[3+] Cách điều trị viêm mũi dị ứng bằng Tây y, Đông y, dân gian

Tây y, Đông y, dân gian là 3 cách điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến nhất hiện nay. Tùy tình trạng bệnh mà bạn nên lựa chọn phương pháp phù hợp.

Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý, viêm mũi dị ứng do cơ chế bệnh sinh liên quan đến yếu tố miễn dịch nên các biện pháp được áp dụng chỉ có thể cải thiện triệu chứng lâm sàng. Hầu như không thể chữa trị bệnh dứt điểm.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Tìm hiểu các cách điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến nhất hiện nay

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý hô hấp khá phổ biến. Bệnh xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi, không khí, phấn hoa, hơi nước, khói thuốc, hóa chất, thức ăn,… Bệnh lý này điển hình với triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mắt, chảy nước mắt và có cảm giác nặng ở vùng mũi xoang.

Viêm mũi dị ứng là bệnh lành tính, ít gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, giấc ngủ và hiệu suất học tập – làm việc. Do cơ chế bệnh sinh liên quan đến hoạt động miễn dịch nên hiện nay điều trị bệnh lý này còn nhiều hạn chế. Các biện pháp được áp dụng chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng giảm nhanh cảm giác khó chịu

Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Vì vậy bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ, đời sống sinh hoạt, khả năng học tập và làm việc. Hơn nữa, viêm mũi dị ứng kéo dài còn có thể gây phì đại niêm mạc, tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và hình thành polyp mũi.

Hiện nay không có biện pháp chữa trị bệnh lý này hoàn toàn. Tuy nhiên can thiệp điều trị có thể kiểm soát các triệu chứng lâm sàng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.

Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng để điều trị viêm mũi dị ứng:

1. Điều trị nguyên nhân (loại trừ dị nguyên)

Điều trị nguyên nhân là biện pháp quan trọng nhất trong quá trình chữa trị viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này là do các tác nhân dị ứng như phấn hoa, thời tiết, khói thuốc lá, bụi vải, mạt bụi, sợi bông, hóa chất, lông chó mèo,…

Khi tiếp xúc với các dị nguyên, hệ miễn dịch có xu hướng đối kháng bằng cách tăng kháng nguyên IgE trong huyết tương và phóng thích histamine ra khỏi phức hợp với protein. Chất trung gian hóa học histamine được giải phóng vào da và niêm mạc gây phù nề mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi,… Ngoài ra, viêm mũi dị ứng cũng có thể đi kèm với một số bệnh da liễu có cơ chế tự miễn như nổi mề đay và viêm da cơ địa.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Lông chó mèo có thể gây kích thích và làm nghiêm trọng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Tiếp xúc với dị nguyên chính là yếu tố kích thích các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bùng phát. Vì vậy để kiểm soát triệu chứng và đảm bảo hiệu quả của các phương pháp điều trị, cần xác định dị nguyên và cách ly với các yếu tố thuận lợi như:

  • Không nên tiếp xúc với chó mèo. Lông động vật có thể gây dị ứng và khiến triệu chứng của viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nên đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột, trời có nhiều gió hoặc đang vào mùa hoa.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, mền gối và vỏ bọc nệm để làm sạch dị nguyên, bụi bẩn và ký sinh trùng tích tụ.
  • Không hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc thụ động.
  • Vào thời tiết lạnh, nên giữ ấm cơ thể và hạn chế di chuyển ngoài trời nếu không thực sự cần thiết.
  • Tuyệt đối không dùng thực phẩm có tiền sử dị ứng hoặc sử dụng thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như hải sản, đậu phộng, mè, nấm,… Dị ứng thực phẩm không chỉ làm nghiêm trọng triệu chứng của viêm mũi dị ứng mà còn gây nổi mề đay mẩn ngứa hoặc thậm chí là sốc phản vệ.

Trên thực tế, rất ít trường hợp bị viêm mũi dị ứng xác định được dị nguyên cụ thể. Tuy nhiên việc cách ly với các yếu tố thuận lợi cũng có thể giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.

2. Sử dụng thuốc Tây y

Sử dụng thuốc Tây có tác dụng cải thiện triệu chứng lâm sàng, chống dị ứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Không giống với các bệnh lý khác, thuốc được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng không có tính đồng nhất mà được cá thể hóa để phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Sử dụng thuốc Tây giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi,…

Một số loại thuốc Tây được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng, bao gồm:

Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là loại thuốc được sử dụng trong hầu hết các trường hợp bị viêm mũi dị ứng. Thuốc có tác dụng đối kháng với histamine ở thụ thể H1 nhằm ức chế hoạt động phóng thích chất trung gian gây dị ứng vào da và niêm mạc. Nhóm thuốc này có tác dụng chống dị ứng và cải thiện các triệu chứng khó chịu như ngứa da, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt,…

Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Corticoid có khả năng chống viêm và kháng dị ứng mạnh. Trong trường hợp niêm mạc mũi phù nề và sung huyết nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc xịt mũi chứa corticoid để cải thiện triệu chứng. Mặc dù có hiệu quả rõ rệt nhưng nhóm thuốc này có thể gây chảy máu cam, kích ứng niêm mạc mũi, loét vách mũi, teo niêm mạc mũi,… nên chỉ được sử dụng trong điều trị ngắn hạn.

Thuốc xịt mũi chống xung huyết (thuốc co mạch): Thuốc xịt mũi chống xung huyết thường chứa hoạt chất Oxymetazolin hoặc Naphazolin. Các hoạt chất này có tác dụng co mạch máu nhằm giảm hiện tượng xung huyết ở niêm mạc mũi, từ đó cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi và ngứa mũi do viêm mũi dị ứng gây ra. Hiện nay, thuốc chống xung huyết thường được phối hợp hoạt chất kháng histamine H1 để tăng hiệu quả điều trị.

Thuốc giảm đau hạ sốt: Trong trường hợp viêm mũi dị ứng gây sốt, bác sĩ có thể chỉ định Paracetamol (Acetamoniphen) để giảm đau nhức và hạ sốt. Loại thuốc này tương đối an toàn, có thể sử dụng cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cần tránh dùng Paracetamol với rượu bia và các đồ uống chứa cồn khác.

Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Để ức chế vi khuẩn và điều trị triệt để hiện tượng viêm nhiễm ở niêm mạc mũi – xoang, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh Amoxicillin, Cephalexin hoặc Erythromycin. Khi dùng kháng sinh, nên sử dụng liên tục trong 7 – 10 ngày để tránh hiện tượng tái nhiễm và tăng chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác tùy vào triệu chứng lâm sàng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp. Sử dụng thuốc Tây thường cho hiệu quả nhanh và mức độ cải thiện tương đối đồng đều. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định về liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng.

3. Cách trị viêm mũi dị ứng tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn cũng có thể thực hiện một số cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc. Thực hiện các mẹo chữa này đều đặn có thể hỗ trợ loại bỏ dị nguyên, làm dịu niêm mạc mũi và tăng dẫn lưu dịch tiết hô hấp.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Dùng máy tạo độ ẩm giúp cải thiện nghẹt mũi và giảm mức độ nhạy cảm của niêm mạc hô hấp

Các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà bạn có thể áp dụng:

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) có tác dụng làm mềm niêm mạc mũi, hỗ trợ loại bỏ dịch tiết và tác nhân gây dị ứng. Mẹo chữa này có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi và làm giảm nguy cơ bội nhiễm.

Dùng máy lọc không khí: Bụi bẩn, mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa,… trong không khí có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Vì vậy, bạn nên sử dụng máy lọc không khí để làm giảm số lượng dị nguyên và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Bên cạnh đó, dùng máy lọc không khí còn giúp cải thiện chất lượng không gian sống và phòng ngừa các bệnh lý hô hấp thường gặp.

Sử dụng máy tạo độ ẩm: Khi thời tiết chuyển lạnh, niêm mạc mũi có xu hướng khô và trở nên nhạy cảm với các yếu tố kích thích. Vì vậy trong thời gian điều trị, nên sử dụng máy tạo độ ẩm để làm dịu niêm mạc mũi, cổ họng và giảm nhẹ các triệu chứng hô hấp. Ngoài ra, bạn có thể thêm tinh dầu khuynh diệp, tràm trà,… vào thiết bị tạo độ ẩm để làm thông mũi họng, trị nghẹt mũi và đem lại cảm giác thoải mái.

Xoa bóp vùng mũi: Biện pháp này có tác dụng làm ấm vùng mũi và hỗ trợ loại bỏ dịch ứ đọng, đồng thời cải thiện tình trạng nghẹt mũi, ngứa mũi và sổ mũi dai dẳng. Khi xoa bóp, nên sử dụng kèm với dầu khuynh diệp hoặc dầu gừng để thông mũi họng và tăng tác dụng điều trị.

Trà hoa cúc hỗ trợ chữa viêm mũi dị ứng: Trà hoa cúc có khả năng tăng cường miễn dịch và cải thiện các triệu chứng do dị ứng, nhiễm trùng gây ra. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa apigenin trong thảo dược này còn có khả năng cải thiện giấc ngủ và giảm mệt mỏi. Uống 1 – 2 tách trà hoa cúc ấm có thể cải thiện triệu chứng và giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm mũi dị ứng.

Mặc dù cho hiệu quả hạn chế nhưng các biện pháp trị viêm mũi dị ứng tại nhà có độ an toàn cao và hầu như không gây ra tác dụng phụ. Vì vậy nên phối hợp các biện pháp này với sử dụng thuốc Tây để tăng hiệu quả, kiểm soát triệu chứng hoàn toàn và rút ngắn thời gian điều trị.

4. Chữa viêm mũi dị ứng bằng thuốc Nam

Thuốc Nam là các loại thảo dược tự nhiên có đặc tính dược lý, thường được nhân dân tận dụng để điều trị và phòng ngừa các chứng bệnh thường gặp. Đối với bệnh viêm mũi dị ứng, thuốc Nam có khả năng giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, hỗ trợ phòng ngừa bội nhiễm và tăng tốc độ phục hồi niêm mạc hô hấp.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Xông hơi với gừng có tác dụng loại bỏ dị nguyên, thông mũi họng, giảm nghẹt mũi và hắt hơi

Giảm viêm mũi dị ứng bằng cách xông gừng: Gừng không chỉ là loại gia vị đơn thuần mà còn được sử dụng để làm điều trị các chứng bệnh hô hấp và tiêu hóa. Hoạt chất Zingerol và Gingerol trong thảo dược này có tác dụng chống viêm, giảm phù nề cổ họng và niêm mạc mũi. Ngoài ra, tinh dầu từ gừng còn giúp ức chế virus, nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn có hại.

Vì vậy, bạn có thể xông hơi với gừng tươi để làm sạch dịch tiết ứ đọng trong khoang mũi, loại bỏ tác nhân gây dị ứng tích tụ ở niêm mạc hô hấp và hỗ trợ ngăn ngừa viêm mũi dị ứng bội nhiễm.

Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi: Hoạt chất Allicin trong tỏi có khả năng ức chế vi khuẩn và virus mạnh. Ngoài ra, dịch chiết từ thảo dược này còn giúp kháng viêm, làm loãng dịch tiết hô hấp và kháng dị ứng. Nhân dân thường xông mũi với tỏi hoặc dùng tỏi ngâm mật ong để cải thiện các bệnh lý hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng và viêm amidan.

Dùng lá bạc hà trị viêm mũi dị ứng: Bạc hà chứa tinh dầu the mát (menthol) có tác dụng giảm viêm, thông mũi và cải thiện tình trạng ngứa mũi. Bên cạnh đó, thảo dược này còn có hiệu quả ức chế virus, vi khuẩn và giảm buồn nôn, khó chịu. Để cải thiện bệnh viêm mũi dị ứng, bạn có thể dùng nước bạc hà sắc hoặc xông mũi với lá bạc hà tươi.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số mẹo dân gian như dùng hoa ngũ sắc, bèo cái tươi, hạt gấc, cây giao, lá xuyến chi,… để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, cần xem xét mức độ an toàn của mẹo chữa dân gian trước khi áp dụng.

5. Điều trị viêm mũi dị ứng bằng Đông y

Theo Đông y, viêm mũi dị ứng thuộc phạm vi chứng “tỵ trất”. Bệnh khởi phát do công năng tạng phủ (thận, phế và tỳ) bị rối loạn khiến tà khí và phong hàn dễ dàng xâm nhập dẫn đến thể trạng suy yếu, phế khí hư nhiệt mà sinh ra bệnh.

Bài thuốc Đông y chữa viêm mũi dị ứng không chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng mà còn hỗ trợ bổ phế, tỳ, thận, tán hàn, tăng cường khí huyết và nâng cao sức khỏe tổng thể. Tương tự thuốc Tây, thầy thuốc có thể hiệu chỉnh liều lượng và gia giảm dược liệu tùy vào mức độ đáp ứng và triệu chứng lâm sàng ở từng thể bệnh.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Điều trị viêm mũi dị ứng bằng Đông y thích hợp với trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình

Một số bài thuốc Đông y chữa viêm mũi dị ứng thường được áp dụng:

  • Bài thuốc 1: Dùng tang bạch bì 10g, ké đầu ngựa, hoài sơn, xuyên khung mỗi thứ 16g, quế chi 8g, cam thảo và sinh khương mỗi thứ 4g, tế tân 6g, bạch chỉ và bạch truật mỗi thứ 12g. Ngày sắc 1 thang, chia đều 3 lần uống và sử dụng sau khi ăn khoảng 1 giờ. Bài thuốc này thích hợp với người bị viêm mũi dị ứng cấp.
  • Bài thuốc 2: Sử dụng cát cánh, bạch chỉ, cam thảo và bạc hà mỗi thứ 6g, tân di 8g, hạ khô thảo 12g. Nếu bệnh do phong hàn, thêm kinh giới 12g, khương hoạt và phòng phong mỗi thứ 8g, giảm hạ khô thảo. Nếu do phong nhiệt, thêm tang bạch bì và hoàng cầm mỗi thứ 12g. Đem sắc uống ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống và dùng sau khi ăn 1 giờ.
  • Bài thuốc 3: Dùng ké đầu ngựa 10g, bèo cái tía 30g và kim ngân hoa 20g. Rửa sạch dược liệu, đem sắc với 300ml đến khi còn 150ml thì tắt bếp. Chia đều thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
  • Bài thuốc 4: Sử dụng hành 90g, bạch chỉ 6g, tân di 60g và ké đầu ngựa 12g. Đem dược liệu rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô và đem tán thành bột mịn. Sau đó hòa với 1 ít bột lô cam thạch, bột băng phiến và thạch cao. Vào buối trưa và tối trước khi đi ngủ, rửa mũi với nước muối sinh lý rồi dùng bông gòn thấm bột thuốc thoa vào lỗ mũi.
  • Bài thuốc 5: Chuẩn bị 2 quả trứng gà và tân di 15g. Cho tân di đun sôi với 2 bát nước đến khi còn 1 bát thì cho trứng gà đã được luộc chín, bóc vỏ và chích 10 lỗ xung quanh đun sôi với nước sắc tân di. Sau đó ăn cái và uống hết nước sắc.

Điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc Đông y giúp điều hòa cơ thể, bổ phế, tỳ, thận và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên so với thuốc Tây, thuốc Đông y cho hiệu quả hạn chế và tác dụng tương đối chậm. Vì vậy, biện pháp này chỉ được thực hiện trong trường hợp viêm mũi dị ứng có mức độ nhẹ đến trung bình. Nếu bệnh nặng hoặc đã xuất hiện hiện tượng bội nhiễm, nên điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

6. Phẫu thuật trị viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng mãn tính có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn, viêm tai giữa và viêm xoang cấp/ mãn tính. Bên cạnh đó, hiện tượng sung huyết mũi kéo dài còn có thể gây polyp mũi.

Polyp xuất hiện ở niêm mạc mũi gây gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch tiết hô hấp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp ngoại khoa để loại bỏ polyp và đảm bảo quá trình dẫn lưu dịch tiết giữa mô xoang – mũi.

Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể được thực hiện đối với trường hợp viêm mũi dị ứng có cuốn mũi phì đại, vẹo vách ngăn mũi hoặc gai vách ngăn mũi.

Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật như:

  • Cắt cuốn dưới bán phần
  • Cắt cuốn mũi toàn phần
  • Cắt xương cuốn dưới niêm mạc
  • Đốt đông điện hoặc hóa đông lạnh
  • Tiêm chất xơ hóa
  • Đốt cuốn bằng tia laser
  • Sử dụng nito hóa lỏng
  • Chỉnh hình cuốn mũi

Như đã đề cập, viêm mũi dị ứng là bệnh có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và rất khó để điều trị hoàn toàn. Vì vậy, bác sĩ chỉ yêu cầu thực hiện phẫu thuật trong trường hợp cần thiết. Bởi biện pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như chảy máu sau mổ, nhiễm trùng, vảy mũi và tổn thương niêm mạc không hồi phục.

Lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý lành tính và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên do tính chất mãn tính, dễ tái phát và khó điều trị nên bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, chất lượng giấc ngủ và cuộc sống.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Nên giữ vệ sinh răng miệng để hạn chế biến chứng của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính

Hiện nay, các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng đều cho kết quả hạn chế và hầu như không thể chữa trị bệnh hoàn toàn. Vì vậy trong quá trình điều trị, nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Hệ miễn dịch suy yếu là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý có cơ chế miễn dịch bùng phát mạnh. Do đó bên cạnh các phương pháp điều trị, nên ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý để cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao khả năng miễn dịch.
  • Giữ vệ sinh răng miệng và tai nhằm hạn chế biến chứng viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang và viêm amidan do viêm mũi dị ứng kéo dài.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và giặt giũ mền gối 3 tháng/ lần.
  • Trong trường hợp viêm mũi dị ứng có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp (tiếp xúc với hóa chất, bụi vải, keo dán,…), nên cân nhắc thay đổi công việc nếu có thể.
  • Tuyệt đối không lạm dụng thuốc – đặc biệt là thuốc xịt có tác dụng co mạch và thuốc chứa corticoid. Các loại thuốc này có hiệu quả nhanh và rõ rệt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nguy hiểm.
  • Không tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa tham vấn y khoa.
  • Đối với các trường hợp bị viêm mũi dị ứng do cấu trúc mũi bất thường, nên điều trị bảo tồn trước khi phẫu thuật. Bởi trên thực tế, can thiệp phẫu thuật chỉ cải thiện được 30 – 60% triệu chứng của viêm mũi dị ứng nhưng có nhiều rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện.

Bài viết đã tổng hợp một số cách điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá tình trạng bệnh lý và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Tự ý điều trị khi chưa tham vấn y khoa thường cho kết quả hạn chế hoặc thậm chí gây ra một số tác dụng không mong muốn.

Tham khảo thêm: Viêm xoang mũi dị ứng: Cách nhận biết & chữa trị