Lang ben ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị mẹ nên biết

Lang ben ở trẻ sơ sinh khiến trẻ bị ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu. Hơn nữa, bệnh lý này rất dễ tái phát và khó điều trị. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này để bảo vệ con cái tốt hơn.

Bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh là gì?

Lang ben ở trẻ sơ sinh là tình trạng da trẻ bị nấm Pityrosporum Ovale xâm nhập và tấn công. Loài nấm ngoài da này thường sống trong các lỗ chân lông, dễ dàng lây lan và phát triển mạnh mẽ trong môi trường ẩm ướt hoặc khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Khi sinh sôi nảy nở quá mức, chúng sẽ hình thành những mảng da màu sắc không đồng đều, khiến trẻ sơ sinh ngứa ngáy khó chịu, đặc biệt là khi đổ mồ hôi. 

Bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh là gì?
Lang ben ở trẻ sơ sinh là tình trạng da trẻ bị nấm Pityrosporum Ovale xâm nhập và tấn công.

Tuy vấn đề da liễu này không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây tổn thương da, từ đó dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, quá trình điều trị lang ben sẽ kéo dài và khó khăn hơn nếu bé có làn da nhạy cảm.

Nguyên nhân gây ra bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh

Vì hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, không đủ khả năng chống lại các yếu tố gây hại từ môi trường xung quanh nên trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ mắc lang ben. Cha mẹ cần lưu ý một số nguyên nhân phổ biến của bệnh lý này, bao gồm:

  • Thời tiết: Môi trường ẩm ướt và khí hậu nóng ẩm chính là cơ hội thuận lợi để các vi nấm sinh trưởng nhanh chóng và tấn công cơ thể. Vì sức đề kháng của trẻ còn rất yếu nên loại nấm này dễ dàng xâm nhập rồi gây bệnh.
  • Trẻ được vệ sinh không đúng cách: Những thói quen xấu của phụ huynh trong việc vệ sinh trẻ (ít tắm rửa, lười thay tã, không lau khô người bé sau khi tắm và trước khi mặc quần áo…) có thể khiến trẻ bị bệnh lang ben.
  • Mặc quần áo quá nhiều hoặc quá chật: Điều này thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi và bã nhờn ở trẻ, nhất là khu vực cổ, lưng, nách, bẹn… Nếu không được lau mồ hôi thường xuyên, làn da của trẻ sẽ trở nên ẩm ướt. Các vi nấm lợi dụng điều kiện này sinh sôi và gây bệnh. 
  • Yếu tố cơ địa: Một số bé bẩm sinh đã có làn da nhạy cảm hoặc tiết nhiều chất nhờn. Bên cạnh đó, sự thay đổi của nội tiết tố có thể khiến trẻ mắc bệnh lang ben. Ngoài ra, việc cho bé phơi nắng quá nhiều cũng tạo điều kiện để vi nấm lợi dụng tấn công.
  • Hệ miễn dịch yếu, chưa kịp hoàn thiện 
Nguyên nhân gây ra bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh
Hệ miễn dịch yếu, chưa kịp hoàn thiện là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh.

Dấu hiệu nhận biết của bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh

Bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh cũng diễn tiến tương tự như ở người lớn. Sau khi xâm nhập vào các tế bào da, vi nấm bắt đầu sinh sôi mạnh mẽ, từ đó tạo ra nhiều đốm trắng trên da của trẻ. Khi để ý quan sát, các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng phát hiện bệnh ngay. Dưới đây là những triệu chứng lang ben thường gặp:

  • Trên da trẻ xuất hiện nhiều đốm da có màu sắc không đồng đều so với những vùng da còn lại. Nếu trẻ có làn da sáng màu thì đốm lang ben tối màu. Ngược lại, nếu trẻ có làn da tối màu thì đốm lang ben sáng màu.
  • Ban đầu, các đốm da khá nhỏ. Theo thời gian, chúng lan rộng khắp các vùng da lân cận, tạo thành một mảng da lớn mang màu sắc khác biệt.
  • Hình dáng và kích thước của các đốm da bị bệnh khá đa dạng. Điểm chung của chúng là đường viền bao quanh rất nổi bật.
  • Trên vùng da bị đổi màu xuất hiện những cơn ngứa ngáy khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Tùy vào trường hợp cụ thể, trẻ có thể bị ngứa âm ỉ hoặc dữ dội.
  • Vùng da bị tổn thương có dấu hiệu bong tróc tự nhiên mà không có tác động từ bên ngoài. 
  • Đối với trẻ sơ sinh, bệnh thường phát triển mạnh ở những vùng da đổ nhiều mồ hôi như nách, ngực, bẹn, cổ, lưng… hiếm khi xuất hiện ở đùi hoặc cẳng chân.
  • Nếu trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời thì các triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng hơn. Một số trẻ sẽ bị sốt nhẹ do nấm và vi khuẩn xâm nhập qua da.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh
Nếu trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời thì các triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Lang ben ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý da liễu phổ biến, khó trị dứt điểm và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, những cơn ngứa ngáy xuất hiện tại vùng da bị tổn thương có thể khiến bé bứt rứt khó chịu và thường xuyên quấy khóc, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Hơn nữa, căn bệnh này còn khiến các sắc tố trên da biến mất. Nếu không được điều trị kịp thời, khi lớn lên, trẻ sẽ có tâm lý tự ti về làn da của mình.

Bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh có lây không?

Đây là một trong những thắc mắc thường gặp của các bậc phụ huynh. Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu, vì vi nấm là nguyên nhân gây bệnh nên khả năng lây nhiễm của chúng rất cao. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh lang ben đứng thứ 2 (chỉ sau bệnh chàm – Eczema) trong danh sách các bệnh lý về da liễu.

Bệnh lý này không chỉ lây nhiễm từ vùng da bệnh sang vùng da lành mà còn có thể lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác qua các con đường sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp với làn da của người bệnh
  • Ngủ chung giường, sử dụng chung mền, gối với bệnh nhân
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân với trẻ mắc bệnh như khăn tắm, áo quần…

Trong những ngày nắng nóng, trẻ sơ sinh sẽ đổ nhiều mồ hôi. Đây chính là lúc mầm bệnh tấn công làn da của bé. Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh thân thể bé sạch sẽ đồng thời chăm sóc con em cẩn thận nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bé bị nhiễm bệnh.

Bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh có lây không?
Bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh dễ dàng lây lan khi bé dùng chung đồ đạc với trẻ bệnh.

Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ?

Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ có các biểu hiện sau đây:

  • Các mảng da bị mất sắc tố bắt đầu lan rộng
  • Tình trạng ngứa ngáy và tổn thương làn da không có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian điều trị
  • Bệnh lang ben tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn

Ngoài ra, tùy vào đặc điểm cơ địa và chế độ chăm sóc, mỗi bé có những triệu chứng khác nhau. Trong một số trường hợp, bệnh lang ben không biểu hiện rõ ràng trên làn da của bé. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm sinh thiết trực tiếp dưới da (không lấy máu) để nhận diện loại vi nấm, tác nhân gây bệnh, từ đó vạch ra hướng điều trị phù hợp.

Cách điều trị bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh

Là một dạng nấm ngoài da lành tính, bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh có thể dễ dàng kiểm soát và đẩy lùi. Cha mẹ cần dựa vào tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như tham vấn bác sĩ da liễu để tìm ra phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả.

Chữa bệnh bằng phương pháp Tây y

Triệu chứng lang ben ở trẻ sơ sinh sẽ được cải thiện bằng các dùng thuốc bôi đặc trị nấm Pityrosporum Ovale . Tuy nhiên, loại thuốc này cũng tiềm ẩn một số rủi ro trong quá trình điều trị. Do đó, khi quyết định sử dụng thuốc này hoặc bất cứ loại thuốc đặc trị nào cho bé, bạn cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể nhất. 

Thông thường, ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, trẻ sơ sinh sẽ được chỉ định dùng thuốc bôi. Nếu tình hình chuyển biến xấu (các đốm lang ben lan rộng và gây ra một số tổn thương trên da), bác sĩ sẽ xem xét và xây dựng phác đồ điều trị mới kết hợp với thuốc uống cho phù hợp hơn.

Trước khi bôi thuốc đặc trị lang ben, phụ huynh cần tắm cho trẻ hoặc vệ sinh thân thể của trẻ thật sạch sẽ. Điều này góp phần tăng cường tác dụng điều trị cũng như phòng ngừa hiện tượng viêm nhiễm. Nếu buộc phải dùng thuốc đặc trị dạng uống, cha mẹ phải tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều lượng và thời điểm uống thuốc. Ngoài ra, bạn cần cho trẻ mặc những bộ quần áo sạch sẽ, thơm tho và thoáng rộng với khả năng thấm hút mồ hôi tốt đồng thời tuyệt đối không cho trẻ mặc quần áo bẩn, ẩm ướt hoặc mặc quá nhiều lớp.

Chữa bệnh bằng phương pháp Tây y
Thông thường, ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, trẻ sơ sinh sẽ được chỉ định dùng thuốc bôi.

Điều trị và chăm sóc trẻ tại nhà

Nếu trẻ bị bệnh lang ben nhẹ, những tổn thương trên da chỉ vừa bùng phát thì cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện triệu chứng bằng các bài thuốc sau:

Bài thuốc 1: Sử dụng trái ké đầu ngựa

  • Chuẩn bị 2 – 3 trái ké đầu ngựa
  • Rửa sạch trái ké đầu ngựa đã chuẩn bị bằng nước sạch và nước muối sinh lý
  • Cho chúng vào cối và đập giập
  • Nấu sôi trái ké đầu ngựa với 300ml nước lọc trong vòng 15 phút
  • Vớt bỏ bã rồi chờ dung dịch nguội bớt
  • Cho trẻ uống khi còn ấm
  • Thực hiện 1 lần/ngày, áp dụng liên tục từ 3 – 5 ngày

Bài thuốc 2: Sử dụng rau răm

  • Chuẩn bị rau răm (một lượng đủ dùng) và rượu trắng
  • Rửa sạch rau răm bằng nước muối
  • Giã nát toàn bộ rau răm để lọc lấy nước cốt
  • Hòa nước cốt rau răm với rượu trắng theo tỷ lệ 1:1
  • Dùng bông y tế hoặc tăm bông thấm vào hỗn hợp rồi bôi vào vùng da lang ben của bé
  • Sau 5 phút, vệ sinh vùng da vừa bôi bằng nước ấm
  • Lấy khăn bông mềm lau khô bề mặt da, không được để da ẩm ướt
  • Thực hiện 1 lần/ngày, liên tục trong 5 ngày
Bài thuốc 2: Sử dụng rau răm
Hỗn hợp rau răm và rượu trắng chữa bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh rất hiệu nghiệm.

Làm thế nào để phòng ngừa lang ben ở trẻ sơ sinh?

Một số nguyên tắc dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hạn chế tối đa quá trình hình thành cũng như tái phát của bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh:

  • Tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới cho bé, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức (vì đây là thời điểm cơ thể trẻ rất nhạy cảm và tiết nhiều mồ hôi)
  • Giữ cho làn da bé luôn sạch sẽ, khô thoáng bằng cách thường xuyên lau mồ hôi 
  • Lựa chọn tã, khăn lau, quần áo có chất liệu mịn màng, co giãn và hút ẩm tốt đồng thời trang phục của bé cần rộng rãi, thoải mái, không bó sát cơ thể
  • Giặt và phơi quần áo của trẻ ở khu riêng biệt (không lẫn vào quần áo của các thành viên khác trong gia đình), tại nơi có nhiều ánh nắng mặt trời hoặc tiệt trùng quần áo ở nhiệt độ cao bằng máy sấy
  • Sử dụng sữa tắm, dầu gội đầu và những sản phẩm làm sạch da chứa thành phần dịu nhẹ, có khả năng sát khuẩn và dưỡng ẩm cho làn da bé
  • Dùng các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ làn da trẻ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Tuy bệnh lang ben ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bé nhưng những tổn thương do lang ben gây ra thường có xu hướng lan rộng theo thời gian. Điều này dẫn đến cảm giác ngứa ngáy khó chịu cũng như làm mất thẩm mỹ trên làn da bé. Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường của con em, quý vị phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời và dứt điểm.