Viêm mũi dị ứng nên ăn gì và kiêng gì? 20+ Gợi ý tốt nhất dành cho bạn
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tái phát. Vậy, viêm mũi dị ứng nên ăn gì và kiêng gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc này.
Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì?
Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì kiêng gì là thắc mắc chung của nhiều người. Do cơ chế gây bệnh của viêm mũi dị ứng là do cơ thể sản sinh histamin quá mức. Chỉ khi người bệnh kiểm soát được tình trạng này thông qua việc kiêng hoặc không dùng các thực phẩm gây dị ứng và tăng cường sử dụng các thực phẩm tốt tăng sức đề kháng thì mới kiểm soát được viêm mũi dị ứng. Các thực phẩm tốt cho sức khỏe mà người viêm mũi dị ứng nên ăn bao gồm:
1. Thực phẩm giàu Omega-3
Khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, một loạt phản ứng dị ứng xảy ra. Lúc này, cơ thể sẽ giải phóng các chất trung gian gây viêm là histamin gây ra các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, ho khan, chảy nước mũi, nước mắt… Do đó, người bệnh cần bổ sung các thực phẩm giàu omega – 3, nhóm thực phẩm này có tác dụng chống viêm hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2005 của các nhà khoa học Đức đã chỉ ra rằng, những người chứa loại omega-3 phổ biến nhất là EPA trong máu là những người có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng thấp nhất.
Những thực phẩm giàu omega-3 có thể kể đến như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu… Tuy nhiên, người mắc viêm mũi dị ứng không nên ăn nhiều hải sản. Do đó, người bệnh chỉ ăn với mức độ vừa phải và thay thế bằng các thực phẩm như tảo, hạt cải, hạt lanh, óc chó, bí ngô, đậu nành…
2. Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là loại khoáng chất vi lượng có vai trò tổng hợp protein và tham gia vào nhiều phản ứng miễn dịch của cơ thể. Không chỉ vậy, kẽm còn có vai trò trong quá trình tăng sinh tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng. Bổ sung kẽm vừa giúp nâng cao hệ miễn dịch, ức chế quá trình giải phóng ồ ạt histamin gây kích ức đến niêm mạc mũi mà còn hỗ trợ làm lành các tổn thương, ngăn ngừa các tác động của các gốc tự do có hại đến cơ thể.
Các thực phẩm giàu kẽm mà bạn cần bổ sung vào chế độ ăn uống bao gồm yến mạch, hạt bí ngô, các loại đậu, củ cải, hành, đậu phộng, sò, thịt đỏ, ngũ cốc nguyên hạt, gừng. Đặc biệt, trong các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn rất giàu kẽm, là nguồn bổ sung kẽm tốt nhất, đồng thời cơ thể chúng ta cũng hấp thụ các thực phẩm này dễ dàng hơn.
3. Nhóm gia vị có khả năng chống dị ứng
Các gia vị như hành, tỏi, nghệ, gừng… có khả năng chống dị ứng vô cùng hiệu quả bởi đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn từ các hoạt chất sinh học tự nhiên. Cụ thể:
- Tỏi: Giàu Sulfur và allicin có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, thanh lọc, giải độc cho cơ thể, làm tăng tế bào bạch cầu để loại bỏ độc tố gây hại. Không chỉ vậy, tỏi còn giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ loại bỏ cholesterol xấu, tăng enzyme chống oxy. Tỏi cũng là nguồn cung cấp kali và vitamin C dồi dào cho cơ thể.
- Hành tây: Hành là nguồn cung cấp quercetin dồi dào, vừa giúp ổn định việc sản xuất histamine vừa có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa giúp làm giảm triệu chứng viêm.
- Gừng: Thông qua việc làm giảm mức IgE trong cơ thể gừng có thể giúp làm chậm quá trình sản sinh các histamin tự do trong cơ thể. Bạn có thể sử dụng trà gừng, tinh dầu gừng hoặc thêm gừng vào các món ăn để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng.
4. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ làm giảm nồng độ histamin trong cơ thể, tiêu diệt độc tố của histamin đồng thời ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Không chỉ vậy, các thực phẩm này cũng rất giàu chất chống oxy hóa giúp chống lại bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng hiệu quả.
Các thực phẩm giàu vitamin C người bệnh nên bổ sung là ớt chuông, trái cây họ cam quýt, cà chua, cà rốt, cherry, khế, bưởi, táo, việt quất, dâu tây, ổi… Ngoài ra, cũng nên tăng cường ăn nhiều loại rau xanh họ cải như rau chân vịt, cải ngọt, cải thìa…
5. Lợi khuẩn
Bổ sung lợi khuẩn không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn làm giảm các triệu chứng do bệnh viêm mũi dị ứng gây ra. Các thực phẩm này bao gồm sữa chua, nấm sữa, soup miso…
Bị viêm mũi dị ứng nên uống gì?
Người bị viêm mũi dị ứng cũng nên chú ý việc nên uống gì để hỗ trợ điều trị, giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng bệnh. Cụ thể, người bệnh nên:
- Uống nhiều nước: Nước lọc rất tốt cho cơ thể, uống đủ nước lọc sẽ giúp cơ thể đặc biệt là thận bài tiết và giải độc tốt.
- Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, tăng sức đề kháng, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể đối phó tốt hơn với dị ứng. Do đó, khi bị viêm mũi dị ứng, bạn có thể uống mỗi ngày 1 – 2 ly mật ong pha gừng ấm.
- Một số loại trà: Trà thảo mộc như trà gừng, trà hoa cúc, trà xanh, trà tầm ma, trà bạc hà… giúp cung cấp chất chống oxy hóa, hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch, giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
- Nước ép trái cây: Các loại nước ép trái cây như nước ép ổi, cam, bưởi rất giàu vitamin C, có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch. Trong khi đó, nước ép dứa, kiwi, cà rốt chứa nhiều vitamin A và E có tác dụng hỗ trợ tái tạo lại vùng niêm mạc mũi tổn thương.
Bị viêm mũi dị ứng kiêng ăn gì?
Bên cạnh việc nắm được những thực phẩm cần ăn, người bị viêm mũi dị ứng cũng cần tránh một số thực phẩm dưới đây:
1. Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Đây là nhóm thực phẩm không tốt cho sức khỏe, do đó ngay cả khi bạn đang khỏe mạnh cũng nên hạn chế dùng. Thực phẩm nhiều dầu mỡ chứa các chất béo dư thừa, chúng không chỉ gây áp lực cho dạ dày mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm cản trở quá trình trao đổi chất của cơ thể gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết.
Lúc này, hệ miễn dịch sẽ không hấp thụ được các chất cần thiết để tăng cường miễn dịch cho cơ thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, các món ăn nhiều dầu mỡ còn khiến các triệu chứng như ngạt mũi, chảy dịch mũi nghiêm trọng hơn do chúng làm tăng tiết dịch nhầy trong cơ thể.
2. Nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng
Khi bị viêm mũi dị ứng, việc nên tránh ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng là điều cần thiết. Thế nhưng đâu là những thực phẩm gây dị ứng thì không phải ai cũng biết. Bạn có thể tham khảo để loại bỏ các thực phẩm dưới đây ra khỏi bữa ăn khi đang điều trị viêm mũi dị ứng, bao gồm:
- Một số loại hạt vỏ cứng: Hạt quả bạch, hạt dẻ, hạt điều, hồ đào…
- Động vật có vỏ: Thường là tôm, sò, ốc, cua, hến… Theo thống kê có đến 2,5% dân số bị dị ứng với các thực phẩm này.
- Hải sản đông lạnh không đúng cách: Khi được đông lạnh không đúng cách, một số loại hải sản có thể bị chuyển hóa histidine thành histamine. Hơn nữa, một số loại hải sản chỉ ở dạng bán kháng nguyên, tuy nhiên nếu kết hợp với nhóm kháng nguyên trong cơ thể sẽ gây ra tình trạng dị ứng.
- Trứng: Thường gặp ở trẻ em do cơ thể nhầm lẫn protein trong trứng là protein lạ nên sinh ra phản ứng dị ứng.
- Thịt gà: Có tính lạnh, nếu ăn thịt gà sẽ dễ làm tăng tình trạng viêm mũi dị ứng.
- Nhộng tằm, nấm, côn trùng, thịt bò, đậu nành, đậu phộng: Dễ gây dị ứng, không thích hợp với người mắc viêm mũi dị ứng.
3. Sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò
Sữa bò cũng là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng. Do sữa bò chứa 2 loại protein có thể gây phản ứng dị ứng là whey và casein. Trong đó, whey tồn tại ở phần lỏng còn casein tồn tại ở phần rắn của sữa sau khi sữa lắng lại. Do đó, người bệnh tốt nhất không nên dùng sữa bò và các chế phẩm từ sữa như váng sữa, phô mai…
4. Đồ ăn cay nóng
Khi mắc viêm mũi dị ứng, người bệnh thường gặp phải tình trạng tắc nghẽn, đọng dịch ở các xoang. Do đồ cay nóng hay khiến cơ thể tích nhiệt dẫn đến nóng trong, làm hệ hô hấp sản sinh nhiều dịch nhầy dẫn đến viêm xoang mũi nên người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng. Đặc biệt không nên ăn các món ăn nhiều ớt, đồ muối chua, ủ chua…
5.Thực phẩm chứa chất kích thích
Chất kích thích gây thiếu hụt vitamin C, tăng nồng độ kháng thể IgE và làm phá hủy chất chống oxy hóa trong cơ thể. Không chỉ làm suy giảm hệ miễn dịch, các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá còn làm cơ thể sản sinh quá mức IgE dẫn đến giải phóng ồ ạt histamin làm tình trạng viêm mũi dị ứng thêm nghiêm trọng hơn.
6. Đồ ngọt
Đồ ngọt không chỉ tác động xấu đến hệ tiêu hóa mà còn làm rối loạn chuyển hóa chất lỏng trong cơ thể. Không chỉ vậy, chúng còn chứa nhiều đường tinh luyện, nhiều chất béo, màu nhân tạo gây gánh nặng cho tuyến tụy làm gia tăng lượng chất nhầy trong cơ thể, khiến tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi thêm nặng nề hơn.
Do đó, khi bị viêm mũi dị ứng người bệnh nên hạn chế kẹo bánh, nước ngọt, nước ép trái cây đóng hộp, chocolate, siro…
Một số lưu ý cho người mắc viêm mũi dị ứng
Không chỉ cần nắm được khi bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì kiêng gì, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng mỗi ngày, nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%
- Tăng cường tập thể dục, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng.
- Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày kết hợp thư giãn, giảm stress với thiền, yoga hay nghe nhạc, đọc sạch…
- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa…
- Cẩn trọng khi áp dụng các mẹo dân gian khi chữa viêm mũi dị ứng vì chúng chỉ giúp cải thiện triệu chứng, không thể điều trị dứt điểm.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn xác định khi bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì kiêng gì. Nếu tình trạng dị ứng của bạn không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày một nghiêm trọng hơn hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm mũi dị ứnglà gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh
- 7 Cây thuốc nam chữa viêm mũi dị ứng và cách sử dụng đúng