Gentrisone là thuốc gì, có tốt không? Cần thận trọng gì khi sử dụng?

Gentrisone là thuốc bôi điều trị các bệnh dị ứng và viêm da có đáp ứng với corticosteroid. Hoặc điều trị nhiễm trùng bề mặt da, bệnh da liễu.

Vậy Gentrisone có tốt không? Thành phần, công dụng, cách dùng, giá bán ra sao? Cần thận trọng gì khi sử dụng? Hãy cùng bài viết tìm hiểu những thông tin đầy đủ hơn về thuốc nhé.

gentrisone là thuốc gì
Gentrisone là thuốc gì?

Gentrisone là thuốc gì?

Gentrisone là thuốc bôi ngoài da của Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong – Việt Nam. Thuốc được sử dụng để các bệnh da liễu cấp – mãn tính thường gặp có đáp ứng với corticosteroid. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng bề mặt da do vi khuẩn hoặc nấm men.

Đây là một trong những loại thuốc điều trị bệnh da liễu được sử dụng phổ biến. Thuốc có bán tại hầu hết các nhà thuốc tư nhân trên toàn quốc và có thể sử dụng mà không cần kê toa.

Một số thông tin cần biết về thuốc bôi Gentrisone:

  • Tên thuốc: Gentrisone
  • Phân nhóm: Thuốc điều trị bệnh da liễu
  • Thành phần: Betamethasone, Clotrimazol và Gentamicin
  • Dạng bào chế: Kem bôi ngoài da
  • Quy cách: Tuýp 10g và 20g
  • Nhà sản xuất: Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo

Thành phần của thuốc bôi da Gentrisone

Các thành phần chính của thuốc bôi da Gentrisone:

  • Betamethasone dipropionate (6.4mg và 12.8mg tương ứng với tuýp 10g và 20g): Betamethasone là một loại corticosteroid hóa tổng hợp có tác dụng giảm ngứa và kháng viêm. Hoạt chất này có khả năng hấp thu qua da – đặc biệt là khi sử dụng lên vùng da hở hoặc băng kín da sau khi thoa thuốc.
  • Clotrimazol (100mg và 200mg tương ứng với tuýp 10g và 20g): Clotrimazol là dẫn xuất của imidazol có tác dụng kháng các loại nấm men, nấm mốc và nấm da bằng cách ngăn chặn tổng hợp ergosterol khiến màng tế bào của nấm bị suy yếu về cấu trúc và chức năng. Do đó, vi nấm không thể tiếp tục phân chia và phát triển. Clotrimazol có thể được hấp thu qua da nhưng nồng độ không đáng kể và hầu như không gây ra các triệu chứng toàn thân.
  • Gentamicin (10mg và 20mg tương ứng với tuýp 10g và 20g): Gentamicin là hoạt chất kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid. Hoạt chất này có phổ kháng khuẩn rộng, nhạy cảm với cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Gentamicin có khả năng hấp thu qua da và có thể gây ra triệu chứng toàn thân – đặc biệt là khi sử dụng lên vùng da có vết thương, bỏng và bong tróc.

Ngoài ra, thuốc còn chứa một số thành phần tá dược như methyl paraben, dầu khoáng nhẹ, propyl paraben, nước tinh khiết, cetanol, propylene plycol, stearyl alcohol,…

Thuốc bôi Gentrisone có tác dụng gì?

Thuốc bôi Gentrisone chứa hoạt chất chống viêm – kháng dị ứng, hoạt chất kháng nấm và kháng khuẩn. Do đó, thuốc được sử dụng để điều trị nhiều bệnh da liễu thường gặp như:

Thuốc Gentrisone giá bao nhiêu
Thuốc Gentrisone có tác dụng giảm viêm và ngứa do các bệnh viêm da đáp ứng corticoid
  • Thuốc có tác dụng giảm ngứa ngáy và cải thiện hiện tượng viêm của các bệnh viêm da và dị ứng có tổn thương ngoài da đáp ứng với corticosteroid như mề đay, viêm da bong vảy, bệnh chàm cấp – mãn tính, bệnh vảy nến, viêm da tiết bã nhờn, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc,…
  • Thuốc còn giúp giảm ngứa và viêm đỏ do vết bỏng nhẹ, vết đốt do côn trùng, ngứa âm hộ và hậu môn
  • Điều trị nhiễm trùng bề mặt da do các vi khuẩn nhạy cảm với Gentamicin và Clotrimazol
  • Điều trị các loại bệnh da liễu do nấm Malassezia furfur, Candida albicans, Epidermophyton floccosum,… như nấm thân (hắc lào, lác), lang ben, nấm bàn chân và một số tổn thương da do chủng nấm nhạy cảm

Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc bôi Gentrisone trong những trường hợp sau:

  • Loét da và bỏng từ độ 2 trở lên (do tăng hấp thu các hoạt chất trong thuốc và có thể gây phản ứng toàn thân)
  • Bệnh cước (là bệnh da liễu khởi phát vào cuối đông đầu xuân với biểu hiện là mảng da hoặc các nốt mềm có màu tím hoặc đỏ do phản ứng với nhiệt độ lạnh)
  • Viêm da chàm hóa ở ống tai ngoài có kèm thủng màng nhĩ
  • Lao da, giang mai, ban đậu bò, herpes zoster và herpes simplex
  • Quá mẫn với các loại kháng sinh thuộc nhóm aminoglycoside như Neomycin, Gentamicin, Kanamycin, Streptomycin,…) hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc

Hướng dẫn sử dụng thuốc Gentrisone điều trị chàm sữa

Thuốc Gentrisone được sử dụng trực tiếp lên vùng da cần điều trị.

Thuốc Gentrisone có dùng được cho trẻ sơ sinh
Cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi sử dụng thuốc Gentrisone trị chàm sữa, hắc lào

Hướng dẫn sử dụng:

  • Làm sạch tay với xà phòng, lau khô và làm sạch vùng da cần điều trị với nước muối sinh lý
  • Sử dụng một lượng kem vừa đủ thoa lên vùng da cần điều trị
  • Đợi cho kem thấm và khô hoàn toàn trước khi mặc quần áo
  • Tuyệt đối không băng kín da – nhất là trên những vùng da hở vì có thể làm tăng mức độ hấp thu thuốc và gây ra triệu chứng toàn thân
  • Sử dụng 1 hoặc vài lần/ ngày

Sau khi dùng thuốc, nên vệ sinh tay sạch với xà phòng và lau khô (trừ trường hợp cần điều trị ở vùng da tay) để tránh thuốc dây vào mắt và miệng. Mặc dù là thuốc bôi ngoài da nhưng Gentrisone có khả năng hấp thu và gây ra phản ứng toàn thân. Do đó, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc sử dụng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất.

Lưu ý khi dùng thuốc bôi Gentrisone trị lang ben, nấm da

Thuốc Gentrisone được sử dụng để điều trị nhiều bệnh da liễu như chàm, viêm da tiết bã, lang ben, nấm da, nhiễm trùng bề mặt do vi khuẩn nhạy cảm,… Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng ngoại ý nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức.

1. Thận trọng

Gentrisone là thuốc điều trị, không phải là sản phẩm hỗ trợ. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Trong trường hợp viêm da cấp và mãn tính có bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, cần sử dụng phối hợp với thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh đường uống. Chỉ sử dụng thuốc Gentrisone có thể tăng nguy cơ kháng thuốc và khiến nhiễm trùng tiến triển nặng hơn.

Hoạt chất Gentamicin và Betamethason trong thuốc có khả năng hấp thu qua da và gây ra phản ứng toàn thân. Do đó ngoại trừ trường hợp có chỉ định từ bác sĩ, cần tránh sử dụng thuốc trên diện rộng, băng kín vùng da thoa thuốc và sử dụng dài ngày. Dùng thuốc Gentrisone trong thời gian dài có thể gây ra độc tính cục bộ hoặc toàn thân (đục thủy tinh thể, hội chứng Cushing).

Mức độ hấp thu của thuốc tăng lên đáng kể khi sử dụng ở những vùng da mỏng như mặt và vùng da có nếp gấp. Trong trường hợp này, chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn và dùng tối đa trong 5 ngày đối với trẻ nhỏ.

Gentrisone có dùng được cho phụ nữ cho con bú
Hạn chế sử dụng thuốc lên vùng da mang tã vì có thể gây ra hiệu lực tương tự như băng kín thuốc

Hạn chế sử dụng thuốc ở vùng da mang tã vì có thể gây ra hiệu ứng tương tự việc băng kín thuốc, dẫn đến tăng lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể và gây ức chế tuyến thượng thận. Hơn nữa, làn da của trẻ mỏng và nhạy cảm nên có khả năng hấp thu thuốc cao hơn so với da của người lớn. Vì vậy để đảm bảo an toàn, chỉ sử dụng thuốc cho con trẻ khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi điều trị vảy nến, thuốc Gentrisone và các loại thuốc corticosteroid tại chỗ có thể gây ra phản ứng ngược dẫn đến độc tính toàn thân, phát triển thành vảy nến thể mủ và làm suy giảm chức năng đề kháng của da.

Chưa có đầy đủ nghiên cứu về lợi ích và rủi ro của thuốc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, cần thận trọng khi sử dụng thuốc đối với người bị suy thận, viêm loét dạ dày, suy gan, loạn tâm thần, loãng xương, thiểu năng tuyến giáp, động kinh, nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,…

2. Tác dụng không mong muốn

Thuốc Gentrisone có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng. Tần suất và mức độ của tác dụng ngoại ý phụ thuộc vào liều lượng, phạm vi vùng da cần điều trị, tần suất và thời gian sử dụng thuốc.

Các tác dụng phụ thường gặp:

  • Bội nhiễm nấm và vi khuẩn do corticosteroid ức chế khả năng miễn dịch của da
  • Nổi phát ban, kích thích (nên ngưng thuốc)

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài, băng đắp vùng da dùng thuốc hoặc dùng thuốc trên vùng da rộng có thể gây ra một số tác dụng phụ (chủ yếu do Betamethasone) như sưng phồng, mụn trứng cá, nổi mụn nước, mỏng da, teo biểu bì,…
  • Trường hợp hấp thu nồng độ thuốc cao có thể gây ra các triệu chứng toàn thân như hội chứng Cushing, ức chế tuyến thượng thận, giữ natri và nước, mất kali, rối loạn kinh nguyệt, yếu cơ, mất khối lượng cơ, ức chế tăng trưởng thai trong tử cung, loãng xương và hình thành ổ áp xe vô khuẩn.

Thông báo với bác sĩ chuyên khoa các tác dụng không mong muốn gặp phải trong thời gian sử dụng thuốc.

3. Tương tác thuốc

Chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc khi sử dụng ở ngoài da. Tuy nhiên khi được hấp thu vào máu, các hoạt chất trong thuốc Gentrisone có thể tương tác với:

Có bầu có bôi được gentrisone
Thuốc có thể hấp thu vào máu và tương tác với Paracetamol, Estrogen, Rifampicin,…

Betamethasone:

  • Paracetamol: Làm tăng độc tính lên gan và gây nhiễm độc gan
  • Thuốc insulin và thuốc điều trị tiểu đường (dạng uống): Có thể tăng hiệu quả hạ đường huyết nên cần điều chỉnh liều nếu sử dụng phối hợp.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Nhóm thuốc này làm tăng rối loạn tâm thần do Betamethasone và các corticosteroid khác.
  • Glycosid digitalis: Sử dụng đồng thời với thuốc Gentrisone có thể gây loạn nhịp tim, tăng độc tính của digitalis và làm hạ nồng độ kali trong máu
  • Ephedin, Rifampicin, Phenytoin và Phenobarbital: Hiệu quả của các loại thuốc này có thể giảm khi sử dụng cùng với Betamethason, đồng thời làm tăng chuyển hóa Betamethason và các corticosteroid khác.
  • Rượu và thuốc chống viêm không steroid: Làm tăng tác dụng phụ lên thực quản, tá tràng, dạ dày và tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
  • Estrogen: Estrogen làm giảm tốc độ thải trừ Betamethason dẫn đến tăng tác dụng điều trị và tăng độc tính đối với cơ thể
  • Coumarin: Betamethason làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông máu của loại thuốc này.

Clotrimazol:

  • Tacrolimus: Sử dụng đồng thời làm tăng nồng độ Tacrolimus – đặc biệt là người bệnh thực hiện cấy ghép gan. Do đó trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ giảm liều lượng để đảm bảo an toàn.

4. Quá liều và cách xử trí

Quá liều thuốc Gentrisone chỉ xảy ra khi lỡ nuốt phải thuốc. Trong trường hợp này, cần đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời. Điều trị quá liều thuốc Gentrisone chủ yếu là kiểm soát triệu chứng và áp dụng các biện pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên nếu xuất hiện các triệu chứng rõ ràng như ói mửa, buồn nôn, chóng mặt, bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày để giảm mức độ hấp thu thuốc.

Thuốc Gentrisone có tốt không? Giá bao nhiêu?

Gentrisone là thuốc điều trị các bệnh da liễu thường gặp như nhiễm trùng bề mặt da do vi khuẩn nhạy cảm, nấm bẹn, hắc lào, lang ben, chàm cấp – mãn tính, viêm da tiết bã nhờn, nổi mề đay, sẩn đỏ do côn trùng cắn,… Với công thức kết hợp giữa hoạt chất chống viêm – kháng dị ứng, hoạt chất kháng nấm và kháng sinh, thuốc có khả năng ức chế tác nhân gây tổn thương da, giảm viêm, ngứa ngáy và cải thiện một số triệu chứng đi kèm.

Vì là thuốc điều trị nên Gentrisone cho hiệu quả tương đối đồng nhất và hầu như không phụ thuộc vào cơ địa như các sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng trong trường hợp bỏng nhẹ và tổn thương có phạm vi nhỏ. Nếu da bị bỏng từ độ 2 trở đi, phạm vi tổn thương rộng và bị bội nhiễm nấm, vi khuẩn, cần trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc khác.

Kem bôi da Gentrisone có giá bán 25.000 đồng/ tuýp 10g và 40.000 đồng/ tuýp 20g. Hiện tại, thuốc có bán tại hầu hết các nhà thuốc tư nhân trên toàn quốc.

Một số câu hỏi liên quan đến thuốc bôi da Gentrisone

Có bầu có bôi được gentrisone
Phụ nữ mang thai có sử dụng thuốc bôi Gentrisone được không?

1. Thuốc Gentrisone có dùng được cho bà bầu, phụ nữ cho con bú không?

Hiện tại vẫn chưa có đủ dữ liệu chứng minh thuốc an toàn đối với phụ nữ mang thai và người đang cho con bú. Chính vì vậy nếu có ý định sử dụng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

2. Thuốc Gentrisone có dùng được cho trẻ sơ sinh không?

Thuốc Gentrisone có thể dùng để điều trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên thuốc có thể hấp thu qua da và gây ra phản ứng toàn thân. Do đó, phụ huynh chỉ nên sử dụng cho trẻ khi đã hỏi ý kiến bác sĩ và cần sử dụng đúng liều lượng, thời gian được chỉ định để hạn chế các tác dụng phụ và tình huống rủi ro.

3. Thuốc Gentrisone có bôi được cho vùng kín không?

Một số bệnh da liễu như chàm và nấm bẹn có thể xuất hiện ở vùng kín. Theo thông tin từ nhà sản xuất, thuốc Gentrisone có thể dùng cho vùng hậu môn, âm hộ nhưng không được sử dụng đối với âm đạo. Do đó, bạn có thể sử dụng thuốc cho vùng kín nhưng cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng.

4. Thuốc Gentrisone có trị mụn được không?

Thực tế, các hoạt chất trong thuốc Gentrisone có khả năng điều trị mụn. Trong đó, Betamethason giúp giảm viêm và chống ngứa. Clotrimazol và Gentamicin có tác dụng ức chế nấm men có hại và vi khuẩn gram dương P. acnes (nguyên nhân gây mụn trứng cá).

Tuy nhiên, thuốc Gentrisone không được khuyến khích sử dụng trong điều trị mụn vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và các tình huống rủi ro. Vì vậy, bạn nên sử dụng kem trị mụn chuyên dụng để cải thiện tình trạng da.

Bài viết đã tổng hợp các thông tin cơ bản về thuốc bôi Gentrisone điều trị chàm sữa, nấm da và hắc lào. Nếu có ý định sử dụng thuốc, vui lòng đọc kỹ hướng dẫn hoặc tham khảo ý kiến dược sĩ/ bác sĩ trước khi dùng.