Thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì ở trẻ phụ huynh nên lưu ý
Dậy thì là giai đoạn chuyển đổi hoàn toàn về mặt sinh lý và tâm lý cực kỳ khó khăn đối với trẻ nhỏ. Những “nàng công chúa” có thể vượt qua thời gian này dễ dàng hơn nếu như cha mẹ luôn biết quan sát và chỉ bảo một cách tinh tế. Dưới đây là một số thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì ở trẻ mà phụ huynh nên lưu ý và tham khảo.
Những thay đổi tâm sinh lý của con gái ở tuổi dậy thì cha mẹ cần nắm bắt
10 – 19 tuổi là giai đoạn mà bất kỳ bé gái nào cũng có sự thay đổi lớn về mặt thể chất lẫn tư duy. Cha mẹ cần phải quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn để con tránh khỏi lối sống nổi loạn hoặc rơi vào trầm cảm.
1. Sự thay đổi về mặt hình thể
Khi bước vào giai đoạn dậy thì, các bé gái sẽ bắt đầu phát triển về chiều cao lẫn cân nặng nhanh chóng hơn do cơ thể bị chi phối bởi sự thay đổi của hormone tăng trưởng và hormone sinh dục. Các bé gái thường dậy thì sớm hơn các bé trai 1 – 2 năm.
Đặc biệt là khi lớp mỡ dưới da có dấu hiệu gia tăng và tập trung chủ yếu tại vùng ngực, mông, đùi, cánh tay, cơ thể trẻ sẽ dần hình thành đường cong rõ nét hơn. Ngoài ra, dưới sự tác động của nội tiết tố estrogen, tuyến vú của trẻ cũng có sự thay đổi và thường xảy ra ở trẻ từ 10 – 11 tuổi.
Sau khi tuyến vú phát triển được 6 – 12 tháng, cơ thể của bé cũng xuất hiện lông mu. Âm đạo, buồng trứng, và khung xương chậu đều phát triển. Một đặc điểm mà cha mẹ có thể chắc chắn rằng bé đã chính thức chuyển sang tuổi dậy thì đó là có kinh nguyệt.
Đối với những bé có cơ thể khỏe mạnh, lần hành kinh đầu tiên sẽ bắt đầu vào lúc bé ở 12,5 tuổi, xuất hiện sau quá trình phát triển tuyến vú khoảng 2 – 2,5 năm. Kinh nguyệt đến sớm hay muộn còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, chủng tộc… khác nhau ở mỗi gia đình.
2. Sự thay đổi về tâm lý
Tuổi dậy thì là thời điểm vô cùng nhạy cảm, cha mẹ nên lưu ý một số sự thay đổi về mặt tâm lý dưới đây để biết cách định hướng cho bé gái đi đến những hành vi tích cực.
Thể hiện sự độc lập: Không còn phụ thuộc hết vào cha mẹ, trung bình từ 10 -13 tuổi trẻ bắt đầu muốn làm chủ suy nghĩ và hành động của mình nhiều hơn trước. Các bé thường cố gắng tách khỏi cha mẹ, một số trẻ chỉ nghe lời khuyên của cha mẹ một cách miễn cưỡng. Một số trường hợp khác, trẻ sẽ phản ứng kịch liệt, khẳng định những điều bản thân làm mới là đúng.
Ở độ tuổi từ 14 – 16 tuổi, nếu cha mẹ không biết tìm cách trò chuyện khéo léo, mâu thuẫn về suy nghĩ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên gay gắt hơn. Đến khi bước vào giai đoạn 17 -19 tuổi, trẻ mới có thể nhận rõ những giá trị sâu sắc và chân thành trong các lời răn dạy của cha mẹ.
Cảm xúc thay đổi thất thường: Trong thời gian dậy thì, nhất là vào chu kỳ kinh nguyệt, sự rối loạn hormone có thể khiến cho nữ giới khó kiểm soát được tâm trạng của mình. Các bé gái dễ dàng tức giận vô cớ, thường im lặng hoặc đáp lại câu hỏi của cha mẹ một cách thiếu lễ phép.
Nếu gặp phải khó khăn trong việc học tập, con gái cũng trở nên yếu đuối và dễ khóc. Đặc biệt là khi hằng ngày cứ nhìn thấy cha mẹ bất hòa, trẻ sẽ cảm thấy chán nản, tự ti tột độ và có ý nghĩ muốn xa rời gia đình nhiều hơn.
Chú trọng đến hình ảnh cơ thể: Ở độ tuổi từ 10 – 13, trí tò mò sẽ thôi thúc trẻ chủ động tìm hiểu kĩ lưỡng về cấu tạo của cơ thể mình. Các bé có thể tỏ ra lo lắng quá mức nếu cơ thể có nhiều khuyết điểm khi so sánh với bạn đồng trang lứa
Từ 14 – 19 là giai đoạn trẻ có khả năng nhận thức đầy đủ nhất về sự khác biệt về giới tính, các bé gái bắt đầu quan tâm đến vấn đề làm đẹp thường xuyên hơn như là xây dựng phong cách ăn mặc hợp thời trang, làm tóc, trang điểm…
Thay đổi trong quan hệ bạn bè: Trẻ sẽ có mong muốn kết nối với nhiều bạn bè hơn trong giai đoạn từ 14 – 16 tuổi. Mọi hành vi của trẻ cũng thường chịu nhiều ảnh hưởng từ nhóm bạn chơi cùng. Chẳng hạn, khi bị bạn bè chê bai những món đồ mà mình sở hữu như cặp sách, váy áo… trẻ lập tức không dùng tới nó và cố tình làm nũng để được cha mẹ sắm cho các đồ vật mới.
Do hormone thay đổi, nữ giới rất dễ rung động trước các bạn khác phái. Vì vậy, trẻ thường khó nhận ra đâu là tình bạn và tình yêu đích thực. Từ đó, hầu hết các bé đều muốn có những buổi hẹn hò lãng mạn hay thử nghiệm về tình dục như người lớn.
Cha mẹ cần làm gì để giúp con gái vượt qua giai đoạn dậy thì?
Thoải mái trao đổi những câu chuyện thầm kín nhất như một người bạn thân thiết chứ không cố tỏ ra uy nghiêm, căng thẳng chính là cách cha mẹ có thể cân bằng vẹn toàn mối quan hệ với con gái. Vì vậy các bậc phụ huynh đừng nên bỏ qua những vấn đề sau đây.
Chuẩn bị nội y cho trẻ: Chuyển sang độ tuổi dậy thì, bé dễ dàng rơi vào khủng hoảng khi nhận ra cơ thể có quá nhiều thay đổi. Lúc ngực mới vừa phát triển, sự chênh lệch về kích thước giữa ngực trái và ngực phải sẽ khiến bé trở nên bối rối. Sự xuất hiện của những sợi lông tại vùng nách lẫn vùng kín cũng làm các bé gái cảm thấy vô cùng hoang mang.
Phụ huynh chỉ cần giải thích cho bé hiểu đây chỉ là những dấu hiệu sinh lý bình thường của cơ thể. Sau đó, hãy giúp trẻ lựa chọn những bộ đồ lót có kích thước vừa phải, chất liệu thoáng mát, không tạo cảm giác gò bó khi mặc thử.
Hướng dẫn trẻ ứng phó với chu kỳ kinh nguyệt: Kinh nguyệt của bé có thể đến sớm ngoài dự đoán của cha mẹ. Nhất là khi hiện tượng “tràn bờ” bất ngờ hình thành lúc bé đang ngồi tại lớp học, bé sẽ càng thấy sợ hãi và lúng túng hơn.
Vì thế, ngay khi bé vừa tròn 8 tuổi, cha mẹ cần dự báo cho trẻ quá trình hành kinh diễn ra như thế nào. Đồng thời, hỗ trợ cho bé nắm rõ cách sử dụng băng vệ sinh, dung dịch sát khuẩn để vệ sinh vùng kín trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Nếu đến 14- 16 tuổi mà bé vẫn chưa có kinh nguyệt thì cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để thăm khám kịp thời.
Cung cấp các kiến thức liên quan đến tình yêu và tình dục: Hiện nay, các cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông đại chúng đã không ngừng đưa tin cảnh báo về vấn nạn xâm hại tình dục ở độ tuổi thanh thiếu niên. Để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc, cha mẹ nên chỉ dẫn cho con kỹ năng bảo vệ thân thể trước những đối tượng lạ mặt.
Thay vì cấm trẻ dành tình cảm đặc biệt cho bạn khác giới, cha mẹ hãy dạy cho con cái cách giữ cho tình yêu tuổi học trò luôn đẹp đẽ và trong sáng. Ngoài ra, không cần đợi đến con hỏi, cha mẹ cũng có thể chủ động cung cấp cho con các thức kiến thức như quá trình hình thành thai nhi và các biện pháp tránh thai bằng những ngôn ngữ mang tính khoa học.
Sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng những suy nghĩ của con ở độ tuổi dậy thì là bước đệm quan trọng để con gái luôn tin tưởng, chia sẻ với cha mẹ mọi thứ một cách cởi mở. Việc tạo điều kiện cho trẻ tham gia các khóa học tâm lý ngay từ sớm cũng góp phần giúp con có đủ bản lĩnh đương đầu với những biến đổii khác trong tương lai.
Bạn có thể xem thêm:
- Tuổi dậy thì bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi và kéo dài bao lâu?
- Tuổi dậy thì nên ăn gì để phát triển chiều cao? [Chuyên gia tư vấn]