[Công dụng + hướng dẫn]: Cách tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh
Tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh mang đến nhiều công dụng cho trẻ. Các mẹ cũng bỏ túi cách tắm đúng cách để phát huy tác dụng.
Hiện nay, có nhiều phụ huynh tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh để giảm rôm sảy, hăm tã, viêm da cơ địa và chàm sữa. Mặc dù sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên nhưng cách chữa này vẫn có khả năng gây ra một số rủi ro và tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy khi áp dụng, bạn cần thực hiện đúng cách và lưu ý một số thông tin quan trọng.
Tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh có tác dụng gì?
Nấu nước tắm từ các thảo dược tự nhiên là mẹo chữa bệnh phổ biến trong dân gian. Tắm lá tía tô là một trong những cách chữa được khá nhiều người áp dụng. Lá tía tô có mùi thơm, vị cay nhẹ, tính ấm, tác dụng sát trùng, giải độc, phát biểu (kích thích ra mồ hôi) và khu phong nên thường được dùng để chữa ho, sốt cao, ngứa da, viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa.
Ngoài ra sau khi phân tích, các nhà khoa học tìm thấy trong lá tía tô có chứa tinh dầu, bên trong là hoạt chất hydrocumin, alpha-pinen, limone, L-perrilla alcohol,… Các hoạt chất này có tác dụng chống buồn nôn, trị tiêu chảy, giảm ho và giải cảm.
Hiện nay có nhiều phụ huynh nấu nước tắm từ lá tía tô cho trẻ sơ sinh để cải thiện một số bệnh lý thường gặp. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, mẹo chữa này có thể đem lại những tác dụng sau:
- Giảm sốt: Do hệ miễn dịch còn non yếu nên trẻ sơ sinh dễ bị sốt cao, ho và thở khò khè. Tắm lá tía tô có tác dụng kích thích ra mồ hôi và hạ thân nhiệt.
- Trị rôm sảy: Trẻ sơ sinh thường xuyên bị rôm sảy do da ma sát với tã, quần áo và do tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh. Tắm lá tía tô có thể giảm ngứa, đỏ và cải thiện vùng da bị rôm sảy ở trẻ nhỏ.
- Hỗ trợ điều trị chàm sữa: Chàm sữa là một dạng viêm da thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổn thương da do chàm sữa thường khu trú ở vùng má và mặt của trẻ. Với tác dụng sát trùng và giảm ngứa, tắm nước lá tía tô cho trẻ có thể cải thiện tổn thương da và các triệu chứng cơ năng của bệnh lý này.
- Một số tác dụng khác: Ngoài ra tắm nước lá tía tô còn cải thiện bệnh viêm da cơ địa, nổi mề đay mẩn ngứa và hăm tã ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên trên thực tế, tác dụng chữa bệnh của mẹo tắm lá tía tô chỉ được lưu truyền trong phạm vi nhân dân. Hiện tại những tác dụng này chưa thật sự được nghiên cứu khoa học và đưa ra kết luận chính thức. Vì vậy phụ huynh nên tránh tình trạng tự ý áp dụng, thay vào đó cần chủ động tham vấn y khoa để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ.
Cách nấu nước tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh
Để nấu nước tắm từ lá tía tô cho trẻ sơ sinh, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
Chuẩn bị:
- Một nắm lá tía tô tươi (Nên chọn những lá non và còn nguyên, không dùng lá già héo)
- Một ít muối biển
Thực hiện:
- Rửa sạch lá tía tô với nước, sau đó hòa thêm muối và ngâm trong vòng 20 phút
- Vớt ra rồi nấu với 2 lít nước và đun sôi trong khoảng 5 phút
- Tắt bếp và đợi nước nguội bớt rồi dùng tắm cho trẻ
Nếu trẻ bị ngứa ngáy, nổi mề đay và hăm tã, bạn có thể dùng lá tía tô đã đun sôi đắp trực tiếp lên da để cải thiện triệu chứng và phục hồi các vùng da sưng đỏ.
Tắm nước tía tô cho trẻ sơ sinh cần lưu ý điều gì?
Lá tía tô thường được dùng để nấu nước tắm trị các bệnh da liễu. Tuy nhiên da trẻ sơ sinh khá mỏng và nhạy cảm, vì vậy khi áp dụng mẹo chữa này bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Nên thận trọng khi chọn mua tía tô, nếu có thể bạn nên mua lá tía tô được trồng hữu cơ để tránh kích ứng lên da của trẻ nhỏ.
- Bụi bẩn, vi khuẩn và ký sinh trùng ở lá tía tô có thể gây nhiễm trùng, sưng đỏ và kích ứng đối với da của trẻ sơ sinh. Vì vậy khi thực hiện, bạn nên ngâm rửa thật sạch và đun sôi kỹ trước khi tắm cho trẻ.
- Trong trường hợp da bị trầy xước, có vết thương hở hoặc tụ mủ, bạn không nên tắm lá tía tô cho trẻ. Trong trường hợp này cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và hướng dẫn cách điều trị phù hợp.
- Khi nấu nước tắm cho trẻ, nên đợi nước nguội bớt (khoảng 40 độ C). Tắm nước quá nóng có thể gây sưng đỏ và làm nghiêm trọng các triệu chứng trên da.
- Nên dùng lá tía tô liều lượng thích hợp. Dùng quá nhiều có thể gây kích ứng lên da của trẻ nhỏ.
- Chỉ tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh 2 – 3 lần/ tuần đồng thời chỉ nên áp dụng trong khoảng 7 – 10 tuần. Nếu triệu chứng trên da không thuyên giảm, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị y tế.
- Sau khi tắm lá tía tô, nên làm sạch da của trẻ bằng nước ấm. Tinh chất từ thảo dược lưu lại ở trên da có thể khiến trẻ khó chịu.
- Bên cạnh mẹo chữa này, cần cho trẻ mặc quần áo thông thoáng và rộng rãi để tránh tình trạng rôm sảy và hăm tã lan rộng.
Tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh có thể giúp hạ sốt và cải thiện các bệnh da liễu thường gặp. Tuy nhiên mẹo chữa này có thể tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, kích ứng da, sưng đỏ,… Vì vậy phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện cho con trẻ.