Dị ứng thời tiết nóng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Dị ứng thời tiết nóng gây nổi mề đay, phát ban, ngứa da. Ngoài ra, còn phát sinh một số triệu chứng như tiêu chảy, chóng mặt, đau bụng… Để làm giảm bệnh lý này, bạn nên dùng thuốc khi cần thiết kết hợp với chăm sóc tại nhà và tận dụng một số thảo dược tự nhiên.
Dị ứng thời tiết nóng là gì?
Dị ứng thời tiết nóng là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng thái quá khi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng lên quá mức. Bệnh lý này thường xảy ra khi thời tiết nóng (35 – 40 độ C) và độ ẩm không khí cao hơn 70%.
Các yếu tố này khiến thân nhiệt tăng lên và gây tiết mồ hôi quá mức. Da luôn trong tình trạng ẩm ướt cộng hưởng với một số tác nhân bên ngoài như khói bụi, hóa chất, nấm mốc có thể kích thích dị ứng bùng phát. Theo một số thống kê, người bị dị ứng với thời tiết nóng thường gặp phải chứng mề đay Cholinergic (một dạng mề đay khởi phát khi da tiết nhiều mồ hôi và thân nhiệt tăng cao).
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
1. Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết nóng
Nguyên nhân trực tiếp gây ra dị ứng với thời tiết nóng là do nhiệt độ cùng với độ ẩm cao kích thích da bài tiết nhiều mồ hôi và tăng thân nhiệt. Sau đó các yếu tố này làm giải phóng acetylcholine, thúc đẩy tế bào mast phóng thích histamine và gây ra các triệu chứng dị ứng.
Các yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ dị ứng với thời tiết nóng:
- Nhiệt độ và độ ẩm môi trường tăng lên đột ngột
- Sinh sống trong môi trường nóng ẩm và ô nhiễm
- Tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài
- Tập các bộ môn thể thao có cường độ mạnh và gây đổ nhiều mồ hôi như đá bóng, chạy bộ,…
- Tắm nước quá nóng
- Ăn thực phẩm có vị cay và nóng
- Vệ sinh cơ thể kém
- Tuyến mồ hôi hoạt động quá mức
2. Dấu hiệu nhận biết
Tương tự dị ứng thời tiết lạnh, dị ứng thời tiết nóng có thể gây ra tổn thương kèm theo một số triệu chứng toàn thân. Các triệu chứng điển hình của bệnh dị ứng do thời tiết nóng:
- Da nóng rát, châm chích sau đó xuất hiện các mẩn đỏ, mọc khu trú hoặc lan tỏa.
- Vùng da xung quanh thường có hiện tượng đỏ và sưng viêm nhẹ đến nặng.
- Tổn thương đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy và đau rát.
- Ngoài ra, bệnh còn có thể gây phù mạch (tổn thương da ở sâu hơn so với mề đay), đau đầu, tiêu chảy và bùng phát cơn hen cấp tính.
Thông thường, các triệu chứng do dị ứng thời tiết nóng có thể giảm nhanh sau khi làm sạch mồ hôi và thân nhiệt trở về mức cân bằng. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tổn thương ở da có thể kéo dài và buộc phải can thiệp các biện pháp điều trị chuyên sâu.
Dị ứng với thời tiết nóng có nguy hiểm không?
Theo thống kê, dị ứng với thời tiết nóng có mức độ nặng nề hơn so với dị ứng do thời tiết lạnh. Ở những trường hợp thân nhiệt tăng quá mức, các triệu chứng dị ứng có thể diễn tiến nhanh chóng và gây sốc phản vệ. Vì vậy bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng như sưng lưỡi, khó thở, đau tức ngực, sưng nghẹn cổ họng, choáng váng và chóng mặt.
Với những trường hợp dị ứng thời tiết nóng có mức độ nhẹ, triệu chứng có thể thuyên giảm sau khi được khắc phục và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu vệ sinh da kém và thường xuyên cào, gãi vào vùng da tổn thương, sẩn ngứa có thể lan tỏa rộng, gây ngứa dữ dội và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các cách chữa dị ứng thời tiết nóng phổ biến
Một số trường hợp dị ứng với thời tiết nóng có thể giảm nhanh chỉ sau vài giờ mà không cần điều trị. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp đều kéo dài hơn 24 giờ và buộc phải can thiệp các biện pháp chăm sóc, cải thiện tại nhà hoặc sử dụng thuốc.
1. Biện pháp khắc phục tạm thời
Ngay khi bùng phát các triệu chứng ở da và toàn thân, bạn có thể giảm nhẹ và ngăn chặn triệu chứng lan rộng bằng một số biện pháp khắc phục tạm thời như:
- Tắm nước mát: Để làm sạch mồ hôi và hạ thân nhiệt, bạn nên tắm nước mát hoặc dùng khăn lạnh lau cơ thể. Cách này có thể giảm tổn thương da lan rộng, cải thiện tình trạng viêm và ngứa đáng kể.
- Dùng kem làm dịu da: Sau khi làm sạch da, bạn nên sử dụng các loại kem dưỡng có tác dụng làm dịu để giảm tổn thương và ngăn ngừa triệu chứng trên da lan tỏa rộng.
- Uống nhiều nước: Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước sau khi các triệu chứng khởi phát. Biện pháp này giúp hạ thân nhiệt và nhiệt độ ở da, từ đó làm giảm hiện tượng da bài tiết quá nhiều mồ hôi.
Sau khi áp dụng những biện pháp khắc phục tạm thời, tổn thương da sẽ có xu hướng giảm viêm và ngứa rõ rệt. Sau đó bạn có thể tận dụng một số thảo dược để cải thiện triệu chứng hoặc sử dụng thuốc khi cần thiết.
2. Tận dụng các loại thảo dược tự nhiên
Nếu dị ứng thời tiết nóng có mức độ nhẹ đến trung bình, bạn có thể kiểm soát triệu chứng bằng một số thảo dược tự nhiên có tác dụng thanh nhiệt, giảm ngứa và tiêu viêm như:
- Tắm bằng lá sài đất: Lá sài đất có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt và tiêu viêm. Dùng 1 nắm lá sài đất tươi, vò nát và pha với nước tắm có thể giảm mề đay, sẩn ngứa và phát ban do dị ứng thời tiết.
- Thoa gel nha đam: Gel nha đam có đặc tính làm dịu, giảm viêm và làm mát da. Vì vậy bạn có thể thoa gel nha đam lên vùng da bị ngứa, phát ban và nổi sẩn để làm triệu chứng.
- Tắm lá bạc hà: Với những trường hợp da nóng rát và ngứa nhiều, bạn có thể vò xát lá bạc hà vào nước tắm để làm giảm triệu chứng. Hoạt chất menthol trong thảo dược này có tác dụng làm mát da, giảm ngứa, sát trùng và tiêu viêm.
- Uống trà hạt sen: Trà sen có tác dụng an thần, chống tiêu chảy và giảm dị ứng. Với những trường hợp dị ứng gây đau bụng kèm tiêu chảy, bạn có thể uống trà sen để làm giảm các triệu chứng tiêu hóa.
Các biện pháp làm giảm dị ứng bằng thảo dược tự nhiên có thể cải thiện triệu chứng chỉ sau khoảng 3 – 5 ngày áp dụng. Tuy nhiên khi thực hiện, bạn nên ngâm rửa nguyên liệu kỹ để tránh nguy cơ kích ứng và viêm nhiễm da.
3. Sử dụng thuốc khi cần thiết
Trong trường hợp tổn thương da gây ngứa dai dẳng và dữ dội, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
- Thuốc bôi chứa Menthol: Loại thuốc này được sử dụng trực tiếp lên vùng da bị viêm và ngứa nhằm làm giảm sưng đỏ, đau rát và giảm ngứa nhanh chóng.
- Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được chỉ định nhằm làm giảm các triệu chứng toàn thân và tổn thương da do dị ứng với thời tiết. Tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này, bạn có thể gặp phải tình trạng buồn ngủ và thiếu tập trung.
- Sữa tắm giảm ngứa: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể kê toa một số sữa tắm giảm ngứa da để hạn chế tình trạng gãi, cào, gây chảy máu và nhiễm trùng.
Các biện pháp phòng tránh dị ứng thời tiết nóng
Dị ứng thời tiết nóng không chỉ gây ngứa ngáy mà còn tạo cảm giác khó chịu, bứt rứt và có nguy cơ nhiễm trùng da cao hơn so với dị ứng do lạnh. Vì vậy khi thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng, bạn nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh như:
- Nên tắm 2 – 3 lần/ ngày với các sữa tắm nhẹ dịu để làm mát da, loại bỏ mồ hôi và bụi bẩn.
- Trong thời tiết nóng ẩm, bạn cần mặc trang phục có chất liệu thoáng, thấm hút mồ hôi tốt và rộng rãi để giảm ma sát với da và hạn chế tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức.
- Hạn chế tắm nước nóng, uống rượu và ăn các thực phẩm cay nóng khi nhiệt độ cao trên 35 độ C. Các thói quen này có thể kích thích da tiết mồ hôi, làm tăng thân nhiệt và tạo điều kiện để chứng dị ứng thời tiết nóng bùng phát.
- Nếu tập thể dục, nên tập vào sáng sớm hoặc buổi tối. Hoặc bạn có thể chuyển sang tập các bộ môn ít gây đổ mồ hôi như bơi lội, ngồi thiền.
- Hạn chế di chuyển ngoài trời trong thời gian từ 11:00 – 15:00. Khi ở trong phòng, nên hạ nhiệt độ bằng cách sử dụng quạt hoặc máy lạnh để giảm nguy cơ dị ứng bùng phát.
Phần lớn các trường hợp dị ứng với thời tiết nóng đều có đáp ứng tốt và thuyên giảm nhanh sau khi chăm sóc, điều trị. Tuy nhiên nếu triệu chứng có mức độ nặng và có xu hướng chuyển biến thành sốc phản vệ, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.