Bị viêm da cơ địa khi mang thai: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
Bị viêm da cơ địa khi mang là tình trạng không hiếm gặp. Mẹ bầu cần nắm rõ dấu hiệu và cách điều trị để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Bị viêm da cơ địa khi mang thai có thể khiến mẹ bầu mất ngủ, khó chịu, chán ăn, suy nhược và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Hơn nữa có đến 70% trẻ sinh ra có thể di truyền các bệnh liên quan đến cơ địa như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô và hen suyễn.
Bị viêm da cơ địa có mang thai được không?
Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da có tính chất mãn tính, khởi phát do yếu tố cơ địa và di truyền. Mặc dù đặc trưng bởi tổn thương ở da nhưng bệnh lý này có tính chất hệ thống và có mối liên hệ mật thiết với các bệnh cơ địa khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, sốt cỏ khô và hen suyễn.
Viêm da cơ địa có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng thường lành tính và có thể kiểm soát nếu chăm sóc và điều trị đúng cách. Theo các chuyên gia Da liễu, bệnh lý này không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hay nội tiết tố. Chính vì vậy phụ nữ mắc bệnh vẫn có khả năng mang thai như bình thường.
Tuy nhiên mang thai có thể khiến nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột và kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh. Do đó các bác sĩ thường khuyến khích nữ giới nên điều trị và kiểm soát bệnh hoàn toàn trước khi quyết định mang thai.
Viêm da cơ địa khi mang thai & thông tin cần biết
Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu có tính chất kéo dài và dai dẳng. Căn nguyên của bệnh được xác định là do di truyền và yếu tố miễn dịch (nồng độ IgE cao).
Tuy nhiên bệnh thường tiềm ẩn trong cơ thể và chỉ bộc phát khi có điều kiện thuận lợi. Trong đó, những thay đổi xảy ra khi mang thai được cho là yếu tố kích thích hệ miễn dịch phóng thích histamine và gây bùng phát triệu chứng.
1. Yếu tố thuận lợi
Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng dễ mắc các bệnh viêm da mãn tính – trong đó có viêm da cơ địa. Một số yếu tố kích thích bệnh bùng phát, bao gồm:
- Hormone thay đổi: Khi xảy ra hiện tượng thụ tinh, hoàng thể sẽ tăng sản sinh progesterone và hormone prolactin. Chính sự thay đổi hormone đột ngột này là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết và bùng phát triệu chứng của viêm da cơ địa.
- Hệ miễn dịch suy giảm: So với người bình thường, phụ nữ mang thai thường có hệ miễn dịch suy giảm – đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng và viêm da mãn tính bùng phát.
Ngoài 2 yếu tố chính nói trên, viêm da cơ địa ở bà bầu còn bị kích thích bởi một số yếu tố thuận lợi khác như thay đổi thời tiết đột ngột, dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm, thời tiết khô hanh, tiếp xúc với dị nguyên (nấm mốc, mạt bụi, lông chó mèo, phấn hoa,…).
2. Dấu hiệu nhận biết
Viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai có triệu chứng tương tự như các thể viêm da cơ địa khác.
Các triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa khi mang thai, bao gồm:
- Vùng da ở ngực, khuỷu tay, mặt, má,… xuất hiện các vết hồng ban có hình dáng và kích thước khác nhau.
- Trên bề mặt vùng da tổn thương xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ (mụn nước thường nông và không ăn sâu vào cấu trúc da)
- Da đỏ, phù nề và có dấu hiệu trợt loét, chảy dịch
- Sau đó vùng da này thường khô lại, dày sừng và thâm nhiễm
- Da ngứa âm ỉ đến dữ dội, có thể kèm sưng viêm và đau rát
Phụ nữ mang thai bị viêm da cơ địa thường có triệu chứng kéo dài hơn vài tuần. Bởi trong thời gian thai kỳ, khả năng hồi phục và hệ miễn dịch của mẹ bầu thường kém hơn so với người bình thường.
Viêm da cơ địa ở bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi?
Bị viêm da cơ địa khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên bệnh lý này khá lành tính nên hiếm khi gây ra các ảnh hưởng nặng nề như sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non,…
Các triệu chứng của bệnh không ảnh hưởng trực tiếp đến bào thai. Tuy nhiên bệnh kéo dài có thể khiến mẹ bầu ngứa da dữ dội, mất ngủ, khó ngủ, chán ăn, mệt mỏi và suy nhược. Sức khỏe của sản phụ bị sụt giảm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, khiến trẻ nhẹ cân và ốm yếu.
Ngoài ra có đến 70% trường hợp trẻ sinh ra bị di truyền các bệnh liên quan đến cơ địa như viêm da cơ địa, chàm, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn và sốt cỏ khô. Khác với người trưởng thành, viêm da cơ địa xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không chỉ gây tổn thương da mà còn đi kèm với một số vấn đề sức khỏe khác như viêm tai giữa, tiêu chảy, hen suyễn,…
Chính vì vậy mẹ bầu bị viêm da cơ địa và các tình trạng da liễu mãn tính khác nên thường xuyên thăm khám để được điều trị và ngăn ngừa biến chứng.
Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa khi mang thai
Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm và dễ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Do đó điều trị ưu tiên luôn là loại trừ nguyên nhân gây bệnh, các yếu tố nguy cơ, chăm sóc tại nhà và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
1. Điều trị không dùng thuốc
Điều trị không dùng thuốc là lựa chọn ưu tiên đối với phụ nữ mang thai và những đối tượng nhạy cảm khác (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch,…).
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm:
- Quang trị liệu: Quang trị liệu là phương pháp sử dụng tia UVA và UVB nhằm cải thiện tổn thương da, giảm ngứa và viêm. Phương pháp này có độ an toàn khá cao và có thể áp dụng cho phụ nữ mang thai.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Triệu chứng đặc trưng của viêm da cơ địa là tổn thương da dày sừng, khô ráp và ngứa ngáy. Để làm giảm tình trạng ngứa và viêm sưng, mẹ bầu có thể sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ như Vaseline, Eucerin, A-derma,… 2 – 4 lần/ ngày.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh là biện pháp giảm sưng viêm và ngứa da an toàn có thể áp dụng cho phụ nữ mang thai. Bạn nên chườm lạnh trước khi ngủ để hạn chế tình trạng ngứa da phát sinh vào ban đêm, gây khó ngủ và ngủ chập chờn.
- Tắm lá thảo dược: Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị viêm da cơ địa có thể sử dụng lá chè xanh, trầu không, lá khế,… nấu nước tắm để phục hồi da và giảm ngứa, khó chịu.
2. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Trong trường hợp tổn thương da xảy ra trên diện rộng và gây ngứa dữ dội, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc bôi chứa kẽm oxide: Kẽm oxide có tác dụng sát trùng và bảo vệ da. Thuốc khá an toàn với phụ nữ mang thai và được dùng trong giai đoạn bán cấp của bệnh.
- Thuốc kháng histamine H1: Trong thời gian thai kỳ, phụ nữ mang thai có thể sử dụng thuốc kháng histamine thế hệ II để cải thiện các triệu chứng của viêm da cơ địa. So với thuốc kháng histamine thế hệ I, thuốc thế hệ II ít gây các tác dụng không mong muốn.
Thuốc bôi da chứa corticoid và acid salicylic thường được không được chỉ định trong thời gian mang thai do nguy cơ cao hơn lợi ích đem lại. Để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ nguy hiểm, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị.
Biện pháp chăm sóc phụ nữ mang thai bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh hệ thống và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy ngoài việc áp dụng biện pháp điều trị, bạn nên chủ động thực hiện một số biện pháp chăm sóc nhằm giảm tần suất và mức độ của các triệu chứng.
Biện pháp chăm sóc phụ nữ mang thai bị viêm da cơ địa:
- Sau 3 tháng đầu thai kỳ, sản phụ nên luyện tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng để tăng độ dẻo dai cho xương khớp, nâng cao thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh lo lắng quá mức và nên giảm khối lượng công việc – nhất là những tháng đầu và cuối thai kỳ.
- Bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và giúp thai nhi phát triển toàn diện.
- Khi mang thai, làn da thường nhạy cảm hơn với các yếu tố bên ngoài. Vì vậy mẹ bầu nên giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước, thay đổi sản phẩm chăm sóc da và xà phòng để tránh gây kích ứng.
- Không nên tắm nước quá nóng bởi nhiệt độ cao có thể khiến triệu chứng của các bệnh viêm da mãn tính bùng phát mạnh.
Viêm da cơ địa khi mang thai có thể làm giảm sức khỏe của mẹ bầu và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy bạn cần chủ động thăm khám để được bác sĩ chỉ định các loại thuốc phù hợp.
Tham khảo thêm: Viêm da cơ địa bội nhiễm là gì ? Có nguy hiểm không ?