[Chia sẻ]: Mẹo trị mề đay bằng lá trầu không đơn giản, hiệu quả

Trị mề đay bằng lá trầu không có tác dụng chống viêm, sát trùng và chống ngứa. Giúp giảm sẩn đỏ, cải thiện nóng rát, ngứa ngáy và làm dịu da. Tuy nhiên, cách chữa từ lá trầu chỉ thích hợp với trường hợp nhẹ, da không có vết xước hay lở loét.

trị mề đay bằng lá trầu không
Chữa mề đay bằng lá trầu không là biện pháp điều trị theo kinh nghiệm dân gian

Dùng lá trầu không trị mề đay được không?

Sử dụng lá trầu không trị mề đay là mẹo chữa được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Hiện nay, mẹo chữa này vẫn được áp dụng khá phổ biến vì có độ an toàn cao, nguyên liệu dễ tìm, chi phí thấp và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên trên thực tế, khá nhiều người hoài nghi về hiệu quả chữa mề đay mẩn ngứa của lá trầu không.

Theo y học cổ truyền, trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hơi hắc, tính ấm, tác dụng chống ngứa, hành khí, tán hàn, chỉ thống và khu phong. Chính vì vậy, nhân dân thường sử dụng thảo dược này để giảm ngứa ngáy, cải thiện tình trạng nổi sẩn và viêm đỏ của chứng mề đay do lạnh (nhiễm phong hàn).

Ngoài ra, tác dụng kháng sinh của lá trầu không cũng đã được công nhận trên cơ sở khoa học. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, các hoạt chất trong thảo dược này có khả năng diệt virus và kháng khuẩn tốt – đặc biệt là với tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus), từ đó giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm da.

Với đặc tính kháng sinh mạnh, lá trầu còn được dùng để điều trị mụn nhọt, chàm, viêm da cơ địa và một số bệnh da liễu thường gặp. Ngoài ra, các hoạt chất thực vật trong thảo dược này còn giúp giảm ngứa và phục hồi da.

Như vậy có thể thấy, lá trầu không thực sự có khả năng điều trị mề đay mẩn ngứa. Tuy nhiên, thảo dược này chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng ngoài da như ngứa ngáy và nổi sẩn đỏ. Vì vậy nếu nổi mề đay đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, nên điều trị theo Tây y để kiểm soát triệu chứng trong thời gian sớm nhất.

Hướng dẫn 5 cách chữa mề đay bằng lá trầu không dễ làm

Nhân dân thường sử dụng lá trầu không để nấu nước tắm, chườm đắp,… lên vùng da bị ngứa ngáy và nổi mẩn. Hoặc cũng có thể kết hợp với một số thảo dược có tác dụng tiêu viêm và giảm ngứa khác để tăng hiệu quả.

Dưới đây là một số cách dùng lá trầu không trị mề đay mẩn ngứa được lưu truyền rộng rãi và có cách thực hiện đơn giản:

1. Tắm lá trầu không giảm ngứa ngáy do mề đay

Tắm lá trầu không là mẹo chữa mề đay mẩn ngứa được áp dụng phổ biến. Ngoài tác dụng trị mề đay, mẹo chữa này còn được dùng để giảm viêm da cơ địa, vảy nến, chàm, dị ứng thời tiết và một số bệnh ngoài da khác.

Tắm lá trầu không có thể giảm tình trạng ngứa ngáy, viêm đỏ và nóng rát do mề đay mẩn ngứa gây ra. Đồng thời giúp ức chế vi khuẩn, nấm men, virus và ngăn ngừa viêm nhiễm. Thực hiện cách chữa này đều đặn 1 lần/ ngày trong vài ngày liên tục có thể làm giảm số lượng các nốt sẩn đỏ đáng kể.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm trầu không tươi
  • Đem ngâm nước muối pha loãng rồi rửa sạch và để ráo nước
  • Vò xát lá trầu không rồi cho vào nồi
  • Đun sôi với 2 lít nước
  • Sau đó đổ nước ra thau, hòa thêm nước mát và cho vào 1 ít muối biển
  • Dùng nước tắm hàng ngày để giảm ngứa ngáy và viêm đỏ

Với những trường hợp mề đay mẩn ngứa nhẹ, tổn thương da có thể biến mất hoàn toàn chỉ sau 3 – 5 ngày áp dụng mẹo chữa này. Tuy nhiên nếu da bị ngứa ngáy nhiều, nên sử dụng với thuốc kháng histamine H1 để rút ngắn thời gian điều trị.

2. Đắp lá trầu không chữa mề đay

Nếu mề đay chỉ nổi khu trú tại một vùng da nhỏ, bạn có thể dùng lá trầu không giã nát và đắp trực tiếp. Tinh chất từ lá trầu sẽ nhanh chóng thẩm thấu vào da giúp giảm hiện tượng đỏ rát và ngứa ngáy. Ngoài ra, hoạt chất cineol và eugenol trong thảo dược này còn tác dụng làm mát, giảm đau và cải thiện hiện tượng viêm đỏ rõ rệt.

Theo lưu truyền từ dân gian, cách chữa này đem lại hiệu quả rõ rệt đối với trường hợp nổi mề đay ở tay chân do tiếp xúc với nước, không khí lạnh hoặc do bị côn trùng cắn. Tuy nhiên, không nên áp dụng mẹo chườm đắp lá trầu không nếu vùng da tổn thương có vết thương hở và xây xước. Một số hoạt chất từ loại thảo dược này có thể khiến da bị xót, rát và khó chịu.

chữa mề đay bằng lá trầu không
Đắp trầu không trực tiếp lên da giúp dứt cơn ngứa và giảm nóng rát, sẩn đỏ

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch khoảng 2 – 3 lá trầu không (tùy vùng da bị ảnh hưởng)
  • Sau đó để ráo nước hoàn toàn và giã nát
  • Có thể thêm vào vài hạt muối biển để tăng tác sát trùng và tiêu viêm
  • Làm sạch vùng da bị nổi mề đay mẩn ngứa và đắp bài thuốc này lên da trong 10 phút
  • Sau đó rửa lại với nước sạch và dùng khăn lau khô

3. Trị mề đay bằng lá trầu không và chè xanh

Ngoài cách dùng lá trầu không đơn độc, bạn cũng có thể kết hợp thảo dược này với lá chè xanh. Chè xanh có tác dụng tiêu viêm, ức chế vi khuẩn, nấm mốc, virus và làm dịu da nhẹ nhàng. Tác dụng kháng sinh của thảo dược này kém hơn lá trầu không. Tuy nhiên, các hợp chất thực vật, vitamin và khoáng chất trong lá chè xanh có khả năng giảm kích ứng, phục hồi và tái tạo làn da hư tổn.

Do đó, kết hợp trầu không với lá chè có thể làm dịu hiện tượng da viêm đỏ, nổi sẩn ngứa, nóng rát và ngứa ngáy. Ngoài ra, các loại vitamin trong chè xanh còn hỗ trợ giảm thâm sạm và phục hồi tế bào da hư tổn, khô ráp.

Tắm lá trầu không trị mề đay
Kết hợp trầu không và chè xanh giúp tăng hiệu chống ngứa, tiêu viêm và phục hồi da

Cách dùng lá trầu không và chè xanh trị mề đay:

  • Chuẩn bị trầu không và chè xanh theo tỷ lệ 1:1
  • Ngâm rửa với nước muối pha loãng và để ráo nước
  • Đun sôi 2 lít nước và cho thảo dược vào
  • Đun thêm 5 – 10 phút rồi tắt bếp
  • Đổ nước ra thau, hòa thêm nước mát và dùng nước tắm
  • Có thể dùng lá trầu và lá chè xanh chà xát nhẹ lên da để giảm ngứa ngáy

4. Kết hợp lá trầu không và gừng tươi

Nếu mề đay gây ngứa nhiều, nhân dân thường sử dụng lá trầu không kết hợp với gừng tươi. Cả hai dược liệu này đều chứa hoạt chất Cineol có khả năng làm mát, giảm ngứa và tiêu diệt vi khuẩn có hại. Ngoài ra, hoạt chất Gingerol trong gừng còn có đặc tính chống viêm và giảm đau.

Mẹo chữa mề đay bằng gừng tươi và lá trầu không có thể dứt nhanh cơn ngứa, giảm số lượng mẩn đỏ trên da và ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra, mẹo chữa này còn có tác dụng điều trị một số bệnh da liễu thường gặp khác như dị ứng, viêm da tiếp xúc, vảy nến và viêm da cơ địa.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Ngâm rửa 1 nắm trầu không tươi và vò xát nhẹ
  • Rửa sạch gừng, xắt lát và cho vào nồi cùng với lá trầu không
  • Đun sôi cùng với 2 lít nước trong 5 – 10 phút rồi tắt bếp
  • Đổ nước ra thau, hòa với nước mát và dùng để tắm 1 lần/ ngày

5. Thoa nước ép lá trầu không

Thoa nước ép trầu không là mẹo chữa đơn giản, thích hợp với những trường hợp nổi mề đay khu trú (chủ yếu là do côn trùng cắn). Thành phần trong dịch ép trầu không có khả năng giảm ngứa, viêm đỏ và ức chế vi khuẩn có hại. Chỉ sau khoảng vài lần thực hiện, các nốt sẩn đỏ trên da có xu hướng giảm đi đáng kể và triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát cũng được cải thiện rõ rệt.

Tắm lá trầu không trị mề đay
Thoa dịch ép từ lá trầu lên da có tác dụng ức chế vi khuẩn, giảm viêm và ngứa ngáy rõ rệt

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 3 lá trầu không tươi, ngâm rửa sạch và để ráo nước hoàn toàn
  • Giã nát lá trầu, vắt lất nước và thoa trực tiếp lên da
  • Nên thoa từ 4 – 5 lớp, lưu trên da trong 10 phút và rửa lại với nước sạch
  • Áp dụng mẹo chữa này đều đặn 3 – 4 lần/ ngày

Nếu có làn da nhạy cảm, nên hòa dịch ép trầu không với nước lọc theo tỷ lệ 1:1 để giảm nguy cơ kích ứng.

Lưu ý khi dùng lá trầu không trị mề đay

Lá trầu không là thảo dược tự nhiên nên có độ an toàn cao, lành tính và hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như các loại thuốc bôi có hoạt tính mạnh. Tuy nhiên, áp dụng mẹo chữa mề đay bằng thảo dược này sai cách có thể gây kích ứng và làm giảm hiệu quả điều trị.

trị mề đay bằng lá trầu không
Bên cạnh mẹo chữa từ trầu không, cần giữ vệ sinh cơ thể và hạn chế gãi cào lên da

Vì vậy khi dùng lá trầu không trị mề đay mẩn ngứa, nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cách chữa mề đay mẩn ngứa bằng lá trầu không chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, mẹo chữa này chỉ đem lại hiệu quả đối với những trường hợp mề đay nhẹ. Trong trường hợp tổn thương da đi kèm với các triệu chứng hô hấp (khó thở, nghẹn cổ họng,…) hay tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn,…) cần đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Mặc dù không phổ biến nhưng ở một số ít trường hợp, mề đay có thể là biểu hiện của sốc phản vệ.
  • Khi dùng lá trầu chữa mề đay, cần ngâm rửa nguyên liệu với nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và hóa chất. Sử dụng nguyên liệu chưa được làm sạch hoàn toàn có thể gây kích ứng và viêm nhiễm da.
  • Chỉ áp dụng mẹo chữa từ lá trầu khi da không bị lở loét, xây xước hay viêm nhiễm. Đồng thời cần vệ sinh cơ thể thường xuyên và mặc quần áo thông thoáng, chất liệu mát và mỏng nhẹ để giảm ma sát lên da.
  • Các hoạt chất trong lá trầu có thể gây nóng da nhẹ. Tuy nhiên, cảm giác này thường tự biến mất chỉ sau một thời gian ngắn. Nếu nhận thấy da nóng ran, nổi mẩn đỏ nhiều và ngứa ngáy dữ dội, cần ngưng áp dụng mẹo chữa từ lá trầu và tìm gặp bác sĩ khi cần thiết.
  • Bên cạnh cách chữa từ lá trầu không, nên tránh tiếp xúc với dị nguyên (phấn hoa, côn trùng, hóa chất, mạt bụi,…). Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích ứng và dị ứng có thể khiến da nổi nhiều mẩn đỏ và ngứa ngáy dữ dội.
  • Nếu có làn da nhạy cảm, cần thử một lượng nhỏ trầu không lên da và quan sát phản ứng trong vài giờ trước khi áp dụng trên diện rộng.
  • Mề đay thường gây ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa tình trạng cào, gãi vì tác động cơ học có thể khiến tổn thương da chuyển biến nặng và lan rộng hơn.

Mẹo trị mề đay mẩn ngứa bằng lá trầu không có thể cải thiện ngứa ngáy và giảm sẩn đỏ rõ rệt. Tuy nhiên, cách chữa này chỉ thích hợp với những trường hợp có mức độ nhẹ. Nếu da nổi nhiều mẩn đỏ, nóng rát và ngứa ngáy dữ dội, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.