Cách chữa dị ứng nổi mề đay ở trên mặt hiệu quả, an toàn
Dị ứng nổi mề đay ở trên mặt không chỉ mất thẩm mỹ mà còn có thể gây bội nhiễm, viêm kết mạc dị ứng nếu không điều trị kịp thời. Vậy làm cách nào để điều trị tình trạng này? Cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Nổi mề đay trên mặt – Nguyên nhân & Dấu hiệu
Nổi mề đay trên mặt là phản ứng của da khi có các yếu tố kích thích. Tình trạng này có thể xảy ra chỉ trong vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài và chuyển sang mề đay mãn tính. Mề đay ở mặt không chỉ gây ngứa, khó chịu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình.
Vì vậy khi nhận thấy da mặt xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp cải thiện kịp thời. Nổi mề đay kéo dài thường có xu hướng thâm sạm, dày sừng do gãi, cào và dễ để lại sẹo sau khi điều trị.
1. Dấu hiệu nhận biết nổi mề đay trên mặt
Nổi mề đay trên mặt đặc trưng bởi tổn thương da xuất hiện ồ ạt, lan rộng khắp vùng má, trán và cằm. Ngoài mất thẩm mỹ mề đay còn gây ngứa, khó chịu và châm chích.
Dấu hiệu nhận biết chứng nổi mề đay trên mặt:
- Xuất hiện các ban da hoặc sẩn ngứa, thường có kích thước nhỏ và hình dáng không đồng nhất.
- Tổn thương da có thể bằng phẳng hoặc có ranh giới rõ ràng với những vùng da xung quanh.
- Mề đay có thể khiến toàn bộ vùng mặt nóng lên, châm chích và ngứa ngáy.
- Mặt có thể bị đỏ và hơi sưng nhẹ.
- Ngoài ra một số trường hợp còn có thể bị sưng môi, mắt, tai và cổ.
Mề đay là một trong những chứng bệnh da liễu có triệu chứng cơ năng và hình thái tổn thương đa dạng. Vì vậy ở một trường hợp khác, tổn thương da có thể khởi phát chậm, chỉ ảnh hưởng ở vùng da nhỏ và không gây ngứa.
2. Nguyên nhân gây ra chứng mề đay da mặt
Mề đay thực chất là phản ứng cấp – mãn tính của mao mạch ở lớp trung bì. Phản ứng này bị kích thích bởi histamine – thành phần trung gian gây dị ứng.
Theo các chuyên gia Da liễu, nổi mề đay trên da mặt có thể do những nguyên nhân sau:
- Tiếp xúc với ánh nắng quá lâu: Tia UV (tia cực tím) có thể gây cháy nắng, khô sạm da và kích thích da nổi mề đay mẩn ngứa. Những người có tính chất công việc phải tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài thường có nguy cơ cao mắc chứng mề đay da mặt.
- Dị ứng với mỹ phẩm: Dị ứng mỹ phẩm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nổi mề đay da mặt. Các sản phẩm chăm sóc và trang điểm chứa nhiều chì, xà phòng, dầu khoáng, paraben và có độ pH cao thường làm phá vỡ môi trường tự nhiên trên da, khiến da suy yếu, mỏng và dễ nổi sẩn ngứa, phát ban.
- Nhiệt độ thay đổi đột ngột: Nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột khiến vùng da mặt không kịp thích ứng và dẫn đến tình trạng nổi mề đay, mẩn ngứa. Nếu do nguyên nhân này, mày đay có thể xảy ra ở cả tay, chân, bụng, ngực hoặc thậm chí lan tỏa toàn thân.
- Da quá khô: Thông thường, bề mặt da được bảo vệ bởi lớp màng lipid. Lớp màng này giúp da duy trì độ ẩm và giảm ảnh hưởng của tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên khi da quá khô, màng lipid dễ bị phá hủy và khiến da dễ gặp phải các vấn đề tiêu cực.
- Nguyên nhân khác: Ngoài ra, nổi mề đay trên da mặt còn có thể khởi phát do côn trùng cắn, tiếp xúc với mủ thực vật, phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, nấm mốc, dị ứng thức ăn hoặc tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
Nổi mề đay có mặt có nguy hiểm không?
Nổi mề đay là tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra ở nhiều đối tượng. Bệnh chỉ phát sinh triệu chứng ở da nên thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên mề đay kéo dài có thể khiến da mặt bị thâm sạm, ngứa ngáy và tạo tâm lý tự tin, e ngại khi giao tiếp.
Ngoài ra ở một số trường hợp, mề đay da mặt có thể gây ra một số biến chứng như:
- Bội nhiễm: Tổn thương da do mề đay có thể bị bội nhiễm nếu thường xuyên gãi, cào và chăm sóc không đúng cách. Khi có bội nhiễm, da không chỉ bị tổn thương sâu mà còn để lại sẹo và tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
- Viêm kết mạc dị ứng: Trong trường hợp nổi mề đay lan rộng, kết mạc và vùng da xung quanh mắt có thể bị kích thích và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm kết mạc dị ứng.
Cách chữa mề đay trên mặt an toàn
Mề đay nổi trên mặt thường chỉ kéo dài trong vài ngày đến vài tuần. Để làm giảm tổn thương da và cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Vùng da mặt khá mỏng, nhạy cảm và dễ để lại thâm sẹo, vì vậy bạn không nên tùy tiện sử dụng thuốc – đặc biệt là các loại thuốc điều trị tại chỗ. Thay vào đó, nên chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán và đề xuất các phương pháp điều trị thích hợp.
Một số loại thuốc được dùng trong điều trị nổi mề đay ở mặt, bao gồm:
- Nước muối sinh lý NaCl 0.9%: Nước muối sinh lý có tác dụng làm dịu da, loại bỏ dị nguyên và ngăn ngừa nhiễm trùng. Bạn có thể dùng bông gạc thấm dung dịch rồi lau nhẹ nhàng lên vùng da bị ảnh hưởng. Hoặc có thể đắp trực tiếp lên da trong khoảng 5 – 10 phút để làm dịu hiện tượng sưng nóng do mề đay da mặt gây ra.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là loại thuốc điều trị ưu tiên đối với mề đay mẩn ngứa. Thuốc được dùng chủ yếu ở dạng uống bởi thuốc dạng bôi thường có đáp ứng kém và dễ gây kích ứng. Hiện nay thuốc kháng histamine H1 thế hệ II thường được ưu tiên sử dụng vì khắc phục được tác dụng phụ (an thần, gây ngủ) của thuốc thế hệ I.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Corticoid là hoạt chất chống viêm và chống dị ứng mạnh, thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa và các dạng tổn thương da mãn tính. Tuy nhiên do rủi ro cao nên nhóm thuốc này chỉ được trong trường hợp mề đay da mặt gây viêm nặng.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Trong trường hợp không có đáp ứng với những loại thuốc kể trên, bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Các loại thuốc ức chế miễn dịch như Tacrolimus, Mycophenolate và Cycylosprorine có thể làm giảm các triệu chứng của nổi mề đay da mặt.
- Thuốc sát trùng dạng bôi: Bác sĩ có thể chỉ định kem bôi chứa kẽm, salicylic acid hoặc fusidic acid để ngăn ngừa bội nhiễm và giảm kích ứng da.
Khi sử dụng các loại thuốc bôi, bạn nên tránh thoa quá gần mắt hoặc miệng. Trong trường hợp mề đay nổi xung quanh mắt, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc phù hợp.
2. Giảm mề đay bằng mặt nạ thiên nhiên
Hầu hết các trường hợp nổi mề đay trên mặt đều có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh sau khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên mề đay da mặt dễ gây sẹo thâm và khiến làn da sạm màu. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để làm dịu tổn thương da và ngăn ngừa thâm sẹo hình thành.
Mặt nạ nghệ và sữa tươi:
Nghệ có chứa vitamin A, có tác dụng loại bỏ tế bào chết, giảm thâm và phục hồi lớp màng bảo vệ của da. Trong khi đó, sữa tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất và axit lactic. Những thành phần này có tác dụng làm đều màu da, giúp da căng bóng và mịn màng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 2 thìa bột nghệ và 2 thìa sữa tươi không đường
- Trộn đều nguyên liệu, sau đó làm sạch mặt
- Thoa hỗn hợp trực tiếp lên da để trong 15 phút
- Rửa sạch da bằng nước ấm
Mặt nạ dưa leo và bột yến mạch:
Bột yến mạch có đặc tính chống viêm và giảm ngứa nhanh do chứa nhiều khoáng chất và thành phần chống oxy hóa. Kết hợp bột yến mạch và dưa leo giúp làm dịu vùng da sưng nóng, giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa thâm sẹo.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị ½ trái dưa leo và 2 thìa bột yến mạch
- Giã nát dưa leo rồi trộn đều với bột yến mạch
- Nếu hỗn hợp đặc, bạn có thể cho thêm 1 ít sữa tươi không được hoặc nước ấm
- Làm sạch da mặt và thoa hỗn dịch trực tiếp lên da
- Để mặt nạ trên da khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước ấm
Mặt nạ từ nha đam:
Nha đam chứa hàm lượng nước và axit amin dồi dào, có tác dụng làm dịu da và giảm thâm sẹo đáng kể. Bạn có thể dùng trực tiếp gel nha đam tươi hoặc có thể kết hợp gel nha đam với các nguyên liệu khác như mật ong, dầu oliu, sữa chua,…
Nha đam có nhiều lợi ích đối với làn da. Tuy nhiên nhựa từ thảo dược này có thể gây kích ứng và nóng rát với những người có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy bạn nên sử dụng gel nha đam lên vùng da nhỏ trước khi sử dụng trên toàn bộ da mặt.
Lưu ý: Các công thức mặt nạ trên chỉ được áp dụng trong trường hợp mề đay da mặt không có vết thương hở và bội nhiễm.
3. Xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý
Da mặt là một trong những vùng da có độ nhạy cảm cao. Vì vậy bên cạnh các biện pháp điều trị, bạn nên thực hiện một số cách chăm sóc nhằm tăng cường sức đề kháng và phục hồi hàng rào bảo vệ cho da.
Chăm sóc da mặt cho người bị nổi mề đay mẩn ngứa:
- Vệ sinh da mặt 2 lần/ ngày (sáng – tối) bằng các dung dịch và sản phẩm có độ pH cân bằng, an toàn và dịu nhẹ.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da. Nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da có thành phần từ thiên nhiên, không chứa dầu khoáng và chất bảo quản.
- Tránh để da mặt tiếp xúc quá lâu với ánh nắng có cường độ cao. Để bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại, nên sử dụng kem chống nắng hàng ngày, đồng thời cần đeo khẩu trang và sử dụng dù khi di chuyển ngoài trời.
- Hạn chế trang điểm trong thời gian da mặt bị nổi mề đay, mẩn ngứa.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và polyphenol nhằm duy trì độ ẩm và tăng hàng rào bảo vệ da.
Phòng ngừa chứng nổi mề đay trên mặt
Nổi mề đay trên mặt có thể thuyên giảm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu, bệnh có khả năng tái phát nhiều lần, gây tổn thương da và tăng nguy cơ viêm kết mạc dị ứng. Vì vậy sau quá trình điều trị, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Thận trọng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da. Nếu có thể, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn về các sản phẩm thích hợp.
- Hạn chế trang điểm, đặc biệt là những người có làn da mỏng và nhạy cảm.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích như phấn hoa, lông chó mèo, côn trùng, mạt bụi, khói thuốc lá,…
- Không nên dùng sữa rửa mặt quá 2 lần/ ngày. Dùng sữa rửa mặt quá nhiều có thể khiến da khô, bong tróc và dễ nổi mề đay. Thay vào đó, bạn có thể vệ sinh da bằng cách sử dụng giấy thấm dầu hoặc nước sạch.
- Khi rửa mặt, nên sử dụng nước mát hoặc nước có độ ấm vừa phải. Rửa mặt với nước có nhiệt độ cao thường khiến da khô và dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài.
- Tránh bổ sung các thực phẩm và đồ uống có khả năng dị ứng cao như hải sản, cà phê, rượu bia, các loại đậu,…
Chứng nổi mề đay trên mặt có thể thuyên giảm nhanh chóng nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tình trạng chủ quan và chậm trễ trong việc thăm khám và khắc phục có thể khiến tổn thương da lan rộng, gây thâm sẹo và tăng nguy cơ bội nhiễm.
Tham khảo thêm:
- Bị nổi mề đay nên kiêng gì ? Quan niệm sai làm cần xóa bỏ
10+ địa chỉ chữa nổi mề đay uy tín, chất lượng nhất tại Hà Nội và Hồ Chí Minh
- Nổi mề đay ngứa khắp người: Chuyên gia chỉ cách điều trị hiệu quả