15+ Công dụng chữa bệnh và cách dùng rau đắng biển

Rau đắng biển là loại rau sử dụng hàng ngày, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Đọc  bài viết dưới đây để hiểu hơn về loại thảo dược này nhé.

Rau đắng biển là loại rau quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong ẩm thực và trong các bài thuốc dân gian. Theo các nghiên cứu khoa học, với đặc tính chống oxy hóa trị bệnh, loại thảo dược này còn có tác dụng làm giảm căng thẳng, cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm…

  • Tên khoa học: Bacopa monnieri Scrophulariaceae
  • Tên thông thường: Brahmi, Jalnaveri, Jalanimba, Sambrani chettu, thyme-leaved gratiola, Bacopa, Babies tear, Bacopa monnieri, Hespestis monniera, Nirbrahmi
  • Tên gọi khác: Rau sam trắng, rau sam đắng, cây ruột gà
  • Tên tiếng Anh: Water Hyssop, Bacopa
  • Công dụng: Chữa suy nhược thần kinh, khản tiếng, mất tiếng, mất trương lực cơ, viêm phế quản cấp, ho hen, động kinh, bí tiểu, thấp khớp, các bệnh ngoài da, rắn cắn…
Dược liệu rau đắng biển
Rau đắng biển không chỉ là một loại rau dùng trong ẩm thực mà còn là loại thảo dược chữa bệnh công hiệu

Một vài nét đặc trưng của rau đắng biển

Mô tả đặc điểm

  • Rau đắng biển là loại cây thân thảo, cao khoảng 10 – 20cm và sống lâu năm. Phần thân nhẵn nhụi, gốc mọc bò và bén rễ vào phần những mấu đất, phần trên mọc đứng.
  • Phần lá mọc đối nhau, hình dẹp dài, mọng nước, có chiều dài 0,8 – 1,2cm, rộng 3 – 5cm, hai mặt nhẵn, trơn, có chỉ gân giữa hiện lên rõ.
  • Hoa có màu trắng, 5 cánh, mọc đơn lẻ ở các kẽ lá, 5 đài hoa không bằng nhau. Quả nang hình trứng nhẵn, có mũi và có nhiều hạt nhỏ.
  • Mùa hoa quả vào khoảng tháng 4 – 9 hàng năm.

Phân bố sinh thái

Theo các nghiên cứu khoa học thì Bacopa Aubl. là một chi đa dạng và tương đối lớn, theo thống kê đến thời điểm hiện tại có khoảng 70 loài và phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới.

Chúng tập trung phát triển chủ yếu ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Ở Việt Nam chỉ phát triển 2 loại, trong đó rau đắng biển là loài mọc phổ biến nhất. Chúng ưa sống ở môi trường ẩm ướt, thường mọc bên trong các kênh, mương, suốt, ven biển, cửa sông, đầm lầy hay mọc đầy ở những bãi biển cát trắng.

Tại Việt Nam, chúng phân bố khắp ở các vùng đồng bằng, trung du miền Nam và miền Bắc. Một số tỉnh thành có nhiều rau đắng biển như TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Huế, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định…

Thành phần của rau đắng biển là gì?

Rau đắng biển có chứa các thành phần như brahmin, herpestin, bacoside A và bacoside B, β1-oxalat, β2-oxalat, β3-chloroplatinate, sterol, axit betulic, stigmastarol, D-Mannitol, β-sitosterol.

Dược liệu rau đắng biển
Trong rau đắng biển có chứa nhiều hoạt chất chữa bệnh hiệu quả

Rau đắng biển có tác dụng gì?

Rau đắng biển là loại thảo mộc mặc dù bé nhỏ nhưng đã được sử dụng phổ biến trong nền Y học cổ truyền Ấn Độ. Tên gọi khác của rau đắng biển đó là Brahmi hay dịch ra là thuốc bổ não. Chính vì vậy, nó có tác dụng rất tốt giúp cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức, hỗ trợ tăng cường sự hiểu biết, học tập và làm việc tốt hơn.

Bên cạnh đó, loài thảo dược này còn đem đến một số tác dụng chữa bệnh công hiệu gồm:

  • Điều trị bệnh Alzheimer
  • Giảm lo lắng
  • Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
  • Cải thiện trí nhớ
  • Chống stress
  • Chữa dị ứng
  • Chữa bệnh tâm thần;
  • Nâng cao sự tập trung;
  • Điều trị hội chứng ruột kích thích
  • Điều trị động kinh
  • Cải thiện khả năng nhận thức
  • Hiệu quả gây mê (không làm giảm cảm giác).

Ngoài ra, nhiều người cũng sử dụng rau đắng biển để khắc phục các triệu chứng của bệnh đau khớp, đau lưng và các vấn đề về dình dục nam nữ.

Tác dụng dược lý của rau đắng biển

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì rau đắng biển có một số tác dụng dược lý sau:

  • Đối với huyết áp: Hàm lượng chất Alkaloid trong rau đắng biển với liều khoảng 0,5mg/kg có tác dụng làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, với liều nhỏ hơn sẽ làm tăng huyết áp nhẹ do kích thích cơ tim và cơ mạch.
  • Đối với hệ hô hấp: Chiết xuất rau đắng biển với liều nhỏ sẽ có tác dụng kích thích sự hoạt động của hệ hô hấp tự nhiên.
  • Đối với cơ trơn: Với chiết xuất nhỏ ở nồng độ rất loãng khoảng 1/200000 – 1/500000 sẽ làm kích thích khả năng co bóp ruột và tử cung bị cô lập.
  • Đối với hệ thần kinh: Chiết xuất Brahmin cũng tương tự như chất strychnine, chúng đều có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, kích thích tủy sống và gây hưng phấn ở các cơ quan. Không những vậy, nó còn có tác dụng kích thích trực tiếp đến tim, khác với chất strychnine chỉ tác dụng gián tiếp.
  • Có tác dụng ngăn ngừa ung thư: Theo thí nghiệm trên chuột cống trắng cho kết quả rằng cao khô chiết cồn của rau đắng biển có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư Walker carcinosarcoma 256.
  • Chứa độc tính: Trong Brahmin có chứa hàm lượng độc tính cao. Bởi theo kết quả thí nghiệm trên động vật cho thấy ếch bị chết trong 10 phút với liều 5mg/kg, còn chuột cống trắng và chuột lang thì chết sau 24h với lieu 25mg/kg.
  • Giúp an thần, giảm stress: Trong cao rau đắng biến có chứa 25% bacoside A có tác dụng đánh tan lo âu tương đương với Benzodiazepam và Lorazepam. Đối với hoạt tính này còn phụ thuộc chủ yếu vào liều lượng sử dụng, có thể không gây ra tác dụng phụ ngoài mong muốn như lorazepam.
  • Chống oxy hóa: Bằng một thí nghiệm trên não chuột cho thấy rau đắng biển có hoạt tính chống oxy hóa với các hoạt chất enzyme enzyme superoxide dismutase (SOD), catalase (CAT) và glutathion peroxidase (GPX).
Dược liệu rau đắng biển
Chiết xuất rau đắng biển có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng nhận biết ở cả người lớn và trẻ nhỏ
  • Cải thiện trí nhớ, khả năng nhận thức: Thử nghiệm trên 36 trẻ trong độ tuổi từ 8 – 9 tuổi bị khiếm khuyết khả năng nhận thức. Trong vòng 16 tuần, 19 trẻ được uống dịch chiết xuất từ rau đắng biển ở liều 50mg/ngày, 4 tuần còn lại sử dụng Placebo và 17 trẻ được uống Placebo hoàn toàn. Kết quả cho thấy những trẻ sử dụng rau đắng biển có sự cải thiện rõ rệt khả năng nhận thức, thậm chí nó còn kéo dài sau hon 4 tuần dừng thuốc.
  • Hỗ trợ chữa bệnh Alzheimer: Một thí nghiệm khác trên chuột bạch cho thấy rau đắng biển có tác dụng làm giảm lượng β-amyloid trong não, đây là nguyên nhân chính gây ra rối loạn giấc ngủ và dẫn đến Alzheimer.
  • Ngoài ra, dịch chiết của rau đắng biển có chứa trong Ethanol có tác dụng làm giảm chứng hay quên do chất Scopolamine (một loại ma túy) gây ra khi được thí nghiệm trên chuột nhắt.

Cách sử dụng rau đắng biển để chữa bệnh hiệu quả

Để đạt được những hiệu quả chữa bệnh hiệu quả từ rau đắng biển thì người bệnh cần nắm rõ những thông tin dưới đây:

Liều dùng thông thường của rau đắng biển

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, liều khuyến cáo của chiết xuất rau đắng biển là 300mg, có thể sử dụng mỗi ngày và kéo dài trong vòng 12 tuần.

Tùy theo cơ địa của từng người bệnh, độ tuổi và tình trạng mắc bệnh mà liều dùng của rau đắng biển có thể thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định liều dùng phù hợp nhất.

Cách sử dụng rau đắng biển đúng cách

Rau đắng biển được thu hái liên tục trong năm, dùng toàn cây, hái về đem rửa sạch, có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc phơi khô đều được. Một số phương pháp sử dụng rau đắng biển đơn giản như:

  • Thuốc sắc: Sử dụng khoảng 6 – 12g rau đắng biển khô và sắc thành thuốc uống mỗi ngày 1 lần.
  • Nấu thành trà: Sử dụng 1 – 2 muỗng cà phê rau đắng biển vào trong cốc nước sôi, đợi khoảng 5 – 10 phút rồi uống khi còn nóng. Ngày uống 3 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Dùng bôi ngoài da: Rau đắng biển tươi đem rửa sạch rồi nấu thành nước tắm hoặc giã nhỏ vắt lấy nước cốt trộn với dầu hỏa bôi vào vị trí bị đau nhức.
  • Ngâm rượu: Sử dụng 1 – 2 muỗng café rượu ngâm cùng chiết xuất từ rau đắng biển mỗi ngày để hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả.
  • Dùng trực tiếp dịch chiết xuất rau đắng biển: Theo các chuyên gia thì dịch chiết xuất rau đắng biển có chứa khoảng 20 – 50% hàm lượng chất Bacosides có tác dụng chữa bệnh rất tốt với liều dùng 150mg. Mỗi ngày sử dụng 2 lần để đạt kết quả tốt nhất.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau đắng biển theo dân gian

Điều trị rôm sảy cho trẻ

Chuẩn bị khoảng 1 – 2 nắm lá rau đắng biển đem rửa sạch và nấu sôi trong vòng 10 phút. Nước sau khi nấu pha loãng cùng nước sạch để tắm cho trẻ. Phần bã đừng vội bỏ đi mà hãy dùng để chà xát nhẹ nhàng lên những mảng da nổi rôm sảy. Kiên trì thực hiện 2 – 3 lần mỗi tuần sẽ nhanh chóng làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy trên da của trẻ.

Chữa trị đau lưng, bong gân và sưng khớp

Chuẩn bị một nắm rau đắng biển còn nguyên lá và rễ đem rửa sạch và để ráo. Sau đó cho lên lửa hơ nóng hoặc cho vào chảo sao vàng cho héo mềm. Tiếp theo dùng chày để đập mạnh nhiều lần đến khi rau dập ra nước. Đắp hết phần rau đắng đó lên vùng lưng bị đau hay các vị trí sưng viêm rồi quấn lại bằng băng gạc y tế.

Để tăng hiệu quả điều trị, bạn có thể kết hợp với uống nước rau đắng biển sắc để hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp từ bệnh trong.

Dược liệu rau đắng biển
Rau đắng biển được bào chế dưới 2 dạng là tươi và khô

Chữa động kinh, suy nhược thần kinh, mất tiếng

Sử dụng khoảng 4 lít chiết xuất rau đắng biển, 4 lít bơ, mộc hương, rễ cỏ bươm bướm, các vị thủy xương bồ mỗi loại 120g đem tán thành bột mịn. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi rồi đun trên lửa nhỏ đến khi bốc hơi hoàn toàn còn bột nhão. Sử dụng phần bột này mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10g sau mỗi bữa ăn.

Chữa rắn cắn

Chuẩn bị rau đắng biển, dây mơ lông, lá mướp đắng mỗi loại 30g, đọt cây sậy, rau cần tươi, rau má mỗi loại 20g. Tất cả nguyên liệu đem giã nát, vắt lấy nước rồi uống mỗi ngày, còn phần bã thì đắp lên vết rắn cắn để giảm triệu chứng đau nhức, sưng viêm.

Tác dụng phụ của rau đắng biển

Bên cạnh những lợi ích mà rau đắng biển đem lại thì khi sử dụng không đúng cách, quá liều lượng quy định có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Vận động ruột
  • Khô miệng
  • Mệt mỏi
  • Bệnh tiêu chảy
  • Co thắt dạ dày
  • Buồn nôn
  • Dị ứng

Một số lưu ý khi sử dụng rau đắng biển

Theo các chuyên gia, rau sam đắng thường rất hiếm khi gây ra tác dụng phụ đối với sức khỏe nếu bạn sử dụng đúng liều lượng đã được khuyến cáo. Ngoài ra, để đảm bảo quá trình sử dụng thảo dược này đạt hiệu quả tốt nhất thì người bệnh nên thận trọng và lưu ý một số điều sau:

  • Tuyệt đối không sử dụng loại thảo dược này cho trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bởi theo một số nghiên cứu trên động vật cho thấy các hoạt chất trong rau đắng biển có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, sảy thai.
  • Không được sử dụng rau đắng biển chung với thuốc chống trầm cảm Sertralin cùng các loại thuốc chữa bệnh tuyến giáp vì có thể gây tương tác thuốc.
  • Những người chuẩn bị phẫu thuật hoặc nhổ răng không nên sử dụng vì loại thảo dược này có thể gây tương tác với thuốc chống đông máu.

Những yếu tố gây tương tác với rau đắng biển

Nếu bạn là người đang mắc một số tình trạng sức khỏe dưới đây thì hãy hết sức lưu ý về việc sử dụng loại dược liệu này:

Dược liệu rau đắng biển
Liều lượng sử dụng rau đắng biển cần phải theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn
  • Những người mắc bệnh đái tháo đường: Ăn rau đắng biển  có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ insulin và đường huyết trong máu.
  • Bệnh loét dạ dày: Trong rau đắng biển có chứa các choạt chất làm tăng tiết dịch bên trong dạ dày và đường ruột. Điều này có thể gây ra các triệu chứng bệnh đau dạ dày hoặc làm nghiêm trọng các vết lở loét.
  • Bệnh tim: Những người mắc bệnh tim nên tránh sử dụng loại thảo dược này vì nó có thể làm chậm nhịp tim.
  • Bệnh phổi: Các hoạt chất trong rau đắng biển có thể làm tăng tiết dịch bên trong phổi, làm trầm trọng hơn các triệu chứng như hen suyễn, khí phế thũng.
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa: Những người đang mắc bệnh về đường tiêu hóa không nên sử dụng rau đắng biển vì nó có thể gây trầm trọng hơn tình trạng này.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sử dụng rau đắng biển trong trường hợp này sẽ làm tăng tiết ở đường tiết niệu và gây ra trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh.
  • Rối loạn tuyến giáp: Nồng độ hormone trong tuyến giáp có thể bị tăng lên cao khi sử dụng rau đắng biển. Vì vậy, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng loại thảo dược này.

Tóm lại, rau đắng biển là một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh rất tốt nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Tuy nhiên, loại thảo dược này cũng có thể gây tương tác với những loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc có nên sử dụng rau đắng biển hay không để đảm bảo cho tình trạng sức khỏe hiện tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Rau càng cua: Rau dại mọc hoang và 10 tác dụng chữa bệnh ít ai ngờ
  • Rau sam: Loại rau dân dã có công dụng chữa bệnh ít ai ngờ