[Bỏ túi]: 5 Cách chữa mề đay bằng lá hẹ đơn giản, hiệu quả tại nhà
Chữa mề đay bằng lá hẹ có thể áp dụng tại nhà. Cách chữa này có tác dụng giảm ngứa da, cải thiện tình trạng viêm và sưng đỏ. Cùng tìm hiểu cách chữa bệnh này trong phạm vi bài viết sau.
Công dụng chữa mề đay của lá hẹ
Lá hẹ còn được gọi là khởi dương thảo và cửu thái, thuộc họ Hành (danh pháp khoa học: Alliaceae). Theo y học cổ truyền, cây hẹ có vị ngọt, hơi cay, tính ấm và không chứa độc. Vì vậy thảo dược này thường được dùng trong chế biến món ăn và các bài thuốc chữa bệnh.
Dân gian thường sử dụng hẹ để chữa ho, đàm ứ, sức khỏe suy yếu, ngứa da, đau bụng, táo bón, đau nhức răng và xuất tinh sớm. Ngoài ra lá hẹ còn được dùng sử dụng để giảm ngứa và viêm ở bệnh nhân nổi mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa, phát ban da,…
Cách chữa mề đay bằng lá hẹ được lưu truyền và sử dụng rộng rãi trong phạm vi nhân dân. Không chỉ được y học cổ truyền ghi nhận, theo phân tích của y học hiện đại thảo dược này còn chứa nhiều thành phần tốt cho da như vitamin C, E, nước, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Những thành phần này có tác dụng làm dịu vùng da sưng nóng, giảm ngứa và hạn chế tổn thương da lan rộng.
Mặc dù lá hẹ đã được chứng minh về công dụng chữa bệnh, tuy nhiên hiện nay chưa có các nghiên cứu chính thức về cải thiện lâm sàng của cách chữa mề đay bằng lá hẹ. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro và tránh gây gián đoạn đến quá trình điều trị, bạn nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện.
5 Mẹo chữa mề đay bằng lá hẹ thực hiện ngay tại nhà
Dân gian thường chữa mề đay bằng cách tắm nước lá hẹ, đắp lá hẹ lên da, thoa nước ép lá hẹ và sử dụng món ăn từ loại thảo dược này.
1. Tắm nước lá hẹ giúp giảm viêm và ngứa
Nấu nước tắm từ lá hẹ có thể cải thiện tổn thương da và các triệu chứng cơ năng của chứng nổi mề đay như ngứa ngáy, đau rát, khó chịu. Cách chữa này thích hợp với người nổi mề đay lan tỏa toàn thân hoặc mề đay xuất hiện ở những vùng da có phạm vi rộng như vùng lưng, bụng, ngực và tay chân.
Thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ tươi rồi cho vào nồi
- Đổ 2 lít nước vào và đun sôi trong khoảng 5 phút
- Thêm 2 thìa muối vào khuấy đều và đổ nước ra thau
- Hòa thêm ít nước lạnh để giảm nhiệt độ và dùng nước vệ sinh da
Khi chữa mề đay bằng cách tắm nước lá hẹ, bạn cần tránh tắm nước quá nóng. Với những người bị mề đay Cholinergic hoặc mề đay do nhiệt, nhiệt độ cao có thể khiến tổn thương da lan tỏa và bùng phát mạnh.
2. Thoa nước ép lá hẹ lên da
Trong trường hợp nổi mề đay khu trú ở mặt, cổ hoặc tay, bạn có thể thoa nước ép lá hẹ lên tay. Cách chữa này tận dụng toàn bộ dược tính của dược liệu để giảm viêm, ngứa và sưng đỏ da. Tuy nhiên cần tránh áp dụng biện pháp này trong trường hợp tổn thương da bị trầy xước, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ tươi và để ráo nước
- Dùng chày giã nát lá hẹ và vắt lấy nước
- Thoa hỗn dịch trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng
- Để trong khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch
3. Chữa mề đay bằng nước sắc lá hẹ
Lá hẹ có tính ấm, vị cay ngọt, tác dụng hành khí, tiêu thực tích và giải độc. Vì vậy dân gian thường dùng nước sắc lá hẹ để chữa nổi mề đay do ăn thực phẩm có tính lạnh hoặc do nhiễm phong hàn.
Người bị nổi mề đay do nhiệt cũng có thể sử dụng bài thuốc này. Nước sắc từ lá hẹ có khả năng hạ thân nhiệt, giảm sốt và cải thiện mề đay mẩn ngứa.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 50g lá hẹ rồi cắt thành từng khúc vừa phải
- Đem đun sôi với 1 lít nước
- Dùng nước lá hẹ uống hằng ngày
- Có thể tận dụng bã để chà nhẹ lên da giúp giảm ngứa và sưng viêm
4. Chườm lá hẹ sao trị mề đay ở tay, chân
Với những trường hợp nổi mề đay ở lòng bàn tay/ lòng bàn chân, bạn có thể sao nóng lá hẹ và chườm trực tiếp lên vùng da tổn thương. Lá hẹ sao nóng có thể gây kích thích da nên chỉ thích hợp cho những da ít nhạy cảm, vì vậy cần tránh áp dụng lên vùng da mỏng như mặt, cổ, ngực, bụng và lưng.
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ tươi và để ráo nước
- Đem lên chảo sao vàng đến khi thảo dược tỏa mùi thơm
- Cho dược liệu vào túi vải rồi chườm trực tiếp lên vùng da tổn thương
5. Món ăn từ lá hẹ
Ngoài các biện pháp nói trên, bạn cũng có thể giảm mề đay mẩn ngứa bằng cách bổ sung các món ăn từ lá hẹ. Với tác dụng giải độc và chống dị ứng, lá hẹ có thể làm giảm tổn thương da và ngăn chặn mề đay lan rộng.
Tuy nhiên khi chế biến, bạn nên kết hợp lá hẹ với các thực phẩm lành tính và ít có khả năng dị ứng như thịt heo, trứng, đậu hũ,… Đồng thời tránh phối hợp lá hẹ và các thực phẩm có thể kích thích nổi mề đay bùng phát mạnh như tôm, cua, thịt bò, nấm và các loại hải sản khác.
Chữa mề đay bằng lá hẹ có thực sự hiệu quả?
Chữa mề đay bằng lá hẹ là mẹo điều trị có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Cách chữa này được lưu truyền chủ yếu trong phạm vi nhân dân và chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng biện pháp này.
Hơn nữa, cách chữa này tận dụng tác dụng dược lý tự nhiên của lá hẹ nên hiệu quả điều trị thường chậm hơn so với thuốc Tây. Do đó bạn không nên quá phụ thuộc vào các mẹo chữa dân gian. Thay vào đó nên phối hợp đồng thời với việc sử dụng thuốc và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tối ưu.
Những lưu ý khi dùng lá hẹ chữa mề đay
Lá hẹ là thảo dược tự nhiên nên có độ an toàn cao và ít gây kích ứng khi sử dụng. Tuy nhiên để đạt được kết quả điều trị như mong muốn, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Khi dùng lá hẹ chữa mề đay, cần ngâm rửa nguyên liệu kỹ để tránh nguy cơ kích ứng và nhiễm trùng da.
- Không áp dụng mẹo chữa mề đay bằng lá hẹ khi tổn thương da bị nhiễm trùng hoặc chảy máu.
- Nên kết hợp cách chữa này với việc sử dụng thuốc và chăm sóc da đúng cách.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị và chăm sóc, cần loại trừ các nguyên nhân và yếu tố kích thích mề đay bùng phát mạnh.
- Trong trường hợp dị ứng với lá hẹ, bạn nên ngưng áp dụng và thay thế bằng phương pháp điều trị khác. Nếu triệu chứng tiếp tục kéo dài, cần thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Chữa mề đay bằng lá hẹ có tác dụng làm giảm triệu chứng cơ năng và hạn chế tổn thương da. Tuy nhiên để tăng tốc độ hồi phục và giảm nguy cơ mề đay lan rộng, bạn nên phối hợp mẹo chữa này với các biện pháp chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.
Tham khảo thêm: Mẹo dân gian chữa mề đay bằng cây thuốc nam quanh nhà