[Cần biết] Viêm xoang ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm xoang ở trẻ em gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ đúng cách.
Viêm xoang là một trong những bệnh hô hấp phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi – kể cả trẻ em. Bệnh xảy ra khi niêm mạc bao phủ bên trong các xoang bị tổn thương và sưng viêm do một số tác nhân như virus, vi khuẩn, nấm men, khói bụi, hóa chất và chất dị ứng có trong không khí.
Các mô xoang (xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và xoang hàm) có chức năng làm giảm tỉ trọng của vùng sọ mặt, tạo tiếng nói đặc trưng của từng người và chứa đựng, lưu thông dưỡng chất để nuôi dưỡng mô xương. Do đó khi bị tổn thương, các mô xoang có thể sưng viêm đáng kể và làm gián đoạn quá trình lưu thông dịch trong vùng sọ dẫn đến các triệu chứng khó chịu.
Viêm xoang ở trẻ em và Dấu hiệu nhận biết
Viêm xoang thường ảnh hưởng đến trẻ dưới 6 tuổi và có xu hướng bùng phát sau bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính. Vì hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên viêm xoang ở trẻ nhỏ có xu hướng tái phát nhiều lần và dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu phụ huynh không tiến hành các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách.
Viêm xoang được chia thành 2 loại, bao gồm viêm xoang cấp và viêm xoang mãn tính. Trong đó, viêm xoang cấp có triệu chứng điển hình, tiến triển nhanh và dễ điều trị hơn. Ngược lại, viêm xoang mãn có triệu chứng nhẹ nhưng tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị hoàn toàn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm xoang cấp ở trẻ em:
- Thường khởi phát 5 – 7 ngày sau khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính
- Sốt cao, hơi thở có mùi hôi
- Chảy nhiều nước mũi, nước mũi có màu vàng đặc như mủ hoặc màu xanh
- Ho nhiều (đặc biệt là vào ban đêm)
- Có cảm giác nặng ở vùng mặt
- Đau nhức ở ổ mắt
- Đau đầu
- Đau răng, đau họng
Các triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh khiến trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, mất ngủ và hay quấy khóc vào ban đêm.
Triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính ở trẻ nhỏ:
- Triệu chứng kéo dài trên 3 tháng nhưng mức độ nhẹ hơn so với viêm xoang cấp
- Đặc trưng bởi tình trạng trẻ sốt nhẹ từng đợt
- Hay tái phát chứng đau họng, ho, sổ mũi và ngạt mũi
- Viêm xoang kéo dài gây khàn tiếng, thay đổi giọng nói
- Ù tai, đau tai
- Giảm hoặc mất khứu giác
Mức độ và biểu hiện của bệnh viêm xoang phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Trong đó, viêm xoang do nhiễm trùng thường có các triệu chứng nặng hơn, bùng phát đột ngột và chỉ tiến triển cấp tính. Ngược lại, viêm xoang do các nguyên nhân không nhiễm trùng có triệu chứng nhẹ, dai dẳng và dễ phát triển sang giai đoạn mãn tính.
Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ nhỏ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn, nấm và virus (chủ yếu do các chủng vi khuẩn như Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa,…).
Các chủng vi khuẩn này hiếm khi xâm nhập trực tiếp vào mô xoang mà đa phần gây viêm nhiễm đường hô hấp trên (hầu họng, amidan) sau mới di chuyển và gây nhiễm trùng thứ phát ở mô xoang. Vì vậy, hầu hết viêm xoang ở trẻ em đều khởi phát 5 – 7 ngày sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ngoài ra, viêm xoang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể xảy ra do dị ứng và kích ứng (bụi bẩn, hóa chất, thuốc lá, phấn hoa,…). Các tác nhân này dễ dàng xâm nhập vào các mô xoang, gây ra hiện tượng viêm và làm bùng phát các triệu chứng của bệnh viêm xoang. Nếu xảy ra do dị ứng và kích ứng, triệu chứng thường có mức độ nhẹ hơn so với viêm xoang do nhiễm trùng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ:
- Bị viêm nhiễm đường hô hấp trên: Các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên (vi khuẩn, nấm, virus) có thể đi ngược từ hầu họng lên mũi, xâm nhập vào các mô xoang và gây viêm nhiễm. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm xoang cấp ở trẻ nhỏ.
- Hen phế quản (hen suyễn): Trẻ nhỏ bị hen suyễn có nguy cơ bị viêm xoang và các bệnh hô hấp cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân là do cơ địa trẻ nhạy cảm, dễ bị kích ứng và dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài môi trường. Các tác nhân này dễ dàng len lỏi vào mô xoang, gây viêm và làm bế tắc quá trình lưu thông mũi – xoang. Đa phần trẻ bị hen phế quản đều dễ mắc chứng viêm xoang mãn tính, viêm VA và một số bệnh hô hấp thường gặp khác.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Chính vì vậy, trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp hơn so với người trưởng thành. Trong trường hợp trẻ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), nguy cơ bị viêm xoang và các bệnh hô hấp sẽ tăng lên đáng kể. Tình trạng này thường gặp ở trẻ có cha mẹ nhiễm HIV.
- Viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp thường gặp, xảy ra khi niêm mạc mũi bị sưng viêm và tăng tiết dịch do tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tình trạng khoang mũi bị bít tắc lâu ngày khiến vi khuẩn dễ dàng tích tụ và phát triển trong các mô xoang, dẫn đến bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ.
- Giải phẫu mũi – xoang bất thường: Bệnh viêm xoang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể là hệ quả do một số bất thường về hốc mũi – xoang như VA quá phát, quá phát cuốn mũi, vẹo vách ngăn,… Các bất thường về cấu trúc có thể làm gián đoạn hoạt động lưu thông dịch của các mô xoang và tăng nguy cơ viêm nhiễm cơ quan này.
Ngoài những yếu tố trên, bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ cũng có xảy ra khi có một số điều kiện thuận lợi như vệ sinh kém, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, trẻ có sức khỏe kém, gầy yếu,…
Viêm xoang ở trẻ có nguy hiểm không?
Viêm xoang là một trong những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu can thiệp điều trị và xử lý sớm. Tuy nhiên nếu không tiến hành khắc phục, trẻ có thể phải đối mặt với những biến chứng sau:
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác: Trẻ bị viêm xoang có nguy cơ cao mắc các bệnh hô hấp khác như viêm tai giữa, viêm họng, viêm VA, viêm phế quản,… Các cơ quan hô hấp trên và dưới có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó khi mô xoang bị tổn thương kéo dài, quá trình lưu thông dịch bị ứ trệ dẫn đến hiện tượng tích tụ dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Nhiễm trùng lan rộng: Nếu viêm xoang xảy ra do nhiễm trùng, trẻ có thể gặp phải các biến chứng có mức độ nghiêm trọng như áp xe não, viêm não, viêm dây thần kinh thị giác, viêm màng não, thấp khớp,… Trong trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm xoang là vấn đề hô hấp khá phổ biến và có mức độ không quá nghiêm trọng. Hầu hết các biến chứng trên chỉ xảy ra khi phụ huynh không điều trị và chăm sóc trẻ đúng cách. Đa phần những trường hợp tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ đều có những chuyển biến tích cực.
Chẩn đoán bệnh viêm xoang ở trẻ em
Bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ được chẩn đoán chủ yếu qua thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Đồng thời đánh giá mức độ tổn thương xoang và định hướng phương án điều trị phù hợp nhất.
Các kỹ thuật được áp dụng để chẩn đoán bệnh viêm xoang ở trẻ em:
- Chụp X-Quang: Chụp X-Quang có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tổn thương xoang. Thông thường khi bị viêm nhiễm mô xoang, niêm mạc xoang có xu hướng dày và mờ trên hình ảnh X-Quang. Ngoài ra, xét nghiệm hình ảnh này cũng giúp bác sĩ loại trừ một số bệnh lý hô hấp khác và (hoặc) xác định được nguyên nhân gây viêm xoang (bất thường về giải phẫu mũi – xoang).
- Chụp CT: Chụp CT thường được chỉ định đối với bệnh nhân bị viêm xoang mãn tính. Hình ảnh từ kỹ thuật này giúp bác sĩ quan sát rõ niêm mạc xoang bị tổn thương và phát hiện bất thường về cấu trúc – mũi xoang, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
- MRI: MRI phản ánh chi tiết hình ảnh của niêm mạc xoang. Kỹ thuật này được thực hiện để chẩn đoán xác định và loại trừ một số khả năng có thể xảy ra.
- Nuôi cấy vi khuẩn: Trong trường hợp viêm xoang do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ lấy dịch mũi xoang để nuôi cấy vi khuẩn. Sau đó, xác định mức độ nhạy cảm của khuẩn gây bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp.
- Nội soi mũi: Nội soi mũi là kỹ thuật chẩn đoán viêm xoang ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Qua hình ảnh ghi lại từ camera, bác sĩ có thể quan sát rõ tình trạng viêm ở mô xoang và xác định (hoặc loại trừ) nguyên nhân do bất thường giải phẫu hốc mũi.
Ngoài chức năng chẩn đoán, các kỹ thuật trên còn có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ thương tổn mô xoang, xác định nguyên nhân gây bệnh và cân nhắc về phương án điều trị phù hợp nhất.
Các phương pháp điều trị viêm xoang ở trẻ em
Viêm xoang ở trẻ em gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và khả năng phát triển của trẻ. Nếu để bệnh kéo dài, trẻ còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề khác. Do đó, phụ huynh cần chủ động đưa con trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.
Điều trị viêm xoang phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể, mức độ triệu chứng và độ tuổi của trẻ. Đối với viêm xoang cấp, điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách trong 7 – 14 ngày. Trong khi đó, điều trị viêm xoang mãn bao gồm nhiều phương pháp khác nhau (dùng thuốc, phẫu thuật, tránh chất kích thích,…) trong khoảng 4 – 6 tuần.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị viêm xoang bao gồm 2 nhóm chính là thuốc đặc trị (kháng sinh, kháng histamine) và các loại thuốc cải thiện triệu chứng. Trước khi chỉ định thuốc, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ triệu chứng và xem xét độ tuổi của trẻ.
Các loại thuốc điều trị viêm xoang cho trẻ nhỏ thường được sử dụng, bao gồm:
- Kháng sinh: Các loại kháng sinh như Azithromycine, Clarithrocine, Cefuroxime, Amoxillin,… được chỉ định trong 10 – 14 ngày (tùy trường hợp). Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và giảm nhẹ hiện tượng viêm ở mô xoang. Đây là thuốc điều trị đặc hiệu đối với viêm xoang ở trẻ em do nhiễm trùng.
- Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine có tác dụng cải thiện tình trạng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa cổ họng,… Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng và đặc biệt có hiệu quả trong điều trị viêm xoang do dị ứng.
- Thuốc nhỏ mũi: Viêm xoang có thể gây tắc nghẽn lưu thông mũi – xoang và gây phù nề ở niêm mạc mũi. Để cải thiện tình trạng này, phụ huynh có thể sử dụng thuốc xịt chứa corticoid và các hoạt chất co mạch (Naphazolin, Pseudoephedrine, Phenylephrine,…) để giảm hiện tượng sung huyết, làm thông thoáng hốc mũi và cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, nặng vùng mặt,… Các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu lạm dụng quá mức. Vì vậy, phụ huynh chỉ nên sử dụng thuốc cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Nước muối sinh lý: Bên cạnh các loại thuốc trên, phụ huynh nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ hằng ngày. Biện pháp này giúp làm ẩm niêm mạc mũi, hỗ trợ đào thải dịch tiết hô hấp, loại bỏ chất dị ứng và làm thông thoáng mũi – xoang. Ngoài ra, mẹ cũng nên duy trì thói quen vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa bệnh tái phát.
Trên thực tế, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác tùy theo triệu chứng của trẻ nhỏ như thuốc giảm ho, thuốc hạ sốt, viên uống bổ sung (Kẽm, vitamin C),…
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được cân nhắc khi viêm xoang ở trẻ em tái phát thường xuyên và không có đáp ứng với điều trị nội khoa. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được thực hiện ngay khi bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây viêm xoang là do bất thường ở hốc mũi – mô xoang.
Phẫu thuật điều trị viêm xoang ở trẻ nhỏ bao gồm 2 phương pháp chính:
Nạo VA:
Nạo VA được thực hiện trong trường hợp VA phì đại gây tắc mũi sau và làm gián đoạn quá trình hô hấp. Phương pháp này được áp dụng cho trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, nạo VA chống chỉ định đối với những trẻ bị bệnh lao tiến triển, bệnh tim nặng và mắc các bệnh lý liên quan đến máu.
Trong trường hợp trẻ đang bị nhiễm trùng, dị ứng hoặc vừa mới tiêm phòng, bác sĩ sẽ đề nghị trì hoãn thời gian phẫu thuật để đảm bảo an toàn.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS):
FESS được thực hiện khi cấu trúc mũi – xoang có các vấn đề bất thường. Phương pháp này được chỉ định khi trẻ bị quá phát cuốn mũi, polyp mũi, áp xe quanh ổ mắt, viêm túi lệ, tổn thương dây thần kinh thị giác,… Ngoài ra, FESS cũng được thực hiện nếu nhận thấy trẻ bị viêm xoang do vẹo vách ngăn hoặc gặp phải các bất thường về giải phẫu mũi – xoang khác.
Phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ các bệnh tích ở xoang nhằm bình thường hóa cấu trúc và cải thiện chức năng sinh lý của cơ quan này.
Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng trong điều trị viêm xoang ở trẻ nhỏ. Phương pháp này có thể loại bỏ bất thường trong cấu trúc mũi – xoang, làm thông thoáng đường thở và ngăn ngừa viêm xoang tái phát. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, phụ huynh nên chăm sóc trẻ đúng cách để vết thương hồi phục hoàn toàn và hạn chế các biến chứng hậu phẫu.
3. Kết hợp với chế độ chăm sóc
Tương tự như các bệnh hô hấp khác, phụ huynh cần chăm sóc trẻ đúng cách để hỗ trợ quá trình điều trị. Chế độ chăm sóc có tác dụng nâng đỡ thể trạng, giảm mệt mỏi và cải thiện hệ miễn dịch đáng kể. Từ đó giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm xoang:
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà trong 3 – 5 ngày để phục hồi thể trạng và tránh tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất,…
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, ăn uống điều độ và tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất để cải thiện hệ miễn dịch và giảm độ đặc của dịch tiết hô hấp.
- Hướng dẫn trẻ chải răng và súc miệng với nước muối thường xuyên để loại bỏ hại khuẩn, giảm đau rát cổ họng và làm dịu cơn ho.
- Phụ huynh có thể xông mũi cho trẻ với một số thảo dược tự nhiên như bạc hà, sả, gừng,… để dẫn lưu dịch tiết hô hấp, giảm nghẹt mũi và cải thiện một số triệu chứng do viêm xoang gây ra.
- Vệ sinh không gian sống và sử dụng máy lọc không khí trong trường hợp cần thiết. Vào thời tiết khô, lạnh, nên dùng thiết bị tạo độ ẩm để tránh tình trạng kích ứng và dị ứng mũi – xoang.
Phòng ngừa bệnh viêm xoang ở trẻ em
Tương tự như các bệnh hô hấp khác, viêm xoang có khả năng tái phát nhiều lần – đặc biệt là ở trẻ dưới 10 tuổi. Vì vậy sau khi điều trị, phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 3 – 4 lần/ tuần để làm sạch bụi bẩn, chất dị ứng và ngăn ngừa dịch tiết ứ đọng trong hốc mũi.
- Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp trên.
- Vào giai đoạn chuyển mùa, nên giữ ấm cơ thể và tránh để trẻ vui chơi quá lâu ở ngoài trời.
- Giữ không gian sống thông thoáng, sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn và chất gây dị ứng.
- Tránh sử dụng máy lạnh nếu không thực sự cần thiết. Trong trường hợp dùng điều hòa thường xuyên, nên sử dụng kèm với thiết bị làm ẩm không khí để tránh kích ứng và dị ứng niêm mạc mũi.
- Không cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, kích ứng như khói thuốc, hóa chất và thức ăn dễ gây dị ứng.
- Tích cực điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ để hạn chế tình trạng vi khuẩn lây lan rộng và gây nhiễm trùng mô xoang.
- Sử dụng khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài và tránh để trẻ tiếp xúc thân mật với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Viêm xoang ở trẻ em có thể điều trị hoàn toàn nếu thăm khám và xử lý sớm. Trong trường hợp chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên song song với các phương pháp điều trị, phụ huynh nên thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn ngừa bệnh tái phát.