[Hiểu đúng] Acid uric là gì? Chỉ số acid uric bao nhiêu là bình thường?
Chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều về acid uric. Tuy nhiên, axit uric là gì? chỉ số acid uric bao nhiêu là bình thường? không phải ai cũng biết. Các chuyên gia y tế cho biết, acid uric là một sản phẩm kèm theo được sản sinh trong quá trình chuyển hóa nhân purin từ các loại thực phẩm. Vì vậy, nếu kết quả xét nghiệm axit uric cho thấy quá cao hoặc thấp hơn so với mức bình thường đều là dấu hiệu báo động cơ thể đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Acid uric là gì?
Acid uric là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong y học. Tuy nhiên đối với những người bình thường không am hiểu về kiến thức y khoa thì đây vẫn là một khái niệm xa lạ, hoặc nếu có biết cũng không hiểu sâu về bản chất của loại axit này.
Acid uric lần đầu tiên được phát hiện trong phân lập từ sỏi thận vào năm 1776 bởi một nhà khoa học người Thụy Điển. Mãi cho đến năm 1882, nhà khoa học ivan Horbaczewski người Ukraina đã tiến hành tổng hợp chất này thông qua cách nấu chảy ure bằng chất glycine.
Acid uric được định nghĩa chuyên môn đó là công thức hóa học C5H4N4O3 – một hợp chất dị vòng bao gồm các chất như oxy, nitơ, hidro, carbon được hình thành trong cơ thể do quá trình phân hủy các nhân purin. Acid uric tạo thành những ion muối hay còn được gọi là acid urat như amoni acid urate.
Bình thường, acid uric sẽ bị enzyme uricase biến đổi thành chất Allatonin hòa tan trong máu và đưa đến thận, sau đó bị đào thải ra khỏi cơ thể thông qua đường tiết niệu, một số ít thì được đào thải qua mồ hôi, qua hệ tiêu hóa và chỉ còn một lượng rất nhỏ axit uric trong máu.
Nguồn gốc làm sản sinh acid uric trong máu gồm 2 con đường chính: ngoại sinh và nội sinh:
- Nguồn gốc ngoại sinh: là từ các loại thực phẩm, thức ăn mà con người nạp vào cơ thể hàng ngày. Trung bình, các loại thức ăn cung cấp lượng purin khoảng 100 – 200mg/ngày. Các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin có thể kể đến như các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, rượu bia, cá biển, hải sản, đậu hà lan…
- Nguồn gốc nội sinh: là do quá trình chuyển hóa chất acid nucleic trong cơ thể khoảng 600mg/ngày. Quá trình này diễn ra một cách âm thầm và xuất hiện chủ yếu ở gan, một ít ở niêm mạc ruột.
Tìm hiểu ý nghĩa các chỉ số acid uric trong xét nghiệm máu
Chỉ số acid uric trong máu phản ánh tình trạng sức khỏe trong cơ thể. Vì vậy, nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ acid uric quá cao hay quá thấp đều là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề bất ổn của cơ thể.
Trong đó, ý nghĩa của các chỉ số acid uric bạn cần biết gồm:
Chỉ số acid uric thấp (< 3mg/dl)
Chỉ số acid uric thấp được xác định thông qua kết quả xét nghiệm máu và cho kết quả nồng độ acid uric dưới mức 3mg/dl. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia y khoa cho thấy rất hiếm xuất hiện những trường hợp acid uric thấp, thường thỉ 2% trên tổng số các trường hợp xét nghiệm acid uric.
Một số nguyên nhân khiến nồng độ acid uric trong máu thấp quá mức bình thường như:
- Bệnh xanthin niệu
- Bệnh to đầu chi (Acromegaly)
- Bệnh Celiac (không dung nạp gluten)
- Hội chứng Fenconi
- Hội chứng SIADH (rối loạn hormone tuyến thượng thận)
- Bệnh Wilson
- Do sử dụng thuốc giảm axit uric quá mức
Ngoài ra, hầu hết các trường hợp có chỉ số acid uric thấp thường rất khó khắc phục thông qua điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt. Bởi nguyên nhân gây ra tình trạng này đều mang tính chất di truyền và việc chữa trị rất phức tạp. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám và được tư vấn điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Chỉ số acid uric bình thường (3 – 7mg/dl)
Một người được xem là có chỉ số acid uric bình thường khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ acid uric dao động trong khoảng 3 – 7mg/dl. Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng, chiều cao, thể trạng sức khỏe của người được xét nghiệm nên không có tính đồng nhất tuyệt đối ở tất cả các đối tượng.
Theo đó, giới hạn bình thường của acid uric ở từng đối tượng sẽ khác nhau bao gồm:
- Trẻ em 3 – 4mg/ dl
- Nữ giới 1.9 – 7.5mg/ dl
- Nam giới 2.5 – 8mg/ dl
Nếu chỉ số acid uric của bạn đang dao động trong mức an toàn chứng tỏ cơ thể bạn rất khỏe mạnh và không có nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
Chỉ số acid uric cao (> 6 – 7mg/dl)
Tăng acid uric trong máu được xem là một trong những tình trạng phổ biến, nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ acid uric cao hơn 6 – 7mg/dl chứng tỏ acid uric trong máu đang bị dư thừa, số lượng tinh thể urat được hình thành ngày càng nhiều, chúng lắng đọng tại các cơ quan như khớp, nội tạng và gây ra những bệnh lý cực kỳ nguy hiểm.
Trong đó, nhóm những người có chỉ số acid uric được chia làm 2 dạng:
- Nếu chỉ số acid uric trong máu cao hơn 6 – 7mg/dl nhưng không vượt quá 9mg/dl thì cũng không có gì quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể khắc phục được bằng việc điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt.
- Nếu chỉ số acid uric trong máu cao hơn mức 10mg/dl chắc chắn đây là dấu hiệu báo động sự nguy cấp, cần được điều trị bằng thuốc hay những phương pháp chuyên biệt khác để tránh bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng và khó trị.
Nguyên nhân làm tăng chỉ số acid uric trong máu
Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng chỉ số acid uric trong máu, tuy nhiên để dễ phân loại các chuyên gia đã sắp xếp thành 4 loại chính gồm: do di truyền, tăng sản sinh acid uric, giảm đào thải acid uric và hỗn hợp tăng sinh và giảm đào thải acid uric.
Do yếu tố di truyền
Theo một số các nghiên cứu khoa học cho thấy, các trường hợp mắc hội chứng Lesch-Nyhan chính là nguyên nhân khiến cơ thể khiếm khuyết một loại protein quan trọng có nhiệm vụ loại bỏ acid uric. Lúc này, người bệnh sẽ có nồng độ acid uric cao bẩm sinh và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Do tăng sản xuất acid uric trong máu
Theo thống kê cho thấy có đến 80% trường hợp bị tăng acid uric trong máu do tăng tổng hợp purin, tăng thoái hóa ATP, tăng thoái biến nucleotit. Có nhiều nguyên nhân làm tăng sản xuất acid uric như:
- Do chế độ ăn uống: Người bệnh ăn quá nhiều các loại thực phẩm giàu đạm, thực phẩm chứa nhân purin như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia…
- Do các tổ chức mạch máu bị phá hủy: xảy ra sau khi thực hiện hóa trị liệu, xạ trị các khối u ác tính.
- Do gia tăng chuyển hóa các tế bào: mắc bệnh u lympho, bệnh lơ-xê-mi cấp
- Do thiếu máu, tan máu: mắc bệnh sốt rét, thiếu G6PD, mắc bệnh hồng cầu hình liềm.
- Ngoài ra, những người bị thừa cân béo phì và thường xuyên nhịn đói cũng là nguyên nhân gây ra tăng acid uric.
Do giảm đào thải acid uric qua thận
- Những người mắc bệnh suy thận, các ống thận xa bị tổn thương
- Sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc Aspirin liều thấp, Probenecid và Phenylbutazon liều thấp.
- Những người thường xuyên uống rượu bia cũng làm suy giảm bài tiết acid uric qua thận, giảm tiết urat và tăng khả năng giữ purin từ thức ăn trong cơ thể.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây làm tăng acid uric như phụ nữ mang thai bị nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng cấp, suy thận giáp trạng, ngộ độc chì hoặc những chấn thương khác…
Chỉ số acid uric cao gây ra những bệnh lý gì?
Acid uric cao là “kẻ đầu sỏ” gây ra hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm ở con người như:
Bệnh gout
Tăng acid uric trong máu là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gout. Khi acid uric tăng cao sẽ kéo theo sự liên kết và hình thành các tinh thể muối urat lắng đọng tại các khớp gây bộc phát những cơn đau gout và dần dần chuyển biến nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh sỏi thận
Sỏi thận hay còn được gọi là bệnh sỏi uric được xem là một trong những biến chứng của bệnh gout giai đoạn mạn tính. Các triệu chứng nhận biết bệnh sỏi thận có thể kể đến như xuất hiện những cơn đau quặn thắt tại lưng, hông, lan dần xuống háng, hẹn, cơ quan sinh dục, thậm chí xuất hiện máu trong nước tiểu…
Suy thận mạn tính
Một đặc điểm chung của hầu hết những người mắc bệnh suy thận giai đoạn mạn tính đó là có nồng độ acid uric trong máu cao ngất ngưỡng.
Một số bệnh di truyền
Nồng độ acid uric trong máu tăng cũng được cho rằng có liên quan đến một số bệnh di truyền. Điển hình là hội chứng Lesch-Nyhan, xảy ra do sự thiếu hụt enzyme trong quá trình chuyển hóa purin , từ đó gây ra đột biến nhiễm sắc thể X, khiến quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng đột ngột.
Ngoài ra, việc tăng nồng độ acid uric trong máu cũng liên quan đến căn bệnh Gipke. Bệnh xảy ra do sự rối loạn quá trình giải phóng enzyme glucose 6 phosphatase ở gan. Khi loại enzyme này bị thiếu hụt khiến quá trình gia tăng tổng hợp acid uric tăng lên và gây giảm đào thải chất này tại thận.
Các bệnh lý khác
Một số bệnh lý gây phá hủy tế bào như vẩy nến, lơ-xê-mi…cũng được chỉ ra rằng có liên quan đến việc tăng nồng độ acid uric.
Những đối tượng cần được kiểm tra chỉ số acid uric
Chỉ số acid uric không phải là chỉ số bắt buộc thực hiện trong các bài kiểm tra sức khỏe. Nó thường được chỉ định thực hiện trong một số trường hợp sau:
- Nghi ngờ bệnh gout, sỏi đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
- Xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu trong những trường hợp mắc bệnh ung thư và đang trong quá trình điều trị tiêu diệt tế bào ung thư. Bởi quá trình này thường dễ làm tăng nồng độ acid uric.
- Những người thường xuyên sử dụng rượu bia, thực phẩm giàu đạm, hải sản…
- Để đánh giá công dụng của thuốc hỗ trợ giảm acid uric
- Chẩn đoán bệnh và đánh giá chức năng thận ở những người lớn tuổi.
Cách khắc phục tình trạng nồng độ acid uric cao
Theo các chuyên gia việc điều trị tình trạng tăng nồng độ acid uric phụ thuốc rất lớn vào nguyên nhân gây ra. Nếu như việc tăng nồng độ acid uric trong máu không có biểu hiện hay bất kỳ triệu chứng nào thì không cần phải điều trị. Bởi trong trường hợp này, việc điều trị cũng sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào rõ ràng.
Còn nếu trường hợp bị tăng nồng độ acid uric trong máu là do các nguyên nhân cơ bản đã được xác định rõ ràng thì cần tiến hành điều trị bằng các biện pháp tích cực. Hiện nay, có rất nhiều cách giúp giảm acid uric máu như thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và sử dụng thuốc.
Trong đó, việc điều chỉnh thực đơn ăn uống cũng như lối sống của bản thân thường được áp dụng với hầu hết các trường hợp tăng acid uric thông thường. Còn sử dụng thuốc hỗ trợ chỉ được cân nhắc sử dụng trong những trường hợp tăng nồng độ acid uric đã phát sinh các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
Cụ thể như sau:
Điều chỉnh chế độ ăn uống hằng ngày
Việc ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhân purin, giàu đạm chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Theo một thống kê cho thấy hầu hết những người thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm này đều mắc các bệnh về thận, lắng đọng sỏi ở thận, bệnh gout cao hơn so với những người ăn uống thanh đạm và khoa học.
Vì vậy, để giảm nồng độ acid uric trong máu trước hết người bệnh cần thay đổi thực đơn ăn uống hằng ngày của mình theo nguyên tắc sau:
Hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều purin
Các món ăn giàu đạm như các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt dê…, nội tạng động vật (tim, gan, phèo, cật…), hải sản (tôm, cua, ghẹ…), mỡ động vật, thức ăn nhanh, các loại rau cải giàu purin (nấm, súp lơ, măng tây, đậu nành…)
Tuyệt đối không sử dụng rượu bia
Xét về bản chất, rượu bia không phải là nguyên nhân trực tiếp làm tăng tổng hợp nồng độ acid uric. Tuy nhiên, khi được hấp thụ vào trong cơ thể, các chất trong rượu bia được biến đổi thành acid lactic gây cản tở quá trình đào thải cũng như kích thích tăng quá trình tái hấp thu nồng độ acid uric ở thận. Không những vậy, việc sử dụng rượu bia thường xuyên còn gây những tác động tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương và các cơ quan nội tạng khác như thận, gan, hệ tim mạch…
Không uống nước ngọt có gas
Nước ngọt có gas chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy những người bị thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa, khiến cơ thể tăng tổng hợp và giảm đào thải nồng độ acid uric trong máu.
Không những vậy, nước ngọt có gas còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thận, hàm lượng phosphat cao đẩy nhanh quá trình lão hóa, kích thích thoái hóa khớp và gây ra các cơn viêm đau nhức tại những vùng khớp bị tổn thương. Vì vậy, tốt nhất nên loại bỏ loại thức uống này ra khỏi thực đơn ăn uống hằng ngày để bảo vệ sức khỏe.
Hạn chế ăn muối
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, sử dụng lượng muối quá cao để chế biến thức ăn hằng ngày đối với những người có nồng độ acid uric cao là điều không nên. Mặc dù muối có tác dụng cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, ngăn ngừa huyết áp thấp và tránh được chuột rút nhưng ăn nhiều muối cũng có thể làm tăng sinh hàm lượng albumin đào thải qua đường tiết niệu.
Tình trạng này gián tiếp gây ra ức chế quá trình đào thải acid uric qua thận, tăng hấp thu acid uric vào máu và gây ra các bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thậm chí, thói quen sử dụng nhiều muối, ăn quá mặn còn gây nguy cơ cao mắc bệnh sỏi bàng quang, sỏi thận.
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C
Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, những người bệnh có nồng độ acid uric trong máu cao thì nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt, táo, cherry, quả anh đào, dâu tây, kiwi…
Bởi các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu cung cấp từ 500 – 100mg vitamin C mỗi ngày sẽ làm tăng khả năng giảm nồng độ acid uric trong máu thông qua cơ chế đào thải qua thận.
Ăn nhiều rau xanh
Trong thực đơn ăn uống hằng ngày của những người có chỉ số acid uric trong máu cao tuyệt đối không thể thiếu rau xanh. Nhóm thực phẩm này có chứa rất nhiều các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là hàm lượng chất xơ cực kỳ cao có khả năng kiềm hóa nước tiểu, kiểm soát cân nặng và tăng khả năng đào thải acid uric trong máu, nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Không những vậy, những người thường xuyên ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ còn làm giảm nguy cơ mắ các bệnh như rối loạn chuyển hóa ở người lớn tuổi, hỗ trợ giảm cân hiệu quả, tránh thừa cân béo phì. Thậm chí còn giúp kiểm soát và ngăn ngừa các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, đau dạ dày, viêm đại tràng mạn tính, viêm loét dạ dày tá tràng…
Uống nhiều nước mỗi ngày
Các chuyên gia khuyến khích những người có nồng độ acid uric trong máu cao cần bổ sung nhiều nước hơn so với những người bình thường. Bởi nước có tác dụng kiềm hóa nước tiểu, thúc đẩy sự hoạt động đào thải nồng độ acid uric ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, uống nhiều nước mỗi ngày cũng giúp làm loãng các chất độc hại trong máu và nước tiểu, ngăn chặn nguy cơ hình thành các hạt sỏi urat ở thận, ở đường tiết niệu.
Vì vậy, mỗi ngày hãy bổ sung từ 2.5 – 3 lít nước, tốt nhất là các loại nước có độ pH kiềm và chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho sức khỏe.
Loại bỏ các thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Acid uric là một sản phẩm thoái giáng nhân purin trong thực phẩm, tuy nhiên, không dừng lại ở đó những người có lối sống không khoa học cũng là nguyên nhân làm tăng chỉ số acid uric trong máu.
Chính vì thế, để hỗ trợ giảm acid uric trong máu hiệu quả nhất, người bệnh cần xây dựng một lối sống lành mạnh và khoa học nhất có thể:
- Vận động thường xuyên: Dù là người khỏe mạnh hay những người mắc bệnh thì việc vận động là không thể thiếu. Đối với những người có chỉ số acid uric quá cao thì tốt nhất nên dành nhiều thời gian để tập luyện, vận động cũng như rèn luyện thể dục thể thao từ 15 – 30 phút mỗi ngày. Cách này sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, khắc phục tình trạng rối loạn, kích thích hoạt động đào thải của thận, kiểm soát cân nặng, hạn chế thừa cân béo phì…
- Tuyệt đối không được thức khuya: Ngủ nghỉ đúng giờ, đúng giấc, đảm bảo ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng/đêm và tuyệt đối không thức khuya quá 12 giờ đêm. Bởi thức khuya sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được nghỉ ngơi, đặc biệt là thận bị giảm hoạt động sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất trong cơ thể, từ đó làm tăng chỉ số acid uric trong máu và nước tiểu, từ đó kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
- Không hút thuốc lá và các chất kích thích: Những thói quen này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, các hoạt chất kích thích làm rối loạn chuyển hóa, gián tiếp làm tăng tổng hợp và giảm đào thải nồng độ acid uric trong máu. Vì vậy, nếu bạn là người nghiện thuốc lá, nghiện café thì tốt nhất nên cai càng sớm càng tốt để cải thiện sức khỏe.
- Từ bỏ một số loại thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc Aspirin và một số loại điều trị bệnh khác…cũng là nguyên nhân làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Vì vậy, hãy thông báo cho bác sĩ của mình về việc sử dụng các loại thuốc này để được hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp.
Sử dụng thuốc giảm nồng độ acid uric trong máu
Các loại thuốc chuyên dụng sẽ có tác dụng làm giảm nhanh lượng acid uric dư thừa trong máu và nước tiểu. Tuy nhiên, như đã nói, chỉ những trường hợp tăng nồng độ acid uric máu cao hơn 12mg/dl và gây ra các triệu chứng, biến chứng ảnh hưởng xấu như ảnh hưởng đến tim mạch hoặc có dấu hiệu hủy tế bào quá mức mới được chỉ định sử dụng thuốc vì thuốc Tây luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước.
Hiện nay, các chuyên gia đã phân chia nhóm thuốc có tác dụng làm giảm acid uric làm 3 nhóm nhỏ gồm:
Nhóm thuốc ức chế quá trình tổng hợp acid uric
Đặc điểm của nhóm thuốc này chính là khả năng ức chế enzyme xanthine oxidase, từ đó ngăn chặn quá trình tổng hợp acid uric trong máu hiệu quả. Một số loại thuốc trong nhóm này được sử dụng phổ biến gồm:
- Allopurinol
- Febuxostat
- Topiroxostat
- …
Nhóm thuốc tăng đào thải acid uric
Bên cạnh ức chế tổng hợp thì cơ chế tăng khả năng đào thải nồng độ acid uric trong máu cũng là một cách hữu hiệu để làm giảm acid uric dư thừa trong cơ thể. Với khả năng thải trừ acid uric thông qua hệ bài tiết bằng cách ức chế hình thành URAT 1 (đây là loại enzyme có tác dụng tái hấp thu acid uric trong ống thận).
Nhóm thuốc này thường được sử dụng kết hợp với thuốc giảm ức chế enzyme xanthin oxydase trong những trường hợp khi sử dụng đơn lẻ một loại thuốc không khiến cho acid uric giảm hiệu quả.
Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến trong trường hợp này gồm probenecid, benzbromarone, lesinurad…
Nhóm thuốc phân hủy acid uric
Các loại thuốc phân hủy acid uric có tác dụng cung cấp enzyme uricase ở dạng tái tổ hợp tăng khả năng phân hủy acid uric thành chất allatonin tan trong trước và sau đó đào thải qua thận. Từ đó, có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric nhanh chóng.
Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được chỉ định sử dụng trong những trường hợp tăng acid uric máu gây ra các biến chứng hoặc bệnh lý nghiêm trọng như bệnh gout mạn tính, hình thành hạt tophi…
Thuốc Pegloticase và Rasburicase là 2 loại phổ biến trong nhóm thuốc này.
Hầu hết các loại thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric đều có tác dụng phụ, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc Tây nào khi chưa sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ.
Có thể thấy, acid uric là một chỉ số có khả năng đánh giá sức khỏe và tình trạng bệnh lý của con người. Vì vậy, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hãy báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
*Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán hay chỉ định điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Người có nồng độ axit uric cao nên ăn và kiêng ăn gì?
- 10 Loại thuốc hỗ trợ và điều trị bệnh gout phổ biến hiện nay