Cổ họng bị sưng – Dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm chớ coi thường

Cổ họng bị sưng thường xảy ra khi uống lạnh, nói nhiều, hút thuốc. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Thường gặp là: Bệnh viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan, tay chân miệng, bệnh sởi,…

Nắm rõ dấu hiệu nhận biết, nguy hại và cách khắc phục sẽ giúp các bạn cải thiện cổ họng bị sưng hiệu quả. Đây cũng là những nội dung chính mà bài viết muốn chia sẻ.

Cổ họng bị sưng
Cổ họng bị sưng do đâu? Cách nhận biết và điều trị

Nhận biết cổ họng bị sưng

Cổ họng sưng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, gây đau rát, vướng víu và khó chịu. Triệu chứng này thường xảy ra do thói quen xấu nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý.

Bạn có thể nhận biết cổ họng bị sưng qua một số dấu hiệu sau:

  • Quan sát vùng cổ họng nhận thấy niêm mạc sưng, nóng và đỏ hơn bình thường
  • Cổ họng sưng gây nghẹn vướng khi nuốt kèm ngứa ngáy và nóng rát
  • Có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như đau, khô họng, ho khan, khàn tiếng, nghẹt mũi,…

Các nguyên nhân khiến cổ họng sưng đau

Thông thường, sưng đau cổ họng có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên nếu xảy ra do các bệnh lý tiềm ẩn, triệu chứng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian và có nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề.

Vì vậy bạn cần xác định nguyên nhân cụ thể gây ra triệu chứng này và có các biện pháp xử lý phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân có khả năng gây sưng đau ở cổ họng, bao gồm:

1. Bệnh viêm họng

Viêm họng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cổ họng sưng và đau rát. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc hầu họng bị viêm do nhiễm trùng, kích ứng, dị ứng hoặc do một số nguyên nhân khác.

Ngoài triệu chứng cổ họng bị sưng, bệnh còn gây ra một số triệu chứng điển hình khác như ho khan, khàn giọng, sốt cao, mệt mỏi, sưng hạch ở cổ, nghẹt mũi, đau đầu,…

2. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề thuộc hệ tiêu hóa. Tuy nhiên bệnh lý này có thể gây tổn thương và làm sưng viêm niêm mạc cổ họng.

cổ họng bị sưng đau
Trào ngược dạ dày thực quản có thể là nguyên nhân khiến cổ họng bị sưng đau

Nguyên nhân là do axit dạ dày trào ngược lên phía trên thực quản và cổ họng trong thời gian dài dẫn đến tình trạng ăn mòn, gây viêm và loét cổ họng. Nếu không kịp thời điểu trị, tình trạng có thể chuyển biến thành viêm họng mãn tính.

3. Viêm amidan

Amidan là 2 hạch lympho nằm ở 2 bên cổ họng, có tác dụng bảo vệ cơ quan hô hấp dưới khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên trên thực tế, cơ quan này có thể bị tổn thương và viêm nhiễm do sự tấn công ồ ạt của các tác nhân gây hại. Do nằm liền kề với cổ họng nên tình trạng viêm nhiễm ở amidan có thể lây lan sang niêm mạc cổ họng và gây sưng viêm tại cơ quan này.

Viêm amidan gây ra các triệu chứng tương tự viêm họng. Tuy nhiên bạn có thể phân biệt 2 bệnh lý này thông qua tổn thương thực thể. Quan sát cổ họng nhận thấy 2 amidan sưng viêm, nóng rát và có kích thước to hơn bình thường. Ở một số trường hợp, bề mặt amidan có thể được phủ lớp nhầy màu trong suốt hoặc dịch trắng đục có mùi hôi.

4. Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là một trong những bệnh lý hô hấp trên có thể khiến cổ họng bị sưng và đau rát. Bệnh lý này có thể xảy ra do do hút thuốc, tiếp xúc với gió lạnh, uống nhiều rượu bia hoặc do nhiễm trùng.

Ở giai đoạn cấp, bệnh thường gây sưng cổ họng kèm theo một số triệu chứng như chân tay mỏi, đau nhức mình mẩy, ớn lạnh, khô họng, ho, khạc đờm và khàn tiếng. Trong giai đoạn mãn tính, viêm thanh quản chủ yếu gây khàn tiếng, ứ đờm ở cổ, hay đằng hắng vào buổi sáng, thanh quản ngứa, khô và sưng.

cổ họng bị sưng đau
Cổ họng sưng, đau rát, khàn tiếng, ho,… là các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm thanh quản

Viêm thanh quản gây ra các triệu chứng tương tự viêm họng. Tuy nhiên thanh quản là cơ quan giữ chức năng phát âm nên khi bị tổn thương và viêm nhiễm, bạn sẽ nhận thấy tình trạng khàn giọng và mất tiếng kéo dài và nghiêm trọng hơn so với các bệnh lý hô hấp khác.

5. Mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính

Ngoài ra, cổ họng bị sưng và đau có thể là hệ quả do các bệnh truyền nhiễm cấp tính như:

  • Tay chân miệng: Là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh thường gây sốt cao, nổi mụn nước tập trung ở bên trong miệng, lòng bàn tay và bàn chân. Các mụn nước xuất hiện trong miệng khiến cổ họng sưng đau, khó chịu và vướng víu khi nhai nuốt.
  • Bệnh sởi: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra do nhiễm virus Paramyxoviridae và bùng phát mạnh vào thời điểm đông – xuân. Bệnh sởi thường gây sốt cao, viêm kết mạc đi kèm với một số bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng và viêm thanh quản. Ngoài ra bạn có thể nhận biết bệnh lý này thông qua tổn thương da dạng ban dát, có màu hồng, xuất hiện ở lưng, vùng ngực, sau tai, trán và bàn chân.

6. Do một số thói quen xấu

Cổ họng bị sưng còn có thể xảy ra do một số thói quen xấu như:

cổ họng bị sưng đau
Hít khói thuốc trong thời gian dài có thể khiến niêm mạc cổ họng bị sưng viêm và kích ứng
  • Thường xuyên uống nước đá hoặc ăn đồ lạnh (kem)
  • Không sử dụng khẩu trang khiến không khí lạnh đi vào cổ họng và gây viêm sưng
  • Nói chuyện trong thời gian dài và la hét quá mức
  • Hít nhiều bụi bẩn và sinh sống trong môi trường ô nhiễm
  • Cổ họng cũng có thể bị sưng do dị ứng thức ăn hoặc dị ứng phấn hoa, thời tiết,…
  • Cổ họng bị kích ứng do ăn đồ cay nóng
  • Mắc xương cá, thuốc hoặc vật dụng ở cổ họng

Trên thực tế, cổ họng bị sưng còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Nếu triệu chứng khởi phát cùng với các biểu hiện đặc biệt, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân cụ thể.

Cổ họng bị sưng có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp cổ họng bị sưng đều khởi phát do các thói quen xấu và các bệnh lý hô hấp trên như viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan,… Nếu chăm sóc và điều trị kịp thời, các bệnh lý này thường thuyên giảm nhanh và ít khi phát sinh biến chứng.

Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, bệnh tình có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu, tiến triển mãn tính, gây tổn thương niêm mạc và lây lan nhiễm trùng sang các cơ quan lân cận.

Ngoài ra đối với những trường hợp cấp cứu (vướng xương cá, vật dụng ở cổ họng), bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ xử lý. Tự ý khắc phục tại nhà có thể khiến niêm mạc cổ họng bị tổn thương, chảy máu và khiến vật dụng đi sâu vào thanh quản.

Đừng để đến khi gặp biến chứng mới cuống cuồng tìm cách điều trị

CLICK NGAY để tìm giải pháp trước khi quá muộn

Các phương pháp điều trị sưng đau cổ họng

Cổ họng bị sưng có thể gây khàn tiếng, khó khăn khi giao tiếp và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Vì vậy bạn cần áp dụng các phương pháp điều trị để kiểm soát triệu chứng trong thời gian sớm nhất.

1. Điều trị bệnh lý nguyên nhân

Khi nhận thấy cổ họng bị sưng kèm theo các dấu hiệu khác, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và can thiệp điều trị. Hầu hết các bệnh lý hô hấp đều gây ra triệu chứng tương tự nên rất khó nhận biết thông qua tổn thương lâm sàng. Vì vậy cần tránh tình trạng tự ý xác định bệnh lý và tùy tiện dùng thuốc.

cổ họng bị sưng đỏ
Cần chủ động thăm khám và điều trị bệnh lý nguyên nhân khiến cổ họng sưng đau

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc tương ứng:

  • Đối với các trường hợp viêm nhiễm do virus, điều trị chủ yếu là sử dụng các loại thuốc làm giảm triệu chứng như thuốc hạ sốt Paracetamol, Ibprofen, thuốc xịt mũi, khí dung corticoid + kháng sinh,…
  • Trong trường hợp do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh tương ứng trong 7 – 10 ngày.
  • Với các bệnh truyền nhiễm cấp tính, cần bù dịch (Oresol) kết hợp với điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng.
  • Nếu cổ họng sưng đau do trào ngược dạ dày, điều trị chủ yếu là dùng thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng histamine H2, thuốc kháng axit kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo một số loại thuốc không được đề cập trong bài viết.

2. Dùng thảo dược trị sưng cổ họng

Đối với những trường hợp cổ họng sưng do thói quen xấu hoặc do các bệnh viêm nhiễm, bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng với một số thảo dược như:

cổ họng bị sưng đỏ
Uống nước chanh mật ong giúp làm dịu cổ họng, long đờm, giảm ho và tăng cường sức khỏe
  • Ngậm gừng tươi: Gừng chứa hoạt chất Zingerol, Shogaol và Gingerol có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, ức chế virus và tiêu đờm. Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng làm ấm phổi, giảm buồn nôn và đau đầu. Vì vậy bạn có thể ngậm vài lát gừng tươi để làm giảm các triệu chứng như sưng cổ họng, ho và khàn tiếng.
  • Uống trà bạc hà: Lá bạc hà có đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm ngứa cổ họng và long đờm. Uống 1 – 2 tách trà bạc hà/ ngày giúp làm dịu vùng cổ họng sưng viêm, cải thiện tình trạng ứ đờm, ngứa và khó chịu ở cổ họng.
  • Nước chanh mật ong: Nước chanh mật ong có tác dụng bù nước, cân bằng điện giải, cung cấp chất dinh dưỡng và nâng cao chức năng miễn dịch cho cơ thể. Khi mắc các bệnh viêm nhiễm hô hấp hoặc bệnh truyền nhiễm cấp tính, bạn nên uống nước chanh mật ong thường xuyên để bù chất lỏng và nâng đỡ thể trạng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể làm giảm tình trạng cổ họng bị sưng đau với các loại thảo dược khác như hẹ, quất, đường phèn, đinh hương, lá húng chanh,…

3. Các biện pháp chăm sóc khoa học

Song song với việc sử dụng thuốc và mẹo chữa bằng thảo dược, bạn nên kết hợp đồng thời với chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ kiểm soát triệu chứng, phục hồi sức khỏe tổng thể và rút ngắn thời gian chữa trị.

Các biện pháp chăm sóc cổ họng bị sưng đau:

  • Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày và thường xuyên súc miệng với nước muối nhằm làm dịu niêm mạc cổ họng, hỗ trợ loại bỏ virus và vi khuẩn gây hại.
  • Uống nhiều nước giúp làm loãng dịch đờm, hạn chế khô rát và sưng nóng cổ họng. Ngoài ra thói quen này còn giúp hạ thân nhiệt, giảm sốt và cân bằng điện giải.
  • Trong thời gian cổ họng bị sưng, nên ưu tiên dùng các món ăn mềm và dễ nuốt như cháo, súp, canh,… Hạn chế các món ăn khô cứng, nhiều gia vị và dầu mỡ.
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng trà đặc và cà phê.
  • Vệ sinh không gian sống nhằm loại bỏ bụi bẩn và chất kích thích.
  • Nếu cổ họng bị sưng xảy ra do nhiễm trùng, nên ở nhà nghỉ ngơi từ 1 – 3 ngày. Đồng thời hạn chế tiếp xúc thân mật và sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khỏe mạnh. Virus/ vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể dễ dàng lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp/ gián tiếp với nước bọt và dịch tiết hô hấp.

Phòng ngừa cổ họng bị sưng bằng cách nào?

Cổ họng bị sưng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao tiếp, ăn uống và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Vì vậy sau khi triệu chứng thuyên giảm, bạn nên chủ động phòng ngừa với các biện pháp đơn giản như:

cổ họng bị sưng đỏ
Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người giúp hạn chế lây nhiễm các bệnh hô hấp
  • Giữ vệ sinh răng miệng và dùng khẩu trang khi đến những nơi đông người.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, hạn chế nói chuyện, la hét quá nhiều, đồng thời cần tránh uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng thức ăn lạnh và cay nóng.
  • Trồng nhiều cây xanh, sử dụng máy lọc không khí và vệ sinh nhà cửa thường xuyên nhằm loại bỏ chất gây dị ứng (bụi mịn, lông chó mèo,…).
  • Tăng cường sức đề kháng với chế độ ăn khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên.
  • Rửa sạch tay với xà phòng sau khi hắt hơi, sau khi tiếp xúc với vật dụng công cộng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Cổ họng bị sưng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu triệu chứng đi kèm với các biểu hiện toàn thân, bạn nên thăm khám để được điều trị y tế. Mặc dù hiếm gặp nhưng ở một số trường hợp, sưng cổ họng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý mãn tính.