[Giải đáp thắc mắc] Đau dạ dày có bị đi ngoài, tiêu chảy không?
Đau dạ dày có bị đi ngoài tiêu chảy không? Là thắc mắc của rất nhiều người và cũng là nội dung chính của bài viết dưới đây. Hãy theo dõi và cùng tìm hiểu nhé!
Ngoài các triệu chứng thông thường, đau dạ dày còn có thể gây đi ngoài, tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra khi dạ dày bị tổn thương và suy giảm chức năng khiến thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn, dẫn đến tăng áp lực và gây rối loạn nhu động ruột.
Đau dạ dày có đi ngoài không?
Đau dạ dày là tình trạng cơn đau khởi phát ở vùng thượng vị do dạ dày co bóp bất thường và tăng tiết dịch vị quá mức. Tình trạng này là dấu hiệu thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc khởi phát do thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ.
Thông thường, đau dạ dày khởi phát kèm theo một số triệu chứng như đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, nóng rát thượng vị, nôn trớ thức ăn,… Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể đi kèm với chứng tiêu chảy, đi ngoài hoặc táo bón.
Theo các bác sĩ, tình trạng đi ngoài, tiêu chảy là hệ quả do dạ dày bị tổn thương và suy giảm chức năng. Dạ dày tiêu hóa kém khiến thức ăn chưa được làm mềm và phân hủy hoàn toàn. Tình trạng này làm tăng áp lực lên tá tràng, đại tràng khiến nhu động ruột bị rối loạn và gây tiêu chảy, đi ngoài.
Ngoài ra, đau dạ dày kèm tiêu chảy còn có thể là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này xảy ra khi đại tràng co bóp bất thường dẫn đến tình trạng đi phân lỏng, phân nát hoặc táo bón. Bên cạnh đó, hội chứng này còn gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa và đau dạ dày.
Nhận biết tiêu chảy, đi ngoài do đau dạ dày
Thông thường, đi ngoài là dấu hiệu thường gặp của chứng rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng thức ăn. Vì vậy nếu không thực sự chú ý, bạn có thể nhầm lẫn trong việc xác định bệnh lý và áp dụng các phương pháp điều trị không phù hợp.
Cách nhận biết đi ngoài, tiêu chảy do đau dạ dày:
- Đau dạ dày thường khởi phát sau khi ăn hoặc khi bụng đói (thường là sáng sớm)
- Đi phân lỏng kèm đau bụng với tần suất trung bình 1 – 2 lần/ ngày và tối đa 3 – 5 lần/ ngày. Trong khi đó, tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa thường có tần suất đi tiêu hơn 5 lần/ ngày
- Phân lỏng có mùi hôi khó chịu nhưng hiếm khi xuất hiện chất nhầy (trừ trường hợp do viêm đại tràng co thắt)
- Trong trường hợp xảy ra do rối loạn tiêu hóa, phân thường lỏng, nhiều nước và có chất nhầy kèm theo
- Đi kèm với một số triệu chứng khác như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, nóng rát thượng vị, trớ thức ăn, buồn nôn, nôn mửa,…
Mức độ tiêu chảy và đau dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân trực tiếp, giai đoạn phát triển và thể trạng của từng cá thể. Ở những trường hợp bệnh đã tiến triển nặng, các triệu chứng này có thể khởi phát với tần suất thường xuyên và có mức độ nặng nề hơn.
Đi ngoài, tiêu chảy do đau dạ dày có nguy hiểm không?
Tiêu chảy là một trong những dấu hiệu thường gặp của chứng đau dạ dày. So với các triệu chứng thông thường, triệu chứng này chỉ khởi phát khi chức năng của dạ dày bị tổn thương và suy giảm.
Không chỉ gây khó chịu và mệt mỏi, tình trạng đi ngoài do đau dạ dày còn ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
Trong trường hợp không kịp thời can thiệp, tình trạng này có thể dẫn đến các rủi ro và biến chứng sau:
- Sụt cân, suy nhược cơ thể: Chức năng tiêu hóa kém khiến cơ thể giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây sụt cân và suy nhược cơ thể. Hơn nữa, thể trạng suy nhược còn tạo điều kiện cho các triệu chứng ở đường tiêu hóa bùng phát với tần suất thường xuyên hơn.
- Xuất huyết tiêu hóa: Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng thường gặp ở các bệnh lý dạ dày. Biến chứng này xảy ra khi ổ viêm loét tiến triển nặng khiến mạch máu bị vỡ và xuất huyết. Ngoài ra tiêu chảy kéo dài còn khiến đường ruột bị tổn thương, loét và chảy máu.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ: Bệnh trĩ xảy ra khi tĩnh mạch ở ống trực tràng – hậu môn bị phình giãn, ứ máu và tạo thành các cấu trúc dạng búi. Bệnh thường khởi phát do tăng áp lực vùng hậu môn – trực tràng trong thời gian dài. Ngoài nguyên nhân do táo bón mãn tính, đi ngoài kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.
Ngoài những biến chứng kể trên, đi ngoài do đau dạ dày kéo dài còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, giấc ngủ và hiệu suất lao động. Hơn nữa, tình trạng đi tiêu quá nhiều lần trong ngày còn gây ra nhiều phiền toái, khó chịu, tác động tiêu cực đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Điều trị đau dạ dày gây đi ngoài tiêu chảy
Đau dạ dày gây tiêu chảy, đi ngoài tác động không nhỏ đến sức khỏe tổng thể, hoạt động tiêu hóa và chất lượng cuộc sống. Vì vậy khi gặp phải tình trạng này, cần chủ động khắc phục với một số biện pháp sau:
1. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Đau dạ dày kèm đi ngoài có thể là hệ quả do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, sinh hoạt vô tổ chức,… Ngoài ra tình trạng này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý ở đường tiêu hóa như hội chứng Zollinger-Ellison, viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản. Vì vậy để kiểm soát hoàn toàn chứng tiêu chảy, đau dạ dày và một số triệu chứng đi kèm, cần tiến hành thăm khám để được chẩn đoán nguyên nhân.
Dựa vào nguyên nhân cụ thể, mức độ bệnh lý và khả năng đáp ứng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị sau:
- Thuốc trung hòa dịch vị, bảo vệ niêm mạc, thuốc ức chế choline, thuốc ức chế bài tiết axit dạ dày, thuốc chống co thắt,… được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison và trào ngược thực quản.
- Trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp, bác sĩ có thể xây dựng kháng sinh đồ với một số loại kháng sinh như Clarithromycin, Amoxicillin, Metronidazole, Tinidazole,…
- Thuốc kháng dopamine được sử dụng nhằm kích thích nhu động ruột và rút ngắn thời gian thức ăn ở bên trong dạ dày. Loại thuốc này thường được dùng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
- Trong trường hợp đau dạ dày kèm đi ngoài do hội chứng Zollinger-Ellison, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ u gastrin ở tuyến tụy.
- Nếu xảy ra do hội chứng ruột kích thích, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng dopamine,…
Bên cạnh các phương pháp y tế được bác sĩ chỉ định, nên phối hợp với lối sống lành mạnh để thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, tăng tốc độ phục hồi và giảm mức độ của các triệu chứng.
2. Sử dụng thuốc trị tiêu chảy
Trong trường hợp tiêu chảy xảy ra với tần suất thường xuyên và không thuyên giảm khi sử dụng các loại thuốc trên, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp cầm tiêu chảy và điều hòa hoạt động tiêu hóa.
Các loại thuốc được sử dụng để chữa tiêu chảy do đau dạ dày, bao gồm:
- Loperamid: Loại thuốc này được sử dụng để chữa tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân và tiêu chảy mãn tính do đau dạ dày kéo dài. Thuốc có khả năng giảm tiết dịch vị, tăng trương lực cơ thắt hậu môn và giảm nhu động ruột. Ngoài ra, Loparemid còn kéo dài thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột, giảm khối lượng phân và tăng vận chuyển dịch, chất điện giải.
- Dioctahedral smectite: Loại thuốc này được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc bột pha. Thuốc có tác dụng tăng độ nhầy của màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và đường ruột. Thuốc Dioctahedral smectite được dùng để giảm cơn đau ở dạ dày, tá tràng, thực quản và cầm tiêu chảy cấp – mãn tính.
- Men tiêu hóa: Để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và giảm tình trạng đi ngoài, bác sĩ có thể chỉ định một số loại men tiêu hóa như Normagut, Enterogermina, Biolac, Probio, Biosubtyl,… Các loại thuốc này giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, hỗ trợ hoạt động phân hủy thức ăn của dạ dày và giảm các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ tiêu,…
- Oresol: Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, có thể sử dụng bột pha hỗn dịch Oresol để bù nước và điện giải. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng loại thuốc này khi cần thiết, tránh tình trạng lạm dụng và phụ thuộc quá mức.
3. Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
So với tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, chứng đi ngoài do đau dạ dày thường có mức độ nhẹ hơn. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng này với chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp kiểm soát chứng đi ngoài do đau dạ dày:
- Tăng cường các loại thực phẩm có khả năng cầm tiêu chảy như khoai lang, yến mạch, khoai tây, gạo, táo, chuối, thịt gà, thịt lợn nạc,…
- Hạn chế các nhóm thực phẩm và đồ uống làm nghiêm trọng các triệu chứng ở đường ruột và dạ dày như nước ngọt có gas, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến ăn, món ăn chứa nhiều axit, muối đường và gia vị cay nóng.
- Nên uống nhiều nước, có thể bổ sung thêm nước ép từ rau xanh và trái cây để bù nước, điện giải, cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Dùng 1 – 2 hũ sữa chua/ ngày. Nguồn lợi khuẩn trong thực phẩm này giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột và hạn chế tiêu chảy, táo bón.
- Tránh dùng rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê, trà đặc và sữa trong thời gian bị tiêu chảy.
- Khi dạ dày bị tổn thương và hoạt động kém, nên ăn chậm nhai kỹ và chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
- Sử dụng thức ăn tươi sống và chưa được làm chín hoàn toàn như đồ tái, tiết canh, sashimi, nem, gỏi,… có thể làm nghiêm trọng triệu chứng tiêu chảy và tăng mức độ của cơn đau dạ dày. Vì vậy trong thời gian điều trị, cần ăn chín uống sôi và thận trọng khi lựa chọn thực phẩm.
Lưu ý: Trên thực tế, đau dạ dày kèm đi ngoài, tiêu chảy có thể dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa. Trong trường hợp đi ngoài liên tục, phân có máu tươi/ phân đen, buồn nôn, nôn mửa ra máu/ bã nôn có màu cà phê, vùng thượng vị đau dữ dội,… cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Đau dạ dày có đi ngoài không?”, cách nhận biết và khắc phục. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân cụ thể và can thiệp các biện pháp điều trị thích hợp.
Tham khảo thêm: Đau dạ dày buồn nôn có nguy hiểm không? Nên làm gì?