[ Chia sẻ] Cách điều trị bệnh trĩ theo Y học cổ truyền
Điều trị bệnh trĩ theo y học cổ truyền bao gồm sử dụng bài thuốc uống, thuốc dùng ngoài (thuốc bôi, ngâm rửa) và châm cứu. Phương pháp này thích hợp với những trường hợp bệnh trĩ có mức độ nhẹ và chưa phát sinh biến chứng.
Bệnh trĩ theo quan niệm của Y học cổ truyền
Bệnh trĩ (lòi dom) là bệnh lý mãn tính xảy ra khi các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị phình giãn, suy yếu và có xu hướng sung huyết tạo thành một hoặc nhiều búi trĩ. Bệnh tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt, tâm lý, sức khỏe và khả năng lao động.
Theo y học cổ truyền, lòi dom sinh ra do thấp nhiệt, khí trệ, khí hư lâu ngày khiến đại tràng bất thông, làm cơ nhục suy yếu, giáng hạ tổn thương sinh ra ứ huyết ở trực tràng – hậu môn. Nếu để kéo dài, mạch lạc càng ngàng càng sa giãn khiến huyết ứ trệ nhiều mà tạo thành cấu trúc dạng búi (búi trĩ) và gây chảy máu.
Căn nguyên khiến thấp nhiệt và khí ngưng trệ ở đại tràng do là tâm, tỳ, can, thận bị suy yếu và hư tổn hoặc do ngồi quá lâu, ít vận động, lao động nặng nhọc, thường xuyên dùng thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, phòng dục quá độ,…
Tương tự Tây y, y học cổ truyền chia bệnh trĩ thành 2 loại chính bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại.
Trĩ nội được chia thành 4 thể sau:
- Trĩ nội thể huyết ứ (búi trĩ sung huyết)
- Trĩ nội thể khí huyết ứ trệ (trĩ nội hình thành do các bệnh lý toàn thân)
- Trĩ nội thấp nhiệt (do viêm nhiễm)
- Trĩ nội thể nhiệt độc (giai đoạn đầu của viêm nhiễm búi trĩ)
Trĩ ngoại được chia thành 3 thể chính:
- Trĩ ngoại thể huyết ứ
- Trĩ ngoại thể nhiệt độc
- Trĩ ngoại thể thấp nhiệt
Theo y học cổ truyền, chứng lòi dom không được điều trị kịp thời có thể gây sung huyết trĩ cấp tính, tắc nghẽn búi trĩ cấp tính, viêm tắc tĩnh mạch trên búi trĩ, u trĩ xơ, rò hậu môn, nứt kẽ hậu môn, áp xe hậu môn,…
Điều trị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại bằng y học cổ truyền
Điều trị bệnh trĩ bằng y học cổ truyền phụ thuộc vào các triệu chứng lâm sàng. Quá trình điều trị bao gồm sử dụng thuốc uống, thuốc dùng ngoài (ngâm rửa, thuốc bôi,…), châm cứu và thay đổi lối sống.
1. Chữa trĩ nội, trĩ ngoại thể huyết ứ
Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại thể huyết ứ đặc trưng bởi tình trạng đại tiện ra máu từng giọt, táo bón, búi trĩ sa ra ngoài, nước tiểu vàng, mạch hoạt và chất lưỡi hồng. Với thể bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng khứ ứ, hoạt huyết, chỉ huyết và lương huyết.
- Bài thuốc 1: Hòe hoa (sao đen), kinh giới (sao đen) và trắc bách diệp mỗi thứ 16g, sinh địa, địa du, bạch thược, quy đầu, xích thược và huyền sâm mỗi thứ 12g, hoàng cầm, hồng hoa, đào nhân, chỉ xác, xuyên khung mỗi thứ 8g, đại hoàng 4g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị xích thược, đương quy, hòe hoa, địa du, kinh giới, hoàng cầm mỗi thứ 12g, sinh địa 20g. Rửa sạch dược liệu cho vào ấm sắc, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi hẳn.
- Bài thuốc 3: Dùng xuyên khung, đương quy, hồng hoa và chỉ xác mỗi thứ 8g, đại hoàng 4g, hạt vừng, bạch thược và sinh địa mỗi thứ 12g, trắc bách diệp (sao), kinh giới (sao) và cỏ nhọ nồi (sao) mỗi thứ 16g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Kết hợp châm cứu các huyệt vị như huyệt Bách hội, Trường cường, Thứ liêu, Đại trường du, Tiểu trường du, Túc tam lý, Thừa sơn, Tam âm giao, Hợp cốc,…
2. Điều trị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại thể thấp nhiệt
Thể thấp nhiệt đặc trưng bởi triệu chứng búi trĩ loét, sưng nóng, đau rát có thể đi kèm với tình trạng chảy mủ hoặc chảy nước vàng. Búi trĩ sưng to gây khó khăn khi ngồi, thường đi kèm với táo bón, nước tiểu đỏ, người sốt, mạch sác và rêu lưỡi vàng nhớt.
Đối với thể bệnh này, cần áp dụng bài thuốc hoạt huyết chỉ thống và thanh nhiệt, trừ thấp.
- Bài thuốc 1: Hoàng bá, trạch tả, xích thược, hoàng liên mỗi thứ 12g, đương quy 10g, đào nhân 8g, đại hoàng 6g, sinh địa 16g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng trắc bách diệp, chi tử, kinh giới, hoàng bá, trạch tả và xích thược mỗi thứ 12g, đào nhân, đương quy và chỉ xác mỗi thứ 8g, cam thảo 4g, đại hoàng 6g, sinh địa và kim ngân hoa mỗi thứ 16g.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị xích thược, kim ngân, hòe hoa, hoàng bá, chỉ xác và chi tử sao mỗi thứ 12g. Đem sắc uống đều đặn, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị hoàng liên, hoàng bá và xích thược mỗi thứ 12g, đào nhân 8g. Đem rửa sạch dược liệu, sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Ngoài ra, cần kết hợp châm cứu với các huyệt vị tương tự thể huyết ứ và gia thêm huyệt Thượng cự hư.
3. Chữa trị nội thể khí huyết hư yếu
Bệnh trĩ nội thể khí huyết hư yếu là thể bệnh tiến triển lâu ngày. Thể bệnh này đặc trưng với triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ù tai, thiếu máu do đi ngoài ra máu kéo dài, người mệt mỏi, hơi thở ngắn, cơ thể tự ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng và mạch trầm tế.
Đối với thể khí huyết hư yếu, cần phối hợp các dược liệu có tác dụng chỉ huyết, thăng đề và bồi bổ khí huyết. Bên cạnh sử dụng thuốc, nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng thiếu máu.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị bạch truật, sài hồ, kê huyết đằng, quy đầu và thăng ma mỗi thứ 12g, chích cam thảo 4g, trần bì 8g, đẳng sâm 16g và hoàng kỳ 20g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng địa du, đương quy, thăng ma và hòe hoa (sao đen) mỗi thứ 8g, trần bì 16g, bạch thược và kinh giới (sao đen) mỗi thứ 12g, cam thảo 4g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị đảng sâm, hoài sơn mỗi thứ 16g, hà thủ ô, kê huyết đằng, biển đậu, kinh giới (sao đen) và bạch truật mỗi thứ 12g, hòe hoa sao 8g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Kết hợp thuốc uống với châm cứu các huyệt vị như huyệt Bách hội, Quan nguyên, Khí hải, Tỳ du, Cao hoang, Trường dương,…
4. Điều trị trĩ nội, trĩ ngoại thể nhiệt độc
Trĩ nội, trĩ ngoại thể nhiệt độc đặc trưng bởi tình trạng búi trĩ đau nhức, sưng nóng và đau buốt hậu môn. Thể bệnh này chỉ gây đi ngoài ra máu, không đi kèm với hiện tượng chảy mủ hay chảy dịch vàng.
Với thể nhiệt độc, cần sử dụng bài thuốc có tác dụng cầm máu, thanh nhiệt, lương huyết và giải độc.
- Chuẩn bị: Hoàng liên, hoàng bá, kim ngân hoa, hoàng cầm, hoàng kỳ, hạ khô thảo và đương quy mỗi thứ 12g, sinh địa 16g và đại hoàng 4g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bên cạnh đó, nên phối hợp châm cứu với các huyệt vị Trường cường, Quan nguyên, Bách hội, Khí hải, Tam âm giao, Túc tam lý,…
5. Bài thuốc bôi, ngâm rửa trị trĩ ngoại
Khác với trĩ nội, trĩ ngoại hình thành ở ngoài ống hậu môn nên rất dễ chảy máu, gây vướng víu và khó chịu khi ngồi, nằm và lao động. Vì vậy ngoài việc sử dụng bài thuốc uống và châm cứu, nên thực hiện đồng thời với các bài thuốc bôi và ngâm rửa.
Các bài thuốc ngâm rửa trị trĩ ngoại:
- Bài thuốc ngâm 1: Chuẩn bị kha tử và phèn phi mỗi thứ 10g. Đem kha tử rửa sạch, đun sôi với 2 lít nước sau đó thêm phèn phi vào, khuấy đều. Hòa thêm nước mát và dùng để ngâm rửa hậu môn.
- Bài thuốc ngâm 2: Dùng hoàng cầm, phòng phong, hoàng liên mỗi thứ 12g, đại hoàng 4g, kinh giới và khổ sâm mỗi thứ 16g, phác tiêu 8g, chi tử 10g, hoàng bá 20g. Rửa sạch dược liệu, đun sôi với nước và dùng ngâm rửa thường xuyên.
Ngoài ra, có thể áp dụng một số bài thuốc bôi có tác dụng tiêu búi trĩ như:
- Bài thuốc bôi 1: Chuẩn bị hùng hoàng, bạch phàn, lưu huỳnh, hoạt thạch và phèn phi mỗi thứ 8g. Để lưu huỳnh riêng và đem các dược liệu tán bột mịn. Sau đó cho vào nồi đất đậy kín và đặt lên than hồng đến khi bột nổ thì cho lưu huỳnh vào. Để thuốc bột nguội hoàn toàn rồi cho bình thủy tinh bảo quản. Mỗi lần sử dụng một lượng bột mịn vừa đủ thoa vào búi trĩ, nên dùng thường xuyên để đạt được hiệu quả cao.
- Bài thuốc bôi 2: Dùng nhũ hương và hùng hoàng mỗi thứ 8g, phèn phi 30g và thạch tín 14g. Đem thạch tín và phèn phi tán bột mịn cho vào nồi đất, đậy kín và đem đun nóng đến khi tỏa khói xanh thì bắc xuống. Đợi thuốc nguội rồi cho bột hùng hoàng và nhũ hương vào, trộn với hồ và dùng thoa búi trĩ hằng ngày.
- Bài thuốc bôi 3: Chuẩn bị hoàng liên 18g, hoàng bá và khương hoàng mỗi thứ 12g, sáp ong 16g, xuyên khung 20g, sinh địa 40g và dầu vừng 1.5 lít. Để sáp ong riêng, cho các vị khác sắc đặc với nước. Sau đó cho sáp ong vào, khuấy đều và đun lửa nhỏ đến khi cô đặc lại thành cao thì tắt bếp. Mỗi lần dùng một lượng cao vừa đủ thoa lên búi trĩ để giảm đau, sát trùng và hỗ trợ làm tiêu búi trĩ.
Các bài thuốc ngâm rửa và bôi ngoài đem lại hiệu quả nhanh chóng và có độ an toàn cao hơn so với thuốc uống. Tuy nhiên, nên kết hợp với thuốc dạng uống và châm cứu để tác động toàn diện đến tiến triển của bệnh.
Lưu ý khi chữa bệnh trĩ bằng y học cổ truyền
Hiện nay, điều trị bệnh trĩ bằng y học cổ truyền được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn vì có ưu điểm lành tính, phù hợp với nhiều đối tượng và ít gây ra tình trạng phụ thuộc như thuốc Tây. Tuy nhiên để tránh rủi ro khi áp dụng phương pháp này, cần lưu ý một số thông tin sau:
- Chữa bệnh trĩ theo y học cổ truyền chỉ thích hợp với những trường hợp bệnh có mức độ nhẹ và chưa phát sinh biến chứng.
- Thực tế, điều trị bằng y học cổ truyền có ưu điểm lành tính và ít gây ra hiện tượng phụ thuộc nhưng cho hiệu quả hạn chế hơn so với các phương pháp từ Tây y. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
- Hiệu quả của các bài thuốc từ y học cổ truyền không có tính đồng nhất như thuốc Tây mà phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Nếu không nhận thấy cải thiện rõ rệt, nên ngưng áp dụng và thay đổi phương pháp để tránh gây gián đoạn, trì hoãn quá trình điều trị.
- Hiện nay, có nhiều bài thuốc chữa bệnh trĩ theo y học cổ truyền chưa được kiểm định về độ an toàn và mức độ cải thiện. Vì vậy, nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và dự phòng các tác dụng không mong muốn. Đồng thời, cần lựa chọn phòng khám uy tín, thầy thuốc có chuyên môn sâu và tay nghề cao.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị, nên phối hợp với chế độ ăn uống khoa học nhằm giảm táo bón, tiêu chảy và hỗ trợ cải thiện tình trạng đi ngoài ra máu.
- Thay đổi một số thói quen tác động xấu đến tiến triển của bệnh trĩ như ngồi quá lâu, đứng nhiều, ngồi xổm, mang vác nặng và lao động quá sức.
Bài thuốc đã tổng hợp những thông tin cần biết về phương pháp điều trị bệnh trĩ theo y học cổ truyền. Tuy nhiên thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi điều trị, nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng.
Tham khảo thêm: Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp bấm huyệt có thật sự hiệu quả?