Chữa viêm mũi dị ứng theo Đông y và 10+ bài thuốc lưu truyền
Chữa viêm mũi dị ứng theo Đông y được nhiều người lựa chọn bởi an toàn, chi phí hợp lý, ít tác dụng phụ. Hạn chế duy nhất là thời gian dài.
Bệnh viêm mũi dị ứng theo quan niệm Đông y
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý khá phổ biến, thường xảy ra ở người có cơ địa nhạy cảm. Bệnh có tính chất dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát.
Theo Tây y, bệnh lý này khởi phát khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, khói thuốc, hóa chất, thức ăn, thời tiết thay đổi,… Các dị nguyên kích thích hệ miễn dịch sản sinh IgE và giải phóng histamine. Các chất dị ứng được phóng thích vào da và niêm mạc làm phát sinh hiện tượng sung huyết, phù nề, viêm đỏ, ngứa da, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt và ngứa mắt.
Theo quan niệm Đông y, viêm mũi dị ứng thuộc phạm vi chứng “tỵ trất”, “tỵ cừu” và “tỵ uyên”. Bệnh xảy ra do 2 nguyên nhân chính là công năng tạng phủ bị rối loạn (chủ yếu là thận, tỳ, phế) và phong hàn, tà khí xâm nhập. Hai yếu tố này cộng hưởng khiến sức đề kháng giảm sút, phế hư khí nhiệt mà sinh ra bệnh.
Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng viêm mũi dị ứng thường có tính chất mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, hiệu suất lao động, chất lượng cuộc sống và gây suy nhược cơ thể.
Do căn nguyên có liên quan đến yếu tố cơ địa nên viêm mũi dị ứng rất khó điều trị hoàn toàn. Hiện nay, các loại thuốc Tây chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng và hầu như không tác động đến căn nguyên của bệnh.
Chính vì vậy khá nhiều bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị bằng Đông y. Bài thuốc Đông y có khả năng giảm nhẹ các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, bổ trợ ngũ tạng, điều hòa khí huyết và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hơn nữa thuốc Đông y có độ an toàn tương đối cao, hiếm khi phát sinh tác dụng phụ nguy hiểm và ít xảy ra hiện tượng phụ thuộc.
Một số bài thuốc Đông y điều trị viêm mũi dị ứng
Tương tự Tây y, bài thuốc Đông y được sử dụng để chữa viêm mũi dị ứng được cân chỉnh tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng, căn nguyên gây bệnh và mức độ của các triệu chứng. Tùy theo thể bệnh mà có pháp trị tương ứng:
1. Thuốc Đông y chữa viêm mũi dị ứng thể phong hàn phạm phế
Viêm mũi dị ứng thể phong hàn phạm phế là tình trạng “gió” và “khí lạnh” xâm nhập vào phổi khiến chức năng hô hấp bị gián đoạn. Thể bệnh đặc trưng bởi triệu chứng hắt hơi từng đợt, ngứa mũi, nghẹt mũi, nước mũi trong, chảy nhiều, thường xuất hiện và tăng lên khi tiếp xúc với gió lạnh. Ngoài ra, phong hàn phạm phế còn khiến thể trạng xanh xao, người ớn lạnh, sợ lạnh.
Với thể bệnh này, cần áp dụng bài thuốc có tác dụng thông khiếu, tán hàn và sơ phong với các dược liệu có tính ấm, nóng và vị cay.
- Bài thuốc 1: Dùng quế chi 4 – 6g, thương nhĩ tử (ké đầu ngựa 12g), kinh giới 8 – 10g, bạch chỉ 8 – 10g, thông bạch (hành trắng) 6 – 8g, bèo cái 10 – 12g (chỉ lấy lá), mã đề 8 – 10g, đại táo 3 quả, gừng tươi 4- 6g. Đem đun sôi với 600ml nước đến khi còn lại ½ thì tắt bếp. Chia thành 2 lần uống ấm, dùng trước khi ăn.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị gạo tẻ 60g, thịt bò 90g, tỏi tươi 60g và rau thơm tươi 15g. Đem sơ chế nguyên liệu rồi ninh nhừ thành cháo. Khi chín, nêm nếm gia vị và cho rau thơm vào ăn nóng. Dùng liên tục trong 5 – 7 ngày.
Bên cạnh việc dùng bài thuốc chữa bệnh, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với gió lạnh, giữ ấm cơ thể, hạn chế di chuyển ngoài trời khi không cần thiết và tránh uống nước đá.
2. Điều trị viêm mũi dị ứng thể phong nhiệt phạm phế
Thể phong nhiệt phạm phế xảy ra do cơ thể suy nhược gặp phải gió nồm khiến phế hư, suy nhược. Thể bệnh này có các triệu chứng đặc trưng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi màu vàng nhẹ, khứu giác giảm, nghẹt mũi, nhức đầu, ra nhiều mồ hôi và sốt. Các triệu chứng này thường nặng hơn khi trời nóng và thuyên giảm khi thời tiết chuyển lạnh.
Với viêm mũi dị ứng thể phong nhiệt phạm phế, cần dùng bài thuốc có tác dụng thông khiếu, thanh nhiệt và tán phong.
- Bài thuốc 1: Sử dụng bồ công anh (hoặc sài đất) 12g, ké đầu ngựa 12g, kim ngân hoa 12 – 16g, kinh giới, mã đề, lá dâu tằm, cam thảo nam và cúc tần mỗi thứ 8 – 10g, rau diếp cá 10 – 12g, bạc hà 6 – 8g. Đem dược liệu sắc với 750ml nước đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Chia đều thành 2 lần uống và dùng trước khi ăn (dùng thuốc nguội).
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị hoàng kỳ 60g, tân di và bạch truật mỗi thứ 9g, bồ câu 1 con khoảng 90g, đại táo 12g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Đem bồ cầu làm sạch, bỏ ruột và chặt miếng vừa ăn, đại táo bỏ hạt, tân di gói trong túi vải, các vị khác đem rửa sạch, thái phiến. Cho tất cả vào nồi hầm trong 60 phút thì tắt bếp, thêm gia vị và ăn nóng trong ngày. Dùng liên tục trong 7 ngày.
3. Bài thuốc Đông y trị viêm mũi dị ứng thể âm hư
Viêm mũi dị ứng thể âm hư là thể bệnh mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng miệng mũi khô, nghẹt mũi, cổ họng khát, hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, người gây yếu và có cảm giác sốt nhẹ khi về chiều. Thể bệnh này còn gây tiểu tiện đỏ và đại tiện táo.
Để giải thể bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng thông khiếu và dưỡng phế âm.
- Chuẩn bị: Tây dương sâm thái phiến, ma hoàng, bách bộ và ếch làm sạch (bỏ nội tạng).
- Thực hiện: Cho tất cả vào nồi, thêm nước và hầm kỹ trong khoảng 2 giờ. Sau đó nêm nếm gia vị vừa đủ và chia thành 3 lần ăn trong ngày.
4. Thuốc Đông y chữa viêm mũi dị ứng thể phế, tỳ khí hư
Viêm mũi dị ứng thể phế, tỳ khí hư thường gặp ở người cao tuổi hoặc người có thể trạng suy nhược. Công năng ngũ tạng suy giảm có thể khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu sức, khó thở, hơi thở ngắn, nước mũi trong, chảy nhiều khi gặp lạnh hoặc dị nguyên, hắt hơi nhiều, mũi ngứa và nhức. Thể phế, tỳ hư có tính chất dai dẳng và tái phát thường xuyên hơn những thể bệnh khác.
- Bài thuốc 1: Dùng rễ đinh lăng, ké đầu ngựa, đậu ván (sao), ý dĩ (sao) và đẳng sâm mỗi thứ 12g, mã đề, bạc hà và bạch chỉ mỗi thứ 8 – 10g, kinh giới 10 – 12g và ngũ vị tử 6g. Đem rửa sạch dược liệu và đun sôi với 750ml nước đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng trước bữa ăn.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị vỏ trái sầu riêng 10g, bèo cái, ké đầu ngựa, đinh lăng và đậu ván mỗi thứ 12g, kim ngân hoa, kinh giới, cam thảo nam và lá lốt mỗi thứ 8g. Đem dược liệu rửa sạch và sắc với 750ml nước đến khi còn 200ml thì tắt bếp. Uống 100ml nước sắc trước bữa ăn, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc 3: Dùng đầu cá 2 cái (khoảng 150g), gừng tươi 15g, bạch chỉ và tân di mỗi thứ 12g, tế tân 3g. Đem sơ chế đầu cá, tân di gói trong túi vải, gừng tươi thái nhỏ, bạch chỉ và tế tân rửa sạch. Cho tất cả vào nồi ninh kỹ trong vòng 2 giờ rồi tắt bếp, thêm gia vị vào và dùng nóng. Dùng món ăn này liên tục trong vòng 10 ngày.
5. Một số bài thuốc Đông y trị viêm mũi dị ứng khác
Ngoài những bài thuốc trên, Đông y còn có một số bài thuốc trị viêm mũi dị ứng khác như:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị hoài sơn, xuyên khung và ké đầu ngựa mỗi thứ 16g, cam thảo và gừng mỗi thứ 4g, bạch truật và bạch chỉ mỗi thứ 12g, tang bạch bì 10g, tế tân 6g. Đem dược liệu rửa sạch cho vào nồi, sắc mỗi ngày 1 thang và chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc 2: Dùng hạ khô thảo 12g, ké đầu ngựa 16g, cát cánh, bạch chỉ, bạc hà và cam thảo mỗi thứ 6g, tân di 8g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 3: Lấy khoảng 500g ké đầu ngựa (thu hái khi quả già nhưng chưa ngả vàng). Đem phơi hoặc sấy khô hoàn toàn, sao vàng cho xém các gai nhỏ rồi đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng từ 3 – 6g uống với nước ấm trước bữa ăn và dùng 2 lần/ ngày. Khi dùng bài thuốc này nên tránh ăn thịt lợn.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị 250g bèo cái tươi (nên thu hái vào mùa hạ), đem rửa sạch, bỏ rễ và để ráo. Sau đó giã nát, vắt lấy nước và lọc qua. Dùng nước bèo cái pha với siro uống trong ngày.
- Bài thuốc 5: Chuẩn bị bèo cái tươi 100 – 120g và gừng tươi 30g. Đem dược liệu rửa sạch, để ráo và giã nát. Sau đó hòa thêm 150 – 200ml nước lọc vào, khuấy đều và chắt lấy nước cốt. Thêm vào 20g mật ong, đun sôi và chia thành 3 lần uống. Nên dùng thuốc khi còn ấm và uống khi bụng đói.
Chữa viêm mũi dị ứng theo Đông y cần lưu ý điều gì?
Dùng thuốc Đông y là một trong những cách điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến. Biện pháp này có độ an toàn tương đối cao, tương thích với cơ địa người Việt và ít gây ra tác dụng phụ nguy hiểm như thuốc Tây.
Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi dùng thuốc Đông y, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Trên thực tế, một số bài thuốc Đông y chữa viêm mũi dị ứng chưa được kiểm chứng về độ an toàn và mức độ cải thiện. Vì vậy, không nên tùy tiện áp dụng các bài thuốc được lưu truyền trong phạm vi nhân dân.
- Cần tham vấn y khoa trước khi điều trị viêm mũi dị ứng theo Đông y.
- Khác với thuốc Tây, thuốc Đông y có tác dụng chậm và cho kết quả khá hạn chế. Do đó, cần thực hiện đều đặn trong thời gian dài để đạt được hiệu quả như mong đợi.
- Viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết đến yếu tố cơ địa nên rất khó điều trị hoàn toàn, dễ tái phát và tiến triển dai dẳng. Chính vì vậy ngoài các phương pháp chữa trị, cần cách ly với dị nguyên và nâng cao sức khỏe tổng thể để ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Trong trường hợp bệnh có mức độ nặng hoặc đã xuất hiện biến chứng bội nhiễm, nên điều trị bằng Tây y để kiểm soát triệu chứng kịp thời.
- Cần phối hợp với các biện pháp chăm sóc như vệ sinh răng miệng, rửa mũi và rửa tai thường xuyên nhằm hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết hô hấp và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
- Bên cạnh đó, nên ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe, tăng cường miễn dịch và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Chữa viêm mũi dị ứng theo Đông y được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn. Phương pháp này giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, bổ phế, cải thiện công năng ngũ tạng và điều hòa khí huyết. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tối ưu, cần phối hợp với chế độ chăm sóc và loại trừ dị nguyên gây bệnh.
Tham khảo thêm: 7 cây thuốc nam chữa viêm mũi dị ứng và cách sử dụng đúng