Đàn ông ăn rau răm gây yếu sinh lý – đúng hay sai?
Kinh nghiệm dân gian cho rằng đàn ông ăn rau răm gây yếu sinh lý, đúng hay sai? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp nhé!
- Chuyện đàn ông ăn rau răm gây yếu sinh lý là vấn đề gây nhiều tranh cãi
Cùng một loại rau, báo này nói gây bệnh yếu sinh lý, báo khác nói chưa chắc
Chuyện đàn ông ăn rau răm gây yếu sinh lý bắt nguồn từ kinh nghiệm trong dân gian. Người ta truyền miệng nhau và ngầm tin là thế. Lâu dần, vô hình trung trở thành niềm tin tuyệt đối của không ít người. Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều người là thà tin có chứ đừng tin không càng khiến cho vấn đề này gây nhiều tranh cãi.
Đáng chú ý hơn, một số trang báo chính thống cũng khẳng định khả năng gây yếu sinh lý của rau răm. Tiêu biểu là vietnamnet.vn (cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông). Một khi thông tin đăng tải trên trang này, càng nhiều người sẽ tin hơn. Thậm chí có không ít nam giới hoàn toàn không dám ăn rau răm hoặc bị vợ cấm hoàn toàn.
Để “giải oan” cho rau răm, một số chuyên gia Y học cổ truyền đã lên tiếng. Sau khi phân tích kỹ thành phần và dựa trên các tư liệu ghi chép lâu nay, các chuyên gia này đều khẳng định chưa đủ cơ sở để “kết tội” rau răm. Những ý kiến này cũng được đăng tải trên nhiều cơ quan báo chí chính thống. Tiêu biểu là trên trang laodong.vn (cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và vnexpress.net (cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học Công nghệ).
Thành phần và công dụng của rau răm
Thành phần
Để làm sáng tỏ câu chuyện đàn ông ăn rau răm gây yếu sinh lý, chúng ta cần đi từ góc độ thành phần dinh dưỡng lẫn dược tính có trong loại rau này. Trước hết, về Đông y thì rau răm có tính ấm và vị cay.
Về Tây y, các nhà khoa học đã tính toán thành phần dinh dưỡng trong 100g rau răm gồm: 30kcal năng lượng; 4,7g đạm; 2,8g tinh bột; 2g tro; 316mg canxi; 2,2mg sắt; 86,3g nước; 3,8g chất xơ, 55mg vitamin C. Bên cạnh đó, các thành phần như: kali, chất béo, cholesterol, natri, carotin và các nhóm vitamin khác không được tìm thấy trong rau răm.
-
Rau răm là gia vị ưa thích của nhiều người, trong đó có cả nam giới. Tuy nhiên, vì lo ngại gây yếu sinh lý nên nhiều người không dám dùng loại rau này
Công dụng
Từ những thành phần và tính vị trên, có thể khẳng định rau răm có tác dụng chống viêm hạ, hạ khí, kích thích tiêu hóa, hoạt huyết tiêu độc và trừ phong hàn. Ngoài ra, loại rau này còn được cho là có công dụng làm sáng mắt, có lợi cho trí não, trị được tình trạng chuột rút, chữa chứng đầy hơi, tiêu chảy và kém ăn. Bên cạnh đó, nhờ khả năng kháng viêm tốt, rau răm có thể hỗ trợ điều trị các vết thương ngoài da như hắc lào hoặc ngăn độc đi vào cơ thể trong trường hợp bị rắn cắn.
Rau răm làm dược liệu thường dùng loại thân tím. Người ta dùng cả lá và cây một cách riêng biệt hoặc kết hợp cùng các vị thuốc Đông y khác. Cách dùng cũng khá đa dạng. Có thể dùng tươi như một gia vị đi kèm các món ăn, giã lấy nước uống hoặc đắp lên vết thương, phơi khô và sắt lấy nước uống.
Trong ẩm thực, nhờ vị cay nhẹ và tính ấm nóng, rau răm thường được ăn kèm với trứng vịt lộn, gà luộc, cháo trai hoặc cháo hến. Nó không những làm gia tăng hương vị cho món ăn mà còn tốt cho tiêu hóa. Thậm chí, loại rau này còn trở thành gia vị yêu thích của nhiều người, trong đó có không ít nam giới.
Tác dụng phụ của rau răm
Nhìn chung, rau răm có nhiều công dụng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó phải được dùng với hàm lượng nhất định và đúng thời điểm. Dùng quá nhiều loại rau này không tốt. Và đặc biệt là không phải ai cũng có thể dùng.
Cụ thể, ăn quá nhiều rau răm sẽ sinh nóng rét và có thể gây tổn thương đến tủy. Phụ nữ đang trong những ngày “đèn đỏ” cần hạn chế hoặc tốt nhất là không nên ăn loại rau này. Nguyên nhân là nó dễ gây ra tình trạng rong huyết. Phụ nữ mang thai không nên dùng rau răm vì nguy cơ gây sảy thai rất lớn. Bên cạnh đó, những người máu nóng và quá ốm cũng không nên ăn nhiều loại rau này.
Chuyên gia giải đáp chuyện đàn ông ăn rau răm gây yếu sinh lý
Bởi thành phần dược tính trong rau răm khá đặc biệt nên không ít người cho rằng loại rau này gây yếu sinh lý ở nam giới. Nói về vấn đề này, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam – Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng đã khẳng định: chưa có bất kỳ tài liệu đáng tin cậy nào nói đến khả năng gây yếu sinh lý đối với nam giới của rau răm.
Tuy nhiên, nếu xét về mặt lý thuyết thì loại rau này có khả năng làm suy yếu sinh lý của cả nam và nữ. Cụ thể, nam giới thì kém cường tráng còn nữ giới thì mất chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết và các nhà khoa học vẫn còn nghiên cứu.
- Chưa có cơ sở khoa học đáng tin cậy nào cho thấy rau răm gây bệnh yếu sinh lý ở nam giới
Ông còn cho biết thêm mấy chốt trong Đông y, loại nào vừa làm rau vừa làm thuốc được thì nó không có tác dụng chữa bệnh (trừ một vài loại cá biệt). Còn nếu loại dùng làm thuốc mà lại sử dụng như thực phẩm thông thường thì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực tế, rau răm có công dụng như một gia vị nhiều hơn là khả năng chữa bệnh hoặc gây bệnh.
Nếu muốn có tác dụng chữa bệnh hoặc gây bệnh thì người ta phải nạp vào cơ thể một lượng rất lớn. Có thể lên đến nửa kí một ngày và dùng liên tục nhiều ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, người ta chỉ dùng vài cọng rau răm để tăng hương vị món ăn mà thôi.