Đau dạ dày buồn nôn có nguy hiểm không? Cần lưu ý gì?
Đau dạ dày buồn nôn thường là hệ quả do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, lạm dụng thuốc giảm đau, dị ứng thực phẩm, căng thẳng thần kinh,… Ở một số trường hợp, các triệu chứng này còn có thể là biểu hiện của các vấn đề ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược thực quản.
Đau dạ dày có buồn nôn không?
Đau dạ dày là tình trạng cơn đau khởi phát ở vùng thượng vị (vùng bụng nằm trên rốn). Triệu chứng này thường xảy ra do dạ dày co bóp và tăng tiết axit quá mức.
Ngoài phát sinh cơn đau và cảm giác buồn nôn, hoạt động bất thường của dạ dày còn gây ra một số biểu hiện đi kèm như buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, khó tiêu, nôn trớ thức ăn, ợ nóng, ợ hơi,… Vì vậy khi đau dạ dày thường đi kèm với buồn nôn và một số triệu chứng tiêu hóa khác.
Đau dạ dày kèm buồn nôn – Do đâu?
Đau dạ dày và buồn nôn là hệ quả do dạ dày tăng tiết axit và co bóp quá mức. Hoạt động rối loạn của dạ dày có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
1. Do thói quen ăn uống và sinh hoạt
Thói quen ăn uống và sinh hoạt tác động trực tiếp đến hoạt động của dạ dày, đường ruột và một số cơ quan tiêu hóa khác. Vì vậy nếu ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh, bạn có thể bị đau dạ dày, buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng,…
Các thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể gây đau dạ dày bao gồm lạm dụng rượu bia, thường xuyên hút thuốc lá, dùng chất kích thích, ăn nhiều thực phẩm cay nóng, chứa nhiều axit, sử dụng thức ăn nhanh trong thời gian dài, căng thẳng quá mức,… Ngoài ra đau dạ dày và buồn nôn còn có thể là hệ quả do thói quen nhịn ăn, ăn uống quá mức, ăn khuya hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn.
2. Dấu hiệu mang thai
Khi mang thai, hormone progesterone trong cơ thể nữ giới thường tăng lên đột ngột. Ngoài chức năng bảo vệ và giữ bào thai trong tử cung, hormone này còn gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn như chậm nhu động ruột, kích thích dạ dày tăng tiết axit và co bóp mạnh dẫn đến đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn trớ thức ăn, ăn uống kém,…
Bên cạnh các triệu chứng này, mang thai còn có một số dấu hiệu khác như chậm kinh, cơ thể uể oải, mệt mỏi, người xanh xao, căng thẳng, lo âu,… Để nhận biết chính xác, bạn có thể sử dụng que thử thai hoặc tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa.
3. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Khó chịu ở vùng dạ dày, buồn nôn, táo bón,… có thể tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị như thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết axit. Thông thường, các triệu chứng này thường thuyên giảm hoàn toàn sau khi ngưng thuốc 2 – 3 ngày.
Tuy nhiên ở một số trường hợp lạm dụng hoặc sử dụng corticoid, NSAID dài ngày, niêm mạc dạ dày có thể bị viêm loét nặng hoặc thậm chí gây xuất huyết tiêu hóa.
4. Dị ứng thực phẩm
Khi dung nạp thực phẩm gây dị ứng, hệ miễn dịch có xu hướng phóng thích chất hóa học trung gian histamine vào da và niêm mạc. Histamine kích thích phản ứng viêm, phù nề, ngứa ngáy ở da, đồng thời thúc đẩy hoạt động co bóp quá mức ở niêm mạc cơ quan tiêu hóa và hô hấp.
Vì vậy buồn nôn, nôn mửa, đau thượng vị, tiêu chảy,… có thể là dấu hiệu do dị ứng thực phẩm. Ngoài triệu chứng ở đường tiêu hóa, tình trạng này còn có thể đi kèm với một số dấu hiệu khác như nổi mề đay mẩn ngứa, ngứa cổ họng và ho khan.
5. Biểu hiện của các bệnh lý tiêu hóa
Ngoài những nguyên nhân thông thường, đau dạ dày và buồn nôn còn có thể là dấu hiệu của một số vấn đề tiêu hóa như:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc ruột non hoặc dạ dày bị viêm, loét và tổn thương do tăng tiết dịch vị quá mức. Bệnh lý này thường là hệ quả do nhiễm vi khuẩn HP, lạm dụng thuốc giảm đau, ăn uống không điều độ và nghiện rượu bia. Ngoài tình trạng đau thượng vị và buồn nôn, loét dạ dày tá tràng còn gây đầy hơi, chướng bụng, nôn ói thường xuyên, ăn uống kém, sụt cân, người xanh xao,…
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): GERD xảy ra khi dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Bệnh lý này điển hình bởi triệu chứng đau, nóng rát dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, trớ thức ăn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng,…
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Hội chứng này khởi phát khi tuyến tụy xuất hiện nhiều u gastrin hơn bình thường. Các khối u này tạo ra hormone gastrin nhằm kích thích tế bào viền ở dạ dày tăng sản xuất dịch vị. Lượng dịch vị dư thừa có thể gây ăn mòn, xâm lấn mô niêm mạc và gây ra các triệu chứng khó chịu.
Trên thực tế, đau dạ dày kèm buồn nôn còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình trạng này còn có thể bùng phát do ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng của hội chứng ruột kích thích, polyp dạ dày, viêm tụy, viêm gan,…
Đau dạ dày buồn nôn có nguy hiểm không?
Đau dạ dày kèm buồn nôn là các triệu chứng phổ biến và có thể gặp ở mọi đối tượng. Thông thường, các triệu chứng này đều có xu hướng thuyên giảm nhanh sau khi loại trừ nguyên nhân (thói quen sinh hoạt, ăn uống, lạm dụng thuốc, cẳng thẳng,…). Tuy nhiên nếu xảy ra do bệnh lý, đau dạ dày và buồn nôn thường không thể tự khỏi mà bắt buộc phải can thiệp y tế.
Nếu không kịp thời điều trị và khắc phục, bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và gây ra các biến chứng nặng nề như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, viêm tụy cấp và làm tăng nguy cơ ung thư.
Nên làm gì khi bị đau dạ dày kèm buồn nôn?
Mặc dù là tình trạng tương đối phổ biến nhưng đau dạ dày kèm buồn nôn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy bạn không nên chủ quan khi gặp phải các triệu chứng này.
Trong trường hợp bị đau dạ dày và buồn nôn, có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục và cải thiện sau:
1. Tìm gặp bác sĩ chuyên khoa
Chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây đau dạ dày và buồn nôn chính xác. Trên thực tế, các bệnh lý ở đường tiêu hóa thường có triệu chứng không điển hình và dễ gây nhầm lẫn khi xác định qua biểu hiện lâm sàng.
Để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ có thể khai thác triệu chứng, kiểm tra tiền sử bệnh lý và lịch sử dùng thuốc. Sau đó đề nghị thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nội soi dạ dày, xét nghiệm vi khuẩn Hp,…
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe và độ tuổi để chỉ định và đề xuất phương án điều trị phù hợp. Trong trường hợp đau dạ dày và buồn nôn xảy ra do các nguyên nhân thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số biện pháp cải thiện và dự phòng triệu chứng tái phát.
2. Thay đổi thói quen xấu
Các thói quen xấu không chỉ gây đau dạ dày và buồn nôn mà còn làm phát sinh một số triệu chứng đi kèm như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, ăn uống kém,… Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể giảm hấp thu dinh dưỡng, gầy yếu, nhẹ cân, mệt mỏi và suy giảm chức năng miễn dịch.
Vì vậy để kiểm soát cơn đau, giảm buồn nôn và cải thiện các triệu chứng đi kèm, bạn nên thay đổi một số thói quen xấu như:
- Thay đổi các thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn uống bừa bãi, ăn quá nhanh, vận động ngay sau khi ăn, ăn khuya, nhịn ăn hoặc ăn uống quá mức.
- Kiêng cử một số loại thực phẩm và đồ uống có khả năng kích thích dạ dày và tác động xấu đến cơ quan tiêu hóa như rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm chứa nhiều axit, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, muối đường và gia vị cay nóng.
- Nếu thường xuyên bị đau dạ dày sau khi ăn, nên chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn chín uống sôi và ăn chậm nhai kỹ để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa và hạn chế cơn đau bùng phát.
- Thay đổi các thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, thức khuya, ngủ không đủ giấc và căng thẳng quá mức.
- Dành 15 – 30 phút/ ngày để tập thể dục thể thao. Hoạt chất thể chất không chỉ tốt cho sức khỏe và xương khớp mà còn đem lại nhiều lợi ích đối với dạ dày, đường ruột và các cơ quan tiêu hóa khác.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh. Trong trường hợp phải sử dụng nhóm thuốc này, có thể dùng kèm theo thuốc trung hòa axit hoặc thuốc giảm tiết dịch vị để hạn chế nguy cơ viêm, loét niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng để phòng ngừa hiện tượng tương tác.
3. Giảm đau dạ dày và buồn nôn tại nhà
Ngoài việc thay đổi lối sống, bạn cũng có thể giảm nhanh cơn đau dạ dày và cải thiện cảm giác buồn nôn với một số mẹo chữa tại nhà như:
- Dùng trà gừng ấm: Tinh dầu từ gừng có khả năng giảm buồn nôn, nôn mửa và khó chịu ở vùng cổ họng rõ rệt. Ngoài ra, hoạt chất Gingerol và Zingerol trong thảo dược này còn giúp giảm viêm và phù nề ở niêm mạc đường tiêu hóa. Vì vậy, bạn cũng có thể dùng 1 tách trà gừng ấm để giảm nhanh cảm giác buồn nôn và làm dịu cơn đau dạ dày.
- Ngồi thiền: Ngồi thiền là biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng và loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp thư giãn cơ dạ dày, điều hòa nhu động ruột và thúc đẩy tuần hoàn máu. Sau khi ngồi thiền khoảng 5 – 10 phút, cơn đau dạ dày, cảm giác buồn nôn, nôn mửa và một số triệu chứng đi kèm có thể thuyên giảm đáng kể.
- Sữa nghệ: Nghệ là thảo dược quý đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng. Hoạt chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất trong thảo dược này có khả năng trung hòa dịch vị, điều hòa hoạt động co bóp của dạ dày và nhu động ruột. Dùng 1 ly sữa nghệ ấm có thể giảm nhanh cảm giác đói, buồn nôn và cải thiện mức độ của cơn đau dạ dày.
- Liệu pháp tinh dầu: Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, tinh dầu thơm có khả năng giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, giảm đau đầu, cải thiện buồn nôn và đau dạ dày. Để làm giảm các triệu chứng ở đường tiêu hóa, bạn có thể cho tinh dầu thơm vào nước tắm và máy làm ẩm không khí.
Các biện pháp này có thể giảm nhanh cảm giác buồn nôn và làm dịu cơn đau dạ dày. Tuy nhiên để cải thiện dứt điểm các triệu chứng ở đường tiêu hóa, bạn cần xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.
Phòng ngừa đau dạ dày kèm buồn nôn
Đau dạ dày và buồn nôn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt, hiệu suất lao động – học tập và chất lượng giấc ngủ. Hơn nữa triệu chứng này kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa như loét dạ dày, trào ngược thực quản,…
Vì vậy sau khi kiểm soát triệu chứng, bạn nên chủ động phòng ngừa tái phát với các biện pháp đơn giản sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Thay đổi một số thói quen tác động xấu đến sức khỏe và cơ quan tiêu hóa.
- Tích cực điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản,…) theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh sử dụng thực phẩm có tiền sử dị ứng hoặc các nhóm thực phẩm có khả năng kích ứng cao. Dị ứng thực phẩm không chỉ gây ngứa da, buồn nôn, tiêu chảy mà còn có thể dẫn đến co thắt phế quản, khó thở và suy hô hấp.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Bài viết đã tổng hợp các nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng đau dạ dày kèm buồn nôn. Tuy nhiên để được hướng dẫn cụ thể về hướng điều trị và biện pháp phòng ngừa, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
- Dấu hiệu nhận biết đau cuống bao tử và cách điều trị
- 14+ Cách Chữa Đau Dạ Dày Tại Nhà cho hiệu quả nhanh