[Hướng dẫn] cách đạp xe đúng cách cho người bị thoát vị địa đệm

Người bị thoát vị đĩa đệm hoàn toàn có thể đạp xe để cải thiện sức khỏe và tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, người bệnh cần đạp xe đúng cách. Có như vậy mới đảm bảo phát huy được tác dụng tốt cho sức khỏe.  Đồng thời, hạn chế các chấn thương có thể xảy ra. Dưới đây là hướng dẫn cách đáp xe đúng cách cho người bị thoát vị đĩa đệm. Hãy cùng tham khảo nhé!

 

thoát vị đĩa đệm có nên đạp xe
Người bị thoát vị đĩa đệm có nên đạp xe không?

Bị thoát vị đĩa đệm có nên đạp xe không?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh lý này xảy ra khi bao xơ của đĩa đệm bị thoái hóa, dẫn đến tình trạng nứt rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài gây tê bì cột sống, đau nhức, ngứa ran ở các chi và giảm khả năng vận động. Nguyên nhân chủ yếu gây thoát vị đĩa đệm là do ảnh hưởng của quá trình lão hóa và một số yếu tố rủi ro như chấn thương, tư thế xấu, biến chứng của gai cột sống,…

Đa phần các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm đều không thể chữa trị hoàn toàn. Các biện pháp điều trị được áp dụng chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh. Do đó các chuyên gia luôn khuyến khích bệnh nhân nên kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lo lắng việc tập luyện – cụ thể là đạp xe có thể khiến cơn đau ở vùng thắt lưng bùng phát. Vậy, người bị thoát vị đĩa đệm có nên đạp xe không?

tư thế đạp xe cho người thoát vị đĩa đệm
Người bị thoát vị đĩa đệm hoàn toàn có thể đạp xe để cải thiện tình trạng sức khỏe

Theo các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm hoàn toàn có thể đạp xe để cải thiện chức năng vận động, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh. Thực tế cho thấy, đạp xe đúng cách mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý về cột sống.

Tuy nhiên theo các bác sĩ, bệnh nhân nên hạn chế đạp xe và tập thể dục trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh (cột sống sưng đỏ, nóng rát và đau nhức nhiều). Trong thời gian này, nên dành thời gian nghỉ ngơi và bất động (nếu cần thiết) để ổn định cấu trúc cột sống, giảm chèn ép dây thần kinh và kiểm soát cơn đau.

Lợi ích của đạp xe đối với bệnh thoát vị đĩa đệm

Đạp xe là môn thể thao phổ biến, dễ thực hiện và phù hợp với mọi độ tuổi. Đối với người bị thoát vị đĩa đệm, môn thể thao này có thể mang đến nhiều lợi ích như:

đạp xe chữa thoát vị đĩa đệm
Đạp xe mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe và có thể hỗ trợ chữa thoát vị đĩa đệm
  • Kiểm soát cân nặng: Như đã biết, thừa cân – béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp. Ở người đã bị thoát vị đĩa đệm, trọng lượng cơ thể quá cao có thể khiến đĩa đệm bị tổn thương nặng và khó phục hồi. Tuy nhiên nếu đạp xe thường xuyên, bệnh nhân có thể kiểm soát cân nặng và làm giảm áp lực lên đĩa đệm bị xơ hóa, nứt rách.
  • Cải thiện chức năng vận động: Đạp xe đều đặn không chỉ giúp giảm mỡ mà còn tăng sức mạnh của các khối cơ – đặc biệt là cơ của chi dưới và cánh tay. Do đó, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện bộ môn này để cải thiện chức năng vận động, giảm tình trạng yếu liệt chi do nhân nhầy chèn ép lên dây thần kinh.
  • Tăng tốc độ phục hồi đĩa đệm: Đạp xe và các bộ môn thể dục đều có khả năng tăng tốc độ phục hồi, tái tạo các cơ quan xương khớp bị tổn thương. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu và chuyển hóa các thành phần thiết yếu – trong đó phải kể đến canxi, vitamin D3.
  • Giải tỏa căng thẳng: Đa phần những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đều gặp phải tình trạng căng thẳng do cơn đau bùng phát thường xuyên, tiến triển dai dẳng và mãn tính. Tuy nhiên, đạp xe thường xuyên có thể kích thích não bộ sản sinh hormone endorphin có khả năng thư giãn, giảm căng thẳng và lo âu rõ rệt.
  • Nâng cao sức khỏe tổng thể: Đạp xe là bộ môn tập luyện đòi hỏi sự phối hợp giữa chân, tay, lưng và mắt. Chính vì vậy, thực hiện bộ môn này thường xuyên có thể nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện chức năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp,…

Vì vậy nếu tập luyện đúng cách, đạp xe có thể hỗ trợ điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, kiểm soát cơn đau và cải thiện chức năng vận động đáng kể.

Hướng dẫn cách đạp xe cho người bị thoát vị đĩa đệm

Khác với người khỏe mạnh, người bị thoát vị đĩa đệm có cột sống suy yếu và dễ bị đau nhức nếu tập luyện không đúng cách. Để đảm bảo lợi ích khi đạp xe và hạn chế cơn đau bùng phát, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

1. Lựa chọn loại xe phù hợp

Điều quan trọng nhất đối với người bị thoát vị đĩa đệm là cần lựa chọn loại xe đạp phù hợp với chiều cao và cân nặng. Bệnh nhân có thể trao đổi với nhân viên tư vấn về tình trạng sức khỏe để được giới thiệu một số dòng xe có kích thước và trọng lượng phù hợp.

Việc sử dụng xe đạp quá nhỏ hoặc quá nặng có thể làm tăng áp lực lên chân, thắt lưng và gây đau nhức trong quá trình tập luyện. Do đó để việc đạp xe mang lại lợi ích như mong muốn, bệnh nhân cần phải lựa chọn loại xe thích hợp.

2. Tư thế đạp xe cho người thoát vị đĩa đệm

Tương tự như các bộ môn khác, bệnh nhân cần đạp xe đúng cách để giảm áp lực lên cột sống và các khớp xương. Đạp xe không đúng tư thế có thể làm giảm hiệu quả mà bộ môn này mang lại hoặc thậm chí gây ra một số tình huống rủi ro.

tư thế đạp xe cho người thoát vị đĩa đệm
Tư thế đạp xe cho người thoát vị đĩa đệm

Hướng dẫn tư thế đúng khi đạp xe cho người bị thoát vị đĩa đệm:

  • Điều chỉnh yên xe cân đối với chiều cao. Cơ thể hơi nghiêng về phía trước, hai cánh tay duỗi thẳng và nắm chắc lấy tay cầm.
  • Đặt bàn chân lên bàn đạp (không sử dụng mũi chân hay gót chân), bụng hơi hóp nhẹ và chú ý phối hợp giữa hoạt động của hông – đầu gối
  • Đạp xe nhịp nhàng, tuyệt đối không đạp quá nhanh khi mới bắt đầu

3. Khởi động trước khi đạp xe

Thông thường, đạp xe không cần phải khởi động như bơi lội và một số bộ môn thể thao khác. Tuy nhiên với người bị thoát vị đĩa đệm, các chuyên gia khuyến khích nên khởi động nhẹ nhàng trước khi luyện tập để giảm đau nhức cột sống, khớp háng và khớp gối.

Người bệnh nên thực hiện một số bài tập có cường độ nhẹ, tác động đến vùng khớp vai, cổ tay, cổ chân, khớp gối, thắt lưng và khớp háng để giúp quá trình đạp xe diễn ra nhịp nhàng, thuận lợi. Ngoài ta, việc khởi động trước khi tập luyện còn giúp tăng độ bền bỉ, giảm đau nhức và mệt mỏi sau khi tập.

4. Chú ý cường độ và thời gian đạp xe

Bên cạnh tư thế đạp xe, cường độ và thời gian tập luyện cũng là yếu tố quan trọng. Đạp xe không đúng cường độ và thời gian có thể khiến khớp xương sưng đỏ, phù nề và kích thích vùng đĩa đệm bị tổn thương bùng phát cơn đau. Theo các chuyên gia, người bị thoát vị đĩa đệm chỉ nên đạp xe từ 10 – 15 phút và có thể tăng dần thời gian tối đa 30 phút.

Trong thời gian đầu, nên đạp xe nhẹ nhàng để làm nóng cơ thể, sau đó có thể tăng tốc độ nhằm tác động toàn diện đến hệ thống xương khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân nên điều chỉnh cường độ và thời gian đạp xe tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Không nên gắng sức quá mức vì tình trạng này có thể khiến tổn thương ở đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.

5. Nên sử dụng đai hỗ trợ để giảm đau

Để giảm áp lực lên đĩa đệm, bệnh nhân có thể mang đai hỗ trợ trong quá trình đạp xe. Biện pháp này giúp giữ cột sống ở trạng thái cân bằng, hạn chế tình trạng đĩa đệm chèn ép lên mô mềm, dây thần kinh và các cơ quan bao xung quanh.

Ngoài ra, việc mang đai hỗ trợ còn giúp cơ thể giữ đúng tư thế khi đạp xe, từ đó mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể và tiến triển của bệnh thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thiết bị bảo vệ đầu gối và khớp khuỷu tay để giảm thiểu chấn thương trong quá trình tập luyện.

6. Kiên trì đạp xe trong thời gian dài

Mặc dù có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng đạp xe chỉ mang lại hiệu quả nên kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Tình trạng tập luyện không đều hoặc không kiên trì đều không nhận thấy cải thiện rõ rệt.

Theo các bác sĩ Cơ xương khớp, bệnh nhân nên kiên trì đạp xe từ 3 – 4 lần/ tuần, mỗi lần dao động khoảng 10 – 30 phút tùy vào tình trạng sức khỏe. Nên đạp xe trong ít nhất 3 – 4 tháng để nhận thấy chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen này lâu dài để cải thiện sức khỏe và kiểm soát tiến triển của bệnh hoàn toàn.

7. Một số lưu ý khác

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên lưu ý một số vấn đề khác như:

tư thế đạp xe cho người thoát vị đĩa đệm
Nên tập luyện cùng với người thân, bạn bè và lựa đoạn đường bằng phẳng để đạp xe
  • Nên lựa chọn đường đi bằng phẳng để giảm áp lực lên khớp gối, khớp háng và thắt lưng. Đạp xe trên những đoạn đường xấu có thể gây sưng đau khớp và khiến nhân nhầy trong đĩa đệm tràn ra bên ngoài, dẫn đến tình trạng đau nhức nặng nề.
  • Chỉ đạp xe xung quanh nhà và ở những nơi có đông người để có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Hoặc bệnh nhân cũng có thể đạp xe cùng với bạn bè và người thân để dễ dàng xử lý khi có các tình huống phát sinh.
  • Nếu đạp xe 1 mình, nên mang theo điện thoại và nước suối để sử dụng khi cần thiết.
  • Trong trường hợp cơn đau bùng phát khi đạp xe, nên ngồi nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau thuyên giảm. Sau đó trở về nhà, nghỉ ngơi trong vòng vài ngày trước khi luyện tập trở lại.
  • Chuẩn bị trang phục và giày có kích cỡ vừa vặn, chất liệu thấm hút tốt để có thể đạp xe thoải mái. Mặc các trang phục bó sát có thể gây khó khăn khi đạp xe, dẫn đến tư thế xấu và làm bùng phát cơn đau ở vùng cột sống.
  • Không nên đạp xe khi bụng quá đói hoặc quá no. Thời điểm đạp xe tốt nhất là sau khi ăn tối khoảng 2 giờ đồng hồ.
  • Đạp xe chỉ thích hợp với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ và trung bình. Trong trường hợp đĩa đệm bị tổn thương nặng, nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có nên đạp xe không?” và một số vấn đề cần lưu ý khi tập luyện bộ môn này. Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể hơn, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.