Dị ứng mỹ phẩm: Nguyên nhân và cách khắc phục nhanh chóng
Dị ứng mỹ phẩm có thể do các thành phần có trong mỹ phẩm hoặc do quá trình chăm sóc. Tình trạng này gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến đời sống. Tình trạng này thường xảy ra do sử dụng sản phẩm không phù hợp với loại da, dùng sản phẩm không đúng cách, lựa chọn sản phẩm trôi nổi và không rõ nguồn gốc.
Dị ứng mỹ phẩm và dấu hiệu nhận biết
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng da bị nổi mẩn đỏ, mề đay, sẩn ngứa, mụn mủ khi tiếp xúc với các thành phần có trong mỹ phẩm (sản phẩm chăm sóc da và trang điểm).
Theo các chuyên gia Da liễu, các thành phần dễ gây dị ứng như parabens (chất bảo quản), mineral oil/ paraffin (dầu khoáng), perfume (hương liệu), chì, cồn,… có thể khiến lỗ chân lông bị bít tắc, gây kích thích và làm phát sinh hiệu tượng dị ứng.
So với những vùng da khác, da mặt thường có độ nhạy cảm cao, mỏng và dễ tổn thương. Chính vì vậy, sử dụng các loại mỹ phẩm không phù hợp có thể khiến da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy. Thông thường, các triệu chứng nhẹ có thể thuyên giảm sau 1 – 2 ngày ngưng sản phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên ở một số trường hợp nặng, dị ứng mỹ phẩm có thể khiến da sưng viêm nặng, nổi mụn mủ, làm mỏng da, khô ráp,…
Dấu hiệu nhận biết da bị dị ứng mỹ phẩm:
- Da đỏ ửng, nóng rát và châm chích
- Xuất hiện các mẩn đỏ có kích thước đa dạng
- Da sần sùi và kém mịn màng
- Một số trường hợp có thể xuất hiện mụn nước nhỏ hoặc mụn viêm sưng to
- Làn da mỏng, nhạy cảm và dễ bắt nắng
- Tổn thương da có thể gây ngứa và đau rát
- Da đổ quá nhiều dầu hoặc khô ráp, bong tróc
Nguyên nhân gây dị ứng mỹ phẩm
Dị ứng mỹ phẩm xảy ra ngay sau khi sử dụng sản phẩm chăm sóc, bảo vệ da hoặc trang điểm. Theo các chuyên gia Da liễu, nguyên nhân gây dị ứng mỹ phẩm có thể do:
- Sử dụng sản phẩm không phù hợp: Khi chọn mỹ phẩm cho da mặt, cần lựa chọn theo loại da và độ tuổi. Trong trường hợp da nhiều dầu nhưng sử dụng các loại kem dưỡng dày, đặc và có độ ẩm cao, da có thể bị bít tắc, dẫn đến tình trạng dị ứng và nổi mẩn. Ngược lại, trường hợp da khô ráp nhưng sử dụng các sản phẩm kiềm dầu khiến tình trạng khô ráp diễn ra nghiêm trọng hơn, làm suy yếu hàng rào bảo vệ và gây bùng phát triệu chứng dị ứng.
- Lựa chọn sản phẩm chứa thành phần dễ dị ứng: Các sản phẩm chứa nhiều chì, cồn, xà phòng, hương liệu, dầu khoáng và chất bảo quản thường có khả năng gây dị ứng cao hơn so với sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
- Sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc: Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm dưỡng trắng da cấp tốc, chứa chất tẩy mạnh và corticoid. Sử dụng các sản phẩm này có thể khiến da mỏng, suy yếu và tăng nguy cơ dị ứng.
- Dùng mỹ phẩm sai cách: Ngoài ra dị ứng mỹ phẩm cũng có thể xảy ra do sử dụng mỹ phẩm sai cách hoặc dùng theo trình tự không phù hợp.
- Trang điểm quá dày: Lớp trang điểm quá dày có thể làm bít tắc lỗ chân lông và cản trở quá trình bài tiết mồ hôi trên da. Tình trạng này kéo dài có thể khiến da nổi mụn, suy yếu và dễ dị ứng.
- Kết hợp các loại mỹ phẩm sai cách: Một số thành phần trong mỹ phẩm có thể gây ra tác dụng phụ khi kết hợp, chẳng hạn như Vitamin C + Niacinamide, BHA + Retinol, AHA + Vitamin C,… Vì vậy nếu kết hợp các sản phẩm chứa những thành phần này với nhau, da mặt sẽ bị thay đổi độ pH đột ngột và tăng nguy cơ dị ứng.
Ngoài những nguyên nhân chính nêu trên, dị ứng da mặt còn có thể xảy ra do một số yếu tố rủi ro như:
- Người có cơ địa nhạy cảm
- Da có đặc tính mỏng và dễ mẫn cảm
- Vệ sinh da kém khiến dầu thừa, bụi bẩn tích tụ cộng hưởng với thành phần hóa học trong mỹ phẩm, gây kích ứng và tổn thương da
- Không vệ sinh tay và dụng cụ trước khi lấy sản phẩm
Dị ứng mỹ phẩm có sao không? Có tự hết không?
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng khá phổ biến và chủ yếu xuất hiện ở vùng da mặt. Với những trường hợp dị ứng nhẹ, tổn thương da có thể tự thuyên giảm chỉ sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở những người bị dị ứng nặng hoặc có làn da nhạy cảm, dị ứng mỹ phẩm có thể khiến da sưng viêm, nóng rát, ngứa ngáy và tụ mủ.
Nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, triệu chứng trên da có thể lây lan rộng, gây ngứa, đau nhức và để lại sẹo thâm. Hơn nữa sau mỗi đợt dị ứng, da mặt thường có dấu hiệu suy yếu, mỏng và nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích.
Xử lý khi bị dị ứng mỹ phẩm đúng cách
Để làm giảm tình trạng dị ứng mỹ phẩm, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
1. Ngưng sử dụng sản phẩm gây dị ứng da
Ngay khi nhận thấy da xuất hiện các triệu chứng dị ứng, bạn nên chủ động ngưng sử dụng sản phẩm. Nếu tiếp tục sử dụng, triệu chứng trên da có thể chuyển biến nghiêm trọng, gây viêm, sưng đau và nóng rát.
Trong trường hợp không thể xác định được sản phẩm gây dị ứng, bạn nên ngưng toàn bộ các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm. Sau đó, bạn nên xem xét bảng thành phần để khoanh vùng các sản phẩm có khả năng gây dị ứng cao. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm gặp bác sĩ da liễu để được xác định nguyên nhân và tư vấn về các sản phẩm dưỡng da, trang điểm phù hợp.
2. Tẩy trang và rửa mặt sạch
Sau khi nổi sẩn ngứa, phát ban da, bạn nên tẩy trang và rửa sạch da mặt để loại bỏ thành phần gây kích ứng. Ngoài ra rửa mặt với nước mát còn làm dịu hiện tượng sưng viêm và giảm ngứa đáng kể.
Sau khi làm sạch da mặt, bạn cũng có thể dùng đá lạnh chườm lên các sẩn ngứa và mụn viêm để cải thiện tổn thương da.
3. Sử dụng thuốc điều trị
Với những trường hợp dị ứng da mặt gây ngứa nhiều và lan tỏa rộng, bác sĩ có thể kê toa thuốc bôi và thuốc uống để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương da tiến triển xấu.
Các loại thuốc uống và thuốc bôi được chỉ định trong điều trị dị ứng mỹ phẩm:
- Kem làm dịu da: Các loại kem làm dịu và giảm ngứa da như A-derma, Eucerin, Bioderma,… có thể phục hồi làn da tổn thương, giảm viêm và ngứa nhẹ.
- Kem bôi chứa corticoid: Loại kem bôi này thường được dùng cho những trường hợp viêm nặng. Sử dụng thuốc bôi chứa corticoid giúp giảm nhanh tình trạng sưng viêm và ngứa. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây mỏng da, mụn trứng cá và dày sừng nang lông nên chỉ được sử dụng trong khoảng 3 – 5 ngày.
- Thuốc uống kháng dị ứng: Với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine (Chlorpheniramin, Cetirizin, Loratadin,…) để giảm ngứa và tổn thương da.
- Vitamin C: Nếu tổn thương bùng phát mất kiểm soát, bác sĩ có thể kê toa viên uống vitamin C ở liều cao để tăng cường sức đề kháng cho da.
Sau khoảng 3 – 5 ngày sử dụng thuốc, các triệu chứng trên da có xu hướng thuyên giảm nhanh và rất hiếm có trường hợp kéo dài hơn 10 ngày.
4. Giảm dị ứng mỹ phẩm với mặt nạ tự nhiên
Dị ứng mỹ phẩm không chỉ khiến da nổi sẩn ngứa, mề đay, phát ban mà còn khiến làn da khô, đổ nhiều dầu và dễ để lại thâm sẹo. Vì vậy bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để làm mặt nạ dưỡng da, ngăn ngừa sẹo và phục hồi hàng rào bảo vệ.
- Mặt nạ nha đam: Gel nha đam tươi có tác dụng dưỡng ẩm tốt, làm dịu, giảm ngứa nhẹ và nuôi dưỡng làn da. Vì vậy ngay sau xuất hiện các triệu chứng dị ứng, bạn nên vệ sinh da bằng nước sạch rồi thoa 1 ít gel nha đam. Biện pháp này có thể giúp da nhanh lành và hạn chế thâm sẹo sau điều trị.
- Mặt nạ cà chua: Cà chua chứa nhiều hợp chất thực vật, bao gồm vitamin C, beta-carotene, khoáng chất,… có tác dụng nuôi dưỡng da, làm mờ vết thâm và giảm ngứa nhẹ. Bạn có thể đắp trực tiếp lát cà chua tươi hoặc kết hợp với sữa chua để tăng tác dụng.
- Mặt nạ bột yến mạch: Acid ferulic trong bột yến mạch có tác dụng chống dị ứng, giảm viêm và giảm ngứa khá hiệu quả. Với những trường hợp ngứa nhiều, bạn có thể kết hợp bột yến mạch với nước ấm hoặc sữa tươi để cải thiện tổn thương da.
5. Thực hiện các biện pháp bảo vệ da
Khi bị dị ứng, hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ khiến da suy yếu và mẫn cảm hơn bình thường. Chính vì vậy trong thời gian điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp bảo vệ da như:
- Sử dụng kem chống nắng, mặc áo khoác, đội mũ, dùng ô,… khi di chuyển ngoài trời nhằm giảm mức độ kích thích của tia UV.
- Uống nhiều nước để điều hòa độ ẩm cho da và ngăn ngừa tình trạng khô ráp.
- Tránh gãi cào lên da khi bị ngứa bởi thói quen này có thể khiến da tổn thương sâu, gây chảy máu và hình thành thâm sẹo.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất lỏng nhằm nâng cao miễn dịch cho da và giảm mức độ dị ứng.
Phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm bằng cách nào?
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng khá phổ biến và thường thuyên giảm nhanh sau khi điều trị. Tuy nhiên tình trạng này có khả năng tái phát cao nếu bạn không thay đổi sản phẩm gây dị ứng hoặc tiếp tục sử dụng mỹ phẩm sai cách.
Do đó sau khi điều trị, bạn nên phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm tái phát với những biện pháp sau:
- Với những người có làn da nhạy cảm, nên trao đổi với bác sĩ da liễu để được tư vấn về các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm có thành phần dịu nhẹ.
- Nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên. Hạn chế các thành phần có khả năng gây dị ứng cao như cồn, chì, dầu khoáng, hương liệu, retinol,…
- Cần tẩy trang và vệ sinh da mặt kỹ để tránh nguy cơ bít tắc nang lông, gây mụn và kích ứng.
- Trước khi kết hợp các sản phẩm với nhau, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để tránh nguy cơ dị ứng và mẫn cảm.
- Chỉ sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Tránh tình trạng sử dụng kem trộn, kem tẩy và cần thay đổi tâm lý muốn làm đẹp nhanh chóng.
- Để giảm nguy cơ dị ứng, bạn nên thử 1 ít sản phẩm lên vùng cổ và quan sát biểu hiện của da trong 12 – 24 giờ đồng hồ trước khi sử dụng lên phạm vi rộng.
- Cần vệ sinh dụng cụ trang điểm thường xuyên và rửa tay trước khi lấy sản phẩm.
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù phần lớn các trường hợp đều có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh chỉ sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên nếu dị ứng tái phát nhiều lần, da có thể xuất hiện thâm sẹo, mỏng, yếu và nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích. Chính vì vậy sau quá trình điều trị, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ da và phòng ngừa tái phát.