Nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị
Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn mãn tính tồn tại trong dạ dày con người. Nhiễm vi khuẩn HP tronh dạ dày có thể khiến người bệnh gặp phải rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bởi vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua vài viết dưới đây nhé!
Vi khuẩn HP là gì?
HP là tên viết tắt của cụm từ Helicobacter Pylori, một loại trực khuẩn Gram âm tồn tại và phát triển mạnh trong dạ dày. Chúng có cơ chế tiết ra enzyme Urease trung hòa nồng độ axit mạnh để tồn tại.
HP có dạng cong hoặc chữ S với chiều dài từ 1,5 đến 5 µm và đường kính từ 0,3 đến 1 µm. Chúng có 4-6 lông mảnh nằm ở mỗi đầu để chuyển động trong môi trường dịch nhầy của niêm mạc dạ dày. HP thường cư trú chủ yếu nhiều nhất ở hang vị, tiếp sau là thân vị và có thể ở vùng dị sản dạ dày ở tá tràng.
Chủng vi khuẩn Helicobacter Pylori gây tổn thương dạ dày trong nhiều năm dài. Người bệnh có thể mất tới 30 năm kể từ khi nhiễm vi khuẩn cho tới khi phát hiện bệnh thông qua biểu hiện của các triệu chứng. Nó gây ra nhiều tổn thương và biến chứng nghiêm trọng như loét, xuất huyết, thủng và thậm chí là ung thư dạ dày.
Tại sao lại bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày?
Bởi vì HP là vi khuẩn nên chúng có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Chúng có thể tiến vào dạ dày thông qua các con đường:
- Tiếp xúc với nước bọt người bệnh: hôn, dùng chung bát đũa, dụng cụ ăn uống. Đây là con đường nhiễm HP cao nhất, chiếm tới 90% nguyên nhân các ca bệnh dạ dày do vi khuẩn HP gây ra.
- Qua đường tiêu hóa: ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh do HP có thể tồn tại trong phân.
- Qua dụng cụ, trang thiết bị y tế như dụng cụ nội soi dạ dày,… không được vệ sinh đảm bảo.
- Qua nguồn nước ăn: trong nước cũng có thể chứa vi khuẩn HP.
Những ai dễ bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày?
Xuất phát từ nguyên nhân nhiễm bệnh, có thể dễ dàng thấy đối tượng nào cũng đều có nguy cơ nhiễm HP. Các chuyên gia y tế ước tính rằng thế giới có khoảng nửa số dân đã bị nhiễm HP. Con số này chủ yếu từ lứa tuổi trên 20 ở các nước đang phát triển với tỉ lệ rất cao tần suất rất cao từ 50 đến 90%. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi từ 2-8 của các nước này cũng có nguy cơ nhiễm HP lớn. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có khoảng >70% người lớn bị nhiễm khuẩn này.
Triệu chứng khi bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày
Người bệnh khi bị nhiễm vi khuẩn HP thường không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Một số dấu hiệu đáng lưu tâm và cẩn trọng như:
- Đau tức vùng thượng vị dạ dày, đau bụng sau ăn.
- Rối loạn tiêu hóa, đầy hơi chướng bụng.
- Nuốt nghẹn, mất khẩu vị, buồn nôn hoặc nôn, dịch nôn màu đen hoặc màu bã cà phê.
- Hôi miệng, thường xuyên ợ chua, ợ nóng.
- Giảm cân, cơ thể suy nhược.
- Thay đổi tính chất phân, phân lẫn máu hoặc có màu đen.
Nếu phát hiện các triệu chứng, biểu hiện là kể trên hoặc nghi ngờ mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời. Tuyệt đối không chủ quan, coi nhẹ bệnh khiến cho tình trạng ngày càng tồi tệ. Từ đó tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng, khó điều trị hơn.
Phương thức điều trị bệnh
Để điều trị vi khuẩn HP, người bệnh cần phải điều trị kết hợp các loại thuốc kháng sinh khác nhau. Kèm theo đó là thuốc ức chế axit dạ dày trong suốt quá trình điều trị.
Nguyên tắc điều trị:
Để loại bỏ vi khuẩn HP và làm lành các tổn thương HP gây ra, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc điều trị. Nguyên tắc sử dụng thuốc nhằm:
- Loại bỏ các yếu tố gây bệnh hoặc làm bệnh chuyển biến trầm trọng hơn như các thuốc nhóm không steroid chống viêm, stress, diệt trừ vi khuẩn HP…
- Bình thường hóa các chức năng của dạ dày.
- Tăng cường bảo vệ, tái tạo niêm mạc tại các vùng bị tổn thương.
- Loại trừ các bệnh lý kèm theo.
Các loại thuốc sử dụng
Dựa trên mức độ viêm loét và test HP cho ra kết quả dương tính hay âm tính mà các phác đồ điều trị được áp dụng khác nhau. Nhóm thuốc dùng để điều trị viêm loét dạ dày bao gồm:
- Kháng sinh diệt vi khuẩn: Metronidazol, Amoxicilline, Clarithromycine và Tinidazol.
- Thuốc ức chế bơm proton: Omeprazol, Lansoprazol, Esomeprazole và Rabeprazole.
- Nhóm thuốc kháng tiết H2: Famotidine, Cimetidin, Ranitidine và Nizatidine.
- Nhóm thuốc kháng axit: CaCO3 và NaHCO3.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Sucralfate, Bismuth và Prostaglandin.
Xin lưu ý rằng các loại thuốc này có thể kèm theo một số tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, phản ứng cai rượu, lưỡi đen, rối loạn vị giác, phân đen. Chính vì vậy khi sử dụng, bệnh nhân cần tránh đồ uống có cồn, nước có gas, không tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời và dùng thuốc sau các bữa ăn.
Ăn các loại thực phẩm tốt cho dạ dày
Bên cạnh đó, có chế độ sinh hoạt khoa học và sử dụng nhiều thực phẩm lành mạnh, có lợi cho việc điều trị bệnh cũng cần được lưu tâm. Các loại thực phẩm phù hợp như:
- Trà xanh và trà đen: hạn chế lan rộng, phòng ngừa lây nhiễm HP.
- Ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ: giảm viêm loét, tổn thương.
- Trái cây, hoa quả chín, rau có màu xanh đậm.
- Mật ong, nghệ, tỏi,… để làm yếu hoạt động của vi khuẩn.
- Không ăn đồ chua cay, nóng hoặc các gia vị kích thích dạ dày.
HP là vi khuẩn rất dễ lây lan trong cộng đồng và âm thầm làm tổn thương các cơ quan tiêu hóa của con người. Bạn đọc hãy nắm rõ các triệu chứng và luôn nâng cao sức khỏe để có thể đẩy lùi căn bệnh nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày. Hy vọng, những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích.