[Giải đáp thắc mắc]: Bị nổi mề đay sau khi tắm xong là bị gì?
Bị nổi mề đay sau khi tắm xong là bị gì? Nguyên nhân có thể do kích ứng sản phẩm gội đầu, sữa tắm, nguồn nước… Tình trạng này có thể thuyên giảm và biến mất hoàn toàn chỉ sau vài giờ. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài, bạn buộc phải áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Nổi mề đay sau khi tắm là bị gì?
Nổi mề đay là bệnh da liễu thường gặp, xảy ra ở khoảng 20% dân số trên thế giới. Bệnh lý này có thể khởi phát do nhiều yếu tố thuận lợi và nguyên nhân khác.
Trong trường hợp nổi mề đay sau khi tắm, nguyên nhân có thể do:
1. Dị ứng với sản phẩm làm sạch da
Sữa tắm và dầu gội chứa nhiều thành phần tổng hợp, hương liệu và độ pH cao có thể khiến da bị khô và kích ứng. Do đó sau khi tắm xong, da có thể bị ngứa ngáy, khó chịu và xuất hiện các sẩn ngứa, phát ban màu đỏ/ hồng,…
Dị ứng với các sản phẩm làm sạch da thường xảy ra ngay sau khi tắm và có thể kéo dài vài ngày. Trong trường hợp tiếp tục sử dụng, vùng da thường có xu hướng nổi mẩn nặng nề và lan tỏa ra toàn thân.
2. Tắm nước nóng gây kích ứng, nổi mề đay
Nhiệt độ cao có thể khiến bề mặt da bị tổn thương, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ (lipid) và khiến da khô căng, nổi mề đay và mẩn ngứa. Tuy nhiên nổi mề đay do tắm nước nóng thường thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài giờ.
3. Dị ứng với nước (ngứa nước vô căn)
Dị ứng nước là tình trạng cơ thể dị ứng với các chất có trong nước. Từ đó kích thích hệ miễn dịch phóng thích histamine vào da, gây ngứa ngáy, sưng đỏ và nổi sẩn.
Hiện tượng này thường xảy ra sau khi tiếp xúc hoặc tắm bằng nguồn nước lạ hoặc nước ở hồ bơi. Ngoài ra, người bị dị ứng nước còn có thể bị nổi mề đay khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc vào những ngày thời tiết có độ ẩm cao.
4. Tắm nước chứa nhiều muối và khoáng chất (nước biển)
Nổi mề đay sau khi tắm biển là tình trạng khá phổ biến. Khác với nước thông thường, nước biển có chứa nhiều muối (Na) và các nguyên tố vi lượng khác.
Với hàm lượng khoáng chất dồi dào, nước biển có thể gây khô da, kích ứng và làm bùng phát các triệu chứng mề đay mẩn ngứa.
5. Chà xát da mạnh khi tắm
Sử dụng tay, bông tắm hoặc xơ mướp chà xát mạnh có thể khiến da bị trầy xước và chảy máu. Ngoài ra ở những người có cơ địa nhạy cảm, da còn có thể bị kích thích và nổi mề đay đột ngột. Nổi mề đay do chà xát mạnh thường gây tổn thương khu trú ở một số vị trí và ít khi lan tỏa ra toàn thân.
Nổi mề đay sau khi tắm xong có sao không?
Nổi mề đay sau khi tắm thường có mức độ nhẹ và có khả năng biến mất hoàn toàn chỉ sau vài giờ. Tuy nhiên ở những người có làn da nhạy cảm và cơ địa dễ dị ứng, mề đay mẩn ngứa có thể kéo dài đến vài tuần.
Mề đay là chứng bệnh lành tính nên gần như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên do đặc tính gây ngứa dữ dội, bệnh có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy, bứt rứt,… Hơn nữa thói quen gãi, cào vào vùng da tổn thương có thể khiến da bị viêm sưng, trầy xước, chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cách khắc phục chứng nổi mề đay sau khi tắm
So với mề đay do dị ứng, thay đổi nội tiết tố, nhiễm trùng,… nổi mề đay sau khi tắm thường có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh sau khi được chăm sóc và điều trị đúng cách.
1. Sử dụng kem dưỡng ẩm
Để làm giảm tình trạng da khô căng, ngứa rát và bong tróc, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm cho mặt và toàn thân. Nên lựa chọn các sản phẩm có thành phần tự nhiên, nhẹ dịu và ít gây kích ứng.
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm có chứa các thành phần làm mát, phục hồi da và sát trùng nhẹ như Panthenol, Vitamin B5, Zinc, Acid hyaluronic, Vitamin E, Niacinamide và Glycerin. Sử dụng kem dưỡng ẩm 2 – 3 lần/ ngày ngay sau khi tắm có thể hạn chế và làm giảm các triệu chứng của mề đay mẩn ngứa.
2. Loại trừ các yếu tố thuận lợi
Nổi mề đay sau khi tắm có thể xảy ra do chà xát mạnh, tắm nước quá nóng, dị ứng sản phẩm làm sạch da,… Vì vậy để cải thiện tình trạng trên da, bạn nên loại trừ các yếu tố thuận lợi.
- Nếu nghi ngờ da dị nổi mề đay do sử dụng dầu gội và sữa tắm, bạn nên thay đổi các sản phẩm này. Để hạn chế nguy cơ quá mẫn, bạn nên trao đổi với bác sĩ da liễu để được tư vấn về các sản phẩm phù hợp.
- Không nên tắm nước quá nóng, thay vào đó nên tắm bằng nước mát hoặc nước ấm có nhiệt độ khoảng 35 – 40 độ C.
- Tránh chà xát mạnh lên da.
- Hạn chế tắm biển và hồ bơi nếu từng có tiền sử dị ứng.
Bên cạnh đó, bạn chỉ nên tắm trong khoảng 15 – 20 phút. Tắm quá lâu có thể khiến da khô căng, ngứa rát và nổi mề đay mẩn ngứa.
3. Sử dụng nguyên liệu tự nhiên
Ngoài ra để giảm ngứa và tổn thương do nổi mề đay sau khi tắm gây ra, bạn có thể sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên sau:
- Uống nước rau má: Rau má có vị đắng, tính mát, tác dụng giảm ngứa, thanh nhiệt và giải độc. Vì vậy bạn có thể uống 1 ly nước rau má/ ngày để giảm các triệu chứng do nổi mề đay.
- Tắm lá bạc hà: Tắm nước lá bạc hà có tác dụng làm mát da, cải thiện ngứa ngáy và giảm viêm đỏ. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng một số loại lá tắm trị mề đay khác như sài đất, tía tô, kinh giới, lá khế,…
- Dùng nha đam: Nha đam có đặc tính làm mát, dưỡng ẩm, phục hồi da và làm dịu vùng da sưng nóng. Sử dụng gel nha đam tươi thoa lên da có thể giảm viêm và cải thiện các sẩn ngứa.
4. Dùng thuốc khi cần thiết
Trong trường hợp mề đay kéo dài gây đau và ngứa ngáy dữ dội, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau để cải thiện:
- Anti-histamine H1: Hay còn gọi là thuốc kháng histamine H1, có tác dụng giảm ngứa và chống dị ứng. Với những trường hợp ngứa dai dẳng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp thuốc kháng histamine H1 với thuốc kháng histamine H2.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Corticoid có tác dụng giảm viêm và chống dị ứng mạnh. Thuốc được sử dụng trực tiếp lên da nhằm làm giảm hiện tượng viêm do mề đay mẩn ngứa gây ra. Tuy nhiên do có rủi ro và nguy cơ cao nên nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và trên phạm vi nhỏ.
- Thuốc corticoid dạng uống: Trong trường hợp nổi mề đay gây viêm nặng, bác sĩ có thể cân nhắc về việc sử dụng corticoid dạng uống. Nhóm thuốc này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nên chỉ được dùng trong trường hợp cần thiết.
Phần lớn các trường hợp bị nổi mề đay sau khi tắm đều có đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên nếu nhận thấy tổn thương da bùng phát mạnh, gây ngứa ngáy dữ dội, nổi mụn nước và mủ, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ da liễu để được điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Bị nổi mề đay có nên kiêng nước, kiêng tắm không ?
TOP địa chỉ chữa nổi mề đay uy tín, chất lượng nhất hiện nay