[Giải đáp thắc mắc]: Bệnh rôm sảy bội nhiễm có nguy hiểm không?

Bệnh rôm sảy bội nhiễm có nguy hiểm không? Đây tình trạng tổn thương da bị viêm nhiễm do nấm và vi khuẩn (chủ yếu là tụ cầu vàng). Nguyên nhân do điều trị rôm sảy không đúng cách, tự ý sử dụng thuốc bôi chứa corticoid, thường xuyên chà xát và gãi cào lên vùng da tổn thương. 

Rôm sảy bội nhiễm
Rôm sảy bội nhiễm là gì? Có nguy hiểm không?

Rôm sảy bội nhiễm là gì?

Rôm sảy là một dạng viêm da cấp tính có liên quan đến rối loạn hoạt động bài tiết mồ hôi. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, thân nhiệt cao hơn so với người lớn và đặc tính làn da mỏng, nhạy cảm.

Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng da nổi nhiều sẩn đỏ, mụn nước nhỏ xen kẽ với mụn mủ, mọc thành từng đám hoặc mảng ở những vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như trán, nách, bẹn, cổ và lưng. Tổn thương da đi kèm với cảm giác nóng rát, ngứa ngáy và khó chịu.

Thông thường, rôm sảy có thể thuyên giảm hoàn toàn sau 5 – 7 ngày mà không cần can thiệp các biện pháp y tế. Tuy nhiên nếu không chăm sóc và xử lý đúng cách, vùng da tổn thương có thể bị bội nhiễm.

Rôm sảy bội nhiễm là tình trạng tổn thương da bị nhiễm trùng do nấm men hoặc vi khuẩn. Tác nhân gây bội nhiễm thường là tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus (một loại vi khuẩn thường trú trên da và chỉ gây viêm nhiễm khi da xuất hiện các vết xước, vết thương hở).

Nhận biết rôm sảy bội nhiễm

Rôm sảy bội nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hơn so với rôm sảy thông thường. Mức độ của triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, phạm vi da bị ảnh hưởng và độ tuổi. So với người lớn, triệu chứng của rôm sảy bội nhiễm ở trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ sơ sinh có mức độ nghiêm trọng hơn.

Rôm sảy bội nhiễm
Rôm sảy bội nhiễm đặc trưng bởi sự xuất hiện các mụn mủ trên vùng da tổn thương

Các dấu hiệu nhận biết bệnh rôm sảy bội nhiễm:

  • Ngoài các sẩn đỏ và mụn nước nhỏ, da xuất hiện nhiều mụn mủ xen kẽ
  • Kích thước mụn mủ lớn hơn so với mụn nước và gây viêm đỏ ở vùng da bao xung quanh
  • Vùng da bị rôm sảy bội nhiễm có xu hướng nóng hơn so với các vùng da thông thường
  • Xuất hiện các nốt mụn mủ lớn, nằm sâu dưới da và gây đau nhức dữ dội
  • Trong trường hợp bội nhiễm xảy ra trên vùng da rộng, trẻ có thể bị sốt, quấy khóc và bỏ bú, ăn uống kém

Nguyên nhân gây rôm sảy bội nhiễm

Rôm sảy bội nhiễm là biến chứng thường gặp của thể rôm sảy đỏ (miliaria rubra) – loại rôm sảy thường gặp nhất và bùng phát mạnh trong thời tiết nóng ẩm. Nguyên nhân trực tiếp gây bội nhiễm là do sự xâm nhập của tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Tuy nhiên, đây là loại vi khuẩn thường trú trên da và không có khả năng gây bệnh nếu không có các điều kiện thuận lợi.

Rôm sảy bội nhiễm
Chà xát, gãi cào lên vùng da tổn thương là yếu tố làm tăng nguy cơ rôm sảy bội nhiễm

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị rôm sảy bội nhiễm:

  • Gãi cào lên vùng da tổn thương: Để giảm ngứa ngáy và khó chịu, nhiều trẻ phản ứng bằng cách chà xát và gãi cào mạnh lên vùng da tổn thương. Mặc dù có thể giảm ngứa nhanh chóng nhưng tình trạng này có thể khiến da bị lở loét, chảy máu và xây xước. Do đó, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào bên trong mô da thông qua vết thương hở và gây ra hiện tượng bội nhiễm.
  • Vệ sinh kém: Vệ sinh kém là một trong những yếu tố gây rôm sảy bội nhiễm. Thói quen này khiến cho vi khuẩn, bụi bẩn, mồ hôi và tạp chất ứ đọng trong nang lông, dẫn đến hiện viêm và nhiễm trùng bề mặt da. Nếu không xử lý sớm, nang lông bị nhiễm trùng khu trú và dẫn đến biến chứng nhọt, chốc.
  • Điều trị không đúng cách: Nhiều phụ huynh tự ý điều trị rôm sảy cho trẻ bằng cách dùng thảo dược tự nhiên và thuốc bôi corticoid. Tuy nhiên, sử dụng thảo dược chưa được làm sạch kỹ lưỡng có thể gây kích ứng và viêm nhiễm da. Ngoài ra, dùng thuốc bôi corticoid khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ có thể làm suy giảm chức năng đề kháng và tăng nguy cơ bội nhiễm vùng da tổn thương.

Bệnh rôm sảy bội nhiễm có nguy hiểm không?

Rôm sảy là tình trạng da liễu phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh lý này khá lành tính và có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày mà không cần can thiệp các biện pháp y tế. Tuy nhiên khi xảy ra rôm sảy bội nhiễm, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Rôm sảy bội nhiễm
Rôm sảy bội nhiễm không được điều trị đúng cách có thể gây viêm nang lông, chốc và nhọt

Rôm sảy bội nhiễm có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và gây ra các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp của bệnh, bao gồm:

  • Viêm nang lông: Viêm nang lông là một dạng viêm nhiễm da nhẹ đặc trưng bởi các nốt mụn mủ có kích thước nhỏ, khu trú ở từng lỗ chân lông. Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh rôm sảy bội nhiễm và có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc.
  • Nhọt: Nhọt là tình trạng nhiễm trùng da khu trú ở nang lông đặc trưng bởi tình trạng nổi nốt đỏ có kích thước khá lớn và bên trong chứa đầy mủ. Tình trạng này thường phát triển từ một hoặc nhiều nang lông bị viêm nhiễm nhẹ nhưng không được điều trị kịp thời. So với viêm nang lông, nhọt gây đau nhức nhiều và khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú.
  • Chốc: Nếu không kiểm soát rôm sảy bội nhiễm, tụ cầu vàng có thể phát triển và gây ra biến chứng chốc. Chốc là một dạng nhiễm trùng nông thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện thường gặp của bệnh lý này là da nổi nhiều bọng nước, mụn mủ, rỉ dịch và có các vảy tiết màu mật ong.

Mặc dù không phổ biến nhưng đã có một số trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu do biến chứng của bệnh rôm sảy bội nhiễm. Do đó, phụ huynh cần chủ động đưa con trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các phương pháp điều trị rôm sảy bội nhiễm

Điều trị rôm sảy bội nhiễm bao gồm sử dụng thuốc và một số biện pháp hỗ trợ (vệ sinh cơ thể đúng cách, ăn uống điều độ,…). Nếu tuân thủ tốt, tổn thương da có thể thuyên giảm nhanh và hầu như không gây ra bất cứ biến chứng nào nguy hiểm.

Các phương pháp điều trị rôm sảy bội nhiễm phổ biến hiện nay:

1. Sử dụng thuốc điều trị

Rôm sảy bội nhiễm là một dạng viêm nhiễm da nông và có mức độ nhẹ. Do đó, bác sĩ chủ yếu chỉ định thuốc ở dạng bôi ngoài.

Rôm sảy bội nhiễm
Phụ huynh có thể dùng thuốc corticoid + kháng sinh và Betadine để điều trị rôm sảy bội nhiễm cho bé

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh rôm sảy bội nhiễm:

  • Thuốc tím: Thuốc tím chứa hoạt chất kali pemanganat với đặc tính tính oxy hóa cao và có khả năng tiêu diệt nấm men, vi khuẩn thường gây viêm nhiễm da. Thuốc được sử dụng bằng cách pha loãng để ngâm rửa vùng da tổn thương hoặc pha làm tắm nước nếu rôm sảy xảy ra trên phạm vi rộng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, cần pha loãng thuốc tím theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Dung dịch Betadine: Dung dịch Betadine chứa hoạt chất Povidon iodine 10% có tác dụng giải phóng Iod chậm trên da giúp sát trùng và ức chế một số tác nhân gây viêm nhiễm da như nấm, virus, vi khuẩn và động vật nguyên sinh. Thuốc được sử dụng khi da xuất hiện các nốt mụn mủ có kích thước lớn. Thoa trực tiếp thuốc lên nốt mụn nhiều lần trong ngày giúp làm tiêu nốt mụn, ức chế vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.
  • Thuốc bôi corticoid + kháng sinh: Trong trường hợp da bị viêm đỏ và xuất hiện nhiều mụn mủ nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi chứa corticoid + kháng sinh. Corticoid có tác dụng giảm viêm và chống ngứa. Trong khi đó, kháng sinh giúp ức chế vi khuẩn và giảm hiện tượng viêm nhiễm.
  • Viên uống bổ sung vitamin C: Nếu da xuất hiện nhiều nốt nhọt lớn, có thể sử dụng viên uống bổ sung vitamin C để giảm tổn thương tuyến mồ hôi, ngăn ngừa sẹo lõm và rút ngắn thời gian điều trị. Vitamin C có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, kích thích da sản sinh collagen và tăng tốc độ phục hồi, tái tạo mô da. Tuy nhiên, cần bổ sung vitamin C theo hàm lượng được bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả và phòng ngừa các tác dụng không mong muốn.

2. Các biện pháp hỗ trợ

Bên cạnh sử dụng thuốc, phụ huynh có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh và rút ngắn thời gian điều trị.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị rôm sảy bội nhiễm:

  • Cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, mát mẻ và tránh mang tã trong thời gian điều trị rôm sảy. Ngoài ra, có thể sử dụng quạt và điều hòa để ổn định thân nhiệt của trẻ, tránh tình trạng thân nhiệt tăng cao gây đổ nhiều mồ hôi.
  • Tắm cho trẻ 1 – 2 lần/ ngày với các sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ, độ pH cân bằng và không chứa thành phần kích ứng. Vệ sinh cơ thể tốt có thể giảm sừng hóa nang lông giúp lỗ chân lông thông thoáng và giảm tổn thương da do rôm sảy gây ra.
  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi, vui chơi trong nhà, hạn chế hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng gắt.
  • Nên uống nhiều nước, bổ sung rau xanh và trái cây trong thời gian điều trị để hỗ trợ phục hồi, tái tạo vùng da tổn thương và nâng cao sức đề kháng. Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều đường, gia vị, nước ngọt có gas,… vì các loại thực phẩm và thức uống này có thể kích thích hoạt động bài tiết mồ hôi của da.

Phòng ngừa rôm sảy bội nhiễm bằng cách nào?

Rôm sảy bội nhiễm có mức độ tổn thương nặng hơn so với rôm sảy thông thường. Bệnh không chỉ gây thương tổn da mà còn khiến trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, bỏ bú và sốt. Hơn nữa nếu xử lý không đúng cách, da có thể bị viêm nhiễm nặng và để lại sẹo.

Rôm sảy bội nhiễm
Giữ vệ sinh tốt là biện pháp phòng ngừa rôm sảy hiệu quả nhất

Vì vậy sau khi điều trị, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rôm sảy bội nhiễm sau:

  • Điều trị rôm sảy đúng cách, tuyệt đối không chà xát, gãi cào mạnh hoặc tự ý dùng thuốc khi chưa tham vấn y khoa.
  • Giữ vệ sinh cơ thể, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và tránh các hoạt động gây tiết nhiều mồ hôi khi thời tiết nóng ẩm, nắng gắt.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đủ nước, vitamin và khoáng chất. Hạn chế dùng các món ăn và thức uống chứa nhiều đường.
  • Hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11:00 – 15:00 hằng ngày. Trong trường hợp phải di chuyển dưới trời nắng gắt, cần mặc áo khoác và đội nón rộng vành.

Rôm sảy bội nhiễm là biến chứng của bệnh rôm sảy do điều trị và chăm sóc không đúng cách. Khi nhận thấy da nổi các mụn mủ và đau nhức, nên chủ động thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát tổn thương da, giảm ngứa ngáy và dự phòng các biến chứng nặng nề.