Tổng hợp 7 cách chữa ho bằng tỏi hay được nhiều người áp dụng nhất
Cách chữa ho bằng tỏi có tác dụng kháng viêm, giảm ho, tiêu đờm rất tốt. Đặc biệt hiệu quả với trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Chữa ho bằng tỏi là một trong những biện pháp cải thiện tại nhà được áp dụng khá phổ biến. Dưới đây là 7+ công thức chữa ho bằng tỏi hiệu quả mà các bạn có thể tham khảo.
Công dụng chữa ho của tỏi
Tỏi là loại gia vị quen thuộc, có vị cay nồng và tính ấm. Ngoài ra với hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng dược lý đa dạng, tỏi còn được sử dụng để chữa chứng ho khan, ho có đờm do cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi và viêm phế quản.
Trong đó tác dụng của tỏi chủ yếu đến từ hoạt chất Allicin. Allicin là chất chống oxy hóa tự nhiên, có tác dụng ức chế vi khuẩn, giảm viêm và tiêu trừ các gốc tự do gây hại. Bên cạnh đó hợp chất sulfur trong tỏi cũng có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn và ức chế một số virus gây nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp.
Ngoài ra tỏi còn chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như sắt, canxi, vitamin nhóm B, magie, phốt pho, mangan, vitamin C và một số chất chống oxy hóa. Các thành phần có thể tăng cường miễn dịch, cải thiện chức năng tiêu hóa và hô hấp, đồng thời nâng cao thể trạng và tăng mức độ chống chịu của cơ thể với các tác nhân gây hại.
Ho khan và ho có đờm thường khởi phát do nhiễm trùng đường hô hấp. Vì vậy sử dụng tỏi có thể ức chế virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng, làm loãng dịch đờm và cải thiện chứng ho đáng kể.
Mặc dù tỏi được ví như một loại “kháng sinh” tự nhiên, tuy nhiên thảo dược này chỉ đem đến tác dụng đối với một số trường hợp bệnh nhẹ. Vì vậy để đạt được kết quả điều trị cao, bạn nên phối hợp mẹo chữa này với việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ/ dược sĩ.
7 Cách chữa ho bằng tỏi được áp dụng phổ biến
Tỏi có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe – đặc biệt là đối với cơ quan hô hấp. Để giảm ho và hỗ trợ điều trị cảm cúm, cảm lạnh,… bạn có thể dùng tỏi theo một số cách sau đây:
1. Trị ho bằng tỏi và đường phèn
Kết hợp tỏi và đường phèn có thể làm thông cổ họng, giảm ho và tăng cường chức năng hô hấp. Đường phèn có vị ngọt dịu nhẹ, tính bình, tác dụng thanh nhiệt và nhuận phế. Vì vậy kết hợp đường phèn với tỏi có thể giảm mùi cay nồng của dược liệu, đồng thời gia tăng tác dụng cải thiện và điều trị bệnh lý.
Hướng dẫn cách trị ho bằng tỏi và đường phèn:
- Chuẩn bị tỏi 40 – 60g và đường phèn 6g
- Đem tỏi bóc bỏ vỏ và cắt đôi múi tỏi rồi cho vào chén
- Thêm đường phèn vào và đổ thêm 50ml nước
- Hấp trong nồi cơm cho đến khi chín
- Đem ra để nguội và chắt lấy nước uống (có thể dùng cả cái để tăng tác dụng điều trị)
Với bài thuốc này, bạn nên áp dụng liên tục trong 3 – 6 ngày để nhận thấy kết quả rõ rệt.
2. Chữa ho cho bé bằng tỏi nướng
Chữa ho cho bé bằng tỏi nướng là mẹo trị ho được khá nhiều phụ huynh áp dụng. Tỏi nướng thường có mùi thơm và mất đi vị cay nồng nên có thể dùng cho trẻ nhỏ. Mẹo chữa này thích hợp với trẻ bị ho khan và ho gió do thời tiết chuyển lạnh đột ngột hoặc do dị ứng phấn hoa, mạt bụi,..
Hướng dẫn cách chữa ho cho bé bằng tỏi nướng:
- Sử dụng 2 – 3 tép tỏi (còn vỏ) đem nướng trực tiếp trên bếp than
- Đến khi vỏ bên ngoài cháy xém thì lấy ra để nguội
- Sau đó bóc vỏ bên ngoài và cho trẻ ăn trực tiếp
- Ngày dùng từ 2 – 3 tép tỏi có thể giảm nhẹ chứng ho, đau họng và ngăn ngừa khản giọng, mất tiếng
3. Kết hợp tỏi và gừng giảm ho nhanh chóng
Mẹo chữa ho bằng tỏi và gừng thích hợp với người bị ho do cảm mạo phong hàn (người sốt nhẹ, không ra mồ hôi, sợ lạnh và sợ gió). Ngoài tác dụng chữa bệnh của tỏi, gừng cũng đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe và hệ hô hấp.
Hoạt chất Gingerol trong gừng có thể ức chế virus gây nhiễm trùng, làm loãng đường và giảm viêm ở cổ họng. Phối hợp gừng và tỏi giúp làm ấm phổi, tiêu đờm và tăng tác dụng giảm ho.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị gừng sống và tỏi mỗi thứ 15g, 1 ít đường đỏ
- Bóc vỏ tỏi rồi cắt nhỏ tỏi và gừng cho vào nồi
- Đổ thêm 1 bát nước và sắc đến khi còn lại nửa bát
- Cho đường đỏ vào và khuấy đều
- Dùng uống 1 lần/ ngày trước khi đi ngủ
Khi bị ho do cảm mạo phong hàn, bạn nên tránh tiếp xúc với gió lạnh, mặc quần áo ấm và nghỉ ngơi để rút ngắn thời gian hồi phục.
4. Chữa ho bằng tỏi và mật ong
Kết hợp tỏi và mật ong không chỉ có tác dụng giảm ho, tiêu đờm mà còn giảm nhẹ triệu chứng của bệnh hen suyễn. Mật ong không chỉ có tác dụng cải thiện cơn ho mà còn ức chế vi khuẩn có hại trong vòm họng, tăng cường sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch. Vì vậy mẹo chữa này còn cải thiện thể trạng và ngăn ngừa chứng biếng ăn, suy nhược do ho dai dẳng kéo dài.
Cách dùng tỏi và mật ong trị ho:
- Chuẩn bị mật ong 30g và 1 củ tỏi
- Bóc vỏ tỏi rồi cắt đôi múi tỏi và cho vào bát
- Thêm mật ong vào rồi hấp cách thủy trong khoảng 15 phút
- Chia thành 2 lần uống/ ngày
Ngoài ra bạn cũng có thể dùng tỏi ngâm mật ong để giảm ho và cải thiện một số bệnh lý hô hấp khác:
- Chuẩn bị 200ml mật ong và 150g tỏi
- Đem tỏi bóc vỏ và xếp vào bình thủy tinh
- Đổ mật ong vào và đậy kín
- Ngâm trong khoảng 14 ngày là dùng được
- Mỗi lần uống 1 thìa mật ong và ăn 1 tép tỏi
Vào những ngày trời chuyển lạnh đột ngột, nhiều gió và phấn hoa, bạn có thể dùng tỏi ngâm mật ong để tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ bị ho, cảm, dị ứng…
5. Ngậm tỏi tươi và muối giảm ho, đau họng
Với những người không có nhiều thời gian, có thể trị ho và giảm đau họng bằng cách ngậm tỏi tươi và muối. Mẹo chữa này tận dụng đặc tính tiêu đờm, giảm viêm của tỏi và tác dụng kháng sinh, sát trùng của muối để cải thiện đau rát cổ họng, làm loãng dịch tiết hô hấp và giảm mức độ cơn ho.
Cách thực hiện:
- Bóc vỏ vài múi tỏi rồi cắt thành từng lát mỏng
- Ngậm tỏi tươi và 1 ít muối cho đến khi tỏi hết vị cay
- Ngậm khoảng 3 – 5 lát tỏi/ ngày có thể giảm ho do cảm nhanh chóng
Nếu bạn không cảm thấy khó chịu, có thể ăn trực tiếp tép tỏi để tăng tác dụng chữa bệnh.
6. Nước ép tỏi chữa ho và tiêu đờm
Trong trường hợp ho có đờm đặc, vàng gây nghẹn cổ họng, ngứa rát và khó chịu, bạn có thể dùng nước ép tỏi để cải thiện. Sử dụng nước ép tỏi có thể làm dịu vùng cổ họng sưng đau, ức chế vi khuẩn và làm tiêu dịch đờm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bóc vỏ 3 – 5 tép tỏi rồi giã nát
- Thêm 1 ít nước sôi ấm vào rồi hòa thêm ít đường
- Chắt lấy nước uống 2 lần/ ngày để giảm ho
- Nên dùng nước ép tỏi vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ để đạt kết quả điều trị tốt nhất
7. Bổ sung tỏi vào các món ăn
Ngoài ra để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng ho, cảm, cúm, viêm họng,… bạn có thể bổ sung tỏi các món ăn hàng ngày. Tỏi không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn giúp tăng hương vị món ăn, cải thiện sức đề kháng và nâng cao thể trạng.
Khi chế biến món ăn từ tỏi, nên ưu tiên các món ăn ít sử dụng dầu mỡ, muối và gia vị cay nóng. Thay vào đó nên kết hợp tỏi với các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, cá, trứng, thịt lợn, củ,…
Có nên chữa ho bằng tỏi cho trẻ sơ sinh?
Trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng nhạy cảm, dễ bị ho, cảm, dị ứng khi thời tiết thay đổi. Do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên các triệu chứng này thường có xu hướng tái phát hoặc tiến triển dai dẳng. Để làm giảm bệnh lý ở trẻ, nhiều phụ huynh để sử dụng các mẹo chữa ho bằng tỏi.
Tuy nhiên trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa kém và chưa phát triển hoàn chỉnh. Dạ dày và đường ruột của trẻ thường chỉ có thể tiêu hóa sữa mẹ. Vì vậy dùng tỏi trị ho cho trẻ ở độ tuổi này có thể khiến trẻ bị dị ứng, đau bụng, tiêu chảy hoặc thậm chí là rối loạn tiêu hóa. Hơn nữa tỏi chỉ có tác dụng giảm ho do một số bệnh lý nhẹ như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng và viêm họng.
Vì vậy nếu nhận thấy trẻ sơ sinh bị ho, nghẹt mũi, sốt, phụ huynh nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đề xuất các loại thuốc điều trị an toàn. Tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc và áp dụng các mẹo chữa dân gian cho trẻ.
Cần lưu ý gì khi chữa ho bằng tỏi?
Mặc dù tỏi là thảo dược tự nhiên và có độ an toàn cao khi sử dụng. Tuy nhiên do tỏi có vị cay nồng nên có thể gây kích ứng, lở miệng, nóng rát dạ dày… khi sử dụng.
Vì vậy khi áp dụng mẹo chữa ho bằng tỏi, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Hiện nay có một số nơi dùng tỏi đắp vào chân để giảm ho. Tuy nhiên cách chữa này chưa được chứng minh về hiệu quả điều trị. Hơn nữa đắp tỏi trực tiếp vào chân có thể khiến da bị kích ứng, phồng rộp và đau rát.
- Tỏi có tính nóng và cay, vì vậy tránh dùng khi đang bị lở loét miệng.
- Cách chữa ho bằng tỏi chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng. Vì vậy trong những trường hợp cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định loại thuốc thích hợp.
- Tỏi có thể gây hôi miệng vì vậy bạn nên uống nhiều nước và vệ sinh răng miệng thường xuyên để cải thiện tình trạng trên.
- Tỏi có thể ngưng tập kết tiểu cầu và gây chảy máu kéo dài. Vì vậy nên tránh dùng tỏi với Aspirin và các loại thuốc chống đông máu.
- Bổ sung quá nhiều tỏi có thể gây kích thích đường tiêu hóa. Do đó khi sử dụng tỏi chữa ho, bạn nên uống nhiều nước và bổ sung rau xanh để trung hòa dịch vị và dự phòng cơn đau thượng vị tái phát.
Bài viết đã tổng hợp 7 cách chữa ho bằng tỏi được áp dụng phổ biến và đề cập đến một số điều cần lưu ý khi áp dụng. Bên cạnh đó để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, bạn nên phối hợp mẹo chữa này với một số biện pháp khác như sử dụng thuốc, vệ sinh răng miệng thường xuyên, giữ ấm cơ thể,…
Tham khảo thêm: Áp dụng cách trị ho bằng lá trầu không theo kinh nghiệm dân gian