Viêm họng sau sinh : Nguyên nhân và cách trị an toàn các mẹ cần biết

Viêm họng sau sinh xảy ra khá phổ biến do sức đề kháng cơ thể mẹ khi này khá yếu.  Cách trị bệnh an toàn nhất là sử dụng các bài thuốc dân gian.

Sau sinh, cơ thể mẹ dễ mắc bệnh nếu không được chăm sóc thật chu đáo. Đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp như viêm họng nhất là ở những thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết. Viêm họng sau sinh mặc dù rất phổ biến, không gây nguy hiểm tính mạng nhưng lại khiến mẹ băn khoăn rất nhiều vì không biết phải điều trị thế nào và liệu có ảnh hưởng tới bé hay không.

Do sức đề kháng yếu nên các mẹ thường rất dễ mắc viêm họng sau sinh
Do sức đề kháng yếu nên các mẹ thường rất dễ mắc viêm họng sau sinh

Nguyên nhân viêm họng sau sinh

Thực tế, viêm họng sau sinh cũng giống như các bệnh viêm họng thông thường, chỉ khác ở việc bệnh xuất hiện ở các mẹ đang cho con bú. Có thể hiểu, viêm họng sau sinh là tình trạng virus, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm ở niêm mạc hầu họng gây ra các triệu chứng đau rát, khó chịu tại cổ họng. Một số nguyên nhân khiến các mẹ dễ mắc viêm họng có thể kể đến như:

  • Sức đề kháng kém: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, do sau sinh sức khỏe của mẹ suy yếu rõ rệt, sức đề kháng kém hơn bình thường nên vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập gây viêm họng.
  • Thay đổi thời tiết đột ngột: Không chỉ các mẹ sau sinh mà có rất nhiều người dễ mắc viêm họng khi thời tiết thay đổi đột ngột. Nhất là khi tiết trời chuyển từ nóng sang lạnh, hay nói chính xác hơn là vào đầu mùa đông.
  • Do mắc bệnh về đường hô hấp: Thường là cảm lạnh, cảm cúm hoặc có thể viêm họng lúc này triệu chứng một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như ho gà, bệnh bạch cầu.
  • Do môi trường: Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi, mẹ bị dị ứng hoặc tiếp xúc với chất kích thích cũng có thể là nguyên nhân gây viêm họng.

Triệu chứng viêm họng sau sinh

Viêm họng sau sinh nếu sớm điều trị sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, để có biện pháp xử lý phù hợp thì mẹ cần nắm được các triệu chứng của viêm họng sau sinh sau đây:

  • Đau, khó chịu ở cổ họng, cổ họng khô
  • Sưng amidan, có thể xuất hiện các mảng mủ trên amidan tùy vào tình trạng bệnh
  • Sốt, ớn lạnh, đau đầu
  • Ho khan, ho có đờm, khan tiếng, cảm giác họng đau rát nhiều hơn khi ho
  • Dưới cằm và cổ có cảm giác sưng đau, nổi hạch
  • Khó nuốt, cảm giác khó chịu, mắc vướng ở cổ họng
  • Người mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Hắt hơi, sổ mũi…

Bị viêm họng có nên cho con bú không?

Đây có lẽ là nỗi niềm băn khoăn của rất nhiều mẹ vì lo lắng không biết tình trạng bệnh của mình liệu có ảnh hưởng đến chất lượng sữa hay không. Để trả lời thắc mắc này thì còn phải dựa vào việc mẹ có dùng thuốc điều trị hay không. Nếu bạn dùng thuốc để trị viêm họng, một số thành phần trong thuốc sẽ hòa tan vào sữa. Lúc này, nếu em bé bú phải sữa có thuốc thì ít nhiều sẽ chịu một số tác dụng phụ từ thuốc.

Thực tế, mẹ vẫn có thể sử dụng kháng sinh để điều trị viêm họng. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo rằng, phụ nữ đang cho con bú thì tốt nhất không nên sử dụng thuốc tây và thuốc kháng sinh. Đặc biệt, mẹ nhất định không được tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng viêm họng của mẹ nghiêm trọng, thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được thăm khám để có biện pháp xử lý phù hợp. Thông thường khi bị viêm họng mẹ sẽ được khuyên nên điều trị bằng lối chăm sóc phù hợp và các bài thuốc dân gian an toàn, đơn giản.

Cách trị viêm họng sau sinh an toàn mẹ nên biết

Mặc dù không thể sử dụng thuốc tây điều trị nhưng mẹ có thể dùng các viên ngậm và thuốc ho có nguồn gốc từ thiên nhiên để làm giảm cảm giác khó chịu và chứng đau rát ở cổ họng. Bên cạnh đó, các bài thuốc dân gian từ các nguyên liệu gần gũi thân thuộc sẽ giúp mẹ cải thiện các triệu chứng viêm họng đáng kể. Có thể kể đến như:

1. Dùng mật ong và cà rốt

Mật ong kết hợp với cà rốt mang lại hiệu quả rất tốt trong việc điều trị viêm họng
Mật ong kết hợp với cà rốt mang lại hiệu quả rất tốt trong việc điều trị viêm họng

Mật ong và cà rốt không chỉ an toàn cho mẹ sau sinh mà còn có thể sử dụng cho mẹ bầu mắc viêm họng trong thai kỳ. Mật ong có tính kháng khuẩn, khi kết hợp với cà rốt sẽ giúp làm dịu cổ họng, trị ho, làm sạch họng, kháng viêm, tiêu viêm…

Cách thực hiện:

  • Cà rốt rửa sạch, ép lấy nước
  • Cho 2 – 3 thìa mật ong vào cốc nước cà rốt, khuấy đều
  • Pha hỗn hợp này với nước sôi để nguội theo tỷ lệ 1:1
  • Dùng nước này súc họng 3 – 5 lần/ngày, mỗi lần súc trong 5 – 7 phút để các hoạt chất thấm vào thành họng.

2. Dùng bột nghệ

Nghệ được biết đến với khả năng kháng viêm, thúc đẩy làm lành vết thương hiệu quả. Có thể dùng bột nghệ hoặc kết hợp bột nghệ với sữa để trị ho và viêm họng.

Cách thực hiện:

Cách 1: Nếu không ho

  • Lấy ½ thìa bột nghệ cho vào ½ cốc nước nóng
  • Thêm ít muối, khuấy đều
  • Uống 1 lần/ngày, liên tục trong 3 ngày.

Cách 2: Nếu viêm họng kèm theo ho

  • Lấy 1 thìa bột nghệ cho vào một cốc sữa
  • Đem đun lên, thấy nóng thì khuấy đều, tắt bếp
  • Mỗi lần nhấp một ít sữa nóng có pha nghệ
  • Thực hiện 2 lần/ngày vào 2 buổi sáng tối.

3. Trị đau họng bằng húng chanh

Lá húng chanh còn có tên gọi khác là rau tần dày lá có chứa nhiều cavaron có tác dụng kháng viêm, tan đờm, giảm đau, tiêu độc. Thường được sử dụng để chữa viêm họng và các bệnh đường hô hấp khác như viêm amidan, viêm phế quản…

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá húng chanh, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng, rửa lại với nước rồi để ráo
  • Cho vào máy xay nhuyễn cùng 10ml nước sôi để nguội và một ít muối 
  • Lọc lấy nước, bỏ bã, uống 2 – 3 lần/ngày.

4. Dùng chanh và muối

Chanh có tính axit có khả năng kháng viêm và sát khuẩn vết thương. Do đó mẹ có thể dùng chanh kết hợp với muối để giảm viêm họng. Tuy nhiên, nếu họng có vết xước hoặc có vệt màu trắng thì không nên áp dụng.

Cách thực hiện:

  • Thái chanh thành lát mỏng, trộn với ít muối hạt
  • Dùng chanh ngậm khi thấy đau rát cổ họng
  • Mỗi lần dùng 5 lát, không nên lạm dụng.

5. Dùng chanh, mật ong và gừng

Mẹ cũng có thể dùng mật ong kết hợp cùng chanh và gừng để chữa viêm họng
Mẹ cũng có thể dùng mật ong kết hợp cùng chanh và gừng để chữa viêm họng

Như đã đề cập, mật ong và chanh đều là những nguyên liệu an toàn, có tác dụng tốt với người bị viêm họng. Nếu không thích sử dụng chanh với muối, mẹ có thể pha nước chanh gừng mật ong để sử dụng.

Cách thực hiện:

  • Cho 1 thìa mật ong, vài lát gừng, 3 thìa nước cốt chanh vào nửa cốc nước ấm
  • Khuấy đều, uống 1  – 2 lần/ngày để thấy các triệu chứng cải thiện.

Ngoài ra, mẹ có thể dùng hỗn hợp này với một cốc sữa nóng để giúp giảm ho khi bị viêm họng.

6. Phương pháp khác

Bên cạnh những biện pháp trên, mẹ còn có thể áp dụng một số cách chữa viêm họng đơn giản, dễ thực hiện sau đây:

  • Dùng củ cải tươi: Lấy củ cải tươi ép lấy nước uống hoặc nấu cháo củ cải rồi thêm một ít hành, một ít lá tía tô ăn khi còn nóng.
  • Mật ong và quất: Quất rửa sạch, để ráo nước, cắt lát mỏng, bỏ hạt, cho vào chén, thêm mật ong cho ngập phần quất. Đem hấp cách thủy trong 10 – 15 phút cho thành siro. Mỗi ngày uống 1 – 2 thì cà phê, dùng 2 – 3 lần/ngày, ngậm từ từ để hoạt chất thấm vào thành họng.
  • Tỏi và sữa nóng: Lấy 3 – 4 nhánh tỏi, giã nhỏ, cho vào cốc sữa nóng, hãm từ 10 – 15 phút, sau đó chỉ uống phần nước, bỏ bã. Mỗi ngày dùng 2 – 3 cốc sẽ thấy cải thiện.

Những lưu ý cho mẹ bị viêm họng sau sinh

Khi bị viêm họng sau sinh, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp dân gian để điều trị, mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nhớ súc họng bằng nước ấm, nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng 3 – 5 lần/ngày. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng nước muối quá mặn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Hãy luôn giữ cho cổ họng ẩm bằng cách dùng các trà thảo dược như trà gừng, trà hoa cúc hoặc đơn giản là uống nhiều nước ấm.
  • Sử dụng máy tạo ẩm để duy trì độ ẩm trong phòng ở mức từ 50 – 60%, không nên để phòng ngủ quá nóng hoặc quá hanh khô
  • Tắm bằng nước ấm, giữ ấm cho cơ thể, nếu trời lạnh thì nên dùng khăn quàng cổ
  • Không ngồi quạt sau khi tắm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế tối đa bụi và khói thuốc lá
  • Tăng cường bổ sung rau củ, trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng.
  • Để tránh lây cho bé, mẹ nên rửa tay thường xuyên, tránh hắt hơi hoặc ho khi ở gần trẻ, tránh dùng chung đồ và tiếp xúc trực tiếp với bé.

Viêm họng sau sinh mặc dù không quá nguy hiểm nhưng lại khiến mẹ khó chịu và dễ ảnh hưởng đến bé. Do đó, mẹ nên chú ý chăm sóc sức khỏe của mình hơn để các triệu chứng bệnh nhanh biến mất. Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà không thấy cải thiện, mẹ cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm:

  • Bị viêm họng nên ăn gì, kiêng gì cho bệnh mau khỏi?
  • Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không? Bác sĩ nói gì?