Có nên đốt viêm họng hạt không? Kỹ thuật và chi phí cụ thể?
Có nên đốt viêm họng hạt không? Kỹ thuật và chi phí cụ thể ra sao. Chăm sóc sau đốt như nào. Đây là những nội dung được nhiều người quan tâm.
Theo các bác sĩ Tai mũi họng, đốt viêm họng hạt có thể loại bỏ các hạt nổi cộm ở thành họng, giúp cải thiện cảm giác khó chịu, vướng víu và khó khăn khi nuốt. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ tái phát cao nên cần cân nhắc trước khi thực hiện.
Viêm họng hạt có nên đốt không?
Viêm họng hạt (viêm họng quá phát) là một trong những loại viêm họng mãn tính thường gặp. Bệnh lý này là hệ quả do nhiễm trùng niêm mạc họng kéo dài khiến các tổ chức miễn dịch (tế bào lympho) ở thành sau họng phải hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng tăng sản và xuất hiện các hạt nhỏ không gây ngứa hay đau nhức.
Khác với viêm họng cấp, viêm họng mãn tính nói chung và viêm họng hạt nói riêng thường có tiến triển dai dẳng, khó điều trị hoàn toàn và rất dễ tái phát. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp bị viêm họng hạt đều có đáp ứng kém với sử dụng thuốc.
Mặc dù không gây đau hay ngứa ngáy nhưng sự xuất hiện các của hạt ở thành sau họng có thể gây ra cảm giác khó chịu, vướng víu và ảnh hưởng đến hoạt động nuốt thức ăn. Do đó khá nhiều bệnh nhân có ý định đốt viêm họng hạt bằng laser để cải thiện tổn thương thực thể và các triệu chứng cơ năng đi kèm. Vậy bị viêm họng hạt có nên đốt không?
Theo các chuyên gia Tai mũi họng, đốt viêm họng hạt có thể loại bỏ các hạt lympho quá phát ở thành sau họng, từ đó làm giảm triệu chứng vướng víu, khó chịu và cải thiện khả năng nuốt thức ăn.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây sẹo, nhiễm trùng hầu họng và chảy máu kéo dài. Hơn nữa, đốt viêm họng hạt chỉ giúp cải thiện tổn thương thực thể và một số triệu chứng cơ năng. Nếu không chăm sóc đúng cách, các hạt ở thành sau họng có khả năng tái phát với số lượng nhiều và kích thước lớn hơn. Vì vậy, bệnh nhân chỉ nên đốt viêm họng hạt khi hạt lympho có kích thước lớn và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Đối với những trường hợp viêm họng hạt nhẹ, kích thước nhỏ và số lượng không nhiều, nên sử dụng thuốc kết hợp với loại trừ nguyên nhân gây bệnh (hút thuốc lá, trào ngược, polyp mũi,…) và chăm sóc đúng cách nhằm kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
Các kỹ thuật đốt viêm họng hạt phổ biến
Hiện nay, đốt viêm họng hạt được thực hiện bằng tia laser, đốt điện hoặc sử dụng ion plasma.
1. Đốt viêm họng hạt bằng laser
Đốt viêm họng hạt bằng laser là kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay. Kỹ thuật này sử dụng nhiệt từ laser nhằm phá vỡ các tế bào ở thành họng và giảm cảm giác vướng víu, khó chịu ở vùng cổ họng.
Phương pháp đốt viêm hạt bằng laser có mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau và thời gian thực hiện nhanh gọn. Tuy nhiên, tia laser không thể loại bỏ hoàn toàn các mô lympho ở thành họng nên bệnh vẫn có khả năng tái phát.
2. Đốt viêm họng hạt bằng kỹ thuật Plasma
Kỹ thuật Plasma tạo ra các Ion Plasma có nhiệt độ thấp nhằm phá vỡ các mô nhưng không gây đau, chảy máu và hạn chế nguy cơ hình thành sẹo. Ngoài ra, phương pháp này có mức độ xâm lấn thấp nên thời gian phục hồi nhanh và hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng.
3. Đốt viêm họng bằng điện
Hiện nay, đốt viêm họng hạt bằng điện ít được áp dụng. Kỹ thuật này thường gây đau nhiều, chảy máu kéo dài và có nguy cơ hình thành sẹo. Ngoài ra, đốt điện không giải quyết triệt để hạt lympho ở thành họng nên bệnh có khả năng tái phát cao.
Rủi ro và biến chứng khi đốt viêm họng hạt
Kỹ thuật đốt viêm họng hạt được cải thiện dần theo thời gian nhằm giảm mức độ xâm lấn, hạn chế nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này vẫn có khả năng phát sinh các biến chứng và rủi ro khi thực hiện.
Các biến chứng tiềm ẩn khi đốt viêm họng hạt:
- Chảy máu kéo dài: Khi đốt viêm họng hạt, các mô niêm mạc bị xâm lấn có xu hướng chảy máu. Thông thường tình trạng có thể được kiểm soát chỉ sau vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên ở người bị tiểu đường, rối loạn đông máu, tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều ngày.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vết đốt ở thành họng gây viêm nhiễm và sưng đau. Biến chứng này thường gặp ở người có hệ miễn dịch suy yếu, chế độ chăm sóc kém hoặc thực hiện đốt viêm họng ở những cơ sở y tế không uy tín.
- Gây sẹo ở thành họng: Vết đốt ở thành họng có thể phát triển thành sẹo lồi gây cộm, vướng víu và khó chịu. Ngoài ra, biến chứng này cũng ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và gây mất tự tin khi giao tiếp. Sẹo ở thành họng thường xảy ra do đốt viêm họng hạt nhiều lần, thực hiện tại các phòng khám nhỏ lẻ và chăm sóc không đúng cách.
- Kích ứng lưỡi, vùng họng: Khi đốt hạt lympho ở thành họng, tia laser, nhiệt điện có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc vùng cổ họng và lưỡi. Tình trạng này có thể gây đau, khó chịu và viêm nhiễm nếu không được xử lý đúng cách.
- Kích thích bệnh bùng phát mạnh: Ở một số ít trường hợp, tác động từ tia laser, nhiệt điện và ion plasma có thể kích thích các hạt lympho phát triển về kích thước và số lượng. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng phương pháp này.
Chăm sóc sau khi đốt viêm họng hạt
Để hạn chế rủi ro và rút ngắn thời gian phục hồi, cần thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt sau khi đốt viêm họng hạt. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách còn giúp hạn chế nguy cơ chảy máu kéo dài, nhiễm trùng, hình thành sẹo và hạn chế bệnh tái phát.
Chế độ chăm sóc sau khi đốt viêm họng hạt:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu có).
- Nên vệ sinh răng miệng thường xuyên và súc miệng với nước muối ấm để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Dùng các món ăn chứa nhiều chất xơ, mềm, dễ tiêu hóa và ít gia vị. Hạn chế dùng thực phẩm khô cứng, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa gia vị cay nóng, nước ngọt có gas, rượu bia, cà phê,…
- Không hút thuốc lá sau khi đốt viêm họng hạt. Đồng thời nên từ bỏ thói quen này để hạn chế tần suất bệnh tái phát.
- Tránh dùng thịt bò, rau muống và thực phẩm chứa nhiều đường. Các loại thực phẩm này có thể khiến vết đốt chậm lành và có nguy cơ hình thành sẹo.
- Hạn chế giao tiếp và tránh la hét quá mức trong ít nhất 5 – 7 ngày sau khi đốt viêm họng hạt.
- Tái khám theo lịch hẹn hoặc thông báo với bác sĩ ngay khi phát sinh các biểu hiện bất thường như chảy máu kéo dài, có mủ trong cổ họng, thành họng sưng đau, viêm đỏ,…
Đốt viêm họng hạt hết bao nhiêu tiền? Có đau không?
Các kỹ thuật đốt viêm họng hạt hiện nay có mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau và chảy máu. Hơn nữa trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được gây tê nên ít có cảm giác đau đớn.
Tuy nhiên mức độ đau khi đốt viêm họng hạt còn phụ thuộc vào cơ địa, tay nghề bác sĩ, số lượng hạt ở thành họng và chế độ chăm sóc. Vì vậy, bệnh nhân nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhằm hạn chế mức độ đau, phòng ngừa các rủi ro và biến chứng.
Chi phí đốt viêm họng hạt phụ thuộc vào mức độ bệnh, cơ sở y tế và kỹ thuật đốt. Theo khảo sát, chi phí thực hiện biện pháp này dao động khoảng 2 – 4 triệu. Đối với những trường hợp có BHYT, bảo hiểm sẽ chi trả từ 40 – 80% tổng chi phí.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bị viêm họng hạt có nên đốt không?” và đề cập đến một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Mặc dù có khả năng loại bỏ hạt ở thành họng, giảm vướng víu và khó chịu nhưng đốt viêm họng hạt tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Vì vậy, bệnh nhân cần tham vấn y khoa và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.