Viêm mũi họng là bệnh gì? Nguyên nhân, cách trị và phòng ngừa
Viêm mũi họng là bệnh gì. Nguyên nhân, triệu chứng, cách trị và phòng ngừa ra sao? Đây là những thông tin được nhiều người bệnh quan tâm.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 10+ thông tin tổng quan về bệnh viêm mũi họng. Hy vọng, sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và phòng bệnh.
Viêm mũi họng là gì?
Viêm mũi họng (cảm lạnh) là thuật ngữ y tế đề cập đến tình trạng sưng viêm cấp tính ở ống mũi và vòm họng. Bệnh điển hình bởi các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, đau cổ họng, khàn tiếng,… Phần lớn nguyên nhân gây bệnh đều do nhiễm trùng (chủ yếu là virus). Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bệnh có thể xảy ra do kích ứng hoặc dị ứng.
Viêm mũi họng là bệnh hô hấp lành tính và có thể tự thuyên giảm sau 2 tuần mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây phiền toái trong cuộc sống và làm giảm hiệu suất học tập – làm việc. Hơn nữa, bệnh còn có khả năng lây nhiễm cao và dễ bùng phát thành dịch.
Vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất nhằm giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng (cảm lạnh)
Như đã đề cập, phần lớn các trường hợp bị viêm mũi họng đều xảy ra do nhiễm trùng. Các tác nhân có khả năng gây nhiễm trùng ở niêm mạc mũi và họng, bao gồm:
- Virus: Virus là tác nhân chủ yếu gây ra bệnh cảm lạnh, trong đó phổ biến nhất là coronavirus, virus cúm, adenovirus, rhinovirus,… Cảm lạnh do virus là một trong những nguyên nhân lành tính và có thể tự biến mất mà không cần điều trị.
- Vi khuẩn: Viêm mũi họng do vi khuẩn thường có mức độ nặng nề hơn so với các nguyên nhân khác. Các loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng ống mũi và hầu họng, bao gồm liên cầu nhóm A (Streptococcus pyogenes), tụ cầu, phế cầu và Hemophilus influenzae. Khác virus, cảm lạnh do vi khuẩn không thể tự thuyên giảm mà buộc phải can thiệp các biện pháp điều trị y tế.
- Nấm: Trong một số ít trường hợp, viêm mũi họng có thể khởi phát do nấm men – chủ yếu là nấm Candida.
Viêm mũi họng do nhiễm trùng có khả năng lây nhiễm cao. Virus, vi khuẩn và nấm men có thể lây sang người khỏe mạnh thông qua các hoạt động như giao tiếp, ho, hắt hơi, hôn môi hoặc sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Ngoài ra tác nhân gây nhiễm trùng cũng có khả năng lây nhiễm gián tiếp thông qua bề mặt hoặc vật dụng nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, bệnh cảm lạnh cũng có khả năng khởi phát do những nguyên nhân khác như:
- Dị ứng: Dị ứng thời tiết, thức ăn, phấn hoa,… có thể kích thích hệ miễn dịch phóng thích histamine vào niêm mạc đường hô hấp và da. Vì vậy ngoài các triệu chứng da liễu như nổi mề đay, phát ban,… dị ứng còn có thể gây viêm mũi họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng.
- Kích ứng: Niêm mạc cổ họng và ống mũi có thể bị kích ứng và sưng viêm do hít khói thuốc lá, hóa chất, bụi bẩn, khí thải từ phương tiện giao thông,…
- Thời tiết thay đổi ngột ngột: Thời tiết thay đổi đột ngột có thể khiến cơ quan hô hấp không kịp thời thích nghi, dẫn đến hiện tượng bài tiết quá nhiều dịch nhầy và gây viêm ở mũi, cổ họng. Thống kê cho thấy, cảm lạnh và các bệnh lý hô hấp thường bùng phát mạnh vào giai đoạn chuyển mùa.
Nhận biết bệnh viêm mũi họng
Viêm mũi họng thường khởi phát triệu chứng sau 1 – 3 ngày ủ bệnh. Các triệu chứng của bệnh có thể bùng phát đột ngột hoặc âm ỉ và kéo dài trong khoảng 7 – 14 ngày.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh cảm lạnh:
- Hắt hơi
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Đau rát và ngứa cổ họng
- Ho
- Chảy nước mắt, ngứa mắt
- Nhức mỏi cơ thể
- Nhức đầu
- Sốt nhẹ
Ở những người có thể trạng và hệ miễn dịch khỏe mạnh, bệnh thường gây ra triệu chứng có mức độ nhẹ và không có tính điển hình. Tuy nhiên nếu xảy ra ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch suy yếu, cảm lạnh có thể khởi phát đột ngột, tiến triển dai dẳng và dễ tái phát.
Trong trường hợp xảy ra do vi khuẩn, viêm mũi họng thường gây ra các triệu chứng có mức độ nặng nề như:
- Sốt hơn 38.5 độ C kèm ớn lạnh
- Ho dai dẳng và dữ dội
- Đờm ứ ở cổ họng và khi khạc ra có màu trắng đục, xám hoặc xanh xám
- Hơi thở có mùi hôi
- Sưng hạch cổ
- Đau đầu, đau nhức cơ thể
- Sưng amidan
Bệnh viêm mũi họng có nguy hiểm không?
Phần lớn các trường hợp bị viêm mũi họng (cảm lạnh) đều lành tính và tự thuyên giảm sau 2 tuần. Để rút ngắn thời gian điều trị và giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh, có thể sử dụng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên nếu xảy ra do vi khuẩn, bệnh có thể gây ra một số ảnh hưởng nặng nề như:
- Thấp khớp cấp
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Viêm cầu thận cấp
Ngoài ra viêm mũi họng không được điều trị triệt để có thể phát triển mãn tính, tái phát nhiều lần và tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh hô hấp khác bùng phát.
Chẩn đoán bệnh cảm lạnh (viêm mũi họng)
Thông thường, cảm lạnh gây ra các triệu chứng có tính điển hình cao và có thể điều trị ngay tại nhà. Tuy nhiên nếu nhận thấy các triệu chứng có mức độ nặng (sốt cao, ho dữ dội, hơi thở có mùi,…), bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và đề xuất các biện pháp điều trị thích hợp.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh viêm mũi họng, bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Nhằm quan sát biểu hiện của mũi, cổ họng, amidan và một số cơ quan hô hấp khác.
- Nội soi mũi họng: Nội soi mũi họng giúp bác sĩ quan sát được biểu hiện của ống mũi và cổ họng. Trong trường hợp cần thiết, có thể lấy dịch tiết hô hấp để làm xét nghiệm nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu ở trường hợp viêm mũi họng do nhiễm trùng nhận thấy số lượng bạch cầu tăng cao.
Đối với trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn, bác sĩ cần nuôi cấy để xác định chủng vi khuẩn cụ thể và làm kháng sinh đồ phù hợp.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm mũi họng
Điều trị bệnh viêm mũi họng tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ triệu chứng và độ tuổi của từng trường hợp. Các biện pháp điều trị bệnh viêm mũi họng phổ biến, bao gồm:
1. Sử dụng thuốc Tây
Hầu hết các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm mũi họng chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng. Chỉ khi bệnh bùng phát do dị ứng và vi khuẩn mới có thuốc điều trị đặc hiệu (kháng sinh và thuốc kháng dị ứng).
Các loại thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh cảm lạnh, bao gồm:
- Thuốc thông mũi: Nghẹt mũi và chảy nước mũi là các triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi họng. Để làm giảm các triệu chứng này, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc thông mũi như Pseudoephedrine và Phenylephrine.
- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Thuốc giảm đau và hạ sốt (Paracetamol) có tác dụng giảm đau cổ họng, nhức mỏi cơ thể, đau đầu và hạ thân nhiệt.
- Thuốc trị ho: Trong trường hợp cảm lạnh gây ho nhiều, có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị ho như Dextromethorphan, Codein và Toplexin. Tuy nhiên khi dùng các loại thuốc này, cần uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể tống dịch đờm ra bên ngoài.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine có tác dụng ức chế chất trung gian gây dị ứng và cải thiện các triệu chứng thường gặp của bệnh cảm lạnh như hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt,… Thuốc đem lại hiệu quả rõ rệt đối với những trường hợp bị viêm mũi họng do dị ứng.
- Thuốc xịt và rửa mũi: Có thể dùng một số loại thuốc xịt rửa mũi như nước muối sinh lý để làm dịu niêm mạc mũi và hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết hô hấp. Thuốc thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nhóm đối tượng này chưa chủ động xì mũi để loại bỏ dịch tiết.
- Kháng sinh: Trong trường hợp viêm mũi họng xảy ra do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định các loại kháng sinh tương ứng. Nhóm thuốc này thường được sử dụng trong 7 – 10 ngày hoặc hơn tùy vào mức độ đáp ứng và chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Đối với trường hợp cảm lạnh do virus, cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc vì triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà và có khả năng biến mất hoàn toàn chỉ sau 2 tuần.
2. Biện pháp điều trị tại nhà
Song song với việc sử dụng thuốc, bạn có thể làm dịu cổ họng, giảm nghẹt mũi, ho và nhức đầu với một số biện pháp tại nhà như:
- Xông mũi với tinh dầu khuynh diệp: Ống mũi bị viêm khiến dịch tiết hô hấp bài tiết quá mức, gây ra triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi. Để làm giảm tình trạng này, có thể xông mũi với nước ấm và vài giọt tinh dầu khuynh diệp. Hơi nước giúp thông cổ họng, đường thở và hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết hô hấp ra bên ngoài. Bên cạnh đó, tinh dầu khuynh diệp còn có tác dụng kháng virus, nấm và vi khuẩn.
- Uống trà gừng: Gừng có đặc tính chống viêm, giảm đau, vô hiệu hóa virus và kháng khuẩn. Ngoài ra gừng còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin, giúp cải thiện sức khỏe, làm ấm cổ họng và nâng cao hệ miễn dịch. Uống trà gừng ấm có thể làm giảm triệu chứng đau họng, ho, khàn tiếng, nghẹt mũi,… do bệnh cảm lạnh gây ra.
- Ăn cháo tía tô trứng gà: Dùng cháo tía tô trứng gà ấm giúp giải cảm, giảm ho, nghẹt mũi và hắt hơi. Ngoài ra, món ăn này còn bổ sung các thành phần dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân viêm mũi họng
Viêm mũi họng thường thuyên giảm nhanh và ít tái phát ở người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ và người có chức năng miễn dịch suy giảm, bệnh có xu hướng kéo dài, dai dẳng và tái phát nhiều lần.
Do đó bên cạnh các biện pháp điều trị, nên chủ động kết hợp với chế độ chăm sóc khoa học:
- Thường xuyên uống nước ấm trong thời gian bị viêm mũi họng. Cung cấp đủ nước giúp điều hòa thân nhiệt, làm dịu cổ họng và hỗ trợ cơ thể tống đờm ứ ở cổ họng ra bên ngoài.
- Tắm nước ấm giúp giảm đau nhức cơ thể, đau đầu và mệt mỏi. Ngoài ra, hơi nước còn làm dịu niêm mạc mũi, cổ họng và thúc đẩy dẫn lưu dịch tiết hô hấp.
- Chải răng 2 lần/ ngày và súc miệng với nước muối để loại bỏ virus, nấm và chất dị ứng tồn đọng ở niêm mạc cổ họng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, nên tập trung các món ăn giàu dinh dưỡng, chứa nhiều khoáng chất, nước và vitamin. Hạn chế thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ và tránh dùng rượu bia, cà phê,… trong thời gian điều trị.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức và tránh di chuyển ngoài trời nếu không cần thiết.
- Hạn chế la hét và giao tiếp quá nhiều bởi các hoạt động này có thể khiến cổ họng đau nhức kéo dài.
- Sử dụng khẩu trang, tránh sử dụng chung vật dụng và hạn chế thân mật với người khác. Virus và vi khuẩn có thể lây qua hoạt động giao tiếp và gây nhiễm trùng mũi họng ở người khỏe mạnh.
Phòng ngừa bệnh cảm lạnh bằng cách nào?
Cảm lạnh có thể tái phát nhiều lần trong năm – đặc biệt là khi thời tiết thay đổi và thể trạng suy giảm. Mặc dù bệnh lý này khá lành tính và có thể thuyên giảm nhanh. Tuy nhiên tình trạng tái phát thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc.
Do đó bạn nên ngăn ngừa bệnh tái phát với một số biện pháp như:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng (trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh).
- Giữ khoảng cách với người mắc các bệnh lý ở đường hô hấp.
- Giữ ấm cơ thể, sử dụng khẩu trang thường xuyên và hạn chế đến những nơi đông người.
- Thay đổi một số thói quen xấu như hút thuốc lá, uống đá lạnh, thường xuyên dùng rượu bia,…
- Vệ sinh không gian sống, sử dụng máy lọc không khí và trồng nhiều cây xanh để cải thiện chất lượng không khí và giảm nguy cơ bùng phát các bệnh về đường hô hấp.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày, ăn uống điều độ và sinh hoạt khoa học.
- Tập thể dục thường xuyên và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày.
Viêm mũi họng có thể khởi phát ở cả trẻ nhỏ, người trưởng thành, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh lý này có thể tác động xấu đến chất lượng cuộc sống, giảm hiệu suất học tập – làm việc và có khả năng lây nhiễm cao. Vì vậy, bạn cần chủ động điều trị và chăm sóc để kiểm soát triệu chứng trong thời gian ngắn nhất.
Tham khảo thêm: Cách chữa viêm họng tại nhà (mẹo dân gian + lời khuyên y tế)