[Giải đáp] Dị ứng đạm sữa bò là gì? Nguy hiểm không? Cách xử lý

Dị ứng đạm sữa bò rất nguy hiểm, nếu cha mẹ không biết cách xử lý. Vậy dị ứng đạm vò là gì? nguy hiểm không? cách xử lý ra sao?

Đây là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng lại với protein có trong sữa bò (whey, casein,…). Tình trạng này ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ dưới 3 tuổi và có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Không giống với dị ứng thực phẩm thông thường, dị ứng sữa bò có thể thuyên giảm hoàn toàn sau khi trẻ lên 3 – 4 tuổi.

 

Dị ứng đạm sữa bò
Dị ứng đạm sữa bò ảnh hưởng chủ yếu đế trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi

Dị ứng đạm sữa bò là gì? Nguy hiểm không?

Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể phản ứng lại với protein có trong sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ và có xu hướng thuyên giảm hẳn khi lên 3 tuổi. Thống kê cho thấy, dị ứng đạm sữa bò ảnh hưởng đến khoảng 2 – 7.5% trẻ nhỏ.

Các triệu chứng dị ứng thường bùng phát chỉ sau vài phút đến vài giờ sau khi dùng sữa bò hoặc các chế phẩm có liên quan. Trong đó, trường hợp khởi phát triệu chứng trong vòng 2 giờ được gọi là phản ứng dị ứng nhanh và trường hợp khởi phát triệu chứng muộn hơn 48 giờ được gọi là phản ứng dị ứng chậm.

Ngoài các biểu hiện ngoài da, dị ứng đạm sữa bò còn có thể gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Vì vậy, không ít phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh lý đường ruột như hội chứng lỵ, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm,… Hơn nữa, dị ứng đạm sữa bò có triệu chứng đa dạng nên việc nhận biết tình trạng này tương đối khó khăn.

Nếu tình trạng dị ứng lặp lại liên tục, trẻ có thể phải đối mặt với phản ứng dị ứng nghiêm trọng hay còn được gọi là sốc phản vệ. Tuy nhiên trong trường hợp phát hiện và điều trị sớm, các triệu chứng do dị ứng đạm sữa bò có thể thuyên giảm và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Nguyên nhân gây dị ứng đạm sữa bò ở trẻ

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra các bệnh dị ứng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, yếu tố được cho là có khả năng gây ra tình trạng này là do cơ địa nhạy cảm và hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.

Chính vì vậy khi lên 3 tuổi, tình trạng dị ứng đạm sữa bò sẽ thuyên giảm hoàn toàn mà không cần phải điều trị y tế. Điều này chứng minh cơ địa nhạy cảm có vai trò quan trọng trong cơ chế khởi phát phản ứng dị ứng sau khi dung nạp sữa bò và các chế phẩm từ loại sữa này.

Thống kê cho thấy, 85% trường hợp trẻ có thể hết dị ứng đạm sữa bò khi lên 3 tuổi và chỉ có khoảng 15% trẻ trên 8 tuổi còn phản ứng dị ứng với protein trong sữa bò.

Cơ chế dị ứng đạm sữa bò:

Khi dung nạp sữa bò, hệ miễn dịch có thể nhận định protein trong sữa bò (chủ yếu là đạm whey và casein) là “dị nguyên” và phản ứng lại bằng cách sản sinh các tế bào protein có khả năng đối kháng (được gọi là kháng thể IgE). IgE được tạo ra nhằm trung hòa các protein có trong sữa bò.

Tuy nhiên, kháng thể “vô tình” phóng thích histamine ra khỏi phức hợp với protein dẫn đến sự xuất hiện các triệu chứng lâm sàng ở da, cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Trong đó, da là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

dị ứng đạm sữa bò có nguy hiểm không
Trẻ có tiền sử gia đình bị dị ứng đạm sữa bò có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này

Mặc dù không thể xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ bị dị ứng đạm sữa bò có thể tăng lên nếu có những yếu tố rủi ro sau:

  • Mắc các bệnh dị ứng như tiền sử dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa,…
  • Tiền sử gia đình bị dị ứng đạm sữa bò hoặc mắc các bệnh dị ứng khác
  • Trẻ mắc hội chứng kém hấp thu

Nhận biết dị ứng đạm sữa bò

Khi dung nạp sữa bò khoảng vài tiếng đến vài ngày, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Như đã đề cập, tình trạng này có biểu hiện tương đối đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh da liễu, tiêu hóa khác. Để kịp thời can thiệp các biện pháp xử lý, phụ huynh cần chú ý biểu hiện của bé sau khi uống sữa bò hoặc dùng các chế phẩm từ loại sữa này như phô mai, bánh,…

dị ứng đạm sữa bò có nguy hiểm không
Dị ứng đạm sữa bò có biểu hiện khá đa dạng, ảnh hưởng chủ yếu đến da và cơ quan tiêu hóa

Cách nhận biết dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ:

  • Da: Xuất hiện tổn thương tương tự như viêm da cơ địa hoặc nổi sẩn phù, ngứa ngáy, sưng mi mắt và môi. Thống kê cho thấy, có từ 50 – 70% trẻ gặp phải các tổn thương da khi bị dị ứng đạm sữa bò.
  • Tiêu hóa: Nôn trớ, tiêu chảy kèm táo bón (có thể đi kèm hoặc không kèm theo tình trạng ngứa hậu môn), trào ngược, máu trong phân,… Các triệu chứng này có thể gặp từ 50 – 60% trường hợp.
  • Hô hấp: Ho kéo dài, sổ mũi và khò khè không do viêm nhiễm đường hô hấp. Các triệu chứng hô hấp chỉ xảy ra với 20 – 30%, ít hơn so với tổn thương da và các triệu chứng ở cơ quan tiêu hóa.
  • Toàn thân: Đau quặn bụng hoặc mệt mỏi kéo dài, mỗi ngày hơn 3 giờ và xảy ra ít nhất 3 ngày/ tuần kéo dài hơn 3 tuần. Ngoài ra, trẻ bị dị ứng đạm sữa bò còn có những biểu hiện như khó thở, khó ngủ, bứt rứt, thiếu máu do thiếu sắt, chậm tăng trưởng và bỏ ăn.
  • Sốc phản vệ: Ở một số ít, dị ứng đạm sữa bò có thể gây sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Sốc phản vệ đặc trưng bởi các triệu chứng như khó thở, sưng lưỡi, cổ họng, phù mi mắt, buồn nôn, nôn mửa, hạ huyết áp, ngất xỉu,…

Các triệu chứng do dị ứng đạm sữa bò dễ bị nhầm lẫn với nổi mề đay, dị ứng thời tiết, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng và các vấn đề tiêu hóa khác. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý các biểu hiện bất thường của bé và đưa trẻ đến ngay bệnh viện trong trường hợp cần thiết.

Nên lưu ý, dị ứng đạm sữa bò là phản ứng dị ứng do các loại protein có trong sữa bò như whey và casein, không phải dị ứng thịt bò. Chỉ có khoảng 10 – 20% trường hợp trẻ dị ứng đạm sữa bò có kèm theo chứng dị ứng đạm trong thịt bò. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phân biệt dị ứng sữa bò khác với hội chứng không dung nạp lactose.

Chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò bằng cách nào?

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng và khai thác tiền sử gia đình, bệnh lý của trẻ. Bởi đa phần các bệnh dị ứng đều có tính chất di truyền. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ khai thác thêm một số vấn đề có liên quan như loại sữa trẻ đang dùng, thời điểm phát sinh triệu chứng,…

dị ứng đạm sữa bò có nguy hiểm không
Xét nghiệm IgE đặc hiệu (RAST) là một trong những kỹ thuật chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò

Sau đó bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm dị ứng như:

  • Test da (lẩy da): Test da được thực hiện với sữa bò nhằm phát hiện dị nguyên cụ thể. Trường hợp xuất hiện ban sẩn có kích thước ít nhất 3 – 5mm kèm xung huyết và ngứa chính là biểu hiện cho thấy trẻ nhỏ bị dị ứng với đạm trong sữa bò. Kỹ thuật này còn giúp bác sĩ đánh giá mức độ dị ứng thông qua kích thước ban sẩn và một số triệu chứng đi kèm.
  • Xét nghiệm IgE đặc hiệu (RAST): Xét nghiệm IgE đặc hiệu là xét nghiệm máu được thực hiện để đo nồng độ của IgE đặc hiệu của dị nguyên trong huyết thanh. Qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định nồng độ dị nguyên đặc hiệu với protein trong sữa bò của trẻ.
  • Test loại trừ: Test loại trừ là kỹ thuật chẩn đoán có giá trị cao. Bác sĩ sẽ cho trẻ kiêng sữa trong 2 – 4 tuần và yêu cầu phụ huynh cho bé dùng loại sữa thay thế (thường là sữa bò thủy phân). Sau thời gian này, trẻ cần được tái khám để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và đưa ra chẩn đoán chính xác.
  • Test dị ứng đạm sữa bò: Test dị ứng đạm sữa bò được thực hiện bằng cách cho bé uống sữa bò hoặc ăn các chế phẩm từ loại sữa này dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ. Bác sĩ sẽ quan sát biểu hiện, sau đó đưa ra chẩn đoán và xử lý các triệu chứng mà trẻ gặp phải nếu cần thiết.

Cách xử lý tình trạng dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng khá phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ chậm lớn, thiếu hụt dinh dưỡng, còi xương, giảm sức đề kháng,… Vì vậy sau khi được chẩn đoán, phụ huynh nên thực hiện các biện pháp xử lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

1. Xử lý các triệu chứng dị ứng

Dị ứng đạm sữa bò có thể gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp, tiêu hóa và tổn thương ngoài da. Đặc biệt, một số trẻ có cơ địa quá mẫn còn có nguy cơ gặp phải tình trạng sốc phản vệ. Ngay sau khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng của từng trẻ, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp xử trí sau:

  • Sử dụng ống tiêm Epinephrine trong trường hợp trẻ bị sốc phản vệ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ nhịp thở, huyết áp, mạch đập,… để thực hiện kịp thời các biện pháp sơ cứu.
  • Với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc kháng histamine H1 ở dạng siro như Fexofenadine, Desloratadin, Cetirizin,… để làm giảm các triệu chứng của dị ứng đạm sữa bò.
  • Trong những trường hợp khác nhau, bác sĩ có thể chỉ định các phương án xử trí khác.

Đa phần dị ứng đạm sữa bò chỉ xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho bé. Để đảm bảo an toàn, chỉ cho trẻ sử dụng thuốc khi đã tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.

2. Tránh dùng sữa bò và chế phẩm từ sữa bò

Sau khi điều trị triệu chứng, phụ huynh cần ngưng sử dụng sữa bò và các chế phẩm từ loại sữa này như phô mai, sữa chua, bánh,… để tránh phản ứng dị ứng. Thay vào đó, có thể cho trẻ bú sữa mẹ và các loại sữa khác như sữa dê, sữa hạt,… để cung cấp đầy đủ đạm, canxi và vitamin D cần thiết.

dị ứng đạm sữa bò có nguy hiểm không
Phụ huynh nên thay thế sữa bò bằng sữa thủy phân và sữa dê để trẻ có đủ dinh dưỡng để phát triển

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ huynh nên bổ sung đạm cùng với các thành phần thiết yếu thông qua chế độ ăn dặm. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân. Loại sữa này đã được chứng minh cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch, thị lực và não bộ của bé, đồng thời không gây dị ứng như sữa bò.

Dị ứng đạm sữa bò chỉ là phản ứng tạm thời. Tình trạng này thường biến mất sau khi trẻ đủ 3 tuổi hoặc 4 – 5 tuổi với những trẻ có cơ địa nhạy cảm. Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể cân nhắc dùng lại các sản phẩm chứa sữa bò dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá phản ứng và có thể cho trẻ duy trì chế độ ăn bình thường nếu không có bất cứ triệu chứng nào khác thường.

Lưu ý: Với những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò đang bú mẹ, mẹ cũng cần hạn chế sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò để hạn chế tối đa tình trạng dị ứng. Bên cạnh đó, nên bổ sung các loại sữa khác thay thế và ăn uống khoa học để đảm bảo nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ.

Một số vấn đề cần lưu ý khi xử lý dị ứng đạm sữa bò ở trẻ

Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng dị ứng thực phẩm khá phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vì vậy trong quá trình xử lý tình trạng dị ứng đạm sữa bò, mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:

dị ứng đạm sữa bò có nguy hiểm không
Đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, phụ huynh nên cho trẻ bú sữa mẹ lâu dài
  • Sữa bò là loại sữa thông dụng có mặt trong nhiều loại thức uống và món ăn. Do đó, phụ huynh nên kiểm tra bảng thành phần của sản phẩm trước khi sử dụng cho trẻ.
  • Dị ứng đạm sữa bò khác với dị ứng thịt bò. Hơn 80% trẻ bị dị ứng đạm sữa bò vẫn có thể sử dụng các món ăn từ thịt bò. Vì vậy, phụ huynh không nên loại trừ thịt bò ra khỏi chế độ ăn của bé – trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, phụ huynh nên duy trì cho trẻ bú sữa mẹ trong thời gian lâu dài nhất. Ngoài dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp hệ miễn dịch của bé phát triển hoàn chỉnh và tăng khả năng dung nạp với protein có trong sữa bò.
  • Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm có thể thay thế cho dinh dưỡng từ sữa bò. Nhưng theo các chuyên gia, ở những giai đoạn đầu đời, trẻ cần bổ sung sữa để đảm bảo sự phát triển về trí não và thể chất. Vì vậy nếu phải ngưng dùng sữa bò, phụ huynh nên tìm kiếm các loại sữa thay thế như sữa dê và sữa thủy phân.
  • Nên cho trẻ thăm khám và theo dõi định kỳ để đánh giá phản ứng của hệ miễn dịch đối với protein có trong sữa bò. Không nên tự ý cho trẻ dùng sữa bò tại nhà để đánh giá khả năng dung nạp. Tình trạng này có thể dẫn đến sốc phản vệ và nhiều tình huống đáng tiếc.

Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng khá phổ biến ở nhũ nhi và trẻ nhỏ. Để hạn chế trẻ chậm tăng cân và kém phát triển do thiếu hụt chất dinh dưỡng, phụ huynh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé. Đồng thời nên đưa trẻ thăm khám thường xuyên để đánh giá khả năng dung nạp và bình thường hóa chế độ ăn trong thời gian sớm nhất.