trẻ em
- Lấy vài quả quất hồng bì tươi, rửa sạch, để ráo nước
- Đem hấp với một ít đường phèn, để nguội
- Cho trẻ dùng quất hấp đường phèn 2 – 3 lần mỗi ngày sẽ thấy giảm ho.
Chữa ho do ngoại cảm (ho gió)
- Lấy 20 – 30g quả hồng bì tươi rửa sạch, để ráo nước
- Đem bổ đôi, hấp với đường, chia ra nhiều phần ăn hết trong ngày.
Chữa ho gà
- Dùng một ít quất hồng bì phơi khô, bỏ hạt, cho vào hủ thủy tinh dùng dẫn
- Lấy hồng bì khô, củ sả, vỏ rễ dâu, củ bách bộ, hạnh nhân, cát cánh, ô mai, cam thảo, kinh giới, bạc hà mỗi vị 50g sắc kỹ lấy nước đặc
- Tiếp đó thêm đường nấu thành siro, mỗi lần dùng 2 – 3 thìa cà phê, sử dụng liên tục trong 2 – 3 ngày.
2. Giải khát, trị ho với siro hồng bì
Nếu bị ho, cảm mạo, tiêu hóa kém, chán ăn, bạn có thể sử dụng siro quất hồng bì để hỗ trợ điều trị vấn đề này.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 1kg quất hồng bì tươi, 1kg đường phèn
- Quả quất hồng bì rửa sạch với nước sôi để nguội, để ráo nước
- Dùng kéo cắt bò phần cuống, không nên dùng tay để tránh làm nát quả
- Cho hồng bì vào lọ, phủ đường phèn lên, đậy kín nắp
- Để nơi thoáng mát đến khi đường phèn tan đi là có thể sử dụng.
3. Kích thích tiêu hóa
Hồng bì cũng có tác dụng rất tốt trong việc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 30g rễ cây quất hồng bì, 20g rễ sử quân, 20g quả khế chua
- Làm sạch các dược liệu trên, sao vàng, sắc với nước cho cô đặc
- Chia thành nhiều phần, uống hết trong ngày
- Sử dụng liên tục trong 3 – 5 ngày sẽ giúp kích thích ăn ngon miệng.
4. Giảm đau dạ dày
Hạt hồng bì có tác dụng giảm đau dạ dày, đau thượng vị, do đó, nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể sử dụng hạt hồng bì để giảm đau.
Cách thực hiện:
- Lấy một lượng vừa đủ hạt hồng bì, phơi hoặc sấy khô
- Sao thơm hạt hồng bì rồi tán mịn, uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 6 – 10g
- Có thể chiêu hạt bằng nước hoặc rượu nhạt.
5. Giảm đau do viêm họng
Không chỉ có tác dụng chữa ho, quả hồng bì còn có hiệu quả rất tốt trong việc hỗ trợ giảm thiểu cơn đau rát cổ họng do viêm họng gây ra. Dùng quất hồng bì sẽ giúp cổ họng bạn được dịu lại, cải thiện cảm giác đau rát và giảm ho khi bị viêm họng.
Cách thực hiện:
- Lấy 2 – 3 quả quất hồng bì, ngậm với vài hạt muối
- Ngậm liên tục 3 – 4 lần trong ngày sẽ thấy cải thiện tình trạng viêm họng.
6. Hạ sốt, giải cảm
Lá hồng bì vị đắng, tính bình, có tác dụng hạ sốt, giải cảm, do đó bạn có thể dùng lá hồng bì trong trường hợp này.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 30g lá hồng bì tươi
- Lá hồng bì rửa sạch, phơi khô
- Sắc với 500ml nước, thấy còn 250ml thì tắt bếp
- Dùng nước này uống khi còn ấm cho ra mồ hôi.
7. Trị chứng nấc
Nguyên liệu: 15 – 20 quả hồng bì chín, 1 thìa cà phê mật ong
Cách thực hiện:
- Lấy hồng bì và mật ong hấp cách thủy
- Đến khi quả hồng bì chín thì dầm nát, pha với nước để uống.
8. Trị nôn ói
Nguyên liệu: 2 – 3 quả hồng bì tươi
Cách thực hiện:
- Hồng bì tươi rửa sạch, để cho ráo nước
- Dùng quả hồng bì nhai cả vỏ, ngậm và nuốt từ từ
Vị chua ngọt và mùi thơm của quả hồng bì sẽ giúp ức chế cảm giác buồn nôn, giúp cảm giác này nhanh chóng qua đi.
9. Trị gàu
Nguyên liệu: 1 nắm lá hồng bì
Cách thực hiện:
- Lá hồng bì tươi rửa sạch, nấu với 1 lít nước
- Đợi đến khi nước sôi thì đun thêm 5 phút, pha với nước mát rồi lấy gội đầu
Thường xuyên gội đầu bằng lá hồng bì sẽ giúp sạch gàu, tóc trơn mượt và đẹp hơn.
Một số lưu ý khi dùng quất hồng bì chữa bệnh
Khi sử dụng hồng bì để chữa bệnh, có một số vấn đề mà người bệnh cần lưu ý sau đây:
- Hồng bì là vị thuốc nam quý, được sử dụng phổ biến trong dân gian, có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Tuy nhiên, vị thuốc này không phải “thần dược”, không thể trị triệt để bệnh, hơn nữa tác dụng chậm, hiệu quả phụ thuộc vào cơ địa mỗi người.
- Hồng bì được bán ở nhiều phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền… thế nhưng bạn nên chọn những địa chỉ uy tín, chất lượng để tránh mua phải dược liệu kém chất lượng.
- Hồng bì mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng không thể thay thế thuốc đặc trị, do đó, nếu muốn sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trên đây là một số thông tin về công dụng, cách dùng hồng bì để hỗ trợ điều trị các bệnh như đau vùng thượng vị, đau dạ dày, đau bụng co thắt, hạ sốt, giải cảm… Mặc dù hồng bì nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe nhưng tốt nhất bạn không nên lạm dụng, tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
Có thể bạn quan tâm:
- Bạch thược có tác dụng gì? Liều lượng và cách dùng đúng
- Sâm cao ly: Đặc điểm, công dụng trị bệnh và cách sử dụng