[Đừng bỏ qua] Cách phòng ngừa bệnh gout tái phát đơn giản hiệu quả

Các chuyên gia y tế cho biết, cách phòng ngừa bệnh gout tái phát đơn giản hiệu quả đó là nên điều chỉnh thói quen ăn uống. Chế độ sinh hoạt, kiểm soát tối đa tình trạng stress, chấn thương. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc dự phòng của bác sĩ chuyên khoa. 

phòng ngừa bệnh gout
Phòng ngừa bệnh gout tái phát bằng cách nào hiệu quả?

Cách phòng ngừa bệnh gout tái phát đơn giản

Gout (gút) là một dạng rối loạn chuyển hóa thường gặp ở nam giới ở độ tuổi trung niên. Bệnh xảy ra khi nồng độ axit uric (sản phẩm sau khi chuyển hóa purin) trong máu tăng cao. Khi đến một ngưỡng nhất định, axit uric gây hình thành tinh thể muối urat tại khớp ngón chân cái dẫn đến hiện tượng viêm và sưng đau gút dữ dội.

Cho đến hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh gout dứt điểm. Các biện pháp y tế như sử dụng thuốc, phẫu thuật,… chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, tiến triển và hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tái phát. Tuy nhiên, việc dùng thuốc quá thường xuyên có thể gây tổn thương gan, thận và một số cơ quan nội tạng. Vì vậy, bệnh nhân cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác.

Gout là bệnh lý liên quan đến rất nhiều đến thói quen ăn uống và sinh hoạt. Thống kê cho thấy, việc thay đổi lối sống có tác động tích cực đến mức độ triệu chứng và tiến triển của bệnh lý này. Đồng thời có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ bệnh tái phát đáng kể.

Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh gout tái phát hiệu quả bệnh nhân có thể áp dụng:

1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ axit uric trong máu. Thực tế, việc bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu purin là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh gout. Do đó, thay đổi thói quen ăn uống có thể làm giảm axit uric máu và phòng ngừa bệnh gout tái phát hiệu quả.

phòng ngừa bệnh gout
Thay đổi chế độ dinh dưỡng có thể kiểm soát axit uric máu và phòng ngừa bệnh gout tái phát

Chế độ ăn giúp phòng ngừa bệnh gout tái phát:

  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu đạm vì đây là nhóm thực phẩm chứa hàm lượng purin cao nhất. Theo các chuyên gia, chỉ nên bổ sung từ 100 – 150g thịt mỗi ngày để cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất. Đồng thời nên ưu tiên dùng thịt trắng (ức gà, cá,…) thay vì các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, bê, nội tạng động vật,…).
  • Kiêng cử các loại thực phẩm chứa quá nhiều purin như nội tạng động vật, hải sản có vỏ, đậu, các loại hạt, nấm,… Thay vào đó có thể bổ sung đạm bằng một số loại thịt trắng và sữa tách béo.
  • Bổ sung thêm trái cây, củ và các loại rau xanh. Chất xơ trong các loại thực phẩm này có thể làm giảm hấp thu đạm, từ đó hạn chế quá trình sản xuất axit uric và ngăn chặn được tiến triển của bệnh gout.
  • Uống đủ 2 – 2 .5 lít nước/ ngày để thận đào thải axit uric dư thừa qua đường tiểu. Nếu có thể, bạn nên dùng các loại nước khoáng có độ kiềm cao để tăng thải axit uric và hạn chế sỏi urate (sỏi kết tinh từ các tinh thể urat trong nước tiểu).
  • Tuyệt đối không dùng rượu bia, đồ uống chứa cồn và tránh hút thuốc lá. Các thói quen này đều ảnh hưởng xấu đến quá trình đào thải độc tố của thận và làm tăng nồng độ axit uric trong máu.

Chế độ ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến triển của bệnh gout. Tuy nhiên, thực đơn ăn uống hằng ngày còn phụ thuộc vào nồng độ axit uric của từng bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cụ thể.

2. Tập thể dục thường xuyên

Trong giai đoạn bùng phát cơn gout cấp tính, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc để giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên khi cơn đau đã được kiểm soát và khớp giảm viêm hoàn toàn, bệnh nhân nên bắt đầu tập thể dục nhẹ nhàng.

phòng ngừa bệnh gout tái phát
Tập thể dục nhẹ nhàng có thể cải thiện sức khỏe và hỗ trợ phòng ngừa bệnh gout tái phát

Theo các chuyên gia, hoạt động thể chất với cường độ nhẹ giúp kiểm soát cân nặng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, lợi tiểu, ngăn ngừa sỏi urat và giảm các rối loạn trong quá trình chuyển hóa purin (rối loạn chuyển hóa purin là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gout).

Bệnh nhân bị gout nên luyện tập các bộ môn như bơi lội, aerobic, yoga,… Tránh thực hiện các bộ môn có cường độ mạnh như nâng tạ, tennis,… Tập thể dục cường độ mạnh có thể làm tăng axit uric máu và kích thích cơn đau gout bùng phát.

3. Tránh lao động nặng, stress

Thực tế cho thấy, cơn đau gout có thể tái phát do stress và lao động nặng. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng các chuyên gia nhận thấy, lao động nặng và chấn thương có thể làm tăng nồng độ axit uric một cách đột ngột, từ đó kích thích cơn đau gout tái phát.

Căng thẳng thần kinh quá mức cũng là yếu tố gián tiếp làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Đa phần những trường hợp bị stress kéo dài có nồng độ đường huyết cao, huyết áp tăng,… do hormone cortisol được phóng thích quá mức. Sự biến đổi bất thường trong các hoạt động chuyển hóa này đều tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất – thanh thải axit uric và vô tình kích thích bệnh gout bùng phát.

phòng ngừa bệnh gout tái phát
Stress là nguyên nhân gián tiếp kích thích bệnh gout tái phát mà nhiều người bỏ qua

Ngoài ra những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, stress có thể làm mức độ cơn đau do tất cả các nguyên nhân gây ra – kể cả bệnh gout. Vì vậy khi mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân nên kiểm soát căng thẳng và duy trì tâm lý lạc quan, vui vẻ để tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Tăng axit uric máu có thể là hệ quả do sử dụng thuốc lợi tiểu, corticosteroid, thuốc kháng sinh điều trị lao, một số loại thuốc ức chế miễn dịch,… Sử dụng các loại thuốc này dài hạn có thể khiến axit uric máu tăng mạnh và kích thích cơn gout bùng phát. Hơn nữa, dùng thuốc kéo dài còn khiến tinh thể urat tích tụ nhiều ở khớp, dẫn đến hình thành hạt tophi.

Chính vì vậy trước khi dùng thuốc, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân nhắc việc thay đổi loại thuốc khác nếu có thể. Hoặc bác sĩ có thể cân chỉnh liều lượng để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tiến triển của bệnh.

5. Dùng thuốc dự phòng gout tái phát

Trong trường hợp nồng độ axit uric quá cao hoặc các biện pháp trên không mang lại hiệu quả phòng ngừa gout tái phát, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc dự phòng trong trường hợp cần thiết.

phòng ngừa bệnh gout tái phát
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để dự phòng gout tái phát

Một số loại thuốc được sử dụng để phòng ngừa gout tái phát:

  • Colchicine: Colchicine là thuốc giảm đau, chống viêm thường được dùng để điều trị cơn gout cấp. Ngoài ra, thuốc cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa bệnh tái phát. Trong điều trị dự phòng, Colchicine thường được dùng với liều 0.5 – 1mg/ ngày. Tuy nhiên, loại thuốc này chống chỉ định với bệnh nhân bị suy gan và suy thận nặng.
  • Thuốc hạ axit uric trong máu: Có 3 nhóm thuốc hạ axit uric máu là thuốc ức chế tổng hợp axit uirc (thuốc ức chế men xanthine-oxydase), thuốc tăng thải axit uric qua thận và thuốc làm tiêu axit uric. Trong đó, thuốc ức chế tổng hợp axit uric được sử dụng phổ biến nhất vì cho hiệu quả lâm sàng rõ rệt và ít tác dụng phụ hơn so với 2 loại thuốc trên.

Sử dụng thuốc là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp phòng ngừa trên không mang lại hiệu quả. Bởi hầu hết các loại thuốc này đều có thể gây ra không ít rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định bác sĩ. Bên cạnh đó, cần kết hợp với điều chỉnh lối sống để kiểm soát axit uric máu nhằm hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.

Bài viết đã tổng hợp một số cách phòng ngừa bệnh gout tái phát đơn giản và hiệu quả. Thực hiện các biện pháp này thường xuyên có thể hỗ trợ kiểm soát tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể hơn, bệnh nhân nên tìm gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.