Công dụng + Cách dùng lá lốt chữa viêm mũi dị ứng

Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về công dụng và cách dùng lá lốt chữa viêm mũi dị ứng tại nhà.

Chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt là mẹo chữa từ dân gian có cách thực hiện khá đơn giản và tương đối an toàn. Dùng nước sắc, các món ăn và xông hơi với thảo dược này có thể giảm ngứa mũi, nghẹt mũi, tăng dẫn lưu dịch tiết hô hấp và hỗ trợ giảm nguy cơ lạm dụng thuốc tây.

lá lốt chữa viêm mũi dị ứng
Có nên dùng lá lốt chữa viêm mũi dị ứng?

Tìm hiểu tác dụng chữa viêm mũi dị ứng của lá lốt

Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị sưng viêm do dị ứng với thời tiết, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất, khói thuốc lá, mạt bụi, nấm mốc,… Bệnh lý này có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng, cải thiện chức năng hô hấp và hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lạm dụng các loại thuốc này quá mức có thể gây tổn thương, kích ứng niêm mạc mũi và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy, tận dụng các cây thuốc nam – chẳng hạn như lá lốt được khá nhiều người lựa chọn.

Lá lốt là loại rau ăn phổ biến đối với người Việt. Ngoài ra, thảo dược này còn được sử dụng như một vị thuốc tự nhiên. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, lá lốt có mùi thơm nồng, hơi cay, tính ấm, tác dụng làm ấm bụng, tán phong hàn và chống phong thấp.

Khác với Tây y, Đông y cho rằng viêm mũi dị ứng (chứng tỵ uyên) xảy ra do phong hàn và tà khí xâm nhập khiến công năng của phế, tỳ và thận bị rối loạn mà gây nên bệnh. Chính vì vậy, lá lốt được sử dụng để tán phong hàn, điều hòa công năng của các tạng va giảm triệu chứng do viêm mũi dị ứng gây ra.

Theo các nghiên cứu từ y học hiện đại, tinh dầu từ lá lốt có khả năng chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Vì vậy, sử dụng thảo dược này có thể giảm hiện tượng viêm ở niêm mạc mũi và hạn chế được nguy cơ bội nhiễm do viêm mũi dị ứng kéo dài. Ngoài ra, lá lốt còn được chứng minh có hiệu quả ức chế một số loại nấm men và virus thường gây bệnh ở người.

Mẹo chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt có thể giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu (nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi,…), hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết hô hấp và phòng ngừa bội nhiễm. Áp dụng mẹo chữa này thường xuyên có thể giảm thiểu tần suất sử dụng thuốc và hạn chế nguy cơ lạm dụng đáng kể.

Cách dùng lá lốt trị viêm mũi dị ứng đơn giản

Có khá nhiều cách dùng lá lốt trị viêm mũi dị ứng như dùng nước sắc lá lốt, xông mũi bằng lá lốt tươi hoặc sử dụng các món ăn từ thảo dược này. Theo dân gian, nên phối hợp cả mẹo chữa bên trong lẫn bên ngoài để tác động toàn diện đến tiến triển của bệnh và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.

1. Xông lá lốt giảm viêm mũi dị ứng

Xông lá lốt là mẹo giảm viêm mũi dị ứng và viêm xoang khá phổ biến. Biện pháp này giúp đẩy hơi nước vào bên trong niêm mạc, làm dịu hiện tượng viêm, kích ứng và thúc đẩy quá trình dẫn lưu dịch tiết hô hấp. Hơn nữa, hơi nước mang tinh dầu từ lá lốt còn giúp giảm ngứa, ức chế virus, vi khuẩn và nấm men gây bệnh. Bên cạnh đó, tinh dầu từ thảo dược này còn đem lại cảm giác thư thái, thoải mái và dễ chịu.

Ngoài tác dụng cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, bạn cũng có thể xông mũi với lá lốt khi thời tiết chuyển lạnh để bảo vệ cơ quan hô hấp và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp như viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản,…

chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt
Xông mũi bằng lá lốt giúp giảm nghẹt mũi, tăng dẫn lưu dịch tiết và hỗ trợ loại bỏ dị nguyên

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi và 1 ít muối hạt
  • Rửa sạch lá lốt và để ráo nước
  • Đun sôi 1 lít nước và cho lá lốt vò xát vào
  • Đun thêm 5 phút thì tắt bếp
  • Cho muối hạt vào khuấy đều và đổ ra thau
  • Sau đó xông hơi từ 10 – 15 phút

Sau khi xông, nên xì mũi để loại bỏ dịch tiết hô hấp cùng với dị nguyên, virus, nấm men và vi khuẩn. Tuy nhiên, chỉ nên xì mũi nhẹ nhàng, tránh thao tác quá mạnh vì có thể gây kích ứng và đỏ niêm mạc mũi.

2. Dùng nước sắc từ lá lốt

Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng bằng nước sắc từ lá lốt. Cách chữa này không tác động trực tiếp đến vùng mũi nên cho hiệu quả chậm hơn so với mẹo xông hơi. Tuy nhiên, nước sắc lá lốt có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm tình trạng mệt mỏi, chán ăn và tán phong hàn xâm nhập (gió lạnh).

Theo ghi chép từ y học cổ truyền, mẹo chữa này thích hợp với người bị viêm mũi dị ứng vào thời tiết chuyển lạnh hoặc sau khi gặp mưa, gió lạnh. Ngoài tác dụng hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng, nước sắc lá lốt còn giúp làm ấm cơ thể, giảm ho, ứ đờm và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh hô hấp trên.

chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt
Nước sắc từ lá lốt có tác dụng làm ấm cơ thể, tán phong hàn và giảm nhẹ triệu chứng khó chịu

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 10 – 20g lá lốt tươi
  • Rửa sạch và vò xát
  • Sau đó đun sôi 400ml nước và cho dược liệu vào
  • Đun thêm 5 phút rồi tắt bếp
  • Dùng nước lá lốt uống khi còn ấm, nên chia đều thành 2 lần uống và sử dụng hết trong ngày

3. Thuốc nhỏ mũi từ lá lốt

Thuốc nhỏ mũi từ lá lốt có tác dụng chống viêm, giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa bội nhiễm. Tuy nhiên khi thực hiện mẹo chữa này, cần đảm bảo rửa sạch dược liệu và vô trùng tay, dụng cụ sử dụng để tránh tình trạng viêm nhiễm niêm mạc mũi và cơ quan hô hấp trên.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 4 – 5 lá lốt tươi, rửa sạch và để ráo
  • Giã lấy nước và hòa với 50ml nước muối sinh lý
  • Dùng tăm bông thấm nước nhỏ mũi và lau nhẹ nhàng vào khoang mũi
  • Thực hiện tương tự với bên còn lại

4. Chữa viêm mũi dị ứng bằng món ăn từ lá lốt

Bên cạnh các mẹo chữa trên, bạn cũng có thể giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng bằng các món ăn từ lá lốt. Ngoài tác dụng tán phong hàn, lá lốt còn có đặc tính hành khí và kích thích tiêu hóa. Hơn nữa, các thành phần dinh dưỡng có trong thảo dược này tương đối dồi dào giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, giảm mệt mỏi và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.

cách chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt
Các món ăn từ lá lốt không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng
  • Bò nướng lá lốt áp chảo: Chuẩn bị 20g lá lốt tươi, 150g thịt bò, ớt băm nhuyễn, sả, đậu phộng rang và gia vị. Thịt bò băm nhuyễn và ướp với gia vị, sa và ớt băm. Sau đó dùng lá lốt cuộn thịt bò và cố định bằng tăm. Cho dầu vào chảo rồi xếp lá lốt cuộn thịt bò vào đến khi chín là được. Cho tất cả ra dĩa và thêm đậu phộng ở bên trên.
  • Canh lá lốt thịt viên: Dùng ¼ củ cà rốt, 200g thịt heo xay, 1 nắm lá lốt, 1 củ hành hương, tỏi và gia vị. Đem lá lốt thái sợi, cà rốt cắt thành miếng vừa ăn, hành và tỏi băm nhỏ. Sau đó cho thịt vào tô, ướp với gia vị, hạt tiêu và hành. Cho một ít dầu ăn vào nồi rồi phi thêm hành tỏi, xào sơ cà rốt cho ngấm rồi cho nước vào đun sôi. Múc từng thìa thịt đã ướp vào nồi đến khi thịt chín thì tắt bếp, cho lá lốt vào và nêm nếm vừa ăn.
  • Cháo lá lốt trứng gà: Chuẩn bị 20g lá lốt tươi, 1 quả trứng gà ta, 50g gạo tẻ và gia vị. Vo gạo và nấu thành cháo. Đến khi cháo chín thì đập trứng gà và cho lá lốt xắt sợi vào. Sau đó nêm nếm gia vị và ăn khi cháo còn nóng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các món ăn khác từ lá lốt để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, các món ăn từ thảo dược này còn tốt cho người bị tiêu chảy, ăn uống kém, đầy hơi và chướng bụng.

Lưu ý khi chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt

Chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt là mẹo chữa đơn giản, khá an toàn và dễ thực hiện. Mẹo chữa này có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa bội nhiễm và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.

cách chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt
Bên cạnh mẹo chữa từ lá lốt, nên rửa mũi thường xuyên, ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý

Tuy nhiên khi áp dụng mẹo chữa từ lá lốt, cần chú ý một số thông tin sau:

  • Dùng lá lốt chữa viêm mũi dị ứng là mẹo hỗ trợ chỉ có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, mệt mỏi, ngứa mũi, hắt hơi,… Vì vậy trong trường hợp cần thiết, nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi sử dụng lá lốt, cần ngâm rửa thảo dược với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, ký sinh trùng và làm sạch xác động vật.
  • Bên cạnh mẹo chữa từ lá lốt, nên rửa mũi với nước muối sinh lý, uống nhiều nước, dùng máy tạo độ ẩm và đeo khẩu trang khi ra ngoài để hỗ trợ quá trình điều trị và hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.
  • Lá lốt có tính nóng nên hạn chế sử dụng quá nhiều. Chỉ dùng dược liệu với liều lượng phù hợp và cần tránh dùng cho người bị nhiệt miệng, táo bón.
  • Viêm mũi dị ứng là bệnh lý liên quan đến yếu tố cơ địa nên hầu như không thể điều trị hoàn toàn. Để kiểm soát bệnh lý này, nên phối hợp các biện pháp cải thiện và chủ động thực hiện trong việc phòng ngừa tái phát.
  • Nên ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng trong thời gian điều trị.

Sử dụng lá lốt chữa viêm mũi dị ứng là mẹo chữa có nguồn gốc từ dân gian. Áp dụng mẹo chữa này đều đặn và đúng cách có thể giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, hỗ trợ phòng ngừa bội nhiễm và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, các mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên thường có hiệu quả hạn chế. Vì vậy, bạn nên phối hợp với sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách để kiểm soát hoàn toàn bệnh lý này.