[Bác sĩ trả lời] Axit uric trong máu tăng cao có nguy hiểm không?
Axit uric trong máu tăng cao có nguy hiểm không? là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, khi nồng độ axit uric trong máu khiến các tinh thể muối urat lắng đọng trong khớp xương. Đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout.
Tuy nhiên, chỉ khi axit uric trong máu tăng đến một mức nhất định thì mới gây ra căn bệnh này. Axit uric tăng cao thì không hẳn là bị gout mà đây là triệu chứng tăng axit uric trong máu. Nếu bạn đang băn khoăn không biết axit uric trong máu tăng cao có nguy hiểm không thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết này.
Tìm hiểu về tình trạng tăng cao axit uric trong máu
Axit uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin được đào thải qua thận, khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc cơ thể bài tiết quá ít axit uric, khiến chúng tích tụ trong cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng axit uric trong máu. Có một thực tế là rất nhiều người cho rằng cứ tăng axit uric trong máu là mắc bệnh gout. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì trong chẩn đoán bệnh gout, không chỉ có gia tăng axit uric trong máu mà còn kèm theo lắng đọng axit uric gây tổn thương ở khớp và các tổ chức khác.
Thông thường, lượng axit uric trong cơ thể sẽ được giữ ở mức ổn định là dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/l, luôn cân bằng trong quá trình tổng hợp và đào thải các chất này. Một khi làm mất cân bằng giữa hai quá trình tổng hợp và đào thải như tăng tổng hợp axit uric hoặc giảm bài tiết axit uric ra ngoài cơ thể sẽ gây gia tăng nồng độ axit uric trong máu. Khi nồng độ axit uric trong máu ở nam trên 7,0 mg/dl (hoặc trên 420 micromol/l), ở nữ trên 6,0 mg/l (360 micromol/l) đều được coi là tăng axit uric trong máu.
Có thể thấy, tăng axit uric chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành nên bệnh gout.Có rất nhiều người tăng axit uric trong máu nhiều năm nhưng lại không hề có cơn đau gout cấp tính. Cũng có những bệnh nhân gout khi xét nghiệm axit uric có nồng độ axit uric còn thấp hơn bình thường. Đây cũng là lý do mà nồng độ axit uric trong máu tăng không nằm trong tiêu chuẩn được dùng để chẩn đoán bệnh gout.
Axit uric trong máu tăng cao có nguy hiểm không?
Bất kỳ một thành phần nào trong cơ thể khi tăng quá cao hoặc quá thấp đều không tốt. Nếu nồng độ axit uric trong máu tăng cao không chỉ có thể gây lắng đọng muối urat trong khớp dẫn đến bệnh gout mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khác. Có thể kể đến như:
- Gây tăng huyết áp: Theo các nghiên cứu khoa học, những người bị tăng huyết áp tiên phát, khi không được điều trị, thường có tình trạng tăng axit uric trong máu chiếm 25 – 60%, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tỷ lệ này chiếm 90%.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh thận: Tình trạng tăng nồng độ axit uric trong máu còn ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi axit uric tăng sẽ làm tổn thương mạch máu, gây mất cơ chế tự điều hòa của thận, đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân đái tháo đường.
- Ảnh hưởng tới tế bào mạch máu: Như đã đề cập, sự gia tăng nồng độ axit uric trong máu sẽ làm tổn thương mạch máu, ảnh hưởng đến chức năng của tế bào nội mạc mạch máu, nếu kéo dài sẽ gây tổn thương thành mạch.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Gia tăng nồng độ axit uric trong máu còn là yếu tố có giá trị tiên lượng đối với các biến cố tim mạch ở bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành, suy tim.
- Gây bệnh sỏi thận: Sỏi thận hay sỏi uric là một trong những biến chứng của bệnh gout mạn tính với các triệu chứng như đau quặn thắt lưng hông, đau cơ quan sinh dục, xuất hiện máu trong nước tiểu…
Nguyên nhân gây gia tăng axit uric trong máu
Có thể thấy, tình trạng tăng axit uric trong máu rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều bệnh lý khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu mắc bệnh gout mà bị gia tăng axit uric trong máu thì sẽ rất nguy hiểm, khó điều trị. Có nhiều nguyên nhân chính gây ra tình trạng này có thể kể đến như:
- Do suy giảm khả năng bài tiết axit uric ở ống thận tiên phát đa nguyên nhân, đây là nhóm nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm gần 90% các trường hợp. Nhóm này có tính chất gia đình, xuất hiện do ăn nhiều thức ăn chứa nhân purin, khởi phát thường do uống quá nhiều rượu.
- Do tăng tạo axit uric nguyên phát, thường do bẩm sinh, là nhóm nguyên nhân rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1%. Chủ yếu do sự thiếu hụt một phần hoặc toàn phần enzyme hypoxanthine guanine phosphoribosyltransferase hoặc có thể do sự gia tăng hoạt tính của enzyme phosphoribosylpyrophosphate.
- Nhóm nguyên nhân gây gia tăng axit uric thứ phát, thường xuất hiện do cơ thể tăng sản xuất axit uric bắt nguồn từ việc uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn chứa nhân purin (nhất là thịt đỏ như chó, bò, dê, cá biển…). Cũng có thể do thiếu máu tan máu, tăng hủy tế bào trong bệnh đau tủy xương, bệnh bạch cầu, bệnh vảy nến, do dùng hóa chất gây độc tế bào điều trị ung thư.
- Đôi khi, tăng axit uric còn xuất phát từ tình trạng giảm bài tiết axit uric ở thận, nguyên nhân là do bản thân người bệnh bị suy thận mạn tính, nghiện rượu, tăng huyết áp, đái tháo đường bị nhiễm toan ceton nhịn đói lâu ngày hay nhiễm toan lactic ở người nghiện rượu.
- Ngoài ra, sự gia tăng nồng độ axit uric trong máu còn xuất phát từ việc cơ thể giảm bài tiết axit uric do sử dụng thuốc. Thông thường các loại thuốc này là thuốc điều trị lao (ethambutol, pyrazinamid), thuốc lợi tiểu kéo dài (thiazide, furosemide), thuốc axit ethacrynic, axit nicotinic, phenylbutazone liều thấp.
Điều trị gia tăng nồng độ axit uric trong máu
Điều trị tăng axit uric trong máu giúp hạn chế và ngừng các cơn đau cấp tính của bệnh gout. Ngoài ra nó còn giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển biến thành mạn tính có sỏi thận – suy thận, hạt tô-phi. Cách điều trị tăng axit uric như sau:
1. Đối với trường hợp tăng axit uric không triệu chứng
Sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nếu nồng độ axit uric trong máu quá cao. Khi lên đến 10 – 12 mg/dl (khoảng 700 micromol/l), hay khi cơ thể xuất hiện tình trạng sản xuất axit uric cấp tính, thường là trong điều trị hóa trị liệu do bệnh ung thư gây phá hủy nhiều tế bào.
Đôi khi người bệnh sẽ được chỉ định dùng liệu pháp dự phòng ngăn ngừa tình trạng tăng axit uric trong máu. Chủ yếu là để tránh biến chứng suy thận cấp khi các tinh thể muối urat lắng đọng ở ống thận. Các thuốc được sử dụng trong trường hợp này là thuốc tiêu axit uric (enzym uricase – biệt dược Uricozym), thuốc ức chế xanthine oxidase như tisopurine, allopurinol.
2. Đối với trường hợp tăng axit uric xét nghiệm thường xuyên
Nếu tình trạng tăng axit uric trong máu trên 10 mg/dl và được xét nghiệm thường xuyên, không thể cải thiện bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, gia đình có tiền sử bị gout, tăng axit uric khi bị sỏi thận, thận có dấu hiệu tổn thương thì phải dùng thuốc giảm axit uric. Không dùng nhóm thuốc tăng đào thải axit uric như probenecid cho bệnh nhân mắc bệnh thận với các biểu hiện suy thận, có hạt tô-phi, có tiền sử hoặc đang mắc sỏi thận, giảm bài tiết urat qua thận.
Bên cạnh đó, với các trường hợp gia tăng nồng độ axit uric trong máu ở mức độ trung bình, tức là dưới 10mg/dl và không có triệu chứng khác thì có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt. Lúc này, người bệnh chữa cần dùng thuốc để điều trị mà có thể hạ axit uric trong máu bằng các phương pháp tự nhiên.
Làm gì khi gia tăng nồng độ axit uric trong máu?
Nếu tình trạng gia tăng nồng độ axit uric trong máu ở mức độ trung bình, bạn có thể điều chỉnh qua chế độ ăn uống sinh hoạt để đưa nồng độ này về mức cho phép. Cụ thể như sau:
Về ăn uống
Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh gout mà còn giúp kiểm soát và đưa nồng độ axit uric trong máu về ngưỡng bình thường. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh nên:
- Tăng cường sử dụng các thực phẩm có chức năng đào thải axit uric như cherry, dâu tây, dưa leo, cải bẹ xanh, thực phẩm giàu vitamin C, rau cần, bắp cải, bí xanh, củ cải, súp lơ, cải xanh…
- Tăng cường sử dụng nhóm thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, dầu óc chó, dầu hạt lanh, cải bó xôi, rau bina
- Nên dùng tinh bột, thực phẩm giàu carbohydrate; các loại thịt trắng như thịt heo, thịt ức gà, thịt cá sông; ngũ cốc nguyên hạt; các loại trái cây như nho, dưa hấu, táo, lê…
- Nên kiêng các thực phẩm nhiều nhân purin như thịt đỏ, nội tạng động vật; một số loại rau như măng, rau muống, rau mồng tơi, rau mầm, đậu hà lan…
- Kiêng các thực phẩm nhiều chất béo, thực phẩm giàu đạm, nhiều đường, đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ
- Tuyệt đối không uống rượu bia, nhất là bia vì nó chứa rất nhiều nhân purin không tốt cho sức khỏe
- Nên uống 2 – 2,5 lít nước mỗi người để hỗ trợ đào thải axit uric trong máu ra ngoài cơ thể.
Về chế độ sinh hoạt
Khi bị gia tăng nồng độ axit uric trong máu, trong chế độ sinh hoạt người bệnh nên:
- Tập thói quen ngâm chân trước khi đi ngủ để tăng cường lưu thông khí huyết, ngăn ngừa cơn đau do bệnh gout hoặc cơn đau khớp gây mất ngủ
- Nên ngủ sớm, tập luyện thể thao đều đặn nhẹ nhàng để các khớp luôn khỏe mạnh, phòng ngừa tình trạng viêm, đau khớp
- Tuyệt đối không tập luyện khi cơn đau xuất hiện hoặc luyện tập thể dục thể thao với cường độ cao.
Tóm lại, với thắc mắc axit uric trong máu tăng cao có nguy hiểm không thì câu trả lời là có. Tình trạng này không chỉ khiến cơ thể khó chịu mà còn gây ra những mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Gia tăng nồng độ axit uric trong máu có thể có triệu chứng hoặc không, do đó bạn nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường thì nên thăm khám để được điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- Acid uric là gì? Chỉ số acid uric bao nhiêu là bình thường?
- Người có nồng độ axit uric cao nên ăn gì và kiêng ăn gì?