[Bỏ túi]: Mẹo chữa bệnh chàm ở mặt đơn giản, nhanh khỏi

Bỏ túi mẹo chữa bệnh chàm ở mặt sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên an toàn, tiết kiệm. Người bệnh có thể tìm hiểu để sử dụng.

Bệnh chàm ở mặt có thể bùng phát do dị ứng mỹ phẩm, rối loạn nội tiết tố hoặc do thời tiết thay đổi đột ngột. Không với chàm ở những vị trí khác, tổn thương xảy ra ở mặt không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, ngứa ngáy mà còn tác động tiêu cực đến chức năng thẩm mỹ và ngoại hình.

Bệnh chàm ở mặt
Bệnh chàm ở mặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống

Bệnh chàm ở mặt & Dấu hiệu nhận biết

Chàm (eczema) là một dạng tổn thương da mãn tính, điển hình bởi tình trạng da phù nề, viêm đỏ, bong tróc, khô ráp và ngứa ngáy. Tổn thương do chàm thường xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp và có tần suất tiếp xúc thường xuyên như khuỷu tay, vùng da dưới ngực, bẹn, cổ, da tay, da chân, lưng và mặt. Trong đó chàm da mặt ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thẩm mỹ, ngoại hình và gây tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh chàm nói chung và chàm ở mặt không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có xu hướng tiến triển mãn tính, khó điều trị và tái phát khi có các điều kiện thuận lợi.

bệnh eczema ở mặt
Bệnh chàm đặc trưng bởi tình trạng da khô ráp, bong tróc, nứt nẻ, viêm đỏ và ngứa ngáy

Các biểu hiện thường gặp của bệnh chàm ở mặt, bao gồm:

  • Ban đầu, da xuất hiện các đám tổn thương màu đỏ, có/ không có ranh giới rõ ràng và hơi nổi cộm
  • Nền da tổn thương xuất hiện nhiều mụn nước, kích thước dao động từ 1 – 2mm và có xu hướng mọc tập trung
  • Mụn nước mỏng, nhỏ, nông và dễ vỡ
  • Tình trạng nổi mụn nước, vỡ và rỉ dịch kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần
  • Sau đó da đóng vảy và hình thành lớp da non bên dưới
  • Theo thời gian, tổn thương da có hiện tượng thâm nhiễm, sậm màu, dày sừng và thô ráp
  • Tổn thương do bệnh chàm ở mặt thường gây ngứa ngáy dai dẳng

Nguyên nhân gây chàm da mặt

Bệnh chàm eczema nói chung và chàm da mặt nói riêng có cơ chế khởi phát phức tạp và có nhiều điểm chưa sáng tỏ. Tuy nhiên qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh chàm ở mặt có liên quan đến các nguyên nhân và yếu tố rủi ro như:

bệnh eczema ở mặt
Dị ứng mỹ phẩm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh eczema ở mặt
  • Rối loạn nội tiết tố: Rối loạn nội tiết là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh chàm và các bệnh da liễu bùng phát. Nội tiết tố bất ổn làm tăng mức độ nhạy cảm của da, tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập và kích thích hoạt động miễn dịch dị ứng.
  • Dị ứng mỹ phẩm: Da mặt là vị trí da mỏng và có mức độ nhạy cảm cao. Vì vậy nếu sử dụng các loại mỹ phẩm chứa thành phần dễ kích ứng, da có thể bị viêm đỏ, tổn thương và ngứa ngáy.
  • Yếu tố thần kinh: Các vấn đề về thần kinh như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm và căng thẳng cũng có vai trò quan trọng trong cơ chế khởi phát bệnh chàm eczema. Đối với những trường hợp đã phát bệnh, các yếu tố này có thể khiến bệnh bùng phát mạnh và lan tỏa trên diện rộng.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch là cơ quan có chức năng quan trọng trong cơ chế khởi phát bệnh chàm và các bệnh da liễu mãn tính. Do đó nếu chức năng miễn dịch suy giảm, các bệnh lý này có thể phát triển mạnh và rất khó kiểm soát hoàn toàn.
  • Một số yếu tố khác: Ngoài ra chàm da mặt có thể bùng phát do rối loạn chức năng nội tạng, thể trạng suy yếu, tiếp xúc với nhựa thực vật, dung môi công nghiệp, xà phòng, ánh nắng, thời tiết thay đổi đột ngột hoặc có thể là hệ quả do sử dụng một số loại thuốc điều trị.

Ảnh hưởng của bệnh chàm ở mặt

Chàm eczema chỉ gây thương tổn ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên triệu chứng của chàm da mặt có thể tác động tiêu cực đến yếu tố thẩm mỹ, tạo tâm lý thiếu tự tin và e ngại khi giao tiếp. Hơn nữa, bệnh còn gây ngứa ngáy kéo dài, tạo cảm giác khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi, khó ngủ, ngủ chập chờn,…

Trong một số trường hợp, chàm da mặt có thể gây ra các biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng như:

  • Chàm bội nhiễm: Chàm bội nhiễm là hiện tượng vùng da tổn thương bị nhiễm trùng do nấm, virus hoặc vi khuản (chủ yếu là tụ cầu khuẩn). Biến chứng này có thể gây tổn thương da sâu, khiến da tụ mủ, sưng viêm nặng nề và đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như buồn nôn, nhức mỏi, đau đầu,…
  • Để lại sẹo thâm: Vùng da mặt có độ nhạy cảm cao và mỏng hơn so với những vị trí da khác. Do đó nếu không chăm sóc đúng cách, tổn thương có thể kéo dài khiến da thâm nhiễm và để lại sẹo vĩnh viễn.

Các mẹo chữa bệnh chàm ở mặt giúp giảm thâm, đẹp da

Đối với những trường hợp bệnh chàm da mặt có mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng các mẹo chữa đơn giản để làm dịu tổn thương da, giảm ngứa, nuôi dưỡng làn da và giảm nguy cơ hình thành sẹo thâm.

1. Tận dụng thảo dược tự nhiên

Tận dụng thảo dược tự nhiên có thể dưỡng ẩm da, giảm tình trạng da khô ráp và ngăn ngừa hình thành thâm sẹo. Dưới đây là một số loại thảo dược bạn có thể sử dụng để chăm sóc da và hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng của bệnh chàm:

– Mặt nạ nha đam và dầu ô liu:

Nha đam chứa hàm lượng nước và chất chống oxy hóa dồi dào, có tác dụng làm dịu vùng da kích ứng, giảm viêm và ngứa ngáy. Trong khi đó, các axit béo trong dầu ô liu có khả năng phục hồi màng lipid, ức chế vi khuẩn và thúc đẩy tổng hợp protein trong cấu trúc da.

Áp dụng mặt nạ từ nha đam và dầu ô liu giúp cải thiện một số triệu chứng trên mặt như da sần sùi, khô ráp, nứt nẻ và ngứa ngáy. Bên cạnh đó, thực hiện mẹo chữa này thường xuyên còn giúp phục hồi da, ngăn ngừa thâm sẹo và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.

bệnh eczema ở mặt
Công thức từ dầu ô liu và nha đam giúp dưỡng ẩm, làm dịu vùng da kích ứng và giảm viêm đỏ

Cách thực hiện:

  • Trộn 1 ít gel nha đam với ½ thìa cà phê dầu ô liu
  • Sau đó làm sạch da mặt và lau khô với khăn sạch
  • Thoa hỗn hợp lên da và để trong khoảng 15 phút
  • Rửa sạch da mặt với nước ấm

– Mặt nạ dâu tây và sữa chua:

Mặt nạ dâu tây và sữa chua thích hợp với trường hợp chàm da mặt có tổn thương thâm sạm, ngứa ngáy nhưng ít có hiện tượng bong tróc. Mặt nạ này chứa axit lactic từ sữa chua, có tác dụng loại bỏ tế bào chết, làm mềm da và ức chế sắc tố melanin – nguyên nhân gây sẹo thâm trên da.

Ngoài ra, dâu tây còn chứa vitamin C và hàm lượng nước dồi dào giúp làm đều màu da, nuôi dưỡng làn da trắng sáng và giảm nhẹ tình trạng khô nứt nẻ, thô ráp.

bệnh chàm da mặt
Dâu tây và sữa chua có tác dụng làm sạch vảy bong trên bề mặt và nuôi dưỡng làn da trắng sáng

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 1 – 2 quả dâu tây
  • Sau đó nghiền nát dâu tây và trộn đều với 2 thìa sữa chua không đường
  • Làm sạch da mặt và thoa hỗn hợp lên da
  • Để trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước ấm

– Dùng mặt nạ mật ong chữa chàm da mặt:

Mật ong là một trong những nguyên liệu tự nhiên được sử dụng phổ biến trong chăm sóc da mặt và hỗ trợ điều trị các bệnh da liễu thường gặp. Nguyên liệu này có đặc tính chống viêm, ức chế virus, vi khuẩn và thúc đẩy chữa lành vết thương.

Bên cạnh đó mật ong còn kích thích sản sinh collagen, giúp ổn định cấu trúc và bảo vệ da trước các yếu tố kích thích như ánh nắng, phấn hoa, mạt bụi và môi trường ô nhiễm.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Sử dụng 1 ít mật ong nguyên chất
  • Thoa trực tiếp lên da mặt
  • Massage nhẹ nhàng để tinh chất từ mật ong thẩm thấu vào tế bào da (nên tập trung massage ở vùng da bị chàm)
  • Để mặt nạ trên da trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước ấm

2. Chăm sóc da đúng cách

Ngoài các công thức mặt nạ từ thiên nhiên, bạn có thể kiểm soát và làm giảm triệu chứng của bệnh chàm da mặt với một số biện pháp chăm sóc như:

bệnh chàm da mặt
Dưỡng ẩm thường xuyên giúp làn da ẩm mịn, giảm khô ráp, viêm đỏ và ngứa ngáy
  • Chú trọng bước làm sạch và chống nắng cho da. Nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thành phần lành tính, an toàn và độ pH cân bằng.
  • Dưỡng ẩm da mặt 2 lần/ ngày với các sản phẩm có kết cấu mềm, dễ thấm và thành phần nhẹ dịu. Các thành phần dưỡng ẩm thích hợp với làn da bị chàm, bao gồm Glycerin, Niacinamide, Acid Hyaluronic,…
  • Tránh cào và chà xát lên da. Nếu da mặt ngứa ngáy nhiều, có thể sử dụng đá chườm lên da để cải thiện.
  • Hạn chế để da mặt tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian điều trị. Tia UV từ ánh nắng mặt trời có thể khiến da thâm sạm, tiết nhiều mồ hôi và kích thích triệu chứng của bệnh chàm lan tỏa rộng.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây và uống nhiều nước nhằm giữ ẩm cho da, hỗ trợ làm đều màu da và ngăn ngừa thâm sẹo. Ngoài ra các thực phẩm này còn tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể và chức năng miễn dịch.
  • Hạn chế trang điểm trong thời gian điều trị vì hầu hết các sản phẩm trang điểm đều chứa chì, chất bảo quản,… có thể gây kích ứng và tổn thương da.

Chàm da mặt nên sử dụng thuốc gì?

Điều trị ưu tiên đối với bệnh chàm da mặt là chăm sóc và tận dụng các thảo dược tự nhiên. Tuy nhiên nếu tổn thương da có tiến triển dai dẳng và gây ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp y tế như:

1. Thuốc điều trị tại chỗ

Da mặt là vùng da mỏng, dễ kích ứng và nhạy cảm. Do đó bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kê toa các loại thuốc điều trị tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc dùng ngoài da như:

  • Nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) được đánh giá an toàn đối với vùng da mặt và một số vùng da nhạy cảm khác. Loại thuốc này được sử dụng trong giai đoạn cấp tính nhằm giảm viêm và làm dịu vùng da kích ứng. Bạn có thể thấm nước muối sinh lý vào bông gòn và lau trực tiếp lên da hoặc có thể chườm đắp gạc để giảm ngứa.
  • Hồ nước: Trong giai đoạn tổn thương da rỉ dịch, có thể sử dụng hồ nước thoa trực tiếp lên da. Loại thuốc này chứa hoạt chất Calcium carbonate có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn, giảm viêm, sưng đau và ngăn ngừa bội nhiễm.
  • Thuốc bôi chứa Kẽm: Kẽm có đặc tính kháng viêm, giảm đau và sát trùng nhẹ. Loại thuốc này tương đối an toàn đối với vùng da mặt và có thể sử dụng trong thời gian dài.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Loại thuốc này thường được chỉ định trong điều trị các bệnh da liễu ở mặt do có tác dụng tương tự corticoid nhưng không gây mỏng da, rậm lông và mụn trứng cá. Thuốc ức chế calcineurin giúp giảm hiện tượng viêm, chống ngứa và cải thiện mức độ tổn thương da.
  • Thuốc bôi chứa axit salicylic: Axit salicylic là dẫn xuất của BHA, có tác dụng giảm viêm và bong tế bào sừng. Ngoài ra, loại thuốc này còn hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, mụn đầu đen và se khít lỗ chân lông. Tuy nhiên khi sử dụng, cần tránh dùng ở vùng da xung quanh mắt và chống chỉ định với phụ nữ mang thai.
  • Các loại thuốc khác: Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi khác như thuốc mỡ corticoid, thuốc bôi kháng sinh hoặc kháng nấm.

2. Thuốc toàn thân

Bên cạnh các loại thuốc điều trị tại chỗ, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với một số loại thuốc uống nhằm giảm mức độ tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy và hạn chế tình trạng bệnh tái phát.

bệnh chàm trên mặt
Các loại thuốc uống được dùng trong điều trị chàm da mặt gồm thuốc kháng histamine, kháng sinh

Các loại thuốc uống được sử dụng trong điều trị bệnh chàm ở mặt, bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine H1: Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế chất trung gian histamine, từ đó làm giảm phản ứng dị ứng, cải thiện ngứa ngáy và hạn chế tổn thương da lan tỏa rộng. Thuốc kháng histamine H1 có khả năng dung nạp tốt và ít gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp xuất hiện chàm bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định một số loại kháng sinh như Tetracyclin và Erythromycin. Để hạn chế tình trạng kháng thuốc, nên sử dụng kháng sinh đều đặn trong thời gian được chỉ định.

Phòng ngừa bệnh chàm ở mặt tái phát

Chàm da mặt có thể tái phát khi có các yếu tố thuận lợi như dị ứng, căng thẳng, rối loạn nội tiết,… Mặc dù không thể phòng ngừa bệnh hoàn toàn nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ và tần suất tái phát với những biện pháp đơn giản như:

  • Chăm sóc da đúng cách nhằm cải thiện hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa tình trạng da khô, nứt nẻ và hạn chế tình trạng bệnh tái phát.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng kích ứng như phấn hoa, lông động vật, ánh nắng, thực phẩm, xà phòng, bột giặt,…
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về sản phẩm chăm sóc và trang điểm an toàn, lành tính.
  • Thiết lập thời gian sinh hoạt điều độ, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện chức năng miễn dịch và hỗ trợ làm giảm nguy cơ bệnh tái phát.
  • Không chà xát mạnh lên da mặt và cần sử dụng khẩu trang khi di chuyển ngoài trời.

Bệnh chàm ở mặt không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và ngoại hình. Để hạn chế tổn thương da tiến triển mãn tính và để lại sẹo thâm vĩnh viễn, bạn nên chủ động điều trị, xây dựng chế độ chăm sóc và phòng ngừa khoa học.

Tham khảo thêm: Chàm khô tróc vảy – Hướng dẫn chăm sóc và điều trị