10+ Cách giảm axit uric trong máu AN TOÀN – NHANH CHÓNG

Để phòng tránh cũng như giảm bớt nguy cơ tái phát của bệnh gout. Hãy tham khảo ngay 10 cách giảm axit uric trong máu vừa an toàn, vừa nhanh chóng như: hạn chế thực phẩm giàu purin, uống đủ nước, kiểm soát cân nặng, bổ sung vitamin C,… 

Cách giảm axit uric trong máu
Giảm axit uric trong máu là cách phòng ngừa và kiểm soát tiến triển của bệnh gout (gút)

10 Cách giảm axit uric trong máu nhanh chóng, an toàn

Axit uric là sản phẩm sau khi chuyển hóa nhân purin trong các loại thực phẩm. Thành phần này có chức năng tăng hoạt động của não bộ, chống oxy hóa và tham gia vào quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, axit uric tăng cao quá mức có thể gây ra bệnh gout và một số bệnh lý có liên quan như sỏi thận, cao huyết áp, tiểu đường,…

Vì vậy ngay khi phát hiện axit uric trong máu tăng cao, bạn cần áp dụng các biện pháp kiểm soát kịp thời để phòng ngừa bệnh gout và một số bệnh lý khác. Đối với những người đã mắc bệnh gout, việc kiểm soát axit uric có thể làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn chặn các cơn gout cấp.

Dưới đây là một số biện pháp giảm axit uric trong máu an toàn, nhanh chóng bạn có thể áp dụng:

1. Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu purin

Có 3 nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tăng axit uric trong máu, bao gồm tăng sản xuất axit uric trong máu, giảm đào thải axit uric qua thận và một số nguyên nhân khác. Trong đó, tăng sản xuất axit uric là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 80%). Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến quá trình sản xuất axit uric tăng lên đáng kể. Trong đó, việc bổ sung quá nhiều thực phẩm purin là nguyên nhân có thể khắc phục một cách dễ dàng.

Khi dung nạp thực phẩm giàu purin, cơ thể phải chuyển hóa purin thành axit uric và đào thải qua đường bài tiết. Tuy nhiên, lượng axit uric tăng lên quá nhanh có thể khiến thận không thể bài tiết hoàn toàn dẫn đến tăng axit uric máu.

cách giảm acid uric trong máu
Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, các loại đậu, trứng cá, nấm,…

Do đó để giảm axit uric trong máu, bạn nên kiêng cử một số loại thực phẩm giàu purin sau:

  • Các loại thịt đỏ và nội tạng như thịt bò, thịt cừu, thịt bê, thịt lợn và các chế phẩm từ thịt như xúc xích, thịt xông khói,… chứa hàm lượng purin khá cao (50 – 150mg purin/ 100g)
  • Các loại hải sản (trừ cá) – đặc biệt là tôm, cua, hàu, vẹm,…
  • Các loại đậu như đậu phộng, đậu xanh, đậu nành, hạt điều, đậu Hà Lan,…
  • Một số loại rau củ như măng tây, rau chân vịt, nấm,…
  • Tránh sử dụng nước mắm và một số loại nước chấm nếu không thực sự cần thiết. Thống kê cho thấy, các loại nước chấm phổ biến với người Việt đều chứa đến 150 – 1000mg purin/ 100g
  • Trứng cá muối, trứng cá tuyết

Việc hạn chế dung nạp thực phẩm giàu purin có thể kiểm soát nồng độ axit uric trong máu hiệu quả. Tuy nhiên, không nên kiêng khem quá mức khiến cơ thể thiếu hụt protein, lipid, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Theo các chuyên gia, người có nồng độ axit uric trong máu cao vẫn có thể bổ sung thực phẩm giàu purin ở mức cho phép. Để được tư vấn cụ thể hơn, bạn nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết/ cơ xương khớp.

2. Bổ sung thực phẩm có khả năng đào thải axit uric

Tất cả các loại thực phẩm – kể cả rau xanh đều chứa purin. Bổ sung lượng purin cân đối giúp cơ thể duy trì nồng độ axit uric vừa phải để đảm bảo hoạt động của não bộ và quá trình trao đổi chất. Trên thực tế, một số loại thực phẩm còn có khả năng kiềm hóa nước tiểu và tăng đào thải axit uric dư thừa qua đường bài tiết.

cách giảm acid uric trong máu
Tăng bổ sung rau xanh, trái cây là một trong những cách giảm acid uric trong máu đơn giản

Vì vậy song song với việc kiêng cử thực phẩm giàu purin, bạn nên bổ sung cùng với các loại thực phẩm có khả năng đào thải axit uric dư thừa như:

  • Rau cần
  • Củ cải trắng
  • Quả anh đào
  • Dưa leo
  • Cải bẹ xanh
  • Rau ngót
  • Rau má
  • Quả lê
  • Dưa hấu

Các loại thực phẩm trên đều chứa rất ít purin, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Đặc biệt, các loại rau và trái cây này còn có khả năng chống viêm và tăng thải axit uric trong máu. Nếu bổ sung thường xuyên, hàm lượng axit uric trong máu sẽ được kiểm soát đáng kể.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung một số loại rau xanh, củ và trái cây khác. Chất xơ các loại thực phẩm này sẽ làm giảm tốc độ hấp thu đạm, từ đó làm giảm hình thành axit uric và tạo điều kiện để thận có thể bài tiết hết axit uric dư thừa.

Đừng bỏ qua: Người mắc bệnh gout nên bổ sung 15+ loại rau quả sau

3. Kiêng cử rượu bia và đồ uống chứa cồn

Rượu bia và đồ uống chứa cồn là các loại thức uống không tốt cho sức khỏe – đặc biệt là với những người đang mắc các bệnh mãn tính. Hơn nữa khi dung nạp cồn (ethanol), cơ thể sẽ chuyển hóa cồn thành các sản phẩm có gốc axit như axit lactic và axit acetic. Các loại axit này sẽ cạnh tranh đào thải với axit uric ở thận dẫn đến tích lũy axit uric dư thừa và làm tăng nồng độ trong máu.

cách giảm acid uric trong máu
Người có nồng độ axit uric trong máu cao nên hạn chế sử dụng rượu bia và đồ uống chứa cồn

Hơn nữa, sử dụng đồ uống chứa cồn thường xuyên còn làm suy giảm chức năng gan và thận – hai cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển hóa và thải trừ. Chức năng của gan và thận suy yếu là nguyên nhân khiến nồng độ axit uric trong máu không ngừng tăng cao. Bên cạnh đó, đồ uống chứa cồn còn kích thích phản ứng viêm đỏ và đau nhức dữ dội ở khớp ngón chân cái.

4. Kiểm soát cân nặng – Cách giảm axit uric trong máu an toàn

Kiểm soát cân nặng là một trong những cách giảm axit uric trong máu an toàn và đơn giản. Theo các chuyên gia, tình trạng thừa cân – béo phì là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa, dẫn đến tình trạng tăng sản xuất axit uric và khiến nồng độ axit trong máu tăng lên đáng kể.

cách giảm acid uric trong máu
Duy trì cân nặng vừa phải giúp hạn chế rối loạn chuyển hóa và phòng ngừa tăng axit uric máu

Hơn nữa, thừa cân – béo phì còn làm tăng áp lực lên gan và thận, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất – bài tiết axit uric. Vì vậy để kiểm soát nồng độ axit uric trong máu, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để giảm cân và cải thiện sức khỏe. Duy trì cân nặng vừa phải giúp quá trình trao đổi chất và chuyển hóa diễn ra thuận lợi, đồng thời hạn chế tình trạng giảm đào thải axit uric và một số sản phẩm của quá trình chuyển hóa khác.

5. Tránh dùng các loại thuốc làm tăng axit uric

Ngoài nguyên nhân do chế độ ăn uống, tăng axit uric máu còn có thể là hệ quả do sử dụng một số loại thuốc. Các loại thuốc này có thể tác động đến quá trình sản xuất hoặc hoạt động thải trừ axit uric, dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng lên đáng kể. Do đó để kiểm soát axit uric máu, bạn cần tránh sử dụng các loại thuốc sau nếu không thực sự cần thiết.

Cách hạ axit uric nhanh nhất
Tránh sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng axit uric trong máu như Aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc trị lao,…
  • Thuốc lợi tiểu: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để điều trị chứng xơ gan, suy tim, suy thận,… Tuy nhiên, sử dụng các loại thuốc lợi tiểu thường xuyên có thể làm giảm bài tiết axit uric qua thận khiến nồng độ axit uric tăng lên đáng kể. Nếu có axit uric cao, bạn nên thông báo để bác sĩ cân nhắc về loại thuốc và liều lượng sử dụng.
  • Aspirin: Aspirin là loại thuốc chống viêm không steroid được sử dụng phổ biến. Thuốc có tác dụng chính là chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc dưới 2g/ ngày, khả năng đào thải của thận sẽ bị cản trở khiến nồng độ axit uric trong máu tăng lên đáng kể. Ngược lại, dùng thuốc ở liều cao không ảnh hưởng đến quá trình đào thải axit uric nhưng có thể gây rối loạn đông máu và xuất huyết dạ dày.
  • Thuốc điều trị lao: Hầu hết các loại kháng sinh được sử dụng để điều trị lao như Ethambutol, Pyrazinamid,… đều có thể làm tăng axit uric trong máu. Hơn nữa, thuốc trị lao đều phải sử dụng trong thời gian dài. Chính vì vậy, nguy cơ tăng axit uric máu trong thời gian dùng thuốc là rất cao. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân chỉnh liều lượng và loại thuốc phù hợp.
  • Một số loại thuốc khác: Các loại thuốc ức chế miễn dịch như Cyclophosphamid, Cylosporin,… làm tăng tốc độ hủy tế bào và giảm hoạt động thải trừ axit uric qua đường tiểu. Do đó, sử dụng các loại thuốc này dài ngày có thể khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao.

6. Bổ sung vitamin C – Cách giảm axit uric trong máu đơn giản

Vitamin C (Ascorbic axit) là loại vitamin cần thiết đối với sức khỏe – đặc biệt là hệ miễn dịch. Bổ sung vitamin C giúp duy trì chức năng đề kháng, cải thiện làn da, xương khớp và làm chậm quá trình lão hóa. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy, loại vitamin này có khả năng kiểm soát nồng độ axit uric trong máu.

Thực nghiệm trên 2 nhóm bệnh nhân, 1 nhóm sử dụng 500mg vitamin C/ ngày và 1 nhóm dùng giả dược trong vòng 2 tháng nhận thấy, nhóm sử dụng vitamin C có nồng độ axit uric trong máu giảm 0.5ml/ dl trong khi nhóm còn lại không có thay đổi rõ rệt. Chính vì vậy, vitamin C cho là có khả năng tăng đào thải axit uric qua thận và hỗ trợ kiểm soát nồng độ axit trong máu.

Trong trường hợp có axit uric huyết thanh tăng cao, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như bưởi, dâu tây, việt quất, dưa hấu,… để cải thiện tình trạng sức khỏe. Ngoài lợi ích đối với việc kiểm soát nồng độ axit uric trong máu, vitamin C còn giúp nâng cao thể trạng và tăng khả năng chống chịu với bệnh tật.

7. Uống đủ nước giúp giảm axit uric

Thận là cơ quan bài tiết axit uric dư thừa qua đường tiểu. Vì vậy, bạn nên uống đủ 2 lít nước/ ngày để thúc đẩy hoạt động thanh thải axit uric của thận. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp phòng ngừa sỏi thận – đặc biệt là sỏi urate (loại sỏi thường gặp ở người tăng axit uric máu trong thời gian dài).

cách giảm acid uric trong máu
Uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày có thể hỗ trợ làm giảm axit uric trong máu

Nếu có thể, nên dùng các loại nước khoáng kiềm để kiềm hóa nước tiểu và tăng khả năng đào thải độc tố của cơ quan bài tiết. Ngoài ra, nước khoáng còn có tác dụng cân bằng điện giải, tăng cường sức khỏe và giảm mệt mỏi.

Tuy nhiên để tránh gây áp lực lên thận, chỉ nên sử dụng 2 – 2.5 lít nước/ ngày và nên chia nước thành nhiều lần nhỏ để uống. Đồng thời nên uống nhiều vào buổi sáng và hạn chế bổ sung nước vào buổi tối vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

8. Kiểm soát căng thẳng

Stress được xem là tình trạng sức khỏe có mối liên hệ mật thiết với bệnh gout và một số vấn đề sức khỏe do tăng axit uric trong máu. Căng thẳng thần kinh ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Mặc dù không tác động trực tiếp đến axit uric nhưng tình trạng này khiến cơ thể thiếu hụt các loại vitamin nhóm B – đặc biệt là vitamn B5 (có vai trò loại bỏ axit uric dư thừa).

Cách giảm axit uric trong máu
Kiểm soát căng thẳng là một trong những cách đơn giản làm giảm axit uric trong máu

Hơn nữa khi bị stress, vỏ tuyến thượng thận sẽ phóng thích ra một lượng lớn hormone cortisol. Lượng hormone được sản sinh quá nhiều có thể làm tăng lượng mỡ dự trữ, tăng huyết áp và tăng đường huyết. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và khiến nồng độ axit uric máu tăng cao một cách đột ngột.

Ngoài ra một số nghiên cứu còn cho thấy, stress làm tăng mức độ nhạy cảm của hệ miễn dịch. Do đó, căng thẳng kéo dài còn có thể gia tăng mức độ sưng đỏ, nóng rát và đau nhức ở khớp. Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến hoạt động não bộ và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

9. Điều trị bệnh lý tiềm ẩn

Ngoài nguyên nhân do chế độ ăn uống, sử dụng thuốc,… tăng axit uric trong máu còn có thể là hệ quả do một số bệnh lý tiềm ẩn như suy cận giáp trạng, nhiễm độc thai nghén, tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm trùng cấp, chấn thương, ngộ độc chì,… Nếu xảy ra do các bệnh lý tiềm ẩn, cần phải tiến hành kiểm soát nguyên nhân mới có thể ổn định nồng độ axit uric trong máu.

Trong trường hợp này, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, nên kết hợp với ăn uống và sinh hoạt điều độ để giảm nhanh axit uric trong máu, cải thiện sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh lý có liên quan.

10. Sử dụng thuốc hạ axit uric theo hướng dẫn của bác sĩ

Trên thực tế, tăng axit uric máu rất ít khi phải sử dụng thuốc – trừ những trường hợp đã phát sinh triệu chứng. Trong trường hợp đã khởi phát cơn đau do gout hoặc có nồng độ axit uric quá cao, bác sĩ có thể chỉ định 1 trong 2 nhóm thuốc hạ axit uric trong máu sau:

  • Thuốc ức chế tổng hợp axit uric: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế enzyme xanthine oxydase, từ đó làm giảm sản xuất axit uric máu. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Allopurinol, Febuxostat, Topiroxostat,…
  • Thuốc tăng thải axit uric: Các loại thuốc này chỉ được dùng khi nhóm ức chế tổng hợp axit uric không mang lại hiệu quả. Nhóm thuốc này có khả năng tăng đào thải axit uric qua thận, từ đó kiểm soát nồng độ axit uric trong máu. Các loại thuốc được sử dụng, bao gồm Lesinurad, Benzbromarone, Probenecid,…

Các loại thuốc hạ axit uric trong máu có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này. Nếu không thực sự cần thiết, nên giảm axit uric trong máu bằng một số cách tự nhiên để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa các tình huống rủi ro.

Bài viết đã tổng hợp 10 cách giảm axit uric trong máu an toàn và nhanh chóng. Tuy nhiên để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, bạn nên tìm gặp và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ dựa vào nồng độ axit uric trong máu và tình trạng sức khỏe để tư vấn hướng khắc phục phù hợp nhất.