[Tổng quát] Ho khan: Nguyên nhân, dấu hiệu, nguy hại, cách điều trị
Ho khan là tình trạng ho không có đờm hoặc chất nhầy kèm theo. Người bệnh thường ngứa ngáy cổ họng và ho kéo dài, không kiểm soát được.
Bệnh ho khan có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm (viêm tai, viêm họng, ung thư thanh quản…) nếu không được điều trị kịp thời. Do đó nắm rõ những thông tin về bệnh như nguyên nhân, dấu hiệu, nguy hại, điều trị sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Ho khan là gì?
Ho khan là tình trạng cơ thể xuất hiện những cơn ho kéo dài hoặc từng cơn, khó kiểm soát, đi cùng cảm giác khó chịu, đau rát, ngứa ngáy cổ họng và khàn tiếng nhưng không có đờm hay dịch nhầy.
Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng ho khan là cảm cúm, cảm lạnh. Bệnh lý này có xu hướng kéo dài 2 – 3 tuần. Tùy vào đối tượng bệnh nhân và thời gian mắc, ho khan được mô tả như sau:
- Nếu cơn ho xuất hiện trên 2 tuần ở người lớn và trẻ em thì đó là ho cấp tính.
- Nếu cơn ho diễn ra trong vòng 2 – 4 tuần ở trẻ em thì gọi là ho cấp tính kéo dài. Nếu cơn ho kéo dài trên 4 tuần thì gọi là ho mạn tính.
- Nếu người lớn bị ho hơn 8 tuần thì đó là ho dai dẳng.
Ho khan có thể khiến sức khỏe bệnh nhân sa sút nhanh chóng, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống của họ. Vì vậy, nếu bị ho khan, bạn tuyệt đối không được chủ quan.
Nguyên nhân gây ra bệnh ho khan
Khi xác định chính xác nguyên nhân của chứng ho khan, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp nhất. Theo thống kê từ giới chuyên môn, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh ho khan:
Cảm lạnh
Khi bị cảm lạnh, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn sẽ lợi dụng thời cơ này để xâm nhập, tấn công và sinh sôi nhanh chóng trong các cơ quan hô hấp nói chung và cổ họng nói riêng. Đây chính là tác nhân trực tiếp gây ra tình trạng đau họng. Sau khi cảm lạnh, người bệnh mắc những cơn ho khan kéo dài đến vài tháng. Nếu không được chữa trị dứt điểm, bệnh lý này sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính và có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với sức khỏe.
Hen suyễn
Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh lý hô hấp mạn tính nguy hiểm. Đây là tình trạng đường thở bị viêm nhiễm, sưng tấy và thu hẹp, gây cản trở quá trình không khí đi vào trong phổi. Ho là một triệu chứng phổ biến (nhưng không nổi bật) của bệnh lý này, thường là ho không có đờm. Tuy nhiên, ho khan là triệu chứng chính của bệnh hen suyễn dạng ho (CVA). Một số dấu hiệu nhận biết của bệnh hen suyễn bao gồm:
- Khó thở
- Thở khò khè
- Tức ngực hoặc đau ngực
- Khó ngủ vì ho hay thở khò khè
Trào ngược dạ dày – thực quản
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là một loại trào ngược axit mạn tính khó trị, xuất hiện khi axit từ dạ dày thường xuyên chảy ngược vào thực quản. Axit dạ dày có thể kích thích phản xạ ho. Trào ngược dạ dày – thực quản còn có các triệu chứng như:
- Khó nuốt
- Khàn tiếng (nhẹ)
- Đau ngực
- Ho mạn tính
- Viêm họng mạn tính
- Cảm giác có cục u ở phía sau cổ họng
- Ợ nóng
- Thức ăn hoặc dịch chua trào ngược
Hội chứng chảy dịch mũi sau
Hội chứng chảy dịch mũi sau (post nasal drips) xảy ra khi chất nhầy từ mũi chảy xuống cổ họng. Nếu người bệnh bị dị ứng theo mùa, màng trong của mũi sẽ phản ứng bằng cách tăng cường sản xuất chất nhầy. Không giống với chất nhầy bình thường (khi cơ thể khỏe mạnh), chất nhầy này có dạng nước lỏng và rất dễ trôi. Vì vậy, chúng dễ dàng chảy xuống phía sau của cổ họng. Tình trạng này tác động vào các dây thần kinh phía sau cổ họng, từ đó gây ra chứng ho khan. Các biểu hiện khác của hội chứng chảy dịch mũi sau là:
- Sổ mũi
- Khó nuốt
- Viêm họng
- Cảm giác có cục u ở cổ họng
- Ho về đêm
Nhiễm vi rút đường hô hấp
Khi cơ thể bị nhiễm một trong nhiều loại virus gây cảm lạnh, các cơn ho khan sẽ diễn ra dưới 1 tuần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ngay cả khi các triệu chứng cảm lạnh đã được cải thiện đáng kể, tình trạng ho khan vẫn tiếp tục kéo dài.
Chứng ho khan đi kèm với bệnh cảm lạnh thường khá khó điều trị, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Bạn có thể dùng viên ngậm hoặc uống nước ấm để dịu họng. Cách làm này giúp giảm cơn ho và hỗ trợ phục hồi đường thở.
Viêm xoang, viêm mũi dị ứng
Viêm xoang, viêm mũi dị ứng là 2 bệnh lý đường hô hấp trên. Khi mắc bệnh, các màng bên trong mũi sẽ phản ứng bằng cách sản xuất chất nhầy nhiều hơn bình thường. Thay vì thoát ra ngoài mũi, những chất nhầy này chảy ngược xuống cổ họng, khiến niêm mạc vòm họng bị kích ứng, dẫn đến tình trạng ho khan. Bên cạnh triệu chứng này, người bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng còn có thể bị sổ mũi, khó nuốt, ho nhiều về đêm, viêm họng…
Ho gà
Ho gà là một bệnh lý dễ lây và có khả năng gây ho khan nghiêm trọng. Ho gà thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường nhưng nó có thể gây ra những cơn ho khan khó kiểm soát.
Xẹp phổi
Xẹp phổi có thể do cơ địa hoặc bắt nguồn từ chấn thương ở ngực. Bệnh lý này phổ biến ở những người có vấn đề tiềm ẩn về phổi. Bên cạnh ho khan, chứng xẹp phổi cũng có thể làm người bệnh khó thở và đau ngực.
Ung thư phổi
Tuy rất hiếm gặp nhưng ho khan có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư phổi. Những cơn ho liên quan đến ung thư phổi sẽ không biến mất và có nhiều thay đổi theo thời gian, ví dụ cơn ho tạo tiếng ho khác nhau hoặc khiến bệnh nhân đau hơn những lần trước. Các triệu chứng điển hình của bệnh ung thư phổi bao gồm:
- Khó thở
- Khàn tiếng
- Đau ngực
- Thở khò khè
- Ho ra máu (với một lượng nhỏ)
- Sụt cân không chủ ý
Suy tim
Suy tim là căn bệnh phổ biến ở những người mắc bệnh cao huyết áp hoặc động mạch vành. Bệnh lý này xuất hiện khi cơ tim suy giảm khả năng bơm máu đi khắp cơ thể. Ho khan dai dẳng là một trong những triệu chứng của bệnh suy tim. Tuy nhiên, những cơn ho của bệnh suy tim thường đi kèm với chất nhầy màu trắng hoặc hồng. Bệnh suy tim có các dấu hiệu sau:
- Sưng bụng, chân, bàn chân, mắt cá chân
- Buồn nôn hoặc chán ăn
- Cơ thể giữ lại nhiều nước
- Khó tập trung
- Mệt mỏi và yếu ớt
- Khó thở đột ngột
- Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều
Chất gây ức chế ACE
Các loại thuốc ức chế men chuyển như Lisinopril (Prinivil, Zestril) và Enalapril (Vasotec) thường được bác sĩ chuyên khoa kê đơn cho nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có cao huyết áp. Ho khan mạn tính là một trong các tác dụng phụ phổ biến nhất của những loại thuốc này.
Chất kích thích từ môi trường
Trong không khí tồn tại nhiều tác nhân gây kích ứng đường thở, bao gồm: khói, bụi bẩn, phấn hoa… Các chất khí (Sulfur Dioxide, Nitric Oxide…) hoặc không khí sạch quá lạnh hay quá khô cũng có thể gây ho khan.
Triệu chứng của bệnh ho khan
Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người lớn. Vào ban đêm, ho khan sẽ trở nên dữ dội và dai dẳng hơn, khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng trằn trọc khó ngủ, mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống và suy giảm khả năng tập trung. Các triệu chứng đi kèm bệnh ho khan bao gồm:
- Sốt 38 – 40 độ
- Thở khò khè
- Khàn tiếng
- Cổ họng ngứa ngáy, đau rát như bị kim châm do sưng viêm
- Ngứa mũi (xuất hiện khi bị dị ứng)
- Ớn lạnh
- Buồn nôn và nôn
- Ra mồ hôi trộm
- Đau tức ở ngực và bụng, nhất là khi ho
- Nhức đầu, mệt mỏi
Ho khan kéo dài có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ tai – mũi – họng, bệnh ho khan có thể được điều trị triệt để nếu người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ định và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh. Tuy nhiên, nếu không được chạy chữa, những cơn ho khan dữ dội, kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm họng, viêm tai, viêm thanh quản, ung thư thanh quản, viêm xương chũm mạn tính, xơ phổi, phù phổi, ung thư phổi… Bệnh nhân cần lưu ý một số biểu hiện sau đây để chủ động điều trị kịp thời trước khi bệnh tình trở nặng:
Ho khan kéo dài về đêm
Tình trạng ho ít (hoặc bình thường) vào ban ngày và ho nhiều về đêm hay sáng sớm kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bản thân người bệnh cũng như các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, họ thường ở trong trạng thái khó chịu, mệt mỏi, cáu gắt và năng suất làm việc kém.
Ho kèm theo dịch đờm
Ở giai đoạn cấp tính, ho khan không có đờm hay dịch nhầy. Tuy nhiên, theo thời gian, nếu thấy cơn ho xuất hiện dịch đờm, bạn cần đi khám bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, phổi phù, tràn dịch phổi, lao phổi…
Ho khan ra máu
Nếu bệnh nhân bị ho khan kéo dài liên tục không có đờm nhưng lại kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, sụt cân, đồng thời hiện tượng ho khan kèm máu xuất hiện đột ngột hoặc ngay sau khi hoạt động mạnh thì rất có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi, lao phổi, thậm chí ung thư phổi.
Ho thành từng cơn
Những cơn ho xảy ra liên tiếp từng cơn, mỗi cơn diễn ra trong một thời gian ngắn tạo ra áp lực trong lồng ngực khiến người bệnh khó thở, đỏ mặt, chảy nước mắt, nước mũi, cổ nổi rõ tĩnh mạch. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể gây nhiễm trùng niêm mạc phế quản, từ đó làm giãn phế quản.
Ngoài ra, chứng ho khan kéo dài liên tục ở phụ nữ lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai và đang có con bú có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ.
Khi nào người bệnh cần đi khám bác sĩ?
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường sau, người bệnh nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chữa trị đúng cách, kịp thời cũng như phòng tránh tối đa các biến chứng nguy hiểm.
- Ho khan trên 5 ngày
- Ho khan khan kéo dài trên 20 ngày dù đã uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
- Ho kéo dài và xuất hiện nhiều đờm
- Ho ra máu
- Ho gây đau ngực, chủ yếu vào ban đêm
- Khàn tiếng, sốt, phát ban, nhức đầu, đau tai
- Ho nhiều nên hụt hơi, thở rít, hơi thở nông, khó thở, thở khò khè
- Huyết áp cao, sụt cân
Cách chẩn đoán bệnh ho khan
Để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất, bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi khảo sát liên quan đến triệu chứng lâm sàng của bệnh, đồng thời yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang, CT) nhằm kiểm tra các vấn đề ở ngực.
- Đo phế dung: Bệnh nhân thở vào thiết bị nhựa chuyên dụng để bác sĩ kiểm tra chức năng của phổi.
- Nội soi: Thủ thuật này giúp kiểm tra tình trạng hiện tại của đường thở, xác định bệnh lý trào ngược dạ dày gây viêm (nếu có).
Phương pháp điều trị bệnh ho khan
Để đẩy lùi bệnh ho khan một cách an toàn và nhanh chóng, người bệnh có thể kết hợp dùng thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ, áp dụng một số bài thuốc dân gian tại nhà và duy trì lối sống khoa học, lành mạnh.
Điều trị ho khan bằng cách dùng thuốc Tây y
Tùy vào đặc điểm cơ địa và nguyên nhân gây bệnh ho khan, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định những loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc phổ biến được dùng để điều trị bệnh lý này bao gồm:
- Thuốc giảm phản xạ ho tác động trực tiếp lên trung tâm gây ho nằm tại thành tủy để giảm ho đáng kể. Đây còn được xem là tác nhân an thần giúp ức chế hô hấp. Loại thuốc thường dùng là Codein và Dextromethorphan.
- Thuốc chống viêm có tác dụng hạ thân nhiệt, giảm mệt mỏi, hạn chế đau đầu. Trong đó, Alphachymotrypsin là loại thuốc thường được bác sĩ kê toa cho người bệnh ho khan.
- Thuốc kháng histamin được chỉ định cho những bệnh nhân bị ho khan do dị ứng. Loại thuốc này khả năng ngăn chặn quá trình sản sinh histamin trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa hắt hơi và viêm mũi dị ứng. Một số loại thuốc điều trị ho khan tiêu biểu của nhóm thuốc này là: Alimemazin, Desloratadine, Chlopheniramin, Promethazine.
- Kẹo ngậm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên như: mật ong, cam thảo, bạc hà, tinh dầu khuynh diệp… có khả năng làm dịu cơn ho và giảm đau rát họng cực kỳ hiệu quả.
Dưới đây là một số loại thuốc được chỉ định riêng cho từng trường hợp cụ thể:
- Ho khan do tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD):Formoterol, Difillin cùng Cortisone dạng xịt và các loại thuốc kháng sinh.
- Ho khan do hen suyễn: Glucocorticoids, axit Chromoglycic, Theophylline, Salbutamol và các dẫn xuất…
- Ho khan do viêm phổi: thuốc chống ho (Dextromethorphan), bài thuốc chứa thành phần mật ong cùng các loại thuốc kháng virus (nếu cần thiết).
- Ho gà: Clarithromycin và Erythromycin (2 loại kháng sinh ức chế khuẩn Bordetella Pertussis – tác nhân gây ra bệnh ho gà), các loại thuốc ức chế ho và Cortisone (Codein, Dextromethorphan).
Lưu ý: Tuy thuốc Tây y giúp nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi triệu chứng ho khan nhưng đồng thời chúng cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chóng mặt, buồn ngủ, đau dạ dày… Đặc biệt, khi chữa bệnh ho khan ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần tránh dùng nhóm thuốc Codein.
Điều trị ho khan bằng các bài thuốc Đông y
Dựa trên nguyên lý loại bỏ tận gốc căn nguyên bệnh lý, ngành y học cổ truyền chữa bệnh ho khan bằng cách tận dụng và kết hợp dược tính của nhiều loài thảo dược tự nhiên. Các bài thuốc này có công dụng tiêu đờm, bổ phế, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, đồng thời nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch.
Bài thuốc trị ho do phong nhiệt (ho khan, ớn lạnh, cổ họng khô)
- Chuẩn bị 16g kim ngân, 12g rau má, 12g lá dâu, 8g hoa cúc, 8g rễ chanh, 8g bạc hà, 8g lá hẹ
- Rửa sạch tất cả nguyên liệu rồi đem sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ
- Nấu cho tới khi nước thuốc cạn còn 200ml thì tắt bếp
- Uống khi còn ấm
- Dùng 1 thang/ngày
Bài thuốc trị ho do phế hư (ho không đờm, đau nhức khắp người)
- Chuẩn bị 20g rau má, 16g sao mật, 12g lá chanh, 12g rễ tre, 8g cam thảo dây, 8g quả sao vàng
- Rửa sạch tất cả nguyên liệu rồi đem sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ
- Nấu cho tới khi nước thuốc cạn còn 200ml thì tắt bếp
- Dùng khi còn ấm
- Uống 1 thang/ngày
Bài thuốc trị ho thể phong hàn (ho khan, ớn lạnh, nghẹt mũi, sốt nhẹ):
- Chuẩn bị 8g kinh giới, 8g gừng tươi, 12g lá hẹ, 12g lá xương xông, 20g lá tía tô
- Rửa sạch nguyên liệu rồi đem sắc với 600ml nước sạch trên lửa nhỏ
- Khi nước cạn còn khoảng 200ml thì tắt bếp
- Chia thành 2 phần đều nhau, uống 2 lần/ngày
- Dùng 1 thang/ngày
Vì an toàn, lành tính và phù hợp với mọi lứa tuổi nên các bài thuốc Đông y được nhiều người tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, với tính chất thẩm thấu từ từ để loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây bệnh, các bài thuốc này cần thời gian lâu dài để phát huy công dụng tối đa.
Điều trị ho khan bằng cách áp dụng mẹo dân gian tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc Tây y và Đông y, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian tại nhà dưới đây để cải thiện triệu chứng ho khan. Với thành phần thảo mộc tự nhiên dễ tìm, lành tính, những cách làm đơn giản này sẽ giúp bạn nhanh chóng bình phục.
Bột nghệ
Bột nghệ có công dụng làm dịu niêm mạc họng, đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương, cải thiện tình trạng ho khan, ho có đờm, đồng thời giảm sưng viêm và đau rát họng vô cùng hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 củ nghệ tươi và 5g đường phèn
- Cạo bỏ vỏ củ nghệ, rửa sạch và để ráo nước
- Cắt nghệ thành lát mỏng rồi đem giã nhuyễn
- Cho thêm đường phèn và một ít nước lọc vào cối nghệ
- Trộn đều, sau đó đem hỗn hợp đi chưng cách thủy trong vòng 10 phút
- Dùng hỗn hợp trên khi còn ấm 1 lần/ngày trong khoảng 5 ngày
Gừng
Với đặc tính sát khuẩn, kháng viêm, gừng giúp giữ ấm cổ họng, làm dịu niêm mạc họng, từ đó đẩy lùi cảm giác đau rát khó chịu. Với mẹo dân gian này, bạn chỉ cần chuẩn bị gừng tươi, mật ong nguyên chất và nước cốt chanh tươi.
Cách 1: Nhai nhuyễn vài lát gừng (đã cạo vỏ, rửa sạch) rồi ngậm và uống nước cốt chanh, sau đó nhả phần xác, thực thiện 1 – 2 lần/ngày
Cách 2:
- Bỏ vài lát gừng đã cạo vỏ và rửa sạch vào ly
- Thêm 250 – 300ml nước sôi vào
- Ngâm trà trong vòng 20 phút
- Thêm 10ml mật ong nguyên chất và 10ml nước cốt chanh vào ly, khuấy đều
- Uống từng ngụm nhỏ trong lúc trà còn ấm
- Áp dụng 1 – 2 lần/ngày vào 2 buổi sáng – tối
Tỏi
Tỏi có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, làm ấm cơ thể, cải thiện các cơn ho khan và tình trạng đau rát cổ họng, góp phần tăng cường sức đề kháng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị một lượng tỏi tươi vừa đủ
- Bỏ vỏ, rửa sạch và giã nhuyễn tỏi tươi
- Đắp tỏi vào lòng bàn chân rồi để qua đêm (có thể cố định tỏi bằng băng, gạc)
- Thực hiện 1 lần/ngày vào buổi tối
Củ cải trắng
Củ cải trắng có tác dụng giảm đau, chống sung huyết, ngăn cản quá trình hình thành dịch nhầy trong cổ họng và ngăn ngừa ung thư. Cách điều trị ho khan này rất tốt cho người bệnh hen suyễn và tim mạch.
Cách thực hiện:
- Gọt vỏ, rửa sạch và xay nhuyễn 1 củ cải trắng
- Trộn củ cải trắng với 2 – 3 muỗng cà phê mật ong nguyên chất rồi hấp cách thủy khoảng 15 phút
- Chia hỗn hợp ra thành 2 hoặc 3 phần bằng nhau
- Ăn cả cái lẫn nước 2 – 3 lần/ngày, liên tục trong 2 tuần
Rau diếp cá và nước vo gạo
Rau diếp cá tính mát, vị chua nhẹ, mùi tanh, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, trị ho, nóng sốt và hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi, viêm phế quản. Trong khi đó, nước vo gạo chứa nhiều vitamin và có tính kháng viêm cao.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch và giã nhuyễn 1 nắm rau diếp cá
- Nấu sôi trong nước vo gạo khoảng 20 phút
- Uống hỗn hợp 1 lần/ngày trong vòng 1 tháng
Biện pháp phòng ngừa bệnh ho khan
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và áp dụng các mẹo dân gian điều trị tại nhà, người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học cũng như duy trì lối sống lành mạnh với các lưu ý sau:
Chế độ ăn uống
Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh ho khan:
- Món ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt: Người bị ho khan thường mắc kèm viêm amidan. Do đó, họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhai nuốt thức ăn. Các món ăn mềm nhuyễn, dễ nuốt như canh, súp, cháo… vừa không gây tổn thương cổ họng vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
- Hành, tỏi, lá tía tô có đặc tính kháng viêm, sát khuẩn, giúp cơ thể tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
- Thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, cà rốt, bông cải xanh… có khả năng làm dịu cổ họng, đồng thời tăng cường sức đề kháng. Bệnh nhân có thể ăn trực tiếp hoặc uống nước ép cho đỡ ngán.
- Giấm táo: Thành phần axit tự nhiên và Insulin Prebiotic trong giấm táo có tác dụng giảm nhanh các cơn ho khan cũng như loại bỏ vi khuẩn vòm họng. Tuy nhiên, bạn cần tìm mua loại giấm táo có tỷ lệ phù hợp khi chế biến món ăn.
Những thực phẩm người bệnh ho khan cần tránh:
- Thức ăn cay nóng như ớt, mù tạt, kim chi… sẽ gây kích ứng cổ họng, khiến niêm mạc phổi bị sưng viêm và gây ra những cơn ho kéo dài. Thêm vào đó, việc dùng nhiều thức ăn cay nóng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của gan, thận, dạ dày…
- Thực phẩm lạnh: Việc dung nạp quá nhiều thức ăn hay đồ uống lạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong vòm họng, khiến người bệnh cảm thấy ngứa rát, đau họng và ho nhiều hơn.
- Đồ uống có ga và cồn như nước ngọt, rượu bia… có thể gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày. Đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các cơn ho khan kéo dài.
Thói quen sinh hoạt
Chỉ cần bệnh nhân chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt theo một số lưu ý sau, triệu chứng ho khan sẽ được cải thiện đáng kể.
- Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi thất thường.
- Không hút thuốc lá.
- Tắm bằng nước ấm.
- Kê đầu cao khi nghỉ ngơi.
- Luôn đeo khẩu trang lúc ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với môi trường khói bụi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể, bổ sung 1,5 – 2 lít/ngày, không để cổ họng bị khô.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng hàng ngày nhằm sát khuẩn cổ họng.
- Hạn chế tiếp xúc với nấm mốc, khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất độc hại…
- Kiểm soát căng thẳng, thư giãn tinh thần, tránh lo âu, áp lực.
- Đảm bảo làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, điều độ.
- Luyện tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ quá trình ngăn ngừa và điều trị bệnh ho khan.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giặt sạch mền gối.
- Tiêm vắc xin phòng cảm cúm, viêm phổi và các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu không được chữa trị kịp thời, ho khan có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, ngay khi phát hiện bệnh, bạn cần thường xuyên thăm khám bác sĩ, tích cực điều trị và duy trì lối sống khoa học, lành mạnh.