[Sâm Cao Ly] Đặc điểm, công dụng trị bệnh và cách sử dụng
Sâm cao ly được xếp trong nhóm các vị thuốc thượng phẩm. Không chỉ có tác dụng trị bệnh mà còn được sử dụng để bồi bổ, cải thiện sức khỏe.
Nhưng để đạt được những lợi ích này trước tiên bạn phải hiểu rõ về đặc tính, cách chế biến và liều lượng vừa phải.
- Tên gọi khác: Nhân sâm, Sâm Hàn Quốc, Sâm Triều Tiên, Sâm đất, Thổ Nhân sâm
- Tên khoa học: Panax ginseng C. A. Mey
- Họ: Ngũ gia bì – Araliaceae
Cái tên Sâm Cao Ly bắt nguồn từ đâu?
Theo lịch sử ghi chép lại, Sâm Cao Ly là loại nhân sâm được phát hiện đầu tiên tại Vương quốc Cao Ly. Đây là một vương quốc nhỏ nằm ttre6n bán đảo Triều Tiên, được thành lập vào năm 918. Cho đến năm 1932 thì vương quốc này đến giai đoạn thoái trào và sụp đổ.
Từ đó, Sâm Cao Ly được biết đến với tên gọi khác đó là Sâm Triều Tiên hay nhân sâm Hàn Quốc.
Mô tả dược liệu Sâm Cao Ly
Đặc điểm nhận diện
Sâm Cao Ly là loại cây mọc trên rừng với tuổi thọ rất lâu, có thể hơn trăm năm. Cây có chiều cao khoảng 0,6m, tuổi thọ của cây càng cao thì phần rễ của cây càng phát triển to thành củ sâm. Lá sâm thon dài mọc xoay vòng với phần cuống lá, là loại lá kép có nhiều lá con có hình dạng giống chân vịt và phần lá có mép răng cưa sâu.
Thông thường, khi cây được trồng được từ 3 năm trở lên sẽ bắt đầu vào giai đoạn ra hoa, chủ yếu là vào tháng 3 – 5 mùa hè. Hoa của Sâm Cao Ly có màu xanh nhạt, cụm hoa có hình tán, mọc ở phía đầu cành, mỗi hoa gồm 5 cánh, 5 nhụy và có bầu hạ 2 núm.
Đối với quả Sâm Cao Ly có hình dạng hơi dẹt to, có kích thước bằng hạt đậu xanh. Quả khi chín sẽ có màu đỏ tươi, mỗi quả có 2 hạt. Thường thì người ta sẽ lấy hạt của những cây sâm có tuổi đời từ 4 năm trở lên để làm giống gieo trồng, còn dưới thời điểm này thì hạt chưa đủ tốt. Quả Sâm Cao Ly thường sai trái từ tháng 6 – 7 hàng năm.
Phần củ của Sâm Cao Ly là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm, đây chính là bộ phận được sử dụng để làm thuốc bổ, trị bệnh cực kỳ hiệu nghiệm. Củ Sâm Cao Ly có hình dáng đầy đặn, gần giống con người, có nhiều rễ con. Vỏ ngoài có màu nâu vàng, nhưng lúc mới được đào lên có màu hồng trắng và sau khi được phơi khô thì có màu đen.
Khu vực phân bố
Sâm Cao Ly vốn dĩ có nguồn gốc từ xứ sở Cao Ly – Triều Tiên. Sau đó, Hàn Quốc do có khí hậu và đặc điểm đất đai tương đồng nên hiện nay Sâm Cao Ly cũng được trồng phổ biến tại quốc gia này.
Bộ phận sử dụng
- Rễ hay còn gọi là củ sâm chính là phần được sử dụng nhiều nhất để hỗ trợ chữa trị bệnh, bồi bổ sức khỏe.
- Riêng phần hạt Sâm Cao Ly trên 4 tuổi sẽ được dùng để làm giống gieo trồng.
Thu hoạch và sơ chế
Mùa thu hàng năm chính là thời điểm thu hoạch Sâm Cao Ly, chủ yếu rơi vào tháng 9 – 10. Rễ sâm là phần được thu hoạch, chỉ thu hái những củ sâm có tuổi thọ từ 4 năm trở lên. Sau đó, củ sâm được rửa sạch, có thể sử dụng trực tiếp để ăn sống, nấu canh ăn từ củ sâm tươi, sắc thuốc hoặc sơ chế rồi bảo quản sử dụng dần.
Một số cách sơ chế biến Sâm Cao Ly phổ biến hiện nay:
- Đối với chế biến hồng sâm: Để chế biến hồng sâm, người ta sẽ sử dụng những củ sâm được tuyển chọn kỹ lưỡng, chất lượng tốt nhất cả về kích thuốc lẫn hình dáng. Sau đó mang đi hấp từ 3 – 6 lần để nước trong củ nhân sâm rút xuống dưới 14% là được. Lúc này, nhân sâm tươi khi chế biến thành hồng sâm có chứa hàm lượng chất Saponin có công dụng trị bệnh hiệu quả, tốt cho sức khỏe.
- Đối với chế biến bạch sâm: Bạch sâm thực chất là loại sâm được sơ chế từ những củ sâm không đạt đủ tiêu chuẩn để làm hồng sâm. Củ sâm sau khi được thu hoạch sẽ đem rửa sạch, loại bỏ hết cát bụi bên ngoài, cạo bỏ phần vỏ và đem phơi nắng cho ráo nước. Sau đó, đem trụng sơ qua nước sôi, tẩm ướp với lượng đường vừa phải và cuối cùng là sấy khô để tạo nên sản phẩm cuối cùng. Bạch sâm cũng chứa hàm lượng các chất tốt cho sức khỏe không thua kém gì hồng sâm.
Một số cách chế biến thông thường khác như:
- Củ Sâm Cao Ly rửa sạch và đem phơi nắng cho héo rồi bảo quản sử dụng dần.
- Sâm Cao Ly trụng nước sôi rồi cũng đem trụng nước sôi trong vài phút và bảo quản sử dụng dần.
- Cắt củ Sâm Cao Ly thành từng lát rồi đem ngâm với nước gừng tươi trong vòng 30 phút theo tỷ lệ 10:1, bỏ lên chảo sao với lửa nhỏ cho đến khi thấy sâm khô lại thì cho vào hũ bảo quản dùng dần.
Ngoài 2 loại sâm kể trên thì hiện nay còn có những loại sâm khác nhau như Sinh Sát Sâm và Đại Lực Sâm cũng có công dụng hỗ trợ trị bệnh và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Không những vậy, trên thị trường hiện nay còn có loại trà sâm có chứa dịch chiết xuất từ Sâm Cao Ly được bốc hơi và bào chế dưới dạng bột hòa tan, bảo quản trong túi giấy bạc.
Thành phần hóa học của Sâm Cao Ly
Thành phần chính trong Sâm Cao Ly đó là chất Saponin gồm Ginsenosides Ro, Re, Rg1, Rg2, Rg3, Rh1, Rh2, Ra1, Ra2, Polyacetylenic, Axit béo, Panaxan A và B, Peptides, Polysaccharides, Malnonyl, dẫn xuất Phenolics, gluxit, tinh dầu…
Phân loại Sâm Cao Ly
Hiện nay, Sâm Cao Ly có rất nhiều loại khác nhau, tùy vào nhu cầu sử dụng của từng người mà chọn lựa cho phù hợp. Trong đó, có thể kể đến 4 loại phổ biến nhất gồm:
Sâm Cao Ly khô
Đây là loại sâm được thu hái và đem phơi cho khô rồi bảo quản sử dụng dần. Loại sâm này khá cứng, có vị đắng đặc trưng của sâm và có chứa rất nhiều dưỡng chất quý. Bất kỳ đối tượng nào từ già đến trẻ, nam hay nữ để có thể sử dụng Sâm Cao Ly khô. Có thể cắt thành từng miếng Sâm Cao Ly khô nhỏ vừa miệng để ngậm hoặc nhai trực tiếp.
Ngoài ra, Sâm Cao Ly khô còn được sấy cho khô rồi đem tán nhuyễn thành bột mịn, hằng ngày pha với nước uống cũng đem lại hiệu quả cao.
Sâm Cao Ly tươi
Sâm Cao Ly có màu vàng nhạt đẹp mắt. mùi thơm nhẹ và đem lại hiệu quả cực kỳ tốt khi sử dụng. Có thể sử dụng bằng nhiều cách như ngậm nhai trực tiếp, nấu cháo, nấu canh, pha trà, sắc thuốc, ngâm rượu… Sâm Cao Ly tươi phù hợp với nhiều đối tượng.
Sâm Cao Ly Việt Nam
Sâm Cao Ly tại Việt Nam còn được gọi với cái tên là là sâm đất. Nó có kích thước nhỏ, củ có màu hồng nhạt và được sử dụng để cải thiện sức khỏe, bồi bổ cơ thể và hỗ trợ điều trị một số bệnh như giải độc gan, kiết lỵ, bổ huyết, tiêu hóa kém…
Sâm Cao Ly Hàn Quốc/Triều Tiên
Sâm Cao Ly có xuất xứ từ Triều Tiên hoặc Hàn Quốc được các chuyên gia đánh giá là loại sâm thượng phẩm, bởi có kích thước to, nặng và chất lượng hơn các loại sâm khác. Có thể sử dụng sâm để sấy khô, phơi khô, bảo quản sử dụng, tán thành bột mịn, ngâm rượu, ăn sống trực tiếp…đều cho hiệu quả rất tốt.
Đặc điểm vị thuốc Sâm Cao Ly
Tính vị – Quy kinh
- Sâm Cao Ly có vị ngọt, tính ôn
- Được quy vào 3 kinh Phế, Tỳ và Tâm.
Tác dụng dược lý
Theo các nghiên cứu hiện đại
Các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều cuộc nghiên cứu về loại dược liệu quý hiếm này và nhận định nó có tác dụng chữa bệnh và hỗ trợ cải thiện các vấn đề sau đây:
- Đối với hệ thần kinh trung ương: Các hoạt chất trong Sâm Cao Ly có tác dụng kích thích sự hưng phấn của vỏ não. Không những vậy nó còn giúp cải thiện mức độ linh hoạt của các dây thần linh, làm tăng quá trình ức chế thần kinh. Từ đó, giúp đưa hệ thần kinh trở về trạng thái bình thường nếu có bất kỳ sự rối loạn thần kinh nảo xảy ra.
- Đối với tuyến yên và vỏ thượng thận: Hoạt chất Ginsenoid có trogn Sâm Cao Ly có tác dụng chống lại sự kích ứng và kích thích ức chế những rối loạn thay đổi về mặt trọng lượng của tuyến ức, lách, tuyến thượng thận và cả tuyến giáp nữa.
- Đối với khả năng cải thiện sức khỏe chung của cơ thể: Những hoạt chất tốt và quý hiếm trong Sâm Cao Ly có tác dụng cải thiện sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe, tạo ra màng chắn bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus, nhiễm độc rượu, nhiễm độc do chiếu xạ, đặc biệt là cải thiện tinh thần, giảm stress…
- Khả năng điều hòa huyết áp: Theo nghiên cứu khoa học, với một liều nhân sâm nhỏ có tác dụng làm tăng huyết áp nhẹ, ngược lại ở liều cao lại có khả năng làm giảm huyết áp. Lý giải vấn đề này là do các chất trong Sâm Cao Ly gây giãn huyết quản, chất Atropin có khả năng ức chế tình trạng này và làm giãn mạch đối với các sợi mạch não, mạch vành hoặc đáy mắt do adrenalin và chloroform gây ra.
- Đối với quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể: Đã có rất nhiều nghiên cứu nhận định rằng Sâm Cao Ly có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất chất trong cơ thể, tăng cường sự hô hấp tế bào, cải thiện quá trình phân hủy đường cũng như sự chuyển hóa các chất thành năng lượng cho cơ thể.
- Đối với tuyến sinh dục: Sử dụng Sâm Cao Ly có tác dụng kích thích tuyến yên phát triển và hoạt động tối đa. Nhờ đó giúp phân biệt các loại hormone giới tính và hướng sinh dục. Không những vậy còn thúc đẩy quá trình trưởng thành giới tính. Đặc biệt, giúp tăng cường khả năng sinh lý ở cả nam và nữ.
- Đối với hệ tuần hoàn: Các hoạt chất trong Sâm Cao Ly không chỉ giúp bồi bổ sức khỏe mà còn giúp kích thích sự co bóp của tim, từ đó giúp cải thiện tình trạng rối loạn nhịp tim do chất adrenalin và chloroform gây ra.
- Đối với da: Sử dụng Sâm Cao Ly thường xuyên với liều lượng vừa phải giúp bạn có làn da đẹp, mịn màng, căng bóng, ngăn ngừa các dấu hiệu gây lão hóa da.
- Một số tác dụng khác: Ngoài những công dụng kể trên thì Sâm Cao Ly còn có một số công dụng tuyệt vời khác như tăng cường chức năng thải độc của gan, làm ức chế hoặc hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư, đem lại cho bạn một thị lực tốt hơn, ức chế sự hình thành cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, kích thích sự lưu thông máu đến não…
Tóm lại, theo Y học hiện đại Sâm Cao Ly có tác dụng tốt đối với toàn bộ cơ thể, không chỉ có tác dụng chữa trị bệnh mà còn giúp bồi bổ, cải thiện sức khỏe. Do đó, loại sâm này cực kỳ phù hợp với người lớn tuổi, những người ở độ tuổi trung niên, giúp trẻ em tăng cân, hồi phục sức khỏe nhanh sau cơn bạo bệnh…
Theo Y học cổ truyền
Theo ghi chép trong sách “Bản kinh” (Trung Quốc) cho rằng nhân sâm có tác dụng chính giúp bồi bổ ngũ tạng, trừ tà khí, an thần kinh, minh mục, khai tâm tích trí, chỉ kinh quý…
Đây là một vị thuốc bổ quý hiếm và được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Y học cổ truyền nhằm cải thiện sức khỏe, tăng cường trí lực, nhất là những khi cảm thấy cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, trải qua cơn bạo bệnh và đang trong thời gian hồi phục…
Ngoài ra, Sâm Cao Ly còn được sử dụng như một vị thuốc có tác dụng chữa bệnh tim mạch, suy nhược thần kinh, tiểu đường, dương ủy…Theo y học cổ truyền, nhân sâm chủ trị chứng: tim đập nhanh, ho hen, miệng lưỡi khô khốc, suy nhược cơ thể, tim đập nhanh gây hồi hộp, mất máu, lạnh cung, dương ủy, tỳ hư tiết tả…
Các cách sử dụng và liều dùng Sâm Cao Ly
Sâm Cao Ly có rất nhiều cách để sử dụng và tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà liều lượng sử dụng hằng ngày sẽ khác nhau. Sâm Cao Ly được sử dụng đó là từ củ sâm từ 4 tuổi trở lên và những cách dưới đây sẽ giúp phát huy hết tác dụng của Sâm Cao Ly:
- Hãm thành trà để uống: Sử dụng 1 – 2g sâm tươi hoặc khô đều được cho vào ấm nấu cùng 200ml nước, nấu trong vòng 10 phút. Sau đó, lọc lấy nước và uống hết trong ngày, có thể cho nước mới vào trong ấm và sắc tiếp vài lần nữa cho đến khi trà không còn vị nữa. Phần bã còn lại không nên vứt bỏ, dùng để nhai nuốt cũng rất tốt cho sức khỏe.
- Ngậm trực tiếp sâm tươi: Dùng một lát sâm mỏng ngậm trực tiếp trong miệng cho đến khi sâm mềm ra thì nhai kỹ và nuốt hẳn. Khuyến khích mỗi ngày ngậm từ 3 – 4 lát mỏng.
- Tán thành bột mịn: Sâm Cao Ly tươi rửa sạch, phơi khô rồi đem tán thành bột mịn, cho vào hũ thủy tinh bảo quản sử dụng dần. Mỗi lần dùng 1 – 2g pha với nước ấm để uống.
- Sâm Cao Ly ngâm mật ong: Sâm rửa sạch, thái nhỏ và cho vào hũ thủy tinh ngâm cùng mật ong trong khoảng 10 ngày là có thể sử dụng được. Mật ong sẽ giúp giảm vị đắng của mật ong và dễ ăn hơn, tăng cường công dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe.
- Sâm Cao Ly ngâm rượu: Dùng 100 – 120g sâm tươi ngâm cùng 1 lít rượu trong vòng 3 tháng rồi lấy ra sử dụng. Mỗi ngày uống một ly rượu nhỏ không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn hỗ trợ trị bệnh yếu sinh lý, xuất tinh sớm…
Lưu ý, nếu sử dụng Sâm Cao Ly kết hợp cùng với các vị thuốc khác để sắc lấy nước uống thì nên sử dụng với liều lượng từ 3 – 15g hoặc 40g nếu cần thiết và tùy vào từng bài thuốc.
Gợi ý một số bài thuốc chữa bệnh từ Sâm Cao Ly
1. Bài thuốc chữa thiếu máu
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị các nguyên liệu gồm 20 – 40g hoàng kỳ, 12 -16g đương quy và một lượng sâm vừa đủ. Đem sắc và lọc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 12 – 16g đương quy, 4g Sâm Cao Ly, 6 – 8g xuyên khung, 12 – 24g thục địa hoàng, 12 – 16g bạch thược. Đem tất cả nguyên liệu sắc với nước cho đến khi còn khoảng 200ml nước thì tắt bếp, lọc lấy nước uống ngày 2 lần, mỗi ngày chỉ dùng 100ml là đủ.
2. Bài chữa trị buồn nôn, nôn ói do Tỳ vị hư nhược
- Chuẩn bị: 6g mộc qua và quất hồng, 8g hoắc hương và 10g sâm Cao Ly
- Cách thực hiện: Cho hết các nguyên liệu đã chuẩn bị vào ấm và sắc lấy nước uống, mỗi ngày sử dụng 1 thang là đủ.
3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị tình trạng huyết vựng ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: Tô mộc, sâm và đương quy mỗi thứ 10g.
- Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu cùng 300ml nước, lưu ý sắc đặc và mỗi ngày uống với đồng tiện. Kiên trì mỗi ngày uống một thang để đạt hiệu quả tốt nhất.
4. Bài thuốc chữa chứng đới hạ
- Chuẩn bị: Ô mai và liên nhục mỗi thứ 8g, nhục đậu khấu, hoạt thạch và thăng ma mỗi thứ 6g, hoàng liên 10g và sâm 12g.
- Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu vào ấm sắc cùng 800ml nước, đợi khi còn 200ml thì tắt bếp, lọc lấy nước chia làm 2 lần uống, mỗi ngày uống 1 thang thuốc cho đến khi đạt được hiệu quả khả quan.
5. Bài thuốc trị chứng tiết tả do trúng lạnh
- Chuẩn bị: Bạch truật 7g, phụ tử chế, chích thảo và nhục quế mỗi thứ 4g, can khương 6g và sâm Cao Ly 10g.
- Cách thực hiện: Sắc tất cả nguyên liệu cùng 1 lít nước, đến khi sắc xuống còn khoảng 300ml nước thì lọc lấy nước chia làm 3 lần uống. Mỗi ngày chỉ được sử dụng 1 thang thuốc.
6. Bài thuốc cải thiện sức khỏe, chữa suy nhược cơ thể do lao lực quá độ
- Chuẩn bị: Mạch môn và phụ tử chế mỗi thứ 8g, nhục quế, ngũ vị mỗi thứ 6g và sâm Cao Ly 12g.
- Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu cùng 600ml nước cho đến khi còn lại 200ml. Chia nước thuốc đã sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ sử dụng một thang
7. Bài thuốc chữa hốt hoảng và hồn phách không định
- Chuẩn bị: Viễn chí và ích trí nhân mỗi thứ 6g, mạch môn 8g, phục linh và sâm Cao Ly mỗi thứ 10g.
- Cách thực hiện: Sắc tất cả các nguyên liệu thành nước thuốc rồi chia làm 2 lần uống mỗi ngày. Lưu ý ngày sử dụng một thang.
8. Bài thuốc hỗ trợ điều hòa đường huyết
- Chuẩn bị: Thiên môn đông và sơn thù du mỗi thứ 12g, kỷ tử và sâm mỗi thứ 16g, thục địa 24g, cát lâm sâm 8g.
- Cách thực hiện: Đối với cát lâm thì sắc riêng một ấm, còn các nguyên liệu còn lại sắc riêng một ấm. Sau đó hòa 2 nước sắc lại với nhau và chia làm 2 lần uống, uống hết trong ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
9. Bài thuốc chữa hen phế quản và bệnh viêm phế quản mãn tính
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị ngũ vị tử, sâm và tắc kè mỗi thứ 8g, hồ đào nhục 16g, thục địa 20g, thục phụ tử 12g. Đối với Sâm Cao Ly sắc riêng , còn lại những nguyên liệu khác sắc riêng. Sau khi sắc xong lấy nước của 2 ấm thuốc hòa chung với nhau và chia ra làm 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc2: Dùng hồ đào nhục 12g và sâm Cao Ly 4g. Đem tất cả các nguyên liệu sắc lấy nước uống, uống hết trong ngày, nên uống khi còn ấm và mỗi ngày dùng 1 thang là tốt nhất.
10. Bài thuốc chữa chứng vong dương vong âm
- Bài thuốc1: Dùng phụ tử chế 4 – 16g và sâm 3 – 6g. Sắc tất cả các nguyên liệu cùng 500ml nước, lọc lấy nước thuốc uống mỗi ngày, ngày dùng 1 thang, chỉ cần dùng 6 lần là khỏi.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị khoảng 12g Sâm Cao Ly, đem chưng cách thủy khoảng 15 phút rồi chia ra làm nhiều phần, uống hết trong ngày.
11. Bài thuốc trị bệnh cảm cho người có khí hư
- Chuẩn bị: Tiền hồ, cát cánh, bán hạ, trần bì, chỉ xác và sâm Cao Ly mỗi thứ 4g, phục linh, cát căn và tô diệp mỗi thứ 12g, cam thảo 3g, đại táo 2 quả và sinh khương 3 lát.
- Cách thực hiện: Đem Sâm Cao Ly sắc riêng, còn các vị thuốc còn lại thì sắc chung sau đó cho thêm 3g mộc hương vào. Hòa 2 loại nước sắc cùng nhau và chia làm 3 lần uống, uống hết trong ngày, mỗi ngày uống một thang là đủ.
12. Bài thuốc hỗ trợ chữa trị bệnh tiểu đường
- Chuẩn bị: 16g Sâm Cao Ly, 24g thục địa, 12g thiên môn đông, 8g cát lâm sâm, 12g sơn thù du, 16g kỷ tử.
- Cách thực hiện: Cát lâm đem sắc riêng, còn các vị thuốc còn lại sắc chung. Hòa chung 2 loại nước sắc cùng nhau và chia làm 2 lần uống trong ngày, nên uống khi nước thuốc ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
13. Bài thuốc chữa đới hạ kéo dài không dứt
- Chuẩn bị: 12g Sâm Cao Ly, 10g hoàng liên, 8g liên nhục, 8g ô mai, 6g hoạt thạch, 6g thăng ma, 6g nhục đậu khấu.
- Cách thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị sắc cùng 200ml nước. Lọc lấy nước, bỏ bã và chia làm 2 lần uống mỗi ngày, ngày chỉ được sử dụng một thang thuốc.
14. Bài thuốc hỗ trợ chữa tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa
- Chuẩn bị: 4g Sâm Cao Ly, 12g bạch truật, 12g bạch linh cùng 4g cam thảo.
- Cách thực hiện:Cho các nguyên liệu vào ấm thuốc và sắc cùng 300ml nước, lọc lấy phần nước thuốc và chia làm 3 lần uống. Nên uống hết trong ngày và uống khi còn ấm là tốt nhất.
Một số món ăn ngon giúp bồi bổ sức khỏe từ Sâm Cao Ly
Bên cạnh công dụng trị bệnh, làm thuốc thì sử dụng Sâm Cao Ly cho vào trong các món ăn cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe, cải thiện bệnh tật hiệu quả.
Một số món ăn ngon có Sâm Cao Ly bạn có thể thực hiện ngay tại nhà như:
Canh hạt sen, sâm cao ly
- Chuẩn bị nguyên liệu: 20g hạt sen. 6g sâm cao ly, 15g đường phèn
- Cách chế biến: Sâm nấu cùng hạt sen cho chín nhừ rồi cho đường phèn vào để tạo vị ngọt dễ uống. Sau đó tiếp tục đun cách thủy trong vòng 1 tiếng đồng hồ nữa thì tắt bếp. Nên uống khi còn nóng để đạt hiệu quả cải thiện sức khỏe, kích thích ăn uống ngon miệng và khắc phục chứng suy nhược cơ thể.
Cháo sâm cao ly
- Chuẩn bị: 9g sâm cao ly, 150g kê, 15g hẹ và 1 lòng trắng trứng gà.
- Cách chế biến: Sâm đem sắc thành nước cho đặc để riêng. Vọ gạo và nấu cháo cho chín nhừ rồi cho nước sâm, trứng gà, hẹ vào khuấy đều lên, nêm nếm một ít gai vị muối, hạt nêm, đường cho vừa ăn rồi tắt bếp. Ngày ăn 2 lần giúp hỗ trợ cải thiện những bệnh như tai biến mạch máu não, kích ứng gây vật vã, chán ăn…
Món gà hầm sâm
- Chuẩn bị: 3g sâm cao ly, một con gà mái tơ , 3g hoàng kỳ, 3g bạch thược, 3g bạch truật, 3g viễn chí, 3g thỏ ti tử, 3g phục linh, 3g sinh khương, 3g dâm dương hoắc, 3g hoài ngưu tất.
- Cách chế biến: Gà sơ chế sạch sẽ, bỏ lông, nội tạng cho vào nồi, tất cả các nguyên liệu thuốc cho vào túi vải buộc chặt đầu và cho vào nồi cùng gà. Cho nước vào và nêm một ít gia vị vừa miệng rồi bắt đầu hầm trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Gà vớt ra ăn, húp nước và có thể nhai sâm để đạt hiệu quả tốt hơn.
Sâm hấp trứng gà
- Chuẩn bị: 1 quả trứng gà, 1 – 2g bột nhân sâm
- Cách chế biến: Trứng gà đục một lỗ nhỏ trên đỉnh đầu nhọn, cho bột nhân sâm vào trong trừng gà và khuấy đều lên. Dùng khăn giấy đậy lỗ nhỏ lại và cho vào nồi hấp chín. Mỗi ngày ăn một quả trứng hấp sẽ giúp cải thiện bệnh rất tốt.
Lưu ý khi sử dụng Sâm Cao Ly để chữa bệnh
Có thể thấy rằng, Sâm Cao Ly đem lại rất nhiều công dụng chữa bệnh, cải thiện sức khỏe cực kỳ tốt cho con người. Nó được xem như một món quà quý hiếm mà Thượng đế ban tặng cho con người chúng ta.
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích từ nó thì bạn cần hiểu rõ về dược tính cũng như cách sử dụng đúng, tuân thủ liều lượng nếu không muốn gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, khi quyết định sử dụng loại dược liệu này hãy đọc và nắm rõ các thông tin sau:
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người có cơ địa thực nhiệt hoặc bị cảm mới thổ huyết thì nên tránh sử dụng.
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi cũng tránh sử dụng. Riêng những trẻ bị suy dinh dưỡng có thể tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để được điều chỉnh liều dùng cho phù hợp và an toàn.
- Những người bị tiểu đường và huyết áp cần theo dõi và quan sát tình trạng sức khỏe sau khi sử dụng vì Sâm Cao Ly có tác dụng hạ huyết áp và đường huyết rất nhanh.
- Những người có sức khỏe yếu, cơ địa nhạy cảm thì chỉ nên sử dụng vào buổi sáng với liều lượng thấp từ 2 – 3g/ngày.
- Khi sử dụng Sâm Cao Ly nên tránh ăn cùng củ cải, ngoài ra các dược liệu như Lê Lô, Ngũ Linh Chi, Tạo Giáp cũng cần tránh sử dụng chung.
Giá Sâm Cao Ly bao nhiêu?
Với nhiều loại sâm, đa dạng chủng loại nên mức giá của Sâm Cao Ly cũng khác nhau. Ngoài ra, tùy theo tuổi đời, xuất xứ và trọng lượng của sâm mới có thể quy ra mức giá cụ thể được. Nhìn chung trên thị trường hiện nay, Sâm Cao Ly Triều Tiên là loại sâm có giá đắt hơn so với sâm Hàn Quốc.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, giá của Sâm Cao Ly Triều Tiên thường rơi vào khoảng 3.000.000 – 5.000.000đ/kg, còn giá Sâm Cao Ly Hàn Quốc từ 2.000.000 – 4.000.000đ/kg, còn giá sâm đất Việt Nam có giá từ 1.000.000 – 2.000.000đ/kg.
*Mức giá trên thực tế có thể thay đổi tùy theo loại sản phẩm, thời điểm, chất lượng sâm.
Tóm lại, Sâm Cao Ly là loại dược liệu quý hiếm, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, trị bệnh hiệu nghiệm. Tuy nhiên, lưu ý sử dụng với liều lượng phù hợp và sử dụng đúng cách, mua sâm ở những nơi uy tín, đảm bảo chất lượng, không phải hàng giả để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Hải sâm: Tác dụng và Cách dùng bồi bổ sức khỏe
- Bạch thược có tác dụng gì? Liều lượng và cách dùng đúng