Thụ tinh nhân tạo IUI là gì? Các bước chuẩn bị, quy trình và chi phí
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về thụ tinh nhân tạo IUI là gì? Các bước chuẩn bị, quy trình cũng như chi phí thực hiện IUI.
Thụ tinh nhân tạo (IUI/ Intrauterine Insemination) là phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp vợ chồng bị vô sinh – hiếm muộn. Phương pháp này chọn lọc các tinh trùng khỏe mạnh, sau đó bơm trực tiếp vào buồng tử cung ở thời điểm rụng trứng để tăng cơ hội mang thai. IUI được đánh giá tương đối an toàn, quy trình thực hiện đơn giản và đem lại hiệu quả khá cao.
Thụ tinh nhân tạo IUI là gì?
Thụ tinh nhân tạo/ IUI (Intrauterine Insemination) là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến. Phương pháp này được thực hiện bằng cách bơm tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung ở thời điểm rụng trứng. Trước khi bơm, bác sĩ sẽ lấy mẫu tinh dịch, chọn lọc các tinh trùng có khả năng di dộng tốt, dẻo dai và tiến hành kích trứng để tăng cơ hội thụ thai.
IUI giúp tăng tỷ lệ mang thai đáng kể và là một trong những giải pháp tối ưu dành cho các cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh, bác sĩ có thể kết hợp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với các loại thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc theo sát chu kỳ kinh nguyệt của người vợ để tăng cơ hội mang thai.
Các trường hợp có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI
Thụ tinh nhân tạo là giải pháp làm tăng cơ hội thụ thai thành công. Hiện nay, kỹ thuật này được áp dụng trong nhiều trường hợp như:
1. Đối với nam giới
Nam giới có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo trong những trường hợp sau:
- Bất thường về phóng tinh: Nam giới gặp phải tình trạng xuất tinh ngược dòng, lỗ tiểu đóng thấp, bất lực do bệnh lý/ tâm lý và chấn thương tủy sống (tổn thương dây thần kinh khiến nam giới không thể xuất tinh) có nguy cơ bị vô sinh và hiếm muộn cao. Do đó, hầu hết nam giới gặp phải vấn đề về phóng tinh đều được khuyến khích thực hiện IUI để tăng cơ hội thụ thai.
- Chất lượng tinh trùng kém: Sau khi được phóng thích vào âm đạo, tinh trùng phải di chuyển qua cổ tử cung, buồng tử cung và ống dẫn trứng để “gặp gỡ” với trứng. Tuy nhiên, nam giới có số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng loãng, dị dạng, khả năng di dộng và sức sống kém có thể bị tiêu diệt hoàn toàn ở cổ tử cung.
- Kháng thể kháng tinh trùng: Kháng thể kháng tinh trùng là tế bào miễn dịch đặc hiệu trong cơ thể nam giới có khả năng tiêu diệt và chống lại tinh trùng. Các kháng thể này có thể liên kết với đầu hoặc đuôi của tinh trùng, làm giảm khả năng vận động và dẫn đến không thể hình thành hợp tử bào thai. Do đó, đa phần nam giới có kháng thể kháng tinh trùng đều phải can thiệp IUI nếu muốn sinh con.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân: Trên thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh không thể xác định được nguyên nhân. Trong trường hợp này, thụ tinh nhân tạo là giải pháp tối ưu. Để tăng khả năng thụ thai, bác sĩ thường kết hợp kỹ thuật này cùng với thuốc kích thích gây rụng trứng.
2. Đối với nữ giới
Đối với nữ giới, thụ tinh nhân tạo thường được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Mong muốn làm mẹ đơn thân: Hiện nay, nhiều nữ giới không muốn lập gia đình nhưng vẫn mong muốn có con cái. Thụ tinh nhân tạo trong trường hợp này sẽ sử dụng tinh trùng của người hiến tặng để thực hiện bơm vào buồng tử cung. Các tinh trùng được lựa chọn phải đạt chứng nhận kiểm định và được bảo quản đông lạnh trước khi sử dụng.
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là bệnh phụ khoa lành tính thường gặp ở nữ giới. Bệnh xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung khiến vòi trứng, ống dẫn trứng bị tổn thương. Đồng thời làm rối loạn hoạt động phóng noãn và ảnh hưởng đến nhu động của vòi trứng, dẫn đến giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn. Đối với trường hợp này, kỹ thuật IUI thường được phối hợp với sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản.
- Bất thường ở cổ tử cung: Cổ tử cung là cơ quan giao giữa âm đạo – tử cung và có đường kính khá hẹp. Vào thời điểm rụng trứng, chất nhầy tại cơ quan này có xu hướng loãng hơn nhằm tạo điều kiện cho tinh trùng dễ dàng “bơi” vào buồng tử cung. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, cổ tử cung có thể tiết ra chất nhầy dày, đặc hoặc bị thu hẹp do sẹo sau phẫu thuật. Những yếu tố này làm gián đoạn quá trình di chuyển của tinh trùng và dẫn đến vô sinh – hiếm muộn.
- Dị ứng với tinh dịch: Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng có một số ít nữ giới bị dị ứng với tinh trùng (thường do protein có trong tinh trùng). Những trường hợp này hầu như không thể mang thai tự nhiên vì sau khi quan hệ, niêm mạc âm đạo và cổ tử cung có xu hướng viêm đỏ, nóng rát và làm cản trở khả năng di chuyển của “tinh binh”.
- Bất thường về rụng trứng: Rụng trứng ở nữ giới là một trong những yếu tố quyết định cơ hội thụ thai. Nữ giới có kinh nguyệt đều, vòng kinh ổn định dễ canh thời điểm trứng rụng và có khả năng mang thai tự nhiên cao. Ngược lại, một số nữ giới có thể không rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt không đều,… do tăng hormone androgen và nhiều nguyên nhân khác. Trong trường hợp này, IUI là giải pháp tối ưu nếu cặp vợ chồng mong muốn có con.
- Kháng thể kháng tinh trùng ở nữ giới: Kháng thể kháng tinh trùng không chỉ xuất hiện ở nam giới mà còn có thể xảy ra ở nữ giới. Khi tinh trùng được phóng thích vào âm đạo, cơ thể nữ giới sẽ tạo ra kháng thể để đối kháng và tiêu diệt tinh trùng. Do đó, tinh trùng hầu như không thể đi qua cổ tử cung và “gặp gỡ” với trứng.
Điều kiện để thực hiện thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo là phương pháp giúp tăng khả năng thụ thai đối với những cặp vợ chồng bị vô sinh – hiếm muộn. Tuy nhiên để thực hiện phương pháp này, cả nam giới lẫn nữ giới đều phải đáp ứng một số yêu cầu sau:
- Nam giới phải có tinh dịch đồ bình thường hoặc bất thường mức độ nhẹ đến trung bình. Để thực hiện IUI, số lượng tinh trùng sau khi rửa phải từ 1 triệu tinh trùng di dộng/ ml trở lên.
- Nữ giới có ít nhất 1 vòi trứng khỏe mạnh và buồng trứng vẫn còn hoạt động. Ngoài ra, IUI chỉ được ưu tiên thực hiện cho nữ giới dưới 40 tuổi.
Thụ tinh nhân tạo không được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên
- Lạc nội mạc tử cung có mức độ trung bình đến nặng
- Tắc nghẽn cả 2 vòi trứng hoặc đã cắt bỏ 2 vòi trứng
- Buồng trứng giảm hoạt động phóng noãn
- Nam giới có số lượng tinh trùng thấp, nhiều tinh trùng dị dạng (40% trở lên)
Quy trình thụ tinh nhân tạo IUI
Thụ tinh nhân tạo IUI là phương pháp tương đối đơn giản. Tuy nhiên để tăng cơ hội mang thai, kỹ thuật này thường được áp dụng cùng với một số biện pháp hỗ trợ tùy vào nguyên nhân dẫn đến vô sinh – hiếm muộn.
1. Các bước chuẩn bị
Trước khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung, cần thực hiện các bước chuẩn bị sau:
– Kích thích buồng trứng (kích trứng):
Kích thích buồng trứng là phương pháp sử dụng thuốc chứa nội tiết ở dạng tiêm hoặc uống nhằm giúp trứng phát triển, chín và rụng. Kỹ thuật này giúp tăng tỷ lệ thành công của thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, kích buồng trứng có thể khiến trứng trưởng thành nhiều hơn thông thường (>4 nang) và dẫn đến mang đa thai.
– Lấy tinh trùng:
Nam giới có thể tự lấy tinh trùng tại nhà hoặc lấy tại trung tâm y tế bằng cách thủ dâm. Trường hợp lấy tại nhà cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và mang tinh trùng đến bệnh viện trong vòng 30 – 60 phút.
Để tinh trùng có chất lượng tốt nhất, nam giới nên ngưng quan hệ và thủ dâm trong ít nhất 1 – 2 ngày. Đồng thời nên tránh các hoạt động ảnh hưởng xấu đến số lượng và chất lượng tinh trùng như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dùng chất kích thích, thức khuya và căng thẳng.
– Rửa tinh trùng:
Sau khi lấy tinh dịch, bác sĩ sẽ thực hiện lọc rửa tinh trùng bằng máy móc chuyên dụng. Quá trình này được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ tế bào chết, tinh trùng dị dạng và tạp chất có trong tinh dịch. Sau đó, chọn lọc có tinh trùng có khả năng di dộng tốt, sức bền cao, khỏe và cô đặc thành một lượng dung dịch nhỏ (khoảng 0.2 – 0.3ml).
Tinh trùng đã được lọc rửa cần phải được giữ ấm ở nhiệt độ thích hợp và bơm buồng tử cung trong thời gian sớm nhất. Chính vì vậy, quá trình này thường được thực hiện vào thời điểm trứng rụng (tỷ lệ thụ thai cao).
Ngoài những bước chuẩn bị cần thiết trên, nữ giới nên giữ tâm lý thoải mái, ăn uống điều độ, tập thể dục và dành thời gian nghỉ ngơi để tăng cơ hội mang thai.
2. Tiến hành bơm tinh trùng
Bơm tinh trùng được thực hiện sau khi tiêm mũi rụng trứng (kích trứng) khoảng 32 – 38 giờ đồng hồ. Đây là thời điểm trứng vừa rụng và có khả năng “gặp” tinh trùng cao nhất.
Các bước bơm tinh trùng vào buồng tử cung:
- Vệ sinh cổ tử cung: Trước khi bơm tinh trùng, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa bằng mỏ vịt để kiểm tra môi trường trong âm đạo và làm sạch cổ tử cung. Biện pháp này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ viêm nhiễm.
- Bơm tinh trùng: Sau đó, bác sĩ sử dụng ống thông có kích thước nhỏ, mềm và đã được vô trùng (catheter chuyên dụng) để bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Kỹ thuật này được thực nhanh chóng (3 – 5 phút), không gây đau đớn và tương đối an toàn. Khi tinh trùng được bơm hoàn toàn vào tử cung, bác sĩ sẽ lấy ống thông và mỏ vịt ra khỏi âm đạo.
3. Chăm sóc sau khi thụ tinh nhân tạo
Để tránh tình trạng tinh trùng chảy ngược ra ngoài, nữ giới cần nằm nghỉ ở tư thế ngửa tại bệnh viện trong 15 phút và có thể trở về nhà trong ngày. IUI hầu như không gây đau, khó chịu và không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày. Vì vậy, nữ giới có thể sinh hoạt và làm việc bình thường vào ngày hôm sau.
Sau 14 ngày, nên đến bệnh viện để siêu âm phát hiện thai. Nếu có thai, bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc, xây dựng chế độ dinh dưỡng và đề nghị khám thai định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Ngược lại nếu không thụ thai, cả hai vợ chồng nên quan hệ tình dục bình thường trong 2 – 3 tháng. Trong trường hợp vẫn không “tin vui”, nên quay lại thực hiện thụ tinh nhân tạo lần kế tiếp. Hoặc có thể can thiệp phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nếu sức khỏe sinh sản của 1 trong 2 hoặc cả hai đều suy giảm nghiêm trọng.
Rủi ro khi thụ tinh nhân tạo IUI
Thụ tinh nhân tạo IUI là giải pháp tăng khả năng thụ thai đơn giản, an toàn và đem lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên trên thực tế, một số cặp vợ chồng có thể gặp phải các rủi ro khi can thiệp phương pháp này, như:
1. Mang đa thai
Mang đa thai là rủi ro thường gặp nhất khi thực hiện thụ tinh nhân tạo. Thực chất, rủi ro này không liên quan đến kỹ thuật thụ tinh nhân tạo mà bắt nguồn từ quá trình kích trứng. Để tăng khả năng thụ thai, người vợ bắt buộc phải sử dụng thuốc kích thích trứng chín và rụng. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể khiến số lượng trứng chín tăng lên đáng kể (hơn 4 trứng) và làm tăng khả năng mang đa thai.
Mang đa thai đi kèm với nhiều rủi ro như trẻ nhẹ cân, thai phụ suy nhược, chuyển dạ sớm và một số biến chứng thai kỳ khác.
2. Tổn thương, viêm nhiễm tử cung
Ngoài ra, IUI còn có thể gây tổn thương, chảy máu và viêm nhiễm tử cung do những nguyên nhân sau:
- Cơ sở thực hiện kém chất lượng, không vô trùng hoàn toàn ống bơm
- Bác sĩ tay nghề kém, thao tác bơm mạnh tay gây tổn thương và xây xước cổ tử cung
- Xử lý tinh dịch không đạt tiêu chuẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập gây viêm nhiễm buồng tử cung
Các rủi ro này thường bắt nguồn từ việc thực hiện thụ tinh nhân tạo tại những cơ sở y tế kém chất lượng. Do đó để giảm thiểu rủi ro, các cặp vợ chồng nên can thiệp các phương pháp hỗ trợ sinh sản tại những bệnh viện và trung tâm uy tín.
Tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo IUI
Thụ tinh nhân tạo là một trong những phương pháp làm tăng cơ hội thụ thai. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của phương pháp này phụ thuộc nhiều vào chất lượng nang noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng/ người hiến tặng.
Thống kê cho thấy, các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và sức khỏe tốt có tỷ lệ thành công khi can thiệp IUI lên đến 15 – 20%. Tỷ lệ này có thể giảm dần nếu cả hai trên 40 tuổi và có sức khỏe sinh sản kém. Ngoài ra, có đến 23 – 30% trường hợp mang đa thai khi thực hiện thụ tinh nhân tạo.
Thụ tinh nhân tạo IUI có chi phí bao nhiêu?
Thụ tinh nhân tạo có chi phí khoảng 14 – 20.000.000 đồng/ lần thực hiện. Tuy nhiên chi phí thực tế có thể chênh lệch ít nhiều tùy vào cơ sở thực hiện, tình trạng sức khỏe của cặp vợ chồng, tay nghề bác sĩ,…
Để được giải đáp về về chi phí thực hiện, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn. Hiện nay có khá nhiều cơ sở thực hiện thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín, chất lượng và đáng tin cậy. Tuyệt đối không thực hiện tại các phòng khám tư nhân hoạt động khi chưa có giấy phép, tay nghề bác sĩ non kém và không đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
Một số thắc mắc khi thực hiện thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo IUI là kỹ thuật hỗ trợ làm tăng cơ hội thụ thai và là giải pháp tối ưu cho những cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn. Tuy nhiên, xung quanh phương pháp này vẫn còn nhiều vấn đề thắc mắc. Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến kỹ thuật thụ tinh nhân tạo:
1. Cần kiêng quan hệ trước khi thụ tinh nhân tạo không?
Để đảm bảo tinh trùng có chất lượng tốt, nên kiêng quan hệ trong vòng 3 – 5 ngày hoặc ít nhất từ 1 – 2 ngày. Quan hệ trước ngày lấy mẫu tinh trùng có thể khiến số lượng tinh trùng sụt giảm, khả năng di động kém và dẫn đến giảm hiệu quả của phương pháp.
2. Sau thụ tinh nhân tạo có phải kiêng quan hệ?
Quan hệ sau khi thụ tinh nhân tạo không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai. Tuy nhiên để tránh gây tổn thương và kích thích cổ tử cung (đặc biệt là trong trường hợp nữ giới ra huyết), chỉ nên quan hệ sau 48 giờ tính từ thời điểm bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
3. Bơm tinh trùng có bị chảy ra ngoài không?
Trước khi bơm vào cổ tử cung, tinh trùng đã được cô đặc chỉ còn khoảng <0.5ml. Do đó, khả năng tình trạng chảy ra bên ngoài là rất thấp. Ngoài ra để hạn chế tình trạng này, nữ giới thường được yêu cầu nằm ngửa trên giường ít nhất 15 phút trước khi trở về nhà.
Một số trường hợp có thể xuất hiện cảm giác ẩm ướt ở âm đạo. Tuy nhiên, hiện tượng xảy ra do ống bơm (catheter) kích thích dịch nhầy trong cổ tử cung hóa lỏng và tiết ra ngoài.
Bài viết đã tổng hợp những thông tin cần biết về phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI). Hy vọng qua nội dung trên, các cặp vợ chồng bị vô sinh – hiếm muộn có thể lựa chọn được phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp với khả năng tài chính, độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.