[Giải đáp] Bệnh trĩ nội độ 3 khi nào cần điều trị bằng phẫu thuật?
Bệnh trĩ độ 3 khi nào cần điều trị bằng phẫu thuật là thắc mắc của rất nhiều người bệnh và cũng là nội dung chính của bài viết dưới đây. Hãy theo dõi và cùng tìm hiểu nhé!
Bệnh trĩ nội độ 3 điển hình bởi tình trạng búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên, vùng hậu môn đau rát, phù nề và ngứa ngáy. Ngoài ra, sa búi trĩ còn gây ra cảm giác vướng víu, khó chịu và phiền toái khi sinh hoạt, làm việc. Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, áp dụng các thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật cắt trĩ khi cần thiết.
Nhận biết bệnh trĩ nội độ 3
Bệnh trĩ nội được chia thành 4 cấp độ dựa theo mức độ sa của búi trĩ. Ở giai đoạn 3, búi trĩ có kích thước tương đối lớn, thường xuyên sa ra ngoài ống hậu môn, gây vướng víu và phiền toái khi sinh hoạt, làm việc.
So với trĩ nội độ 1 và 2, trĩ nội độ 3 có mức độ nặng và cần phải điều trị trong thời gian sớm nhất. Ở giai đoạn này, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như thiếu máu mãn tính, sa nghẹt búi trĩ, yếu cơ thắt vùng hậu môn, viêm nhiễm,…
Nếu tiếp tục chủ quan, búi trĩ có thể tăng kích thước, sa hẳn ra ngoài ống hậu môn và không thể thụt vào bên trong (ngay cả khi sử dụng tay đẩy). Khi chuyển sang giai đoạn 4, các phương pháp điều trị bảo tồn đều không đem lại hiệu quả và bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ nội độ 3, bao gồm:
- Búi trĩ có kích thước lớn và sa ra ngoài hậu môn khi ngồi xổm, đi tiêu
- Búi trĩ không thể tự thụt vào bên trong ống trực tràng – hậu môn mà phải sử dụng tay đẩy vào
- Bề mặt búi trĩ dày, thô và có màu đỏ sẫm
- Hiện tượng xuất huyết khi đi tiêu có mức độ nghiêm trọng hơn và mất nhiều thời gian để cầm máu
- Búi trĩ có thể chảy máu thường xuyên (do ma sát với quần áo, vận động mạnh,…)
- Có cảm giác đau, vướng víu và khó chịu khi ngồi, đi lại,…
- Có thể xuất hiện một số triệu chứng thứ phát do sa búi trĩ lâu ngày như ướt đũng quần, trung tiện (xì hơi) mất tự chủ.
Bệnh trĩ nội độ 3 có nguy hiểm không?
Trĩ nội ở cấp độ 3 có mức độ nặng và cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, búi trĩ có xu hướng gia tăng kích thước gây đau nhiều, ngứa ngáy, viêm đỏ và phát sinh hàng loạt biến chứng nặng nề.
Các biến chứng thường gặp của bệnh trĩ nội độ 3:
- Thiếu máu mãn tính: Thiếu máu mãn tính thường xuất hiện ở trường hợp trĩ nội độ 3 và độ 4. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng thiếu máu có thể khiến thể trạng uể oải, xanh xao, tóc rụng nhiều, thiếu sức sống, giảm khả năng tập trung và gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
- Viêm nhiễm hậu môn: Búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm vùng hậu môn. Biến chứng này điển hình bởi tình trạng hậu môn sưng đỏ, viêm nóng, ngứa ngáy và đau rát. Nếu không xử lý sớm, viêm nhiễm hậu môn có thể gây hoại tử búi trĩ.
- Sa nghẹt búi trĩ: Sa nghẹt búi trĩ thường xuất hiện ở bệnh trĩ cấp độ 3 và 4. Biến chứng này xảy ra khi búi trĩ sa ngoài thường xuyên và bị nghẹt do cơ thắt hậu môn co thắt quá mức. Hoạt động co thắt làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu, dẫn đến hiện tượng viêm, phù nề và đau nhức dữ dội.
- Tăng nguy cơ hình thành trĩ vòng: Trĩ vòng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh trĩ. So với trĩ nội và trĩ ngoại đơn thuần, trĩ vòng gây sa cả niêm mạc trực tràng nên quá trình điều trị rất phức tạp. Hơn nữa, phẫu thuật cắt bỏ trĩ vòng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nặng nề.
So với các giai đoạn đầu, bệnh trĩ nội cấp độ 3 có mức độ nghiêm trọng và tiến triển phức tạp hơn. Ngoài ra tình trạng sa búi trĩ thường xuyên còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, lao động – học tập và tác động tiêu cực đến yếu tố tâm lý. Vì vậy khi được chẩn đoán mắc bệnh trĩ nội độ 3, cần tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Các phương pháp điều trị trĩ nội cấp độ 3
Đối với bệnh trĩ nội độ cấp độ 3, điều trị ưu tiên là thay đổi lối sống và sử dụng thuốc nhằm làm giảm kích thước búi trĩ. Sau khi búi trĩ được thu nhỏ, bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật xâm lấn nhằm cắt bỏ búi trĩ hoàn toàn.
1. Chữa trĩ nội độ 3 tại nhà
Cách chữa trĩ nội độ 3 tại nhà giúp hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp điều trị y tế, đồng thời ngừa táo bón, giảm áp lực lên búi trĩ khi đi tiêu và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Các biện pháp điều trị trĩ nội độ 3 tại nhà, bao gồm:
- Giữ vệ sinh vùng hậu môn đúng cách nhằm hạn chế nguy cơ viêm nhiễm và hoại tử búi trĩ. Có thể ngâm với nước muối ấm sau khi đi tiêu nhằm cầm máu và làm sạch ống hậu môn.
- Tăng cường bổ sung chất xơ vào chế độ dinh dưỡng, đồng thời nên uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên để hạn chế táo bón, làm mềm phân và giảm đau rát, chảy máu khi đại tiện.
- Thay đổi một số thói quen xấu như sử dụng rượu bia, mang vác vật nặng, hút thuốc lá, ngồi xổm, thường xuyên dùng thức ăn nhanh và các nhóm thực phẩm dễ gây táo bón.
- Tránh thức khuya và căng thẳng quá mức. Các thói quen này có thể làm chậm nhu động ruột, tăng nguy cơ táo bón và gây chảy máu nhiều khi đi tiêu.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc thảo dược tự nhiên như lá trầu không, ngải cứu, diếp cá, nghệ,… để hỗ trợ giảm viêm đỏ, ngứa ngáy và ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn.
Mặc dù không có khả năng chữa trị bệnh hoàn toàn nhưng các mẹo chữa tại nhà có vai trò quan trọng đối với tiến triển của bệnh trĩ nội độ 3. Vì vậy, nên phối hợp các mẹo chữa này với phương pháp y tế theo hướng dẫn của bác sĩ để thúc đẩy tốc độ phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị.
2. Thuốc chữa trĩ nội độ 3
Đối với bệnh trĩ nội độ 3, sử dụng thuốc không thể làm tiêu biến búi trĩ hoàn toàn mà chỉ có tác dụng giảm triệu chứng và hỗ trợ làm co búi trĩ. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc trong 30 – 45 ngày nhằm thu nhỏ kích thước trước khi can thiệp các thủ thuật xâm lấn.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh trĩ nội độ 3:
- Thuốc chứa flavonoid: Các loại thuốc chứa flavonoid (Herperidine) được sử dụng nhằm giảm tính thấm của mao mạch, làm bền thành mạch và hỗ trợ thu nhỏ kích thước búi trĩ. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn giúp hạn chế tình trạng đi ngoài ra máu và một số biến chứng khác.
- Thuốc bôi, thuốc đặt: Thuốc bôi và thuốc đặt được sử dụng trong điều trị bệnh trĩ thường chứa hoạt chất hydrocortisone và lidocaine hoặc benzocaine. Các loại thuốc này có tác dụng chống viêm, gây tê và giảm đau. Ngoài ra, thuốc bôi và thuốc đặt còn chứa Glycerin nhằm bôi trơn, bảo vệ ống hậu môn và giảm ma sát lên búi trĩ khi đi tiêu.
- Thuốc co mạch: Thuốc co mạch có tác dụng giảm lưu lượng máu và thu nhỏ kích thước búi trĩ. Nhóm thuốc này được sử dụng trước khi can thiệp thủ thuật xâm lấn nhằm tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ trĩ tái phát. Các loại thuốc co mạch được sử dụng trong điều trị trĩ nội độ 3 bao gồm Norepinephrine, Phenylephrine và Epinephrine. Trong thời gian sử dụng, thuốc có thể gây mất ngủ, căng thẳng và tăng huyết áp nhẹ.
Trên thực tế, sử dụng thuốc ở giai đoạn trĩ nội độ 3 cho kết quả rất hạn chế. Phương pháp này chỉ đem lại cải thiện rõ rệt ở các giai đoạn mới phát (giai đoạn 1 và 2).
3. Can thiệp các thủ thuật xâm lấn
Các thủ thuật xâm lấn thường được chỉ định đối với bệnh trĩ độ 1, độ 2 và một số trường hợp trĩ nội độ 3. Do kích thước búi trĩ tương đối lớn nên trước khi can thiệp thủ thuật này, bác sĩ thường yêu cầu sử dụng thuốc trong khoảng 1 tháng để hỗ trợ làm co búi trĩ.
Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh lý và chỉ định một số thủ thuật xâm lấn như:
- Chích xơ búi trĩ: Chích xơ búi trĩ được thực hiện bằng cách tiêm dung dịch (dung dịch Quinine-ure, Phenol tan trong dầu hạnh nhân, cồn 70%,…) vào tĩnh mạch trực tràng bị phình giãn nhằm tạo ra phản ứng xơ hóa. Phản ứng này giúp các mạch máu ép chặt lại với nhau, từ đó hạn chế tình trạng đi ngoài ra máu và hỗ trợ thu nhỏ búi trĩ.
- Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Đối với trĩ nội cấp độ 3 có chân búi trĩ nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định thắt búi trĩ bằng vòng cao su. Thủ thuật này sử dụng vòng cao su chuyên dụng thắt chân búi trĩ nhằm ngăn chặn quá trình tuần hoàn máu. Búi trĩ thiếu máu nuôi dưỡng có xu hướng hoại tử, teo và rụng sau một thời gian ngắn.
- Thắt búi trĩ bằng chỉ không cắt: Kỹ thuật này sử dụng chỉ kẹp sát và thắt chặt gốc nhằm cản trở quá trình tuần hoàn máu của búi trĩ. Sau 5 – 7 ngày, búi trĩ có xu hướng hoại tử và rụng do bị cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng.
- Áp lạnh bằng nito lỏng: Áp lạnh bằng nito lỏng được thực hiện bằng cách sử dụng nito lỏng (-196 độ C) nhằm hóa băng búi trĩ. Hiện tượng này giúp làm tê liệt các dây thần kinh ở búi trĩ, từ đó cải thiện tình trạng đau rát, ngứa ngáy và khó chịu. Tiếp xúc với nito lỏng còn khiến búi trĩ hoại tử lạnh, xơ hóa và rụng dần.
- Các thủ thuật khác: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thủ thuật khác như đốt điện trực tiếp, chiếu tia hồng ngoại, tia nước intrejet, điện hướng cực,…
Lưu ý: Các thủ thuật xâm lấn không được áp dụng đối với các trường hợp trĩ có kích thước lớn và búi trĩ sa lâu ngày.
Thống kê cho thấy, chỉ một số trường hợp trĩ nội độ 3 có đáp ứng tốt với các thủ thuật xâm lấn. Do búi trĩ có kích thước tương đối lớn nên các thủ thuật này chỉ giúp thu nhỏ kích thước và giảm các triệu chứng khó chịu. Sau một khoảng thời gian nhất định, búi trĩ có thể tái phát trở lại.
Trĩ nội cấp độ 3 có cần phẫu thuật không?
Bệnh trĩ nội cấp độ 3 có thể phải can thiệp phẫu thuật nếu không có đáp ứng với các biện pháp điều trị trên. Ngoài ra, can thiệp ngoại khoa cũng được cân nhắc đối với những trường hợp sau:
- Búi trĩ sa ra ngoài gây khó chịu, đau rát và ngứa ngáy dai dẳng
- Xuất hiện biến chứng yếu cơ thắt hậu môn, thiếu máu mãn tính, búi trĩ sa nghẹt, phù nề, viêm, hoại tử hoặc hình thành huyết khối
- Đi kèm với tình trạng viêm quanh hậu môn, nứt/ rò hậu môn
- Sa búi trĩ kết hợp với niêm mạc trực tràng (trĩ vòng)
Các kỹ thuật ngoại khoa được chỉ định đối với bệnh trĩ nội độ 3, bao gồm:
- Phương pháp Longo
- Phương pháp PPH
- Cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT
- Phẫu thuật cắt trĩ bằng tia laser
- Phẫu thuật cắt trĩ với phương pháp Milligan Morgan (ít được áp dụng)
- Phương pháp siêu âm Doppler-THD
Phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn búi trĩ và cải thiện dứt điểm các triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên sau khi can thiệp ngoại khoa, cần chăm sóc đúng cách để hạn chế các rủi ro và biến chứng hậu phẫu.
Bệnh trĩ nội độ 3 có mức độ nghiêm trọng hơn so với giai đoạn 1 và 2. Nếu không kịp thời điều trị và xử lý, bệnh có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu và gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Do đó sau khi thực hiện chẩn đoán, nên tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Cách chữa bệnh trĩ nặng nhanh khỏi, ngừa biến chứng