Củ gừng: công dụng, bài thuốc và những lưu ý khi sử dụng
Gừng giúp tăng hương vị món ăn, và có nhiều công dụng tuyệt với cho sức khỏe. Dưới đây là những bài thuốc từ củ gừng.
Gừng là một trong những gia vị vô cùng quen thuộc đối với đời sống của người Việt. Gừng được sử dụng nhiều trong các bữa ăn và có những công dụng tuyệt vời trong chữa bệnh. Củ gừng không chỉ đơn giản là một gia vị mà còn là bài thuốc dân gian chữa bá bệnh mà ai cũng biết. Cùng tham khảo về đặc điểm của gừng và các bài thuốc dân gian từ loại củ này.
Đặc điểm của củ gừng
Cây gừng là loại cây sống lâu năm, thân cỏ, kích thước chiều cao của cây gừng khoảng 50 – 100cm. Thân cây gừng được các bẹ lá xếp lớp lên nhau tạo thành dạng cây hình ống. Mỗi lá gừng mọc so le và mọc thành từng lá đơn riêng biệt, có hình thon dài như ngọn giáo. Điểm đặc biệt là lá gừng có mùi rất thơm, mặt lá màu xanh đậm nhẵn và có các gân lá màu xanh nhạt.
Hoa của cây gừng có màu vàng và trục hoa được mọc thẳng từ gốc, có chiều dài khoảng 20cm. Thân rễ của cây gừng mập và phồng lên thành củ. Củ gừng mọc dưới đất, có nhiều đốt và ở mỗi đốt lại có những mầm non. Khi gặp điều kiện độ ẩm lý tưởng những mầm non ở đốt sẽ mọc lên thành những thân cây mới.
Bộ phận quan trọng nhất của cây gừng là phần củ với đặc điểm vỏ ngoài màu vàng nhạt, bên trong có nhiều sợi dọc. Củ gừng có tên khoa học là Zingiber officinale L., thuộc họ Zingiberaceae còn tên thuốc Bắc sử dụng là Khương. Đặc tính của củ gừng là có vị cay, ấm, quy vào kinh phế, tỳ, vị.
Phân bố
Cây gừng phân bố nhiều ở các vùng của Việt Nam. Gừng dễ trồng và cũng là một trong những gia vị thiết yếu của các gia đình nên được người dân trồng nhiều. Cây gừng phân bố ở khắp thế giới trong đó có các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc,…
Thu hái
Như đã giới thiệu ở trên củ gừng có nhiều đốt và ở mỗi đốt mọc ra thành từng chồi rồi phát triển thành thân cây mới. Do vậy, việc trồng gừng cũng được trồng bằng cách sử dụng các đốt gừng chứa mầm để trồng. Cây gừng thường được người dân trồng vào mùa xuân, đến mùa thu thì bắt đầu thu hoạch dần.
Bộ phận thu hái của cây gừng là phần củ. Một số nước trồng nhiều gừng và cho sản lượng lớn để xuất khẩu như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Indonesia,…
Công dụng của củ gừng
Củ gừng có nhiều công dụng được ứng dụng trong cả đời sống và trong việc điều trị bách bệnh. Theo các bài thuốc Bắc thì tùy vào từng cách bào chế khác nhau mà tạo nên các vị thuốc cho từng loại bệnh khác nhau. Gừng có thể dùng sống gọi là sinh khương, củ gừng phơi khô gọi là can khương, củ gừng đem nướng hoặc lùi gọi là ổi khương. Củ gừng có nhiều công dụng như:
- Củ gừng giúp chống say tàu xe: Khi say tàu xe thường rất khó chịu hoặc buồn nôn. Củ gừng còn giúp giảm thiểu tình trạng say xe bằng cách sử dụng vài lát gừng và ngậm trong miệng.
- Công dụng giải cảm, ngừa cảm lạnh của củ gừng: Củ gừng có vị cay giúp làm ấm bụng nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu sử dụng gừng chín thì tính ấm của gừng không còn tác dụng. Do vậy, để chữa giải cảm thì người bệnh nên nấu cháo và sử dụng gừng tươi, tía tô cho vào để ăn cùng. Khi bị dính nước mưa khiến cơ thể nhiễm lạnh cũng có thể sử dụng trà gừng hay cạo gió với gừng.
- Trị buồn nôn khi mang thai: Trong củ gừng chứa nhiều thành phần Vitamin B6 nên có công dụng trong điều trị chứng buồn nôn ở phụ nữ khi mang thai.
- Bài thuốc chữa cho những người yếu sinh lý: vì tính ấm nóng của củ gừng mà loại củ này còn có công dụng tuyệt vời trong việc cải thiện cương dương và giúp tăng cường sức khỏe sinh lý ở nam giới.
- Tăng cường hệ miễn dịch, chứa chất ngăn chặn quá trình oxy hóa. Chất cay của củ gừng tươi có tác dụng đặc biệt trong việc chống lại tính oxy hóa trong mỡ động vật. Ngoài ra, tinh dầu gừng cũng được coi là một loại kháng sinh tự nhiên vô cùng tốt giúp ngăn cản sự xâm nhập của virus gây hại, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Chữa đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt: Cứ mỗi kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ thường gây đau bụng rất khó chịu. Nhiều chị em dùng thuốc để cắt cơn đau. Tuy nhiên, cách này rất gây hại cho sức khỏe. Chị em có thể sử dụng trà gừng ấm để giảm cơn đau hiệu quả.
- Củ gừng giúp phòng chữa sỏi mật: Theo một số nghiên cứu, cho biết trong thành phần của củ gừng có chứa các chất có khả năng làm ức chế việc tạo ra sỏi mật. Do vậy, việc sử dụng gừng thường xuyên có thể giúp người bị sỏi mật giảm bớt tình trạng bệnh và không cần phải phẫu thuật.
- Gừng còn giúp giảm lượng Cholesterol trong máu, giảm các bệnh về huyết áp, tim mạch.
- Sử dụng gừng thường xuyên bằng cách ngâm chân với nước gừng còn có thể giúp giảm stress, căng thẳng. Trong gừng chứa chất Cineole giúp cho cơ thể thoải mái, thư giãn, giảm bớt áp lực, chứng đau nhức đầu và ngủ ngon hơn. Trong củ gừng có tính kháng khuẩn, chống viêm nhiễm và nấm nên có công dụng trong việc làm dịu khi đau răng, chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Thành phần hóa học trong củ gừng
Thành phần hóa học có trong củ gừng bao gồm: chứa tinh dầu (từ 1% – 3%), bao gồm các chất Zingiberene và Beta-bisabolene, Sesquiphellandrene.Chất cay trong củ gừng từ 1% – 2.5% Shogaols và Gingerols.
Các thành phần Zingiberene và Beta-sesquiphellandrene chiếm tỷ lệ cao nhất trong củ gừng tươi, nó sẽ dễ bị phân hủy khi sấy và cất giữ. Đó là lý do khiến cho củ gừng tươi được ưu tiên sử dụng hơn là gừng khô trong điều trị các chứng cảm lạnh, giải cảm,…
Các bài thuốc từ củ gừng
Củ gừng có công dụng tuyệt vời trong chữa bá bệnh và được lưu truyền trong dân gian. Các bài thuốc điều chế từ củ gừng như:
- Sử dụng gừng tươi: Vì có tính cay ấm nên củ gừng tươi giúp tăng tuần hoàn máu, làm hưng phấn ruột, kích thích việc tiết dịch vị, chữa cảm lạnh, tốt cho tiêu hóa, trị ho,… Cách điều chế đơn giản bằng cách sử dụng trực tiếp từ 4 – 10gr gừng mỗi lần. Có thể dùng với nước ấm pha chút mật ong, cạo gió với gừng,…
- Sử dụng gừng phơi khô: Mỗi lần dùng từ 2 – 6gr gừng phơi khô cho vào nước ấm để làm ấm dạ dày, trị chứng đầy bụng, tỳ vị hư hàn,…
- Sử dụng gừng đem nướng hoặc lùi: Nướng gừng bên ngoài cháy đen nhưng bên trong vẫn còn mùi gừng và giữ màu nâu vàng. Mỗi lần dùng từ 2 – 4gr gừng nướng, có tác dụng cầm máu. Gừng nướng có vị đắng ấm.
- Dùng vỏ củ gừng đem phơi khô và kết hợp với một số vị thuốc dân gian khác như vỏ quýt, vỏ cau, vỏ nấm phục linh, vỏ của cây chân chim. Tất cả gồm 5 loại vỏ gọi là ngũ bì ẩm giúp chữa sưng chân cho cả phụ nữ đang mang thai.
Tác dụng phụ của gừng
Mặc dù củ gừng có nhiều công dụng trong việc chữa bá bệnh nhưng cũng gây nên tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Do vậy, khi sử dụng gừng cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Sử dụng quá nhiều gây nên tình trạng ợ nóng, tiêu chảy và khiến dạ dày khó chịu.
- Nếu sử dụng gừng tiếp xúc trực tiếp với da tránh sử dụng quá nhiều. Trường hợp sử dụng quá nhiều hoặc kích ứng với bất kỳ thành phần nào trong củ gừng có thể làm cho da nóng rát, kích ứng.
- Có thể xuất hiện các triệu chứng như sưng họng, khó thở, sưng mặt, môi hoặc lưỡi khi sử dụng gừng quá nhiều.
- Sử dụng Aspirin và Coumarin với gừng phải cách khoảng 4 giờ. Không dùng cùng nhau sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
- Không sử dụng gừng cho những trường hợp người chuẩn bị phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật. Người đang chảy máu, băng huyết hoặc ho, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu chân răng, máu cam cũng không nên sử dụng.
- Trong trường hợp người bị cảm nắng, sốt cao mà không bị rét, vã mồ hôi thì không nên dùng gừng.
- Mặc dù gừng có công dụng đối với những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hay phụ nữ đang mang thai thì cũng không nên sử dụng quá nhiều.
- Gừng tươi khi bị đập dập sẽ sinh ra nhiều độc tố có thể gây nên hoại tử gan, ung thư gan hoặc ung thư thực quản.
Củ gừng là vị thuốc dân gian được đông y sử dụng nhiều trong việc chữa bá bệnh. Người bệnh muốn sử dụng gừng trong điều trị bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Trong trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm không nên tự ý sử dụng gừng để điều trị bệnh.