Phì đại amidan là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị thế nào?

Phì đại amidan là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị thế nào? Bệnh có nguy hiểm không, Cùng tìm hiểu bài viết để có lời giải đáp cụ thể.

Phì đại amidan là tình trạng amidan gia tăng kích thước bất thường, đặc trưng với triệu chứng khó nuốt, rối loạn nhịp thở, hôi miệng, ù tai, ngáy khi ngủ,… Bệnh lý này thường được điều trị bằng cách sử dụng thuốc, áp dụng các biện pháp hỗ trợ và chỉ can thiệp phẫu thuật khi thực sự cần thiết.

Phì đại amidan là gì
Phì đại amidan là gì?

Phì đại amidan là gì?

Amidan là hạch lympho nằm bên trong cổ họng có chức năng tiêu diệt virus, vi khuẩn và bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, amidan có thể bị viêm và tổn thương do sự tấn công quá mức của các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus, nấm mốc và các chất gây dị ứng.

Phì đại amidan (viêm amidan phì đại) là thuật ngữ y tế đề cập đến tình trạng amidan gia tăng kích thước bất thường. Tình trạng này có thể gây khó khăn khi nuốt, thở và ảnh hưởng đến chức năng giao tiếp. Phì đại amidan thường là hệ quả do viêm nhiễm amidan tái phát nhiều lần và xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bệnh lý này cũng có thể xuất hiện ở người trưởng thành.

Nhận biết phì đại amidan ở trẻ em, người lớn

Viêm amidan phì đại có thể gây ra các triệu chứng như:

Cách chữa amidan phì đại
Phì đại amidan đặc trưng bởi triệu chứng ngáy khi ngủ, thở bằng miệng, ăn uống kém, hôi miệng,…
  • Thường xuyên thở bằng miệng
  • Ngáy khi ngủ
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Hôi miệng (do thở bằng miệng trong thời gian dài)
  • Mệt mỏi
  • Viêm tai
  • Chậm lớn
  • Ăn uống kém
  • Dễ mắc bệnh viêm xoang và một số vấn đề hô hấp
  • Giảm thính lực
  • Nghẹn khi nuốt

Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan phì đại

Phì đại amidan thường là hệ quả do viêm nhiễm amidan tái phát nhiều lần hoặc do ảnh hưởng của các chất dị ứng, kích ứng. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do yếu tố bẩm sinh và di truyền. Tuy nhiên trên thực tế, một số trường hợp bị viêm amidan phì đại không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.

Cách chữa amidan phì đại
Dị ứng quanh năm có thể là nguyên nhân khiến amidan bị viêm mãn tính và gia tăng kích thước
  • Bẩm sinh: Thực tế, kích thước của amidan không đồng nhất. Người có amidan lớn thường có nguy cơ bị phì đại amidan cao hơn.
  • Viêm amidan tái phát nhiều lần: Viêm amidan tái phát nhiều lần có thể là nguyên nhân khiến các mô của cơ quan này phát triển quá mức, gây phì đại và gia tăng kích thước bất thường.
  • Di truyền: Thống kê cho thấy, trẻ nhỏ có cha, mẹ và anh/ chị từng bị viêm amidan phì đại có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn. Nguyên nhân được lý giải là do đặc điểm và cấu trúc của amidan có nhiều nét tương đồng.
  • Dị ứng quanh năm: Viêm amidan không chỉ xảy ra do virus hay vi khuẩn mà còn có thể khởi phát do dị ứng (phấn hoa, thời tiết, hóa chất, môi trường ô nhiễm,…). Trong trường hợp bị dị ứng quanh năm, amidan có thể bị viêm sưng kéo dài và có xu hướng phì đại theo thời gian.
  • Biến chứng của các bệnh lý khác: Ngoài ra, phì đại amidan cũng có thể là biến chứng của các bệnh lý hô hấp khác như viêm họng mãn tính, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm VA,… Hoặc các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh bạch cầu đơn nhân, tăng sản hạch bạch huyết (bệnh Castleman) và trào ngược dạ dày.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phì đại amidan:

  • Tuổi từ 4 – 12 tuổi
  • Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí kém
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Mắc các bệnh hô hấp mãn tính
  • Cơ địa nhạy cảm
  • Có thói quen hút thuốc lá

Phì đại amidan có nguy hiểm không?

Viêm amidan phì đại có thể thuyên giảm trong thời gian ngắn nếu điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên trên thực tế, một số trường hợp có thể bị phì đại amidan mãn tính. Đối với trường hợp này, cần tiến hành phẫu thuật trong thời gian sớm nhất để cải thiện chức năng nuốt, thở và giao tiếp.

Nếu không can thiệp điều trị, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng: Amidan phì đại gây khó khăn trong việc hô hấp. Do đó, đa phần bệnh nhân đều có xu hướng thở bằng miệng. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ gây hôi miệng mà còn tạo điều kiện cho các hại khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng và một số vấn đề nha khoa khác.
  • Áp xe quanh amidan: Phì đại amidan có thể gây ra biến chứng áp xe quanh amidan. Biến chứng này xảy ra khi vi khuẩn gây nhiễm trùng phát triển mạnh, tạo thành ổ áp xe bên trong mô của amidan. Áp xe amidan đặc trưng bởi triệu chứng sốt cao, khó thở, hơi thở hôi, người mệt mỏi, đau đầu và cổ họng đau nhức nhiều.
  • Rối loạn nhịp thở khi ngủ: Rối loạn nhịp thở khi ngủ là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm amidan phì đại. Biến chứng này xảy ra do kích thước amidan tăng lên quá mức gây cản trở quá trình hô hấp, dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ (khoảng 20 giây). Khi ngưng thở, não bộ sẽ đánh thức cơ thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ: Phì đại amidan ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thống kê cho thấy, trẻ nhỏ mắc bệnh lý này thường chậm phát triển và kém tập trung do chất lượng giấc ngủ suy giảm và ăn uống kém.

Các phường pháp điều trị viêm amidan phì đại

Mục tiêu của điều trị phì đại amidan là giảm kích thước amidan, phục hồi chức năng hô hấp, khả năng nuốt và giao tiếp. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị phì đại amidan phổ biến nhất hiện nay:

1. Sử dụng thuốc

Trong trường hợp amidan bị phì đại do nhiễm trùng hoặc dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để cải thiện. Ở một số trường hợp, amidan có thể trở về kích thước bình thường sau khi dùng thuốc và chăm sóc đúng cách.

Cách chữa amidan phì đại
Thuốc thường được dùng để điều trị phì đại amidan bao gồm kháng sinh, thuốc xịt mũi chứa corticoid

Các loại thuốc điều trị viêm amidan phì đại được sử dụng phổ biến:

  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp phì đại amidan xảy ra do nhiễm trùng. Loại thuốc này được dùng trong liên tục 7 – 10 ngày để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được chỉ định trong trường hợp viêm amidan phì đại xảy ra do dị ứng. Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện các triệu chứng dị ứng thông qua hoạt động ức chế histamine ở thụ thể H1. Các loại thuốc kháng histamine H1 thường được sử dụng gồm có Loratadin, Cetirizin, Clorpheniramin,…
  • Thuốc xịt mũi corticosteroid: Thuốc xịt mũi corticosteroid có tác dụng chống viêm và chống phù nề niêm mạc mũi. Loại thuốc này thường được dùng khi viêm amidan phì đại xảy ra do dị ứng. Mặc dù có hiệu quả nhanh nhưng thuốc xịt mũi chứa corticosteroid có thể gây kích ứng niêm mạc, chảy máu mũi,… nên chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn.
  • Các loại thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc Paracetamol, thuốc co mạch dạng xịt + dạng uống, thuốc kháng nấm,… trong một số trường hợp cần thiết.

2. Phẫu thuật cắt amidan, VA

Phẫu thuật cắt amidan được cân nhắc khi phì đại amidan tiến triển dai dẳng và gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Ngoài ra, phương pháp này cũng được cân nhắc đối với những trường hợp sau:

  • Nghi ngờ các mô, tế bào ở amidan có dấu hiệu tăng sản bất thường
  • Phì đại amidan đã phát sinh biến chứng
  • Gây khó khăn khi nuốt, thở, giao tiếp
  • Không có đáp ứng khi điều trị bằng thuốc
  • Viêm amidan tái phát nhiều lần (5 – 6 lần)/ năm

Cắt amidan là thủ thuật ngoại trú có thời gian thực hiện khá nhanh chóng (chỉ khoảng 20 – 30 phút) và bệnh nhân có thể về nhà trong ngày nếu không phát sinh dấu hiệu bất thường. Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ có thể cắt amidan kết hợp với nạo VA (tổ chức miễn dịch nằm ở vòm mũi họng).

Sau khi cắt amidan, nên dùng thức ăn mềm, lỏng, nguội, tránh la hét, giao tiếp quá nhiều và hạn chế tiếp xúc với hóa chất, dị nguyên. Nếu chăm sóc tốt, vết mổ có thể lành hoàn toàn sau 7 – 10 ngày.

3. Biện pháp hỗ trợ

Bên cạnh các phương pháp y tế, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để làm giảm các triệu chứng khó chịu do phì đại amidan gây ra. Kết hợp các phương pháp này cùng với sử dụng thuốc giúp tăng hiệu quả và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.

Phì đại amidan là gì
Ăn uống điều độ giúp nâng cao thể trạng, tăng tốc độ phục hồi và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị

Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm amidan phì đại:

  • Súc miệng với nước muối ấm: Nước muối ấm có đặc tính sát trùng, kháng khuẩn, làm dịu niêm mạc và hỗ trợ loại bỏ dị nguyên trong khoang miệng. Ngoài ra, súc miệng với nước muối thường xuyên còn giúp cải thiện tình trạng hôi miệng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa.
  • Ngậm gừng tươi: Ngậm gừng tươi có tác dụng giảm ngứa, đau rát và viêm sưng ở amidan. Hoạt chất Gingerol trong thảo dược này có khả năng chống viêm, ức chế virus và vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, tinh dầu từ gừng còn giúp khử mùi hôi và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
  • Dùng mật ong nguyên chất: Tương tự gừng tươi, mật ong nguyên chất có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa tốt cho hệ miễn dịch. Bổ sung 3 – 4 thìa mật ong mỗi ngày có thể hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, làm dịu niêm mạc cổ họng và giảm đau rát, sưng đỏ ở amidan.
  • Xông mũi họng: Trong trường hợp phì đại amidan xảy ra do dị ứng, bạn có thể xông mũi họng với một số thảo dược tự nhiên như trầu không, gừng tươi, sả, ngải cứu,… Biện pháp này giúp làm dịu niêm mạc hô hấp, giảm ngứa cổ họng, cải thiện hiện tượng viêm đỏ và đau rát ở amidan.
  • Uống nhiều nước: Khi bị phì đại amidan, nên uống đủ 2 lít nước/ ngày. Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp giảm mệt mỏi, bù lượng nước thất thoát do nhiễm trùng và hỗ trợ làm loãng dịch tiết hô hấp. Bên cạnh đó, thói quen này còn có tác dụng làm dịu tình trạng sưng nóng, viêm đỏ ở amidan và cổ họng.
  • Ăn uống điều độ: Trong thời gian điều trị, nên cố gắng ăn uống điều độ để nâng đỡ cơ thể, tăng cường chức năng miễn dịch và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp y tế. Tình trạng chán ăn, bỏ bữa có thể khiến thể trạng suy yếu, bệnh kéo dài dai dẳng và có nguy cơ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Phòng ngừa bệnh phì đại amidan

Viêm amidan phì đại là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Mặc dù không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh lý ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng thở, nuốt và giao tiếp. Hơn nữa, phì đại amidan kéo dài còn gây rối loạn nhịp thở khi ngủ, khiến trẻ chậm phát triển và giảm khả năng học tập.

biểu hiện phì đại amidan
Vệ sinh răng miệng thường xuyên giúp phòng ngừa phì đại amidan, viêm thanh quản, viêm họng,…

Vì vậy, cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm amidan phì đại sau:

  • Vệ sinh răng miệng 2 lần/ ngày và thường xuyên súc miệng với nước muối để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp trên như viêm amidan, phì đại amidan, viêm họng, viêm thanh quản,…
  • Khi thời tiết thay đổi, nên giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời và cần rửa mũi, súc miệng thường xuyên.
  • Không tiếp xúc với hóa chất, mạt bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông chó mèo,… Nếu làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, nên sử dụng khẩu trang chuyên dụng để bảo vệ niêm mạc hô hấp.
  • Tránh tiếp xúc với người mắc các bệnh lý hô hấp do virus và vi khuẩn. Các tác nhân gây bệnh có khả năng lây qua hoạt động giao tiếp, ho, hắt hơi,…
  • Điều trị dứt điểm các bệnh hô hấp mãn tính như viêm xoang, viêm thanh quản, viêm họng, viêm VA,…
  • Ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch.

Phì đại amidan là bệnh hô hấp khá phổ biến. Tuy nhiên nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý này, nên chủ động thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

  • Sau khi cắt amidan: Cách chăm sóc, theo dõi, kiêng kỵ
  • 12 Cách chữa viêm amidan tại nhà hiệu quả, đơn giản