Dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ tổn thương da, bệnh còn có thể làm phát sinh triệu chứng ở đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa… Với những trường hợp dị ứng nhẹ, điều trị chủ yếu là chăm sóc và cải thiện tại nhà. Tuy nhiên nếu nổi mẩn đỏ gây viêm nặng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc tương ứng.
Vì sao dị ứng thời tiết gây nổi mẩn đỏ?
Dị ứng thời tiết là tình trạng hệ miễn dịch bị kích thích bởi các yếu tố như ánh sáng, không khí, độ ẩm, nhiệt độ,… Bệnh thường gặp trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết khô lạnh hoặc nóng ẩm.
Sau khi có yếu tố kích thích, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng nguyên (IgE) nhằm đối kháng với các dị nguyên. IgE được sản sinh quá mức có thể làm tăng nồng độ kháng nguyên trong huyết tương, dẫn đến tình trạng kích thích tế bào mast phóng thích histamine ra khỏi phức hợp với protein. Histamine sau được được giải phóng sẽ gây ra các triệu chứng ở da, hệ hô hấp và một số triệu chứng toàn thân khác.
Sau khi được phóng thích vào da, histamine sẽ kích thích mao mạch ở lớp trung bì và gây ra tổn thương da có hình thái đa dạng. Thông thường, người bị dị ứng thời tiết thường gặp phải tình trạng phát ban da, sẩn ngứa có hình dáng và kích thước không đồng đều. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tổn thương da do dị ứng có thể xuất hiện ở dạng mẩn đỏ, kèm ngứa ngáy và châm chích.
Dấu hiệu nhận biết nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết có thể gây ra tổn thương da đi kèm với một số triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Với trường hợp nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết, bạn có thể nhận biết thông qua các biểu hiện lâm sàng như:
- Da xuất hiện các mẩn đỏ có hình tròn, kích thước đa dạng, có thể bằng phẳng hoặc nổi cộm hơn so với vùng da xung quanh.
- Mẩn đỏ có thể mọc khu trú ở má, tay, chân hoặc có thể lan tỏa ở các phạm vi rộng như ngực và lưng.
- Thông thường, mẩn đỏ do dị ứng thời tiết thường gây ngứa kèm nóng rát và châm chích nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tổn thương da có thể không gây ngứa mà chỉ gây viêm và đau rát nhẹ.
Nổi mẩn đỏ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như côn trùng cắn, dị ứng mỹ phẩm, ma sát với quần áo,… Tuy nhiên, nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết không chỉ gây tổn thương da mà còn đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như:
- Dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ: Thường xảy ra khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột hoặc xảy ra vào mùa đông khi thời tiết khô hanh. Trong trường hợp này, nổi mẩn đỏ thường đi kèm với các triệu chứng hô hấp như sổ mũi, ngạt mũi, ho, ngứa mũi, đau họng, viêm kết mạc dị ứng,…
- Dị ứng thời tiết nóng nổi mẩn đỏ: Xảy ra khi thời tiết nóng và có độ ẩm cao hoặc khởi phát vào thời điểm nhiệt độ từ lạnh chuyển sang nóng đột ngột. Dị ứng với thời tiết nóng thường gây nổi mẩn đỏ kèm theo chứng đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi và bứt rứt.
Tuy nhiên trên thực tế, có những trường hợp bị nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết không có các triệu chứng đi kèm. Trong trường hợp này, bạn có thể xác định nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ thông qua thời điểm phát sinh triệu chứng.
Cách chữa dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ tại nhà
Phần lớn các trường hợp bị dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ đều có mức độ nhẹ. Trong trường hợp này, bạn có thể cải thiện tổn thương da và một số triệu chứng đi kèm bằng các biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà.
1. Các biện pháp chăm sóc khoa học
Các biện pháp chăm sóc có thể giảm nhẹ các triệu chứng trên da, đồng thời ngăn chặn tình trạng tổn thương da lan tỏa rộng.
Một số biện pháp chăm sóc cho người bị nổi mẩn đỏ trên da do dị ứng thời tiết:
- Nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ nhằm loại bỏ dị nguyên, hạ thân nhiệt và loại bỏ mồ hôi ứ đọng. Nếu bị dị ứng với thời tiết nóng, bạn nên tắm nước mát để làm dịu và giảm viêm da. Ngược lại nếu bị dị ứng thời tiết lạnh, bạn nên tắm nước ấm để giảm ngứa và ngăn ngừa tổn thương da lan tỏa rộng.
- Uống nhiều nước để dưỡng ẩm cho da và cân bằng nhiệt độ của cơ thể.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá hồi, ngũ cốc, trái cây, sữa chua và rau củ nhằm tăng cường sức khỏe và giảm mức độ nhạy cảm của hệ miễn dịch.
- Khi trời lạnh, nên mặc quần áo dày để giữ ấm cơ thể và hạn chế tình trạng thoát hơi nước trên da.
- Trong thời tiết nóng ẩm, bạn nên giữ da thông thoáng bằng cách mặc trang phục rộng rãi và có chất liệu thấm hút tốt.
2. Áp dụng mẹo giảm triệu chứng tại nhà
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà để cải thiện tổn thương da và một số triệu chứng đi kèm như:
- Dùng kem dưỡng: Các loại kem dưỡng ẩm thường chứa một số thành phần làm dịu da như Niacinamide, Glycerin, Vitamin E, Acid Hyaluronic,… Thoa kem dưỡng ẩm sau khi làm sạch da có tác dụng giảm viêm, ngứa và làm dịu da đáng kể.
- Chườm lạnh: Trong trường hợp nổi mẩn đỏ do nóng, bạn có thể chườm khăn lạnh lên vùng da tổn thương để giảm viêm và ngứa.
- Thoa gel nha đam: Nếu da nổi mẩn đỏ kèm khô ráp và bong tróc mạnh, bạn có thể dùng gel nha đam tươi thoa lên vùng da tổn thương. Ngoài khả năng dưỡng ẩm, gel nha đam còn có tác dụng phục hồi, làm mát da, giảm ngứa và viêm.
- Uống trà gừng ấm: Trà gừng ấm có thể làm giảm các triệu chứng hô hấp do dị ứng với thời tiết lạnh, đồng thời chống dị ứng và ngăn ngừa tổn thương da lan tỏa rộng. Ngoài ra với thành phần dinh dưỡng đa dạng, gừng còn giúp tăng cường miễn dịch và rút ngắn thời gian điều trị.
- Trà hoa cúc: Với những trường hợp dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa, bạn có thể uống trà hoa cúc để cầm tiêu chảy và giảm đau bụng. Ngoài ra loại trà này còn có tác dụng an thần và giảm cảm giác ngứa, khó chịu.
- Tắm lá thảo dược: Nếu nổi mẩn đỏ xảy ra trên phạm vi rộng, bạn có thể dùng một số thảo dược tự nhiên như lá trầu không, bạc hà, kinh giới,… để nấu nước tắm nhằm giảm ngứa và sưng viêm ở da.
Kết hợp các biện pháp chăm sóc và mẹo chữa tại nhà có thể làm giảm các triệu chứng do dị ứng thời tiết. Với những trường hợp nhẹ, bệnh thường thuyên giảm rõ rệt chỉ sau 3 – 5 ngày.
Dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ uống thuốc gì?
Với những trường hợp dị ứng thời tiết gây nổi mẩn đỏ nặng, khiến da sưng viêm, ngứa ngáy và đau nhức dữ dội, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng histamine H1: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm ngứa da, ngăn ngừa nổi mẩn đỏ lan rộng và cải thiện một số triệu chứng toàn thân. Các loại thuốc kháng histamine H1 thường được sử dụng, bao gồm Cetirizine, Fexofenadin, Levocetirizin,…
- Thuốc chứa corticoid: Corticoid được chỉ định khi mẩn đỏ gây viêm và đau nhức nặng. Loại thuốc này có tác dụng chống dị ứng và giảm viêm mạnh. Tuy nhiên corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên chỉ được sử dụng khi cần thiết.
- Thuốc điều trị triệu chứng: Tùy vào từng triệu chứng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với một số loại thuốc làm giảm triệu chứng như thuốc giảm đau (Ibuprofen, Diclofenac), thuốc hạ sốt (Acetaminophen), thuốc co mạch,..
Thuốc chỉ được sử dụng trong trường hợp dị ứng thời tiết có triệu chứng nặng và dai dẳng – đặc biệt là corticoid. Với những trường hợp có mức độ nhẹ, bạn không nên lạm dụng thuốc.
Phòng ngừa dị ứng thời tiết gây nổi mẩn đỏ
Nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết không chỉ gây đau rát và ngứa da mà còn để lại sẹo thâm và ảnh hưởng đến ngoại hình. Do đó sau khi điều trị, bạn nên điều chỉnh một số thói quen thiếu khoa học và thực hiện biện pháp nhằm giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Các cách phòng ngừa dị ứng thời tiết gây nổi mẩn đỏ:
- Trong thời điểm chuyển mùa, nên vệ sinh da đều đặn 2 lần/ ngày và hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.
- Nâng cao khả năng miễn dịch và thể trạng bằng cách bổ sung vitamin C, nước và khoáng chất. Bên cạnh đó nên tập thể dục thường xuyên, dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
- Dưỡng ẩm và chăm sóc da đúng cách nhằm tăng cường hàng rào bảo vệ và giảm mức độ nhạy cảm của da đối với những tác nhân bên ngoài.
- Khi thời tiết thay đổi, nên tránh bổ sung thực phẩm dễ gây dị ứng và hạn chế tiếp xúc với dị nguyên. Ở điều kiện thời tiết lý tưởng, các yếu tố này có thể không làm phát sinh bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên trong giai đoạn chuyển mùa, thực phẩm và dị nguyên có thể cộng hưởng với các yếu tố từ môi trường, làm tăng nguy cơ dị ứng và nổi mẩn đỏ.
Khi nhận thấy da nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết, bạn nên áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị khoa học. Tuy nhiên nếu nhận thấy mẩn đỏ gây viêm nặng và có hiện tượng tụ mủ, cần đến bệnh viện để được thăm khám và chỉ định loại thuốc thích hợp.
Xem thêm:
- Dị ứng thời tiết: Biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa
- [Tham khảo] Bài thuốc chữa khỏi DỨT ĐIỂM mề đay, không TÁI PHÁT
- Dị ứng thời tiết ở mặt – Cách chữa và phòng ngừa hiệu quả