Bị viêm họng nên ăn gì kiêng gì – 10+ Gợi ý tốt nhất cho người viêm họng
Bị viêm họng nên ăn gì kiêng gì để nhanh khỏi bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng. 10+ gợi ý dưới đây có thể giúp bạn.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của cơ thể đặc biệt là khi bạn mắc bệnh viêm họng. Bởi lẽ việc quá thoải mái trong việc ăn uống đôi khi vô tình làm tổn thương hầu họng khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn. Để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, dưới đây là một số thông tin giúp bạn nắm được bị viêm họng nên ăn gì, kiêng ăn gì.
Viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm trùng, gây đau rát ở cổ họng. Hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi hết sau 1 tuần mà không gây ra ảnh hưởng gì tới cơ thể. Tuy nhiên, nếu trong thời gian này bạn ăn uống, sinh hoạt không hợp lý có thể làm bệnh bị kéo dài dai dẳng, khó trị.
Các nhóm thực phẩm người viêm họng nên ăn
1. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C
Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng chủ yếu là do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh. Do đó, song song với việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C cho cơ thể để tăng sức đề kháng, giảm đau rát ở hầu họng đồng thời còn giúp mát gan.
Các thực phẩm này thường là:
- Rau xanh
- Trái cây tươi nhất là cam, quýt, bưởi…
- Ngoài ra, nên ăn rau củ quả được chế biến dưới dạng luộc, tránh đồ chiên xào để giảm kích thích cổ họng.
2. Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm cũng là nguyên tố vi lượng quan trọng có vai trò tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Không chỉ vậy, kẽm giúp cơ thể nâng cao khả năng kháng virus, đặc biệt quan trọng đối với cả trẻ em lẫn người lớn nhất là trẻ trong thời kỳ mắc bệnh. Tăng cường bổ sung kẽm trong bữa sẽ giúp cải thiện nhanh các triệu chứng viêm họng đồng thời ngăn ngừa tốt các bệnh khác.
Các thực phẩm giàu kẽm mà người bệnh nên bổ sung có thể kể đến như:
- Rau chân vịt
- Củ cải trắng
- Nghêu
- Ốc
- Tôm
- Cua
- Sò
- Ngao…
- Bên cạnh đó, một thực phẩm có hàm lượng kẽm cao mà người bệnh không nên bỏ qua chính là nước cốt dừa.
3. Thực phẩm mềm, dễ nuốt
Các thực phẩm mềm, dễ nuốt này chính là các món như súp, cháo. Do cổ họng bị sưng viêm nên người bệnh sẽ rất khó khăn thậm chí còn thường xuyên cảm thấy đau rát khó chịu khi nuốt thức ăn. Vì vậy, để tránh kích thích cổ họng, không gây ma sát với thành họng thì tốt nhất người bệnh nên sử dụng các thực phẩm như:
- Cháo yến mạch mật ong
- Súp khoai tây, bí đỏ…
Các thực phẩm này đều giàu dinh dưỡng, có hàm lượng chất xơ cao vừa giúp giảm đau họng lại hỗ trợ điều trị rất tốt.
4. Thực phẩm trơn, mát
Khi bị viêm họng, cổ họng thường có cảm giác nóng rát khó chịu. Do đó, lúc này bạn nên tăng cường sử dụng các món canh thanh mát có tác dụng làm mát cổ họng, thanh nhiệt và cũng tốt cho hệ tiêu hóa. Các món canh này thường trơn nên sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi nuốt thức ăn.
Có thể kể đến các món canh trơn, thanh mát như:
- Canh mồng tơi, bầu, bí, mướp, rau sâm, rau đay…
5. Các món luộc
Thay vì chế biến cầu kỳ thì tốt nhất người bệnh nên ăn đồ luộc khi bị viêm họng. Hãy chọn các loại rau củ luộc như cà rốt, rau cải hoặc ăn món mềm như ngũ cốc trộn sữa. Chúng khá mềm, dễ nhai nuốt, không gây kích thích cổ họng lại giàu khoáng chất và các vitamin cần thiết.
Thực phẩm người bị viêm họng nên ăn để nhanh hồi phục
Bên cạnh các nhóm thực phẩm nên đưa vào bữa ăn hàng ngày trên, người bệnh cũng nên bổ sung các thực phẩm sau:
1. Trứng
Trứng giàu protein, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch mà cơ thể lại có thể hấp thu nhanh chóng. Khi bị viêm họng, trứng luộc là một lựa chọn tốt cho người bệnh, nó mềm, dễ nuốt, không làm vướng họng nên rất tốt để sử dụng. Để tận dụng chất đạm lysin trong thực phẩm nhằm chống siêu vi và bổ sung kẽm cho cơ thể tốt nhất nên ăn trứng luộc với vài miếng gan bò xào. Tuyệt đối không ăn trứng chiên vì nó chứa dầu mỡ dễ gây kích thích cổ họng.
2. Bạc hà
Tác dụng chính của bạc hà là thông niêm mạc, giảm đau, tiêu đờm, chống ho. Do đó, việc sử dụng bạc hà sẽ giúp bạn cảm thấy dịu cổ họng, giảm ho, cải thiện tình trạng sổ mũi vì loại thảo dược này cũng có tác dụng thông mũi, làm co mạch. Có thể dùng 2 – 3 viên kẹo ngậm bạc hà mỗi ngày. Lưu ý rằng không dùng bạc hà cho người đang ở tình trạng họng sưng đau đỏ rát.
3. Sữa chua
Sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, có thể bảo vệ niêm mạc họng trước sự tấn công của vi khuẩn. Không chỉ vậy, sữa chua còn giúp kích thích tiêu hóa, mang lại cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, đây cũng là loại thực phẩm mềm, mát, trơn nên có thể làm dịu cổ họng, giảm các kích thích ở thành họng. Khi sử dụng sữa chua, cần ăn giữa hai bữa ăn, tránh ăn lúc quá đói hoặc quá no. Đồng thời, không dùng khi uống kháng sinh vì dễ làm mất tác dụng của thuốc.
4. Tỏi
Tỏi giàu allicin, được ví như một kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn, làm sạch cổ họng. Do đó, khi bị viêm họng, người bệnh thường được khuyến khích sử dụng tỏi để chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh. Tốt nhất bạn nên thêm tỏi vào món ăn hàng ngày để tăng cường hiệu quả.
5. Gừng
Một trong những biện pháp giảm đau rát cổ họng tức thời có thể áp dụng chính là sử dụng gừng. Gừng có đặc tính giảm đau, kháng viêm mạnh, thúc đẩy tuần hoàn máu, làm thông xoang nên hỗ trợ rất tốt trong việc cải thiện các triệu chứng do bệnh viêm họng gây ra. Do đó, khi bị viêm họng, bạn có thể thêm gừng vào thức ăn hoặc nhâm nhi một tách trà gừng nóng mỗi ngày.
6. Củ nghệ
Nghệ không chỉ giàu chất chống oxy mà còn có đặc tính kháng viêm, hỗ trợ làm lành các tổn thương nhờ hoạt chất curcumin. Vì vậy, nghệ cũng là một thực phẩm tốt cho người bệnh viêm họng. Bạn có thể thêm nghệ vào các món ăn hàng ngày hoặc pha bột nghệ với nước ấm uống để giảm viêm họng.
7. Mật ong
Nhắc đến các thực phẩm tốt cho người viêm họng thì không thể không nói đến mật ong. Mật ong thường được sử dụng để tiêu đờm, giảm ho, giảm viêm, hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng viêm họng đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Mỗi ngày 1 – 2 thìa mật ong uống với nước ấm sẽ giúp bạn giảm cảm giác đau rát, khó chịu ở cổ họng.
8. Một số thực phẩm khác
Ngoài ra, người bệnh còn có thể cải thiện các triệu chứng khó chịu do viêm họng gây ra bằng các thực phẩm như:
- Bột yến mạch: Giàu dưỡng chất, đặc biệt là sắt, magie, mangan rất tốt cho sức khỏe lại không ảnh hưởng đến tình trạng sưng viêm ở thành họng.
- Cà rốt: Chỉ nên ăn cà rốt nấu chín do có nhiều vitamin A, C và các khoáng chất cần thiết hỗ trợ phục hồi nhanh các tổn thương ở vùng họng. Có thể nấu canh, luộc hoặc thêm vào các món súp, tuy nhiên, không nên lạm dụng, tốt nhất chỉ dùng 3 lần/tuần.
- Quả lựu: Giàu chất chống oxy, có khả năng làm giảm sưng đau và se niêm mạc họng rất tốt.
- Nước hầm xương: Giàu vitamin, protein, canxi, giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể đồng thời còn có khả năng kích thích vị giác giúp người bệnh ngon miệng hơn.
Các món ăn bài thuốc tốt cho người viêm họng
Song song với việc dùng các thực phẩm hỗ trợ, người bệnh có thể nấu các món ăn bài thuốc dưới đây và thường xuyên sử dụng để nâng cao hiệu quả hồi phục:
1. Cháo tía tô
Lá tía tô vị cay, tính ấm thường được sử dụng để chữa ho, viêm họng do có tác dụng hạ khí, giải cảm, tiêu đờm, trị tức ngực khó thở, thở gấp, sốt…
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: Gạo, lá tía tô, gia vị
- Lá tía tô rửa sạch, sắc với nước, thấy còn ½ nước thì bỏ bã giữ lại phần nước
- Gạo vo sạch, cho vào nồi nước lá tía đã sắc nấu nhừ thành cháo đặc
Có thể dùng cho trẻ nhỏ, mỗi ngày 1 bát, chia làm 2 lần ăn, dùng khi còn ấm.
2. Canh hẹ nấu đậu hũ
Lá hẹ cũng là một trong những cây thuốc nam có tác dụng chữa ho, viêm họng rất tốt. Hẹ tính ấm, công dụng chính là hành khí, giải độc, tiêu đờm, chống viêm, kháng khuẩn… Do đó, dùng canh hẹ thường xuyên sẽ giúp giảm đau họng hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 1 bó hẹ, 1 gói đậu hủ non, 100g thịt heo, hành, rau mùi, gia vị
- Thịt heo rửa sạch, băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn
- Rau thơm, hẹ rửa sạch, ngâm qua nước muối
- Phi thơm hành với dầu, cho thịt băm vào đảo đều, thêm nước
- Khi nước sôi thì cho đậu hủ non vào, sau 5 – 10 phút thêm hẹ rồi nên nếm lại và tắt bếp.
3. Cháo ngao
Ngao tính hàn, vị ngọt, giàu nguyên tố vi lượng và đặc biệt giàu kẽm. Dùng cháo ngao thường xuyên có thể giúp tăng cường sức đề kháng, giảm viêm họng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 1,5kg ngao, bơ sữa bò, gạo nếp, gạo tẻ, rau răm, hành lá, hành khô, gia vị cần thiết
- Gạo vo ngâm qua đêm, sau khi ngâm để ráo
- Ngao rửa sạch, ngâm 15 phút, cho vào nồi, đun sôi với nước, thêm ít muối, thấy ngao mở miệng thì tắt bếp
- Vớt ngao ra, tách lấy phần thịt, nêm mắm, hạt nêm, dầu ăn cho thấm gia vị
- Lấy phần nước ngao ở trên, lọc bỏ sạn dưới đáy nồi, cho gạo vào ninh trên lửa lớn.
- Cho dầu vào chảo, phi thơm hành khô, cho thịt ngao vào xào săn
- Hành lá, rau răm rửa sạch, thái nhỏ
- Thấy cháo chín thì múc ra bát, cho thịt ngao vào, thêm rau răm, hành lá, hành phi vào là có thể dùng.
Bị đau họng nên kiêng ăn gì?
Với thắc mắc bị viêm họng nên ăn kiêng ăn gì giúp nhanh hồi phục, người bệnh hẳn đã nắm được những thực phẩm, các món ăn nên sử dụng. Bên cạnh việc quan tâm đến các thực phẩm có lợi, cần tránh các thực phẩm sau đây để tránh ảnh hưởng đến tình trạng bệnh:
Đồ uống, thực phẩm lạnh
Khi bị viêm họng, người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng các loại đồ uống, thực phẩm lạnh nhất là nước ngọt, kem. Tốt nhất nên uống nhiều nước ấm, nước khoáng thông thường, không nên thêm đá khi sử dụng để tránh tình trạng cổ họng sưng viêm nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, với các loại thực phẩm, tốt nhất không nên ướp lạnh để sử dụng.
Đồ ăn cay nóng
Đồ ăn cay nóng nằm trong danh sách các thực phẩm mà người bệnh viêm họng nhất định phải kiêng cử. Bởi lẽ đồ cay, nóng dễ gây kích thích niêm mạc họng, gây nóng trong, đồng thời còn khiến cảm giác đau họng thêm nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu không muốn họng sưng đỏ nhiều hơn thì người bệnh nhất định phải tránh xa nhóm thực phẩm này. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh các món ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, gà rán…
Đồ ăn khô, cứng
Các món ăn khô cứng thường khó nuốt, dễ gây ma sát, kích thích cổ họng. Không chỉ vậy, chúng còn dễ gây xước bề mặt họng và làm cổ họng tổn thương nghiêm trọng. Các thực phẩm này có thể kể đến như hạt hướng dương, óc chó, hạnh nhân, xiên que, đồ nướng…
Đồ ngọt
Các loại đồ ăn ngọt chứa nhiều arginine, đây là chất tạo môi trường phát triển tốt cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, chúng còn khiến dịch nhờn ở cổ tiết ra nhiều hơn, đồng thời còn làm tình trạng đờm trong cổ họng nghiêm trọng hơn. Các thực phẩm này có thể kể đến như socola, đậu phộng, bánh kẹo…
Đồ uống có cồn
Người bị viêm họng cũng cần tránh các loại đồ uống có cồn hoặc chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Chúng là những thức uống không tốt cho sức khỏe, làm cổ họng sưng đỏ, viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Do đó, nên loại bỏ các thực phẩm này và tăng cường uống các loại nước như trà xanh, nước chanh mật ong…
Trên đây là chế độ ăn uống với những thực phẩm, món ăn tốt nhất cho người bị viêm họng. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện mà luôn kéo dài thậm chí có xu hướng nghiêm trọng hơn, cần nhanh chóng thăm khám để được kịp thời điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- Bài thuốc CHỮA VIÊM HỌNG bằng THẢO DƯỢC an toàn
- 13 Cách giảm đau họng cực nhanh có sẵn tại nhà
- Mẹo chữa viêm họng bằng lá tía tô đơn giản, nhanh khỏi
- Bài thuốc chữa viêm họng Đỗ Minh Đường – Liệu pháp thiên nhiên dành cho mọi người