Viêm da cơ địa đối xứng: 5 Thông tin quan trọng cần biết

Viêm da cơ địa đối xứng là một trong những bệnh da liễu thường gặp. Nhưng thực tế không phải ai cũng nắm rõ những thông tin về bệnh lý này.

Bệnh viêm da cơ địa đối xứng là tình trạng tổn thương da có tính chất đối xứng, thường xảy ra ở các chi, ngực, cổ và hai bên má. Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng da đỏ, xuất hiện nhiều mụn nước, chảy dịch, có vảy tiết sau đó da khô dần, dày sừng và nứt nẻ. Điều trị bệnh lý này dựa trên nguyên tắc loại bỏ yếu tố nguy cơ, điều trị tại chỗ, toàn thân kết hợp với các biện pháp chăm sóc.

Viêm da cơ địa đối xứng
Viêm da cơ địa đối xứng là gì? Điều trị bằng cách nào?

Viêm da cơ địa đối xứng là gì?

Viêm da cơ địa đối xứng là thuật ngữ y khoa đề cập đến tình trạng tổn thương da có tính chất đối xứng. Triệu chứng của viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng tập trung nhiều nhất các chi, bụng, cổ, ngực và mặt.

Viêm da cơ địa đối xứng có mức độ và biểu hiện tương tự như viêm da cơ địa thông thường. Bệnh tiến triển chủ yếu qua 2 giai đoạn (cấp tính – mãn tính) và thường gặp ở trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Theo thống kê chỉ có khoảng 3% trường hợp mắc bệnh là người trưởng thành.

Bệnh lý này đặc trưng bởi tổn thương da khô, dày sừng, nứt nẻ, ngứa ngáy dữ dội, đôi khi đi kèm với triệu chứng đau rát và sưng đỏ. Ngoài ra, do đặc tính đối xứng nên bệnh thường gây ngứa dữ dội, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt.

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa đối xứng

Tương tự như viêm da cơ địa, hiện nay các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây viêm da cơ địa đối xứng. Tuy nhiên theo một số giả thuyết, nguyên nhân gây bệnh có thể bắt nguồn từ yếu tố hệ miễn dịch (nồng độ IgE tăng cao) và yếu tố di truyền.

Viêm da cơ địa đối xứng
Căng thẳng thần kinh là yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh viêm da cơ địa

Bên cạnh đó, triệu chứng có thể bùng phát và nghiêm trọng hơn khi có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tăng ma sát lên da (gãi, cào, mang giày chật hoặc quần áo bó sát)
  • Phản ứng dị ứng (dị ứng thời tiết, thực phẩm, thuốc, lông chó mèo, hóa chất,…)
  • Kích ứng da (tiếp xúc trực tiếp với xà phòng có độ kiềm cao, hóa chất độc hại, mỹ phẩm, côn trùng cắn, nhựa thực vật,…)
  • Thời tiết thay đổi đột ngột
  • Không khí khô hanh và lạnh
  • Rối loạn nội tiết tố
  • Căng thẳng thần kinh
  • Nhiễm trùng cấp tính

Nhận biết triệu chứng của viêm da cơ địa đối xứng

Viêm da cơ địa đối xứng thường gây ra các triệu chứng khác nhau tùy vào giai đoạn phát bệnh. Ngoài ra hình thái tổn thương của bệnh còn phụ thuộc vào loại da và cơ địa của từng bệnh nhân.

Viêm da cơ địa đối xứng
Viêm da cơ địa đối xứng đặc trưng bởi tổn thương da có tính chất đối xứng

Triệu chứng của viêm da cơ địa trong giai đoạn cấp tính:

  • Da xuất hiện các vết ban đa hình thái, kích thước có màu hồng/ đỏ và thường không có ranh giới rõ ràng so với những vùng da xung quanh.
  • Tổn thương da có tính chất đối xứng, thường gặp ở 2 bên má, mu bàn tay, bàn chân,…
  • Bề mặt vùng da tổn thương xuất hiện các mụn nước li ti, mọc khu trú hoặc dàn đều
  • Thường đi kèm với triệu chứng nóng rát nhẹ và ngứa âm ỉ
  • Mụn nước vỡ gây chảy dịch, đóng mài và vảy tiết

Triệu chứng của viêm da cơ địa đối xứng trong giai đoạn mãn tính:

  • Vùng da tổn thương có dấu hiệu khô cứng, dày sừng và nứt nẻ
  • Ngứa ngáy âm ỉ hoặc dữ dội
  • Có thể đi kèm với hiện tượng bội nhiễm

Các triệu chứng trên thường khởi phát trong khoảng vài tuần rồi thuyên giảm sau khi được chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên do tính chất dai dẳng và kéo dài nên bệnh có thể tái phát nhiều lần gây thâm sạm da, sẹo, lở loét và tăng nguy cơ bội nhiễm.

Điều trị viêm da cơ địa đối xứng bằng cách nào?

Điều trị viêm da cơ địa đối xứng tương tự như các thể khác của viêm da cơ địa. Nguyên tắc điều trị bao gồm điều trị tại chỗ phối hợp với điều trị toàn thân. Trong trường hợp có bệnh cơ địa (viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn) cần điều trị kết hợp để kiểm soát triệu chứng hoàn toàn.

Ngoài ra để đem lại kết quả tối ưu, nên điều trị theo từng giai đoạn cụ thể, áp dụng với biện pháp chăm sóc, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.

1. Điều trị trong giai đoạn cấp tính

Trong giai đoạn cấp, vùng da tổn thương thường có nhiều mụn nước và tiết dịch, vì vậy điều trị tại chỗ chủ yếu là sử dụng dung dịch sát khuẩn và thuốc làm khô dịch tiết. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với thuốc kháng histamine H1 để trị dị ứng và giảm ngứa ngáy.

Viêm da cơ địa đối xứng
Điều trị viêm da cơ địa trong giai đoạn cấp chủ yếu là sử dụng thuốc tím, hồ nước, thuốc kháng H1
  • Dung dịch sát khuẩn (Hexamidine, thuốc tím, Chlorhexidine): Các dung dịch này được dùng trực tiếp lên vùng da tổn thương để khử khuẩn và thường được chỉ định khi tổn thương da mới bùng phát.
  • Hồ nước và nitrate bạc 1 – 5%: Sau khi sử dụng dung dịch sát khuẩn, bác sĩ có thể yêu cầu dùng nitrate bạc 1 – 5% hoặc hồ nước để làm khô dịch tiết và thúc đẩy thời gian hồi phục. Trong giai đoạn cấp, nên tránh sử dụng thuốc mỡ vì nhóm thuốc này thường gây bí, khiến dịch chậm khô và da lâu lành.
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 có tác dụng chống dị ứng và giảm ngứa do viêm da cơ địa. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây buồn ngủ và thiếu tập trung khi sử dụng. Vì vậy trong quá trình dùng thuốc không nên lái xe hoặc đưa ra các quyết định quan trọng.
  • Dị ứng không đặc hiệu: Với trường hợp dị ứng không đặc hiệu (dị ứng không có đáp ứng với histamine) bác sĩ sẽ tiến hành tiêm histaglobin nhằm giảm phóng thích histamine và giảm số lượng kháng thể.
  • Corticoid toàn thân: Sử dụng corticoid toàn thân được cân nhắc khi tình trạng sưng viêm nghiêm trọng. Corticoid toàn thân có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nên thường chỉ định được sử dụng ở liều 0.5mg/ kg/ ngày trong khoảng 3 ngày (thường dùng thuốc Prednisolone).

2. Điều trị trong giai đoạn mãn tính

Trong giai đoạn mãn tính, tổn thương da đặc trưng bởi tình trạng khô ráp, dày sứng và có vết nứt. Vì vậy điều trị tại chỗ chủ yếu là giảm viêm, ngứa và bạt sừng (loại bỏ tế bào chết) kết hợp với thuốc kháng histamine và corticoid toàn thân trong trường hợp cần thiết.

Viêm da cơ địa đối xứng
Với trường hợp viêm da cơ địa kéo dài do thiếu vitamin, bác sĩ có thể chỉ định viên uống bổ sung
  • Quang trị liệu: Quang trị liệu là liệu pháp sử dụng tia UVA hoặc UVB chiếu trực tiếp lên da để làm giảm tổn thương và các triệu chứng cơ năng. Phương pháp này thường được chỉ định với viêm da cơ địa ở lòng bàn tay, bàn chân và viêm da cơ địa lan tỏa.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc ức chế miễn dịch như Tacrolimus và Pimecrolimus có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng của viêm da cơ địa đối xứng. Tuy nhiên do rủi ro đem lại thường cao hơn lợi ích nên nhóm thuốc này hiếm khi được chỉ định.
  • Corticoid dạng thuốc mỡ: Khi tổn thương khô và đóng mài, thuốc mỡ corticoid có thể được chỉ định nhằm giảm viêm sưng và chống dị ứng. Mặc dù có tác dụng mạnh nhưng sử dụng corticoid bôi da trong thời gian dài có thể gây rậm lông, teo da, tăng nguy cơ nhiễm trùng…
  • Thuốc bạt sừng chứa acid salicylic: Để làm giảm tình trạng dày sừng và thâm nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi bạt sừng chứa acid salicylic. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng một số dạng thuốc phối hợp giữa corticoid và acid salicylic để giảm triệu chứng của viêm da cơ địa đối xứng.
  • Bổ sung vitamin B1, B6, B12, F, C: Trong trường hợp viêm da cơ địa do thiếu hụt vitamin, bác sĩ có thể chỉ định một số viên uống bổ sung nhằm tăng cường sức đề kháng và giảm tổn thương da.

Ở giai đoạn mãn tính, corticoid đường uống thường không được chỉ định. Bởi sử dụng thuốc ở liều thấp và kéo dài có thể khiến bệnh bùng phát lại.

3. Điều trị khi có biến chứng

Trong trường hợp xuất hiện biến chứng viêm da cơ địa bội nhiễm, điều trị chủ yếu bao gồm sử dụng thuốc chống nấm, kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau:

  • Thuốc chống nấm (Ketoconazole, Intraconazole, Griseofulvin): Thuốc chống nấm được chỉ định trong trường hợp bội nhiễm do nấm. Tùy vào mức độ nhiễm trùng mà bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm ở dạng bôi ngoài hoặc uống.
  • Kháng sinh: Kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu trong điều trị viêm da có bội nhiễm và được sử dụng liên tục trong vòng 7 – 10 ngày.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng chống viêm và giảm đau, thường được chỉ định để giảm các triệu chứng do nhiễm trùng da gây ra. NSAID có thể gây kích ứng lên dạ dày nên cần tránh sử dụng cho người có tiền sử xuất huyết tiêu hóa hoặc đang bị loét dạ dày tiến triển.

Phòng ngừa viêm da cơ địa đối xứng tái phát

Tương tự như viêm da cơ địa ở chân, tay, viêm da cơ địa đối xứng có khả năng tái phát cao – đặc biệt là ở người có sức đề kháng yếu và có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy sau khi bệnh bước vào giai đoạn ổn định, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa sau:

Viêm da cơ địa đối xứng
Ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý có thể giảm nguy cơ viêm da cơ địa bùng phát
  • Tránh xa các tác nhân gây dị ứng và yếu tố thuận lợi khiến bệnh bùng phát.
  • Hạn chế để da quá khô, thay vào đó nên sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ hoặc tinh dầu tự nhiên để làm mềm da, dưỡng ẩm và ngăn ngừa nứt nẻ.
  • Giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước và tăng cường dưỡng ẩm da khi thời tiết chuyển lạnh, khô hanh.
  • Không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh. Nếu phải di chuyển và hoạt động dưới trời nắng, bạn nên sử dụng dù và thoa kem chống nắng.
  • Tránh thức khuya, căng thẳng và làm việc quá sức. Nên dành thời gian nghỉ ngơi và luyện tập thể thao đều đặn để nâng cao miễn dịch.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, loại bỏ các thức uống và thực phẩm có khả năng dị ứng cao như cà phê, trà đặc, hải sản, các loại đậu, bia rượu,…

Viêm da cơ địa đối xứng là thể bệnh thường gặp của viêm da cơ địa (chàm thể tạng). Để kiểm soát bệnh hoàn toàn, bạn nên phối hợp giữa điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân và các biện pháp chăm sóc hợp lý.

Tham khảo thêm: [Giải đáp] Bệnh viêm da cơ địa có lây không? Cách phòng bệnh?