Hướng dẫn dùng lá tía tô trị ho cho mẹ bầu và bé đúng cách
Lá tía tô trị ho thường được sử dụng trong trường hợp cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng. Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn đều có thể áp dụng.
Sử dụng lá tía tô trị ho là cách chữa an toàn. Áp dụng mẹo chữa này thường xuyên có thể giảm ho, làm loãng đờm, thông cổ họng. Cùng theo dõi bài viết để nắm rõ công dụng và cách dùng cụ thể.
Dùng lá tía tô trị ho có tác dụng thật không?
Lá tía tô (tô diệp) là loại rau gia vị thuộc họ Hoa môi (danh pháp khoa học Lamiaceae). Tía tô có vị cay, mùi thơm, tính ấm, thường được dùng để ăn kèm với một số thực phẩm có tính lạnh hoặc dùng để nấu canh, xào hoặc chế biến thành trà.
Theo y học cổ truyền, tô diệp có tác dụng tán phong hàn, hóa đờm, lý khí, phát biểu (làm ra mồ hôi) và an thai. Vì vậy dược liệu này thường được dùng để chữa ho, kích thích tiêu hóa và cải thiện chứng cảm mạo ở phụ nữ mang thai, người trưởng thành và cả trẻ nhỏ.
Ngoài ra theo một số nghiên cứu hiện đại, nước sắc từ lá tía tô còn có tác dụng kích thích ra mồ hôi, giải cảm và giảm sốt. Bên cạnh đó hoạt chất trong tô diệp còn có khả năng chống co thắt cơ trơn và giảm dịch tiết của phế quản, từ đó làm giảm đờm, cải thiện chứng ho và thở khò khè.
Bên cạnh đó, tinh dầu và mùi thơm đặc trưng của thảo dược này còn có thể giảm buồn nôn, cải thiện chứng ăn uống khó tiêu, đầy bụng trong giai đoạn ốm nghén. Vì vậy mẹo dùng lá tía tô trị ho thường được áp dụng mẹ bầu trong 3 tháng đầu. Ngoài ra với tác dụng kích thích tiêu hóa, mẹo chữa này còn được dùng cho trẻ nhỏ nhằm giảm ho và hỗ trợ làm giảm chứng chán ăn và chậm lớn ở trẻ.
Dùng lá tía tô trị ho cho bé và mẹ bầu là mẹo chữa an toàn do tận dụng hoàn toàn thảo dược từ thiên nhiên. Tuy nhiên cách chữa này có tác dụng yếu và chậm phát huy nên trong trường hợp ho nặng, nên sử dụng thuốc Tây để kiểm soát triệu chứng trong thời gian ngắn nhất. Bởi ho kéo dài không chỉ gây khản tiếng, đau họng mà còn khiến trẻ biếng ăn, suy nhược và kích thích tử cung co bóp gây động thai, sảy thai ở mẹ bầu.
Hướng dẫn dùng lá tía tô trị ho cho mẹ bầu và bé đúng cách
Mẹ bầu và trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm và dễ gặp phải tác dụng phụ khi áp dụng các biện pháp điều trị. Vì vậy khi dùng lá tía tô trị ho, cần thực hiện đúng cách để tối ưu tác dụng điều trị và hạn chế các rủi ro phát sinh.
1. Cách trị ho cho bé bằng trà lá tía tô
Để trị ho cho trẻ nhỏ, bạn có thể cho trẻ uống trà từ lá tía tô. Trà tía tô có mùi thơm dịu nhẹ, dễ uống đồng thời giúp làm dịu vùng cổ họng sưng đau, giảm khát, ho và làm loãng đờm. Khi dùng trà tía tô cho trẻ, bạn có thể kết hợp với đường phèn, mật ong và gừng để tăng tác dụng điều trị.
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa sạch lá tía tô rồi đem phơi khô
- Sau đó dùng 1 ít lá tía tô cho vào tách rồi đổ khoảng 200ml nước đun sôi vào
- Hãm trong vòng 15 – 20 phút
- Thêm đường phèn vào và uống khi trà còn ấm
- Nên cho trẻ uống nhiều lần trong ngày để bệnh nhanh khỏi
Khi dùng trà tía tô, nên dặn dò trẻ tránh la hét lớn và nói chuyện nhiều, hạn chế ăn kem hoặc dùng các thức ăn, đồ uống lạnh.
2. Chữa ho có đờm bằng bài thuốc từ lá tía tô
Trong trường hợp ho kèm đờm đặc nhiều, bạn có thể phối hợp lá tía tô với sinh khương (gừng tươi), pháp bán hạ và hạnh nhân. Vì vậy ngoài tác dụng điều trị của tô diệp, bài thuốc này còn kết hợp dược tính của các thảo dược trên nhằm tác dụng giảm ho, tiêu đờm và giảm ngứa, đau rát cổ họng.
Cách chữa ho có đờm bằng lá tía tô:
- Chuẩn bị pháp bán hạ và hạnh nhân mỗi thứ 12g, sinh khương và lá tía tô mỗi thứ 8g.
- Đem rửa sạch dược liệu, sau đó sắc uống.
- Ngày dùng 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
3. Lá tía tô giúp trị ho, an thai cho mẹ bầu
Ngoài tác dụng giảm ho, lá tía tô còn có khả năng an thai cho mẹ bầu. Vì vậy phụ nữ mang thai có thể tận dụng thảo dược này để cải thiện bệnh lý và thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.
Hướng dẫn cách dùng lá tía tô trị ho cho mẹ bầu:
- Chuẩn bị trần bì (vỏ quýt) 6g, hương phụ (củ gấu) 8g, cam thảo 4g và tía tô 8g.
- Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm.
- Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc này phối hợp lá tía tô với một số dược liệu có tác dụng chữa ho, ấm phổi và trừ đờm như trần bì, cam thảo. Ngoài ra bài thuốc này còn kết hợp với hương phụ (củ gấu) – dược liệu có tác dụng bổ huyết và an thai.
4. Cách chữa ho, khản giọng và mất tiếng bằng lá tía tô
Với trường hợp ho kéo dài gây mất tiếng, khản giọng, bạn có thể dùng lá tía tô với đại táo, chè và quả mận tươi. Bài thuốc này vừa có tác dụng long đờm, giảm ho, vừa làm thông cổ họng và cải thiện tình trạng khản giọng, mất tiếng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị lá tía tô 6g, chè xanh 3g, đại táo 5 quả và mận tươi 30g.
- Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm.
- Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Dùng 2 lần/ ngày liên tục trong 5 – 10 ngày.
5. Trị ho, giải cảm cho bé bằng cháo tía tô trứng gà
Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm ho và giải cảm với cháo tía tô trứng gà. Bên cạnh việc dùng cho trẻ uống cho trà tía tô, bạn có thể cho trẻ ăn kèm với cháo để hỗ trợ điều trị bệnh, giảm lạnh bụng và kích thích vị giác.
Hướng dẫn nấu cháo tía tô trứng gà giải cảm cho trẻ và người lớn:
- Chuẩn bị 40g gạo tẻ, 2 quả trứng gà và 10g lá tía tô tươi
- Nấu cháo với 300ml nước
- Sau khi cháo chín nhừ, đập trứng gà vào khuấy đều
- Đợi cho sôi lại thì cho tía tô thái nhỏ vào
- Sau đó nêm nếm gia vị rồi tắt bếp
- Ăn cháo tía tô 2 – 3 lần giúp giải cảm, giảm ho và sổ mũi nhanh chóng
Những lưu ý khi trị ho bằng lá tía tô
Dùng lá tía tô trị ho là mẹo chữa an toàn, có thể áp dụng cho cả người lớn, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Tuy nhiên để trị chứng ho dứt điểm, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Nếu ho do các bệnh lý nghiêm trọng như lao phổi, viêm phế quản, tràn dịch màng phổi, bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Áp dụng mẹo chữa ho bằng lá tía tô trong trường hợp này thường không có kết quả tốt. Ngược lại có thể khiến bệnh chuyển biến xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng hô hấp.
- Tác dụng trị bệnh của lá tía tô thường yếu hơn so với thuốc Tây. Vì vậy khi áp dụng, bạn nên thực hiện đều đặn trong 3 – 5 ngày để nhìn thấy hiệu quả.
- Trong trường hợp ho đi kèm với chứng nghẹt mũi và sổ mũi, nên dùng lá tía tô kết hợp với gừng, sả,… để xông hơi nhằm loại bỏ dịch tiết hô hấp, giảm phù nề niêm mạc mũi và ngăn ngừa bệnh tiến triển mãn tính.
- Không nên trị ho trẻ sơ sinh bằng lá tía tô vì trẻ có thể bị tiêu chảy, dị ứng và đau bụng. Trong trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Nếu ho không thuyên giảm sau khi dùng lá tía tô khoảng 5 ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân và hướng dẫn các biện pháp điều trị thích hợp.
Dùng lá tía tô trị ho có thể giảm triệu chứng nghẹt mũi, đau cổ họng, chảy nước mũi, ho khan, ho có đờm… Tuy nhiên bạn không nên phụ thuộc vào mẹo chữa này, thay vào đó cần chủ động phối hợp với việc sử dụng thuốc, ăn uống và chăm sóc đúng cách để tăng tác dụng điều trị.
Tham khảo thêm:
- Tổng hợp 7 cách chữa ho bằng tỏi hay được nhiều người áp dụng
- Mẹo hay trị ho bằng rau tần dày lá ( húng chanh ) đơn giản tại nhà