Dị ứng thời tiết lạnh: Nguyên nhân và cách khắc phục dứt điểm

Dị ứng thời tiết lạnh đặc trưng bởi các dấu hiệu như nổi mề đay, ngứa da. Kèm theo một số triệu chứng như ho, chảy nước mũi, ngứa mũi…

Vậy dị ứng tiết lạnh do đâu, cách điều trị như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ có những chia sẻ về vấn đề này. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu.

dị ứng thời tiết lạnh
Dị ứng thời tiết lạnh là gì? Dấu hiệu nhận biết và Cách điều trị

Dị ứng thời tiết lạnh là gì?

Dị ứng thời tiết lạnh là một dạng dị ứng thời tiết thường gặp, xảy ra chủ yếu trong thời điểm thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh. Yếu tố chính gây ra bệnh lý này là do nhiệt độ và độ ẩm giảm đột ngột khiến da khô, bong tróc và xuất hiện mề đay, phát ban kèm ngứa ngáy.

Ngoài tổn thương da, bệnh lý này còn có thể gây ra một số triệu chứng hô hấp nhẹ đi kèm như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng và viêm kết mạc.

Các triệu chứng do bệnh thường khởi phát đột ngột nhưng phần lớn đều tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở những người có cơ địa nhạy cảm và làn da mỏng, tổn thương da cùng với các triệu chứng hô hấp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Không giống với các dạng dị ứng khác, dị ứng thời tiết lạnh thường thuyên giảm khi nhiệt độ, độ ẩm tăng lên và rất ít khi tiến triển mãn tính.

Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết lạnh

Nguyên nhân trực tiếp gây dị ứng thời tiết lạnh là do nhiệt độ và độ ẩm giảm đột ngột. Các yếu tố này có thể khiến da trở nên khô ráp, bong tróc và nhạy cảm hơn bình thường. Ngoài ra thời tiết khô lạnh còn kích thích niêm mạc hô hấp và làm phát sinh một số triệu chứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi,…

dị ứng thời tiết lạnh + ngứa
Nhiệt độ và độ ẩm giảm đột ngột chính là nguyên nhân trực tiếp gây dị ứng thời tiết lạnh

Bên cạnh đó, bệnh còn có nguy cơ bùng phát cao ở những đối tượng như:

  • Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai
  • Người có làn da nhạy cảm
  • Người thường xuyên bị dị ứng hoặc mắc các bệnh về cơ địa như hen suyễn, chàm, viêm da cơ địa
  • Người có tiền sử mắc bệnh mề đay vật lý

Dấu hiệu nhận biết dị ứng do thời tiết chuyển lạnh

Dị ứng do thời tiết lạnh xảy ra khi niêm mạc hô hấp và làn da bị kích thích quá mức bởi nhiệt độ và độ ẩm thấp. Sau đó hệ miễn dịch có xu hướng tạo ra kháng nguyên (IgE) nhằm đối kháng với yếu tố kích thích. Tuy nhiên sự gia tăng IgE trong huyết thanh có thể thúc đẩy giải phóng histamine vào niêm mạc hô hấp và da, từ đó làm phát sinh các triệu chứng như:

dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ
Bệnh đặc trưng bởi tình trạng da nổi các sẩn ngứa đa dạng về hình dáng và kích thước
  • Da xuất hiện các sẩn ngứa có hình dáng và kích thước không đều
  • Mọc khu trú ở những vùng da không được che phủ bởi quần áo như bàn tay, bàn chân, cổ, mặt,…
  • Tổn thương da gây ngứa dữ dội nhưng ít khi gây nóng rát và đau nhức
  • Mũi bị nghẹt, chảy nước mũi và ngứa
  • Ho và đau cổ họng nhẹ
  • Mắt đỏ, ngứa và chảy nước mắt

Phân biệt dị ứng thời tiết lạnh và bệnh cảm lạnh

Các triệu chứng của dị ứng thời tiết lạnh và bệnh viêm mũi họng (cảm lạnh) khá giống nhau nên có thể bị nhầm lẫn. Viêm mũi họng là một dạng viêm cấp tính xảy ra ở mũi và cổ họng do rhinovirus. Bệnh lý này có mức độ nhẹ và thường thuyên giảm chỉ sau 7 – 10 ngày.

dị ứng thời tiết lạnh
Dị ứng thời tiết thường không gây sốt trong khi đó cảm lạnh có thể gây sốt nhẹ và nhức mỏi

Để phân biệt cảm lạnh và dị ứng do thời tiết lạnh, bạn có thể quan sát các biểu hiện lâm sàng như:

  • Dị ứng thời tiết lạnh đặc trưng bởi triệu chứng nổi mề đay kèm theo ngứa ngáy dữ dội. Thỉnh thoảng bệnh có thể gây ngứa mũi, chảy nước mũi, ho, đau họng (nhẹ) và viêm kết mạc. Bệnh rất ít khi gây sốt và đau nhức toàn thân.
  • Trong khi đó, viêm mũi họng thường gây ra các triệu chứng ở họng và mũi như đau họng, ho kéo dài, nghẹt mũi, thở khò khè, chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi thường xuyên, sốt nhẹ và mệt mỏi toàn thân. Ngoài ra, hầu như các trường hợp bị cảm lạnh đều không gặp phải các triệu chứng ở da.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể mắc đồng thời cả hai bệnh lý này.

Dị ứng do thời tiết lạnh và cách điều trị

Điều trị dị ứng thời tiết do lạnh chủ yếu là sử dụng thuốc và chăm sóc nhằm kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng, bao gồm:

1. Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống

Với những trường hợp dị ứng nhẹ và chỉ gây triệu chứng trên da, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi để giảm viêm và ngứa. Tuy nhiên nếu dị ứng gây ho, sổ mũi và nghẹt mũi kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với một số loại thuốc uống.

dị ứng thời tiết lạnh
Thuốc điều trị dị ứng thời tiết lạnh bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc bôi ngoài da,…
  • Thuốc bôi chứa menthol: Loại thuốc này được bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương nhằm làm dịu da, giảm sưng nóng và cải thiện ngứa ngáy.
  • Kem dưỡng ẩm: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ như Eucerin, A-derma, Laroche posay,… nhằm phục hồi màng bảo vệ da, giảm tình trạng khô ráp và kích ứng.
  • Thuốc kháng histamine H1: Histamine là thành phần kích thích các triệu chứng dị ứng phát sinh. Việc sử dụng thuốc kháng histamine H1 có thể làm giảm và ngăn ngừa dị ứng bùng phát mạnh.
  • Thuốc Epinephrine: Trong trường hợp dị ứng thời tiết lạnh kích thích cơn hen suyễn, bác sĩ có thể tiêm Epinephrine để phục hồi chức năng hô hấp và ngăn ngừa sốc phản vệ.
  • Omalizumab: Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sản sinh IgE, từ đó ức chế phản ứng dị ứng và làm giảm các triệu chứng của dị ứng thời tiết. Omalizumab thường được dùng trong điều trị hen suyễn và mề đay mãn tính. Trong trường hợp dị ứng do thời tiết lạnh, loại thuốc này có thể được chỉ định khi không có đáp ứng với thuốc kháng histamine.

2. Áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà

Song song với việc sử dụng thuốc, bạn có thể giảm nhẹ một số triệu chứng do dị ứng thời tiết lạnh bằng các biện pháp như:

dị ứng thời tiết lạnh
Uống trà gừng có thể giảm nhẹ các triệu chứng hô hấp do dị ứng thời tiết lạnh
  • Tắm nước ấm: Bạn có thể giảm tổn thương và cải thiện tình trạng ngứa ngáy bằng cách tắm nước ấm. Nhiệt độ ấm có thể làm mềm da, giảm khô ráp và kích ứng đáng kể.
  • Rửa mũi và súc miệng thường xuyên: Ngoài các triệu chứng trên da, dị ứng thời tiết có thể gây nghẹt mũi, đau họng, ho và sổ mũi. Vì vậy bạn nên rửa mũi và súc miệng thường xuyên nhằm làm dịu niêm mạc và dẫn lưu dịch tiết hô hấp.
  • Uống trà gừng: Gừng có vị cay, tính ấm, tác dụng long đờm, giảm ho và chống dị ứng. Uống một tách trà gừng ấm có thể thông cổ họng, giảm các triệu chứng hô hấp và tổn thương da do dị ứng thời tiết.

3. Chế độ chăm sóc khoa học

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị bằng các biện pháp sau:

dị ứng thời tiết lạnh
Trong thời gian điều trị, nên ở nhà nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để hỗ trợ làm giảm triệu chứng
  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà và tránh di chuyển, hoạt động ngoài trời, đồng thời nên mặc trang phục dày để giữ ấm cơ thể và giảm khô da.
  • Thường xuyên uống nước ấm để làm dịu cổ họng, giảm ho và cải thiện một số triệu chứng hô hấp khác.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất và protein.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích như phấn hoa, mạt bụi, lông động vật,… Các yếu tố này có thể khiến tổn thương da và các triệu chứng hô hấp tiến triển nặng nề hơn.
  • Nên ăn uống điều độ trong thời gian điều trị và có thể bổ sung thêm một số loại gia vị và thực phẩm có khả năng chống dị ứng như mật ong, chanh, gừng, quế, sả, lá tía tô,…

Phòng ngừa chứng dị ứng thời tiết lạnh

Mặc dù dị ứng thời tiết lạnh hiếm khi kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên sự xuất hiện của các triệu chứng hô hấp và tổn thương da có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, giảm mức độ tập trung và hiệu suất làm việc. Hơn nữa dị ứng thời tiết lạnh tái phát nhiều lần còn tăng nguy cơ bị cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng và hen suyễn.

dị ứng thời tiết lạnh
Nên hạn chế các thức ăn và đồ uống lạnh khi nhiệt độ giảm đột ngột

Do đó bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ bệnh tái phát như:

  • Nên giữ ấm cơ thể vào khi thời tiết chuyển lạnh. Nếu có thể, bạn nên nghỉ ngơi ở nhà trong thời điểm chuyển mùa để cơ thể kịp thời thích nghi với thời tiết và giảm nguy cơ dị ứng.
  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể và sử dụng kem dưỡng ẩm 2 lần/ ngày để tạo hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa tình trạng da khô ráp và suy yếu.
  • Khi phải di chuyển ngoài trời, nên mặc quần áo ấm và mang khẩu trang để giữ ấm cơ thể, đồng thời hạn chế tình trạng da và niêm mạc mũi bị kích thích.
  • Người có cơ địa nhạy cảm nên tăng cường sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi điều độ và ăn uống khoa học.
  • Tránh các thức uống, món ăn lạnh hoặc có tính hàn như hải sản, kem, đồ uống có đá, nước dừa,…
  • Với những người bị dị ứng thời tiết lạnh nặng nề, nên tham khảo với bác sĩ để được sử dụng thuốc kháng histamine dự phòng.

Dị ứng thời tiết lạnh không là bệnh lý nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm giảm hiệu suất làm việc. Do đó sau khi điều trị, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phát.

Tham khảo thêm:

  • Người hay bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì để phòng bệnh?
  • [Gợi ý] Bài thuốc quý chữa dứt mề đay 10 người trị 9 người khỏi