Dị ứng hải sản: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục
Dị ứng hải sản không chỉ gây nổi mề đay, phát ban và ngứa da mà còn làm phát sinh một số triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Với những trường hợp dị ứng nhẹ, bạn có thể xử lý bằng các mẹo chữa tại nhà. Tuy nhiên nếu dị ứng gây ngứa dữ dội, nôn mửa, khó thở,… nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định thuốc điều trị.
Hiện tượng dị ứng hải sản là gì?
Dị ứng hải sản là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với protein có trong một số loại hải sản – đặc biệt là các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, nghêu và sò. Tình trạng này có thể gây nổi mề đay, phát ban da, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa cổ họng và làm bùng phát các triệu chứng liên quan đến cơ địa như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm da cơ địa,…
Mức độ dị ứng hải sản ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Ở các trường hợp bị dị ứng nhẹ, triệu chứng có thể bùng phát đột ngột và giảm nhanh chỉ sau vài giờ. Tuy nhiên một số ít người có thể dị ứng nghiêm trọng, dẫn đến sốc phản vệ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Chính vì vậy, bạn cần chủ động trang bị các kiến thức cần thiết, nhằm nhận biết triệu chứng và xử lý dị ứng hải sản để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh các tình huống đáng tiếc.
Các loại hải sản dễ dị ứng cần tránh
Theo thống kê, phần lớn trường hợp dị ứng hải sản chủ yếu do động vật giáp xác và có vỏ. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp dị ứng do hải sản thân mềm.
Các loại hải sản dễ gây dị ứng, bao gồm:
- Tôm, bao gồm tôm càng, tôm hùm,…
- Cua
- Sò
- Nghêu
- Hàu
- Mực
- Bạch tuộc
Vì sao bị dị ứng hải sản?
Dị ứng hải sản xảy ra khi hệ miễn dịch nhận định protetin trong các loại tôm cua, mực,… là “dị nguyên”. Sau đó cơ thể bắt đầu sản sinh kháng thể (IgE) và kích hoạt các chất trung gian gây dị ứng như serotonin và histamine. Các chất trung gian này sau khi được giải phóng vào da và niêm mạc sẽ làm phát sinh các triệu chứng lâm sàng.
Tuy nhiên không phải ai cũng bị dị ứng sau khi ăn hải sản. Theo các chuyên gia, tình trạng này thường xảy ra ở những đối tượng sau:
- Người có cơ địa nhạy cảm: Thống kê cho thấy, phần lớn các trường hợp dị ứng hải sản thường có cơ địa nhạy cảm và có các bệnh lý do cơ địa như viêm da cơ địa, thường xuyên nổi mề đay, hen suyễn, viêm xoang dị ứng,…
- Trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ thường có nguy cơ dị ứng hải sản cao hơn người lớn do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh và dễ gặp vấn đề khi tiêu hóa protein có trong hải sản.
- Tiền sử gia đình bị dị ứng hải sản: Trong trường hợp ba mẹ có tiền sử dị ứng hải sản, bạn sẽ có nguy cơ dị ứng cao hơn so với bình thường.
Dấu hiệu của dị ứng hải sản
Các triệu chứng dị ứng thường khởi phát đột ngột sau khi ăn hải sản (có thể từ vài phút đến một giờ). Các triệu chứng cụ thể thường phụ thuộc vào độ tuổi, cơ địa và mức độ dị ứng.
Biểu hiện thường gặp của chứng dị ứng hải sản, bao gồm:
- Da bị nổi mề đay, phát ban, gây ngứa và nóng rát
- Có thể bùng phát triệu chứng của viêm da cơ địa, chàm
- Nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi, thở khò khè, chảy nước mắt,…
- Cổ họng bị sưng và ngứa, môi và mặt có thể sưng nhẹ đến nặng
- Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy
- Khó thở, chóng mặt, đau đầu và ngất xỉu
Tuy nhiên trong một số trường hợp, dị ứng hải sản có thể gây ra các triệu chứng nặng nề như:
- Cổ họng sưng nghẹn và khó nuốt
- Co thắt đường thở
- Giảm huyết áp đột ngột
- Mất ý thức
- Sốc
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên ngưng dùng hải sản và gọi cấp cứu để được khắc phục kịp thời. Nếu sốc phản vệ không được xử lý trong thời gian sớm nhất, đường thở có thể bị co thắt, dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Một số hình ảnh nhận biết dị ứng hải sản
Ngoài ra, bạn có thể nhận biết dị ứng hải sản thông qua một số hình ảnh sau đây:
Dị ứng hải sản có nguy hiểm không?
Phần lớn các trường hợp bị dị ứng hải sản chỉ bị nổi mề đay, ngứa da và ngứa cổ họng nhẹ. Các triệu chứng này có thể nhanh chóng thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dị ứng hải sản có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, tình trạng dị ứng sau khi ăn hải sản cũng có thể làm bùng phát triệu chứng của các bệnh lý sau:
- Viêm da cơ địa
- Chàm
- Hen suyễn
- Viêm mũi/ viêm xoang dị ứng
- Sốt cỏ khô
Bên cạnh đó dị ứng hải sản còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ rối loạn hệ tiêu hóa và mệt mỏi. Trẻ nhỏ thường xuyên bị dị ứng có xu hướng chậm lớn, chán ăn, phát triển kém và có nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến cơ địa.
Chẩn đoán dị ứng hải sản
Với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được thực hiện các chẩn đoán như:
- Test da: Nếu nghi ngờ dị ứng do ăn hải sản, bác sĩ sẽ cho một lượng nhỏ protein trong tôm cua tiếp xúc trực tiếp với da. Trong trường hợp có dị ứng, da sẽ xuất hiện sẩn ngứa, mề đay và phát ban.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm đo nồng độ kháng thể IgE trong huyết tương. Khi có dị ứng, nồng độ IgE sẽ tăng lên một cách bất thường. Nồng độ IgE càng cao thì triệu chứng dị ứng càng có mức độ nặng nề và phạm vi ảnh hưởng lớn.
Cách xử lý khi bị dị ứng hải sản ngay tại nhà
Nếu dị ứng hải sản chỉ gây nổi mề đay, ngứa họng, chảy nước mũi, sổ mũi và đau bụng nhẹ, bạn có thể xử lý bằng một số biện pháp tại nhà như:
1. Mẹo chữa tổn thương da do dị ứng hải sản
Phần lớn các trường hợp dị ứng hải sản đều gây nổi mề đay và phát ban. Tổn thương da thường đi kèm với triệu chứng ngứa âm ỉ đến dữ dội, nóng rát, châm chích và sưng đỏ.
Để làm giảm triệu chứng trên da do dị ứng hải sản, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây:
- Tắm nước mát/ chườm lạnh: Ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên da, bạn nên tắm nước mát/ chườm lạnh để giảm viêm, làm mát da, cải thiện sưng đỏ và ngứa ngáy.
- Uống nhiều nước: Khi bị dị ứng, bạn nên uống từ 2 – 3 lít/ ngày để điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, duy trì độ ẩm cho da và cân bằng thân nhiệt.
- Thoa tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có tác dụng giảm viêm, ngứa và sát trùng da. Với những sẩn ngứa có kích thước lớn và gây viêm nặng, bạn có thể thoa tinh dầu lên để cải thiện triệu chứng.
- Dùng kem dưỡng ẩm: Ngoài ra, bạn cần dưỡng ẩm cho da 2 – 3 lần/ ngày nhằm tăng sức đề kháng và bảo vệ da trước các tác nhân có hại. Bên cạnh đó dưỡng ẩm đầy đủ còn giúp da mềm mịn và giảm tình trạng ngứa ngáy.
2. Xử trí các triệu chứng hô hấp do dị ứng hải sản
Bên cạnh tổn thương da, dị ứng hải sản còn có thể gây ra một số triệu chứng hô hấp như sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa cổ họng và ho.
Bạn có thể giảm nhanh các triệu chứng này với những biện pháp sau:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Để loại bỏ dịch tiết và làm dịu niêm mạc hô hấp, bạn nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Biện pháp này có thể giảm nhanh tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi và ngứa mũi do dị ứng gây ra.
- Súc miệng với nước muối ấm: Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng ngứa cổ họng và ho bằng cách súc miệng với nước muối ấm. Biện pháp này giúp làm dịu cổ họng, giảm ho, ngứa ngáy, loại bỏ dị nguyên còn tồn đọng trong miệng và lưỡi.
- Uống mật ong ấm: Uống mật ong ấm có tác dụng làm giảm ngứa họng, ho, sổ mũi,… do dị ứng hải sản. Bên cạnh đó, mật ong còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và hạn chế các triệu chứng dị ứng tiến triển trong thời gian dài.
3. Làm giảm các triệu chứng ở hệ tiêu hóa
Trong trường hợp dị ứng hải sản gây đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn, bạn có thể xử lý bằng các biện pháp sau đây:
- Gây nôn: Với những trường hợp dị ứng gây khó chịu dạ dày và đường ruột, bạn có thể kích thích cổ họng để nôn mửa hải sản ra ngoài.
- Uống trà gừng: Trà gừng có tính ấm, giúp giảm lạnh bụng và tiêu chảy sau khi ăn hải sản. Ngoài ra gừng còn có đặc tính chống buồn nôn và nôn mửa.
- Ăn hạt sen: Hạt sen có tác dụng cầm tiêu chảy và giảm dị ứng. Vì vậy bạn có thể nấu cháo trắng và hạt sen ăn trong khoảng 1 – 2 ngày để làm giảm các triệu chứng tiêu hóa do dị ứng hải sản gây ra.
Dị ứng hải sản uống thuốc gì?
Trong trường hợp dị ứng hải sản gây ngứa dữ dội và đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp.
Một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị dị ứng hải sản, bao gồm:
- Thuốc Epinephrine (Adrenaline): Trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc Epinephrine để chống co thắt đường thở và ngăn ngừa sốc phản vệ. Với những người bị hen suyễn và cơ địa dễ dị ứng, nên chuẩn bị thuốc Epinephrine dạng khí dung để sử dụng trong những trường hợp cấp bách.
- Thuốc kháng histamine (Loratadin, Cetirizin, Phenergan, Chlorpheniramin,…): Thuốc kháng histamine là nhóm thuốc chính trong điều trị dị ứng hải sản. Thuốc có tác dụng ức chế phóng thích histamine, từ đó làm giảm các triệu chứng ở da, hệ hô hấp và đường tiêu hóa.
- Thuốc bôi ngoài da: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc bôi ngoài da sulfat kẽm, thuốc chống ngứa, kem bôi chứa menthol,… để giảm ngứa và cải thiện mề đay.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cân nhắc về triệu chứng lâm sàng và mức độ của từng trường hợp để chỉ định phối hợp với một số loại thuốc khác.
Phòng ngừa dị ứng hải sản bằng cách nào?
Dị ứng hải sản thường có nguy cơ nghiêm trọng hơn trong lần dị ứng tiếp theo. Chính vì vậy bạn cần bảo vệ sức khỏe bằng cách chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Tuyệt đối không bổ sung các loại hải sản đã từng có tiền sử dị ứng. Ngoài ra nếu bạn bị dị ứng tôm, cần thận trọng khi ăn các động vật có vỏ khác như cua, nghêu, sò và hàu.
- Khi chọn mua thực phẩm đóng hộp, nên đọc bảng thành phần để tránh mua phải các sản phẩm có chứa hải sản.
- Khi ăn hải sản, nên chế biến chín hoàn toàn để giảm nguy cơ dị ứng và đau bụng.
- Ngoài ra khi chọn mua hải sản, bạn nên lựa chọn hải sản tươi sống để đảm bảo độ tươi ngon và độ an toàn khi sử dụng.
- Hải sản thường chứa asen pentavenlent, thông thường chất này không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên khi ăn kèm với các thực phẩm giàu vitamin C, asen pentavenlent có thể chuyển đổi thành asen trioxide (thạch tín). Hoạt chất này có thể gây ngộ độc, tăng nguy cơ dị ứng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Do đó bạn cần tránh ăn hải sản với các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, dưa hấu, lựu,…
- Những người có cơ địa nhạy cảm nên tránh ăn các hải sản có nguy cơ dị ứng cao như tôm, mực, cua, thay vào đó nên thay thế bằng các loại hải sản khác như cá hồi, cá thu, bào ngư,…
Dị ứng hải sản là một trong những tình trạng dị ứng thường gặp nhất. Tuy nhiên phản ứng này có thể gây ra một số triệu chứng nặng nề, dẫn đến suy hô hấp và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy ngay khi xuất hiện các biểu hiện bất thường, bạn nên áp dụng biện pháp xử lý tại nhà hoặc tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
Tham khảo thêm: Vì sao hay bị nổi mề đay khi ăn tôm cua?