Viêm họng do liên cầu khuẩn – 10+ Thông tin về bệnh bạn cần biết

Bài viết sẽ giúp bạn nắm rõ viêm họng do liên cầu khuẩn là bệnh gì. Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.

Viêm họng do liên cầu khuẩn là hiện tượng niêm mạc họng bị nhiễm trùng do vi khuẩn liên cầu. So với viêm họng do virus, loại viêm họng này có mức độ nặng nề, khởi phát đột ngột. Bệnh tiến triển nhanh chóng và dễ phát sinh biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời.

viêm họng liên cầu khuẩn là gì
Viêm họng liên cầu khuẩn là gì?

Viêm họng liên cầu khuẩn là gì?

Viêm họng liên cầu khuẩn là tình trạng niêm mạc họng bị nhiễm trùng do liên cầu khuẩn (Streptococcus) – đặc biệt là liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A. Đây là một trong những loại viêm họng cấp thường gặp, có mức độ nghiêm trọng và dễ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn không chỉ gây viêm đỏ niêm mạc mà còn gây ra giả mạc có màu trắng nên còn được gọi là viêm họng trắng. Triệu chứng của bệnh khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh hơn so với viêm họng do virus.

Đối với viêm họng do liên cầu khuẩn, bắt buộc phải điều trị y tế trong ít nhất 10 ngày. Với những trường hợp không kịp thời thăm khám và chẩn đoán, vi khuẩn có thể lây lan toàn bộ cơ thể và gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Nguyên nhân gây viêm họng liên cầu khuẩn

Nguyên nhân trực tiếp gây viêm họng liên cầu là do nhiễm liên cầu khuẩn – đặc biệt là liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A. Vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết hô hấp của người nhiễm bệnh.

dấu hiệu viêm họng liên cầu
Nguyên nhân trực tiếp gây viêm họng liên cầu là do nhiễm vi khuẩn liên cầu

Ngoài nguyên nhân trực tiếp, một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Trẻ từ 5 – 15 tuổi
  • Người có chế độ vệ sinh kém
  • Tiếp xúc thân mật với người mắc các viêm nhiễm đường hô hấp
  • Hệ miễn dịch suy giảm
  • Sinh sống trong điều kiện môi trường ô nhiễm

Dấu hiệu của bệnh viêm họng liên cầu

Triệu chứng của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn thường khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh chóng. Bệnh không chỉ gây triệu chứng cơ năng mà còn đi kèm với tổn thương thực thể và một số triệu chứng toàn thân.

viêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm a
Bệnh thường khởi phát triệu chứng đột ngột, đặc trưng bởi tình trạng cổ họng đau và sưng nóng

– Triệu chứng cơ năng:

  • Đau họng
  • Đau khi nuốt
  • Cổ họng nóng rát
  • Đau nhói lên tai
  • Sưng hạch cổ

– Triệu chứng toàn thân:

  • Sốt cao từ 38 – 39 độ C
  • Kèm theo ớn lạnh hoặc rét run
  • Đau đầu dữ dội
  • Thể trạng mệt mỏi
  • Trẻ nhỏ thường có xu hướng quấy khóc nhiều, biếng ăn và khó ngủ

– Tổn thương thực thể:

  • Amidan đỏ thẫm và sưng viêm
  • Xuất hiện lớp bựa trắng bao phủ khu trú ở amidan, sau đó lan ra toàn bộ niêm mạc cổ họng
  • Lưỡi gà, màn hầu, trụ sau và trụ trước có hiện tượng xung huyết đỏ nhưng không phù nề
  • Các hạch vùng góc hàm bị sưng và đau
  • Thành sau họng xuất hiện vài hạt lympho bị viêm và có đóng bựa trắng

Viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm không?

Viêm họng liên cầu khuẩn có mức độ nguy hiểm hơn so với viêm họng do virus hoặc do dị ứng. Tuy nhiên nếu tích cực điều trị và chăm sóc, bệnh có thể thuyên giảm chỉ sau 10 – 15 ngày. Trong trường hợp điều trị không đúng cách hoặc tùy tiện sử dụng thuốc, bệnh có thể tiến triển kéo dài và gây ra các biến chứng như:

  • Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác: Vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể lây lan sang các cơ quan lân cận và gây ra các bệnh hô hấp như viêm tai, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tấy xung quanh amidan,…
  • Nhiễm trùng lan rộng: Không chỉ khu trú ở đường hô hấp, liên cầu khuẩn còn có khả năng lây lan đến những cơ quan xa và gây ra biến chứng nặng nề như thấp tim, bệnh Osler, viêm thận và viêm hạch mủ.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết là biến chứng nặng nề nhất của bệnh viêm họng liên cầu. Đối với biến chứng này, cần phải chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất nếu không có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Ngoài các biến chứng kể trên, bệnh viêm họng do liên cầu còn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây suy giảm thể trạng, tác động tiêu cực đến hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán bệnh viêm họng do liên cầu

Viêm họng liên cầu cần phải được chẩn đoán trước khi điều trị nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.

liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm a
Cần chẩn đoán trước khi điều trị bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn

– Chẩn đoán xác định:

  • Dựa vào các triệu chứng điển hình như sốt cao, đau rát cổ họng và tổn thương thực thể ở niêm mạc họng.
  • Dùng tăm bông lấy dịch ở cổ họng soi cấy tìm thấy liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A
  • Xét nghiệm máu nhận thấy bạch cầu tăng từ 10.000 – 12.000 và tốc độ lắng máu cao

– Chẩn đoán phân biệt:

  • Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân: Bệnh lý này có triệu chứng loét cổ họng kèm giả mạc trắng tương tự bệnh viêm họng liên cầu. Để phân biệt, có thể căn cứ vào một số dấu hiệu khác như thể trạng suy nhược, hạch cổ sưng to và tế bào đơn nhân trong máu tăng cao.
  • Bệnh bạch hầu: Bệnh bạch hầu gây giả mạc gắn chặt vào niêm mạc họng nhưng khi bóc ra thường gây chảy máu. Hơn nữa giả mạc mọc rất nhanh, có thể lan ra màu hầu và các trụ. Ngoài ra bệnh lý này gây sưng hạch dưới cằm và cổ.

Điều trị bệnh viêm họng do liên cầu

Đối với bệnh lý này, điều trị chủ yếu là sử dụng kháng sinh và thuốc cải thiện triệu chứng. Bên cạnh đó, cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc nhằm nâng đỡ thể trạng và tăng cường chức năng miễn dịch. Trên thực tế, các trường hợp điều trị tích cực đều thuyên giảm chỉ sau 10 ngày và hầu như không phát sinh biến chứng nặng nề.

1. Sử dụng thuốc kháng sinh

Kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Đối với liên cầu khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định một số loại kháng sinh sau:

viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm không
Kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm họng do vi khuẩn liên cầu
  • Amikacin: Amikacin là kháng sinh họ aminoglycosid, có tác diệt khuẩn thông qua hoạt động ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn. Thuốc được sử dụng ở dạng truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
  • Cefalotin: Cefalotin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ I, có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn. Nhóm kháng sinh này là lựa chọn thứ 2 trong điều trị viêm họng liên cầu khuẩn đối với các trường hợp quá mẫn với kháng sinh penicillin.
  • Amoxicillin: Là kháng sinh ưu tiên trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên. Thuốc có đáp ứng tốt với liên cầu khuẩn và thường được chỉ định dùng trong 7 – 10 ngày tùy vào mức độ nhiễm khuẩn.

Các loại kháng sinh phải được sử dụng đều đặn theo tần suất và thời gian được bác sĩ chỉ định. Dùng thuốc không đều hoặc tự ý ngưng thuốc có thể tăng nguy cơ kháng thuốc và tái nhiễm.

2. Dùng thuốc điều trị triệu chứng

Kháng sinh là thuốc ức chế và kìm hãm vi khuẩn gây nhiễm trùng nhưng không có tác dụng hạ sốt, chống viêm hay giảm đau. Do đó bên cạnh kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo một số loại thuốc điều trị triệu chứng như:

  • Acetaminophen: Loại thuốc này có tác dụng hạ thân nhiệt và giảm đau hiệu quả đối với bệnh viêm họng. Acetaminophen tương đối an toàn, có thể dùng cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
  • Súc miệng với dung dịch kiềm: Bên cạnh đó, nên súc miệng với các dung dịch kiềm trong thời gian điều trị nhằm hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, virus và làm dịu vùng niêm mạc sưng đau. Ngoài ra, súc miệng thường xuyên còn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng lây lan rộng.
  • Thuốc SMC: SMC là thuốc bôi họng có tác dụng giảm viêm, làm mát và cải thiện tình trạng đau rát cổ họng. Thuốc được sử dụng bằng cách bôi trực tiếp lên niêm mạc hầu họng.
  • Khí dung corticoid + kháng sinh: Thuốc được dùng bằng cách xịt vào cổ họng nhằm giảm viêm, đau rát và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng. Tuy nhiên các dạng thuốc chứa corticoid có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nên cần cẩn trọng khi sử dụng.
  • Thuốc kháng viêm: Đối với những trường hợp viêm và phù nề nặng, có thể dùng thuốc chống phù nề Alphachymotrypsin. Tuy nhiên khi dùng loại thuốc này, cần tránh sử dụng với Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid.
  • Viên uống bổ sung: Các viên uống bổ sung (Vitamin C, Kẽm) có thể được sử dụng nhằm nâng cao sức đề kháng, cải thiện thể trạng và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng.

3. Kết hợp với các biện pháp chăm sóc

Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc nhằm nâng đỡ cơ thể, thúc đẩy khả năng hồi phục và giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh viêm họng gây ra.

viêm họng liên cầu ở trẻ
Trong thời gian điều trị, nên bổ sung thức ăn mềm, giàu vitamin C và các chất dinh dưỡng

Các biện pháp chăm sóc đối với bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian điều trị nhằm phục hồi thể trạng và tránh lây nhiễm vi khuẩn cho người khỏe mạnh.
  • Uống nhiều nước, chườm khăn mát và mặc quần áo rộng rãi để giảm thân nhiệt.
  • Trong thời gian điều trị, nên dùng các món ăn mềm, dễ tiêu hóa và dễ nuốt như cháo, súp hoặc canh. Bổ sung các loại thực phầm giàu dinh dưỡng như ngũ cốc, bơ, thịt gà, trứng, sữa, rau xanh, cà rốt,…
  • Hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị, thức uống chứa cồn và caffeine.
  • Bổ sung vitamin C và khoáng chất cho cơ thể bằng cách ăn sữa chua, cam, quýt, dâu tây, bưởi,…
  • Vệ sinh răng miệng và thường xuyên súc miệng với nước muối giúp giảm đau họng và hạn chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại.
  • Có thể uống trà gừng hoặc trà bạc hà ấm để làm dịu cổ họng, giảm ho và long đờm.
  • Tránh một số thói quen tác động xấu đến tiến triển của bệnh như la hét, hút thuốc lá, uống nước đá,…
  • Hạn chế đến những nơi đông người, tiếp xúc thân mật và sử dụng vật dụng với người khỏe mạnh.

Phòng ngừa bệnh viêm họng liên cầu tái phát

Viêm họng do liên cầu khuẩn và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng tái phát cao. Do đó sau khi điều trị, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng bệnh đơn giản như:

viêm họng liên cầu khuẩnviêm họng liên cầu khuẩn
Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người giúp hạn chế tái phát bệnh viêm họng liên cầu
  • Chải răng 2 lần/ ngày và súc nước muối thường xuyên để hạn chế vi khuẩn và virus bùng phát mạnh. Nên thay bàn chải sau khi bị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhằm hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
  • Vệ sinh tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vật dụng công cộng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh tiếp xúc và sử dụng chung vật dụng với người mắc bệnh hô hấp.
  • Dùng khẩu trang khi di chuyển ngoài trời hoặc đến những nơi đông người như sân bay, bến xe, bệnh viện,…
  • Giữ ấm cơ thể và sử dụng máy tạo độ ẩm vào thời điểm nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp đột ngột.
  • Cân nhắc cắt amidan nếu viêm họng tái phát do bệnh viêm amidan mãn tính.
  • Vào thời điểm dễ mắc bệnh hô hấp (giao mùa, thời tiết chuyển lạnh), nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và một số loại thảo dược có tác dụng kháng khuẩn như tỏi, gừng, nghệ, đinh hương, bạc hà,…

Viêm họng do liên cầu khuẩn là loại viêm họng có mức độ nghiêm trọng và dễ phát sinh các biến chứng nặng nề. Vì vậy ngay khi phát sinh các dấu hiệu bất thường, bạn nên thăm khám và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm: Cách chữa viêm họng tại nhà (mẹo dân gian + lời khuyên y tế)