Dị ứng da mặt: Tìm hiểu dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Dị ứng da mặt có nhiều nguyên nhân gây nên. Do đó, người bệnh cần nắm rõ để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.
Dị ứng da mặt thường xảy ra do dị ứng mỹ phẩm, thời tiết, sinh sống trong môi trường ô nhiễm hoặc do ăn phải thực phẩm có khả năng kích ứng cao. Da mặt bị dị ứng đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, nổi sẩn, mụn viêm, đi kèm với triệu chứng ngứa, nóng rát và châm chích. Thông thường các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 1 – 5 ngày chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên ở một số trường hợp cần thiết, bạn buộc phải can thiệp các biện pháp y tế.
Dị ứng da mặt là gì?
Dị ứng da mặt là hiện tượng da mặt xuất hiện sẩn đỏ, mề đay, phát ban, mụn viêm,… khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Tổn thương do dị ứng da mặt có hình thái đa dạng, phạm vi ảnh hưởng và mức độ không đồng nhất. Điều này phụ thuộc vào yếu tố cơ địa, nguyên nhân gây dị ứng, loại da và một số yếu tố khác.
So với những vùng da trên cơ thể, da mặt thường mỏng và có độ nhạy cảm cao. Chính vì vậy vùng da này rất dễ mẫn cảm và dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích.
Phần lớn các trường hợp dị ứng da mặt đều chỉ xảy ra khu trú ở vùng má, trán, cằm và mũi. Tuy nhiên ở một số người có cơ địa nhạy cảm, tổn thương da có thể lan tỏa rộng sang vùng da đầu, tai và cổ.
Nguyên nhân gây hiện tượng dị ứng da mặt
Hiện tượng dị ứng da mặt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Dị ứng mỹ phẩm: Dị ứng mỹ phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng dị ứng ở vùng da mặt. Sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chứa thành phần dễ gây dị ứng hoặc lựa chọn sản phẩm không phù hợp với loại da có thể khiến lỗ chân lông bị bít tắc, gây mụn, sưng viêm và dị ứng.
- Sống trong môi trường ô nhiễm: Sinh sống trong điều kiện môi trường ô nhiễm có thể khiến da suy giảm sức đề kháng và nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích. Các thành phần độc hại trong không khí như bụi mịn, kim loại nặng, hóa chất,… không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp mà còn gây bít tắc lỗ chân lông, khiến da nhanh lão hóa và dễ nổi mẩn ngứa.
- Vệ sinh da kém: Da mặt là vị trí nhạy cảm và dễ dị ứng khi không được vệ sinh đúng cách. Thói quen vệ sinh da mặt kém có thể khiến bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết ứ đọng trong lỗ chân lông, làm suy giảm hàng rào bảo vệ da và khiến da dễ bùng phát triệu chứng dị ứng khi có yếu tố thuận lợi.
- Dị ứng thời tiết: Thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi đột ngột là nguyên nhân gây ra tình trạng nổi mẩn, mề đay ở da mặt. Ngoài ra dị ứng thời tiết còn gây phát ban và nổi mề đay ở tay, chân, cổ và ngực. Một số trường hợp còn đi kèm với triệu chứng sổ mũi, ho, nghẹt mũi, ngứa họng,…
- Dị ứng thực phẩm: Ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, sữa, đậu nành,… có thể khiến hệ miễn dịch phóng thích histamine vào da, gây dị ứng da mặt và nổi mề đay ở ngực, bụng, chân. Ngoài triệu chứng trên da, dị ứng thực phẩm còn gây nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng.
- Do một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, dị ứng da mặt còn có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như rối loạn nội tiết tố, căng thẳng kéo dài, da bị nhiễm corticoid, làn da quá nhạy cảm,…
Biểu hiện của dị ứng da mặt
Dị ứng da mặt thường bùng phát dấu hiệu sau khi tiếp xúc với yếu tố kích thích khoảng vài phút đến vài giờ.
Các dấu hiệu nhận biết dị ứng da mặt, bao gồm:
- Da đỏ, nóng rát và ngứa ngáy
- Xuất hiện các nốt mụn đỏ, mọc khu trú ở vùng má, trán và cằm
- Hoặc có thể xuất hiện các sẩn ngứa, phát da nổi cộm so với những vùng da xung quanh
- Dị ứng da mặt thường gây ngứa ngáy, châm chích, nóng rát và sưng đau nhẹ
- Một số trường hợp có thể bong tróc nhẹ, khô ráp và sần sùi
Với những trường hợp dị ứng nhẹ, tổn thương ở da mặt có thể thuyên giảm chỉ sau vài giờ đến vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở những người có làn da nhạy cảm và có mức độ dị ứng nặng, tổn thương da có thể kéo dài gây viêm nặng, tăng tốc độ lão hóa và dễ để lại thâm sẹo.
Dị ứng da mặt có sao không? Bao lâu thì khỏi?
Dị ứng da mặt là tình trạng da liễu khá phổ biến và chủ yếu gặp ở nữ giới. Hầu hết các trường hợp da mặt bị dị ứng thường có triệu chứng nhẹ đến trung bình và thuyên giảm nhanh sau khoảng vài ngày.
Tuy nhiên ở những người có làn da mỏng, nhạy cảm hoặc người thường xuyên gãi cào lên da, da mặt có thể bị chảy máu, xây xước, hình thành thâm sẹo và viêm nhiễm. Ngoài ra sự xuất hiện của các sẩn đỏ, phát ban và mẩn ngứa còn ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.
Thông thường, dị ứng da mặt sẽ thuyên giảm sau 1 – 5 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, yếu tố này còn phụ thuộc vào cơ địa, mức độ dị ứng, chế độ chăm sóc và điều trị của từng trường hợp. Nếu không xử lý đúng cách, dị ứng da mặt có thể kéo dài đến vài tuần hoặc hơn.
Cách trị dị ứng da mặt hiệu quả nhất
Điều trị dị ứng da mặt phụ thuộc vào mức độ dị ứng. Với những trường hợp nhẹ, điều trị chủ yếu là loại trừ nguyên nhân gây bệnh và chăm sóc tại nhà. Ngược lại nếu dị ứng nặng, gây viêm và ngứa ngáy dữ dội, bạn cần sử dụng thuốc để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng.
1. Xác định nguyên nhân và loại trừ yếu tố thuận lợi
Khi xuất hiện các dấu hiệu dị ứng da mặt, bạn cần xác định nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng này. Tiếp tục dung nạp thức ăn gây dị ứng, sử dụng loại mỹ phẩm không phù hợp,… có thể khiến triệu chứng trên da tiến triển xấu và có xu hướng lan tỏa rộng.
Nếu không thể xác định được nguyên nhân cụ thể, bạn cần loại trừ các yếu tố rủi ro sau:
- Tránh dung nạp các thực phẩm và đồ uống có khả năng dị ứng như hải sản, các loại đậu, sữa, rượu bia, trà đặc và cà phê.
- Kiểm tra bảng thành phần của các sản phẩm dưỡng da và loại bỏ các sản phẩm có chứa các thành phần dễ gây dị ứng như hương liệu, cồn, chì, dầu khoáng, retinol, BHA,… Các thành phần này có thể không phải là nguyên nhân gây dị ứng. Tuy nhiên trong thời điểm da mặt nhạy cảm, da có thể bị kích thích và nổi mẩn đỏ nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với các loại mỹ phẩm chứa những thành phần kể trên.
- Hạn chế trang điểm trong thời gian bị dị ứng.
- Nên kiểm tra chỉ số ô nhiễm ở nơi sinh sống và sử dụng máy lọc không khí khi cần thiết.
- Nếu dị ứng xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột, nên giữ ấm cơ thể, mang khẩu trang khi ra ngoài và dùng máy tạo độ ẩm trong không gian sống.
2. Chăm sóc và phục hồi da
Dị ứng da mặt chủ yếu gây ra các nốt sẩn, mẩn đỏ và phát ban ở lớp thượng bì. Do đó nếu chăm sóc tốt, tổn thương da có thể được cải thiện mà không cần can thiệp y tế.
Một số biện pháp chăm sóc và phục hồi da mặt bạn có thể áp dụng, bao gồm:
- Cần vệ sinh da mặt 2 lần/ ngày (sáng – tối) với các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa hương liệu và có độ pH cân bằng. Khi rửa mặt, nên thao tác nhẹ nhàng để tránh gây kích thích lên vùng da bị ảnh hưởng.
- Có thể xông da mặt với nước muối ấm hoặc gừng, sả, lá chanh,… Biện pháp này giúp đào thải dị nguyên nằm sâu trong lỗ chân lông, làm sạch da và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng.
- Chườm lạnh hoặc đắp gạc ướt lên da mặt trong khoảng 5 – 10 phút giúp giảm viêm và ngứa nhanh chóng.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa các thành phần phục hồi và cân bằng độ ẩm cho da như Panthenol, Niacinamide, Vitamin E, Acid Hyaluronic, Glycerin,…
- Đắp mặt nạ từ thiên nhiên như mặt nạ nha đam, sữa chua, mật ong, yến mạch,… nhằm làm dịu vùng da bị ảnh hưởng, hỗ trợ giảm viêm, ngứa ngáy và làm mờ thâm sạm.
- Nên uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và làm đều màu da.
- Sử dụng kem chống nắng và đội mũ, sử dụng dù khi di chuyển ngoài trời. Tia UV trong ánh nắng có thể kích thích sản sinh melanin và khiến nang lông bài tiết nhiều dầu thừa, gây nổi mụn, viêm đỏ và hình thành sạm nám.
3. Sử dụng thuốc điều trị
Trong trường hợp dị ứng da mặt có mức độ nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm sau 3 ngày điều trị tại nhà, bạn có thể tìm gặp dược sĩ để được chỉ định các loại thuốc sau:
- Kem bôi chứa corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid được sử dụng trong trường hợp dị ứng gây viêm sưng nặng. Thuốc có tác dụng chống dị ứng và giảm viêm nhanh, tuy nhiên loại thuốc này có thể làm mỏng da nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
- Thuốc mỡ kháng sinh: Với những trường hợp dị ứng có kèm mụn trứng cá, bạn có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh để giảm viêm và ức chế vi khuẩn P. acnes.
- Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin (Pimecrolimus, Tacrolimus) hoạt động bằng cách tác động lên tế bào lympho T nhằm ngăn chặn quá trình phóng thích kháng nguyên, từ đó làm giảm viêm, sưng và ngứa da. Tuy nhiên loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da nên chỉ được sử dụng khi không có đáp ứng với kem bôi chứa corticoid.
- Thuốc kháng histamine H1: Ngoài thuốc bôi, bạn có thể dùng phối hợp với thuốc kháng histamine H1. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế histamine ở thụ thể H1 nhằm làm giảm các triệu chứng dị ứng.
Vùng da mặt khá nhạy cảm và dễ bị kích ứng khi sử dụng thuốc bôi. Vì vậy, trong những trường hợp không cần thiết, dược sĩ thường sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc kháng histamine H1 cùng với các loại kem dưỡng có tác dụng làm dịu và phục hồi da.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tái phát?
Để thúc đẩy thời gian hồi phục và giảm nguy cơ tái phát, bạn nên thực hiện các biện pháp như sau:
- Tránh gãi, cào và chà xát mạnh lên da mặt. Đồng thời nên hạn chế trang điểm dày hoặc để lớp trang điểm trên da quá lâu.
- Hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống dễ gây dị ứng và khiến triệu chứng ngứa bùng phát mạnh như thực phẩm cay nóng, thức ăn nhanh, cà phê, rượu bia,…
- Cần đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời – đặc biệt khi thời tiết nắng nóng và trong thời điểm giao mùa.
- Cần vệ sinh và chăm sóc da mặt đúng cách. Đồng thời nên giặt khăn mặt, vệ sinh gối, mền và drap giường thường xuyên để giảm nguy cơ kích thích và dị ứng da mặt.
- Trước khi trang điểm hoặc chăm sóc da, cần vệ sinh tay và da mặt sạch sẽ.
- Tổ chức lại thời gian sinh hoạt, tránh thức quá khuya, ăn uống không đúng giờ và lười vận động.
- Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da mặt và toàn thân chiết xuất từ thành phần thiên nhiên, dịu nhẹ, không chứa hương liệu và có độ pH trung tính.
- Nâng cao thể trạng và cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và ngủ nghỉ đúng giờ.
Dị ứng da mặt – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trong một số ít trường hợp, dị ứng da mặt có thể xảy do hệ miễn dịch của da suy yếu. Tình trạng này thường gặp ở người lạm dụng các loại kem dưỡng chứa corticoid. Corticoid là hoạt chất ức chế miễn dịch, giúp làm giảm viêm, sưng và cải thiện mụn nhanh chóng.
Tuy nhiên nếu lạm dụng, da có thể bị giãn mao mạch, mỏng, dày sừng nang lông và suy giảm sức đề kháng. Hệ miễn dịch của da suy giảm chính là điều kiện để các yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể kích thích và làm bùng phát triệu chứng dị ứng.
Do đó bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng như sau:
- Da mỏng, nhìn rõ các mao mạch ở dưới da
- Mụn viêm và sẩn đỏ nổi ồ ạt, gây viêm và tổn thương da sâu
- Da khô nhăn nheo, hình thành các vết nhăn và sạm nám
Dị ứng da mặt thường được khắc phục nhanh chóng nếu được phát hiện và xử lý sớm. Tuy nhiên nếu để kéo dài, tổn thương da có thể ăn sâu vào lớp trung bì và hạ bì, gây thâm sẹo và phá vỡ hàng rào bảo vệ da.
Tham Khảo Thêm:
- TOP 10 địa chỉ chữa nổi mề đay uy tín, chất lượng nhất tại Hà Nội, HCM
- TOP 10 bác sĩ chữa nổi mề đay khi mang thai “mát tay” tại Hà Nội, HCM
- TOP 4 loại thuốc trị dị ứng da mặt của Nhật tốt nhất thị trường hiện nay
- Bài thuốc quý nổi danh DỨT ĐIỂM mề đay mẩn ngứa, KHÔNG tái phát